Câu chuyện lịch sử của bia Trúc Bạch khởi nguồn từ mẻ bia thử nghiệm thành công vào năm 1958 tại Nhà máy Bia Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Bia Hommel, được thành lập năm 1890. Sau nhiều thách thức và thăng trầm, Nhà máy Bia Hà Nội phát triển thành Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Cái tên Trúc Bạch được ông Võ Tiến Kỹ và ông Lê Văn Ba - hai vị lãnh đạo thời kỳ đầu của Nhà máy Bia Hơi Hà Nội, đặt theo tên của hồ Trúc Bạch - một địa danh nổi tiếng có vị trí gần với nhà máy.
Thời kỳ vàng son của bia Trúc Bạch bắt đầu từ những năm 1990, khi thương hiệu bia này không chỉ là nhãn bia mới thuộc dòng bia cao cấp, mà còn được đóng trong chai và áp dụng công nghệ mới từ Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech ngày nay), cho hương vị hoàn toàn khác với các loại bia truyền thống trước đây. Bia Trúc Bạch tạo nên cơn sốt về một dòng thức uống “thời thượng”, nhanh chóng được tiêu thụ rộng rãi và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh khiến “gã khổng lồ” bia Trúc Bạch không thể giữ vị trí đỉnh cao khi đối mặt với khủng hoảng từ quản lý đến sản xuất và kinh doanh. Thời điểm đó, việc chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh khiến Nhà máy Bia Hà Nội gặp nhiều khó khăn quá trình vận hành. Cộng với trở ngại từ việc nhập khẩu nguyên liệu làm hạn chế năng suất sản xuất, nhà máy Bia Hà Nội không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bia lớn của người dân Hà Nội lúc bấy giờ.
Không chỉ vậy, bia Trúc Bạch còn đối mặt với sự “xâm nhập” của bia Vạn Lực từ Trung Quốc với chiến lược giá rẻ và sức ép từ tình hình kinh tế khó khăn của đất nước khiến dòng bia cao cấp như Trúc Bạch vượt quá khả năng tiêu dùng của người dân. Bia Trúc Bạch dần biến mất khỏi thị trường. Sự "ra đi" của bia Trúc Bạch - một sản phẩm bia đậm chất Việt, do người Việt sản xuất, đã làm những tín đồ yêu thích vị bia đặc trưng này không khỏi tiếc nuối và xót xa.
Ý tưởng cho ngày trở lại của bia Trúc Bạch bắt đầu nhen nhóm từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của HABECO và cũng là ngày chai bia Trúc Bạch đầu tiên được sản xuất. Khi đó, Ban lãnh đạo HABECO có ý định đưa bia Trúc Bạch trở lại thị trường sau hơn 20 năm ngừng sản xuất. Hai năm sau, khi được đầu tư chiến lược "comeback" kỹ lưỡng, bia Trúc Bạch chính thức quay lại thị trường đúng vào thời điểm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong thời khắc tất cả sự chú ý của công chúng đổ dồn vào những sự kiện đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Kinh kỳ, thì việc trở lại của một vị bia truyền thống gắn liền với hương vị tinh túy vốn đã là một phần không thể thiếu của Hà Nội nghìn năm văn hiến nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn. Sản lượng tiêu thụ bia Trúc Bạch có đà tăng trưởng đáng kể từ 278 nghìn lít (2010) lên 2,8 triệu lít (2015). Mặc dù có giá cao hơn hẳn so với các loại bia cao cấp đang bán chạy trên thị trường, sự trở lại của Bia Trúc Bạch vẫn tạo nên sự hiện diện mạnh mẽ và được người tiêu dùng Việt Nam ưu ái đón nhận. Điều này có lẽ bởi những giá trị đặc biệt mà bia Trúc Bạch đã và đang tạo dựng được trong suốt nhiều thập kỷ qua:
Sản phẩm (Product): Bia Trúc Bạch được biết đến là thương hiệu bia Việt cao cấp mang hương vị nguyên bản tinh túy, có quá trình lên men tự nhiên dài ngày, lâu gấp 2 - 3 lần so với các loại bia thông thường. Các nghệ nhân ủ bia của hãng đã chọn lọc và tính toán chuẩn xác thời điểm vàng bổ sung thêm hoa bia Saaz - một trong bốn loại hoa bia quý tộc của thế giới được trồng duy nhất tại thung lũng Zatec (Cộng hòa Séc), vào bồn nấu và điều chỉnh nhiệt độ sôi ở mức phù hợp nhất để mang tới hương thơm thảo mộc ấm áp cùng hương vị đắng nhẹ lúc đầu rồi chuyển sang hậu vị ngọt dịu quen thuộc với gu thưởng thức của số đông người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ công đoạn này, bia Trúc Bạch vẫn giữ được chất lượng và hương vị đồng nhất từ mẻ bia đầu tiên cho đến bây giờ.
Giá cả (Price): Định vị thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp cả về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm, ngay từ đầu, bia Trúc Bạch đã thiết lập một chiến lược giá cao thay vì sử dụng chính sách giá thấp. Khi quay trở lại trường, bia Trúc Bạch vẫn giữ vững đẳng cấp của vị bia tinh túy, đắt đỏ và phù hợp với khẩu vị của người Việt mà thương hiệu đã làm được trong suốt thời kỳ đầu, chính vì vậy người tiêu dùng một lần nữa lại bị dòng bia đắt đỏ này chinh phục và không ngại bỏ ra một mức chi phí cao để thưởng thức hương vị gợi nhớ về Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Phân phối (Place): bia Trúc Bạch được phân phối rộng rãi và dễ dàng tìm thấy ở các kênh uy tín và đáng tin cậy bao gồm các cửa hàng bán lẻ, đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, sản phẩm còn được phân phối trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada,... và các kênh bán hàng online giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Bằng việc xây dựng hệ thống phân phối rộng rãi đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên khắp Việt Nam, bia Trúc Bạch một lần nữa tạo nên sự hiện diện mạnh mẽ trong tâm trí người tiêu dùng.
Quảng bá (Promotion): Lựa chọn quay trở lại thị trường với slogan “Trúc Bạch – Kiệt tác bia" vào thời điểm đúng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho bia Trúc Bạch thu hút sự quan tâm của người tiêu và tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường. Kết hợp với việc quan sát và nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng, thương hiệu cũng nhanh chóng cải tiến bao bì sản phẩm để phù hợp với xu hướng chung. Lần thay đổi đầu tiên vào năm 2014, nhãn mới có màu ánh bạc nổi bật và logo quen thuộc của thương hiệu. Bốn năm sau, thương hiệu tiếp tục “thay áo mới” nhân dịp 60 năm ra đời sản phẩm bia Trúc Bạch, bộ nhận điện được thiết kế dọc theo chiều cao giúp chai bia Trúc Bạch trở nên khác biệt và nổi trội hơn. Bên cạnh đó sắc xanh chủ đạo cũng chính là màu của cỏ cây, thể hiện sự thân thiện hơn nữa với môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững. Không dừng lại ở đó, bia Trúc Bạch còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các kênh quảng cáo truyền thống bênh cạnh các kênh quảng cáo trực tuyến mới để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng. Bia Trúc Bạch cũng sở hữu một fanpage trên Facebook để tương tác và kết nối với khách hàng, đồng thời xây dựng nội dung và hình ảnh chia sẻ thông tin sản phẩm thú vị. Ngoài ra, thương hiệu cũng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada để tăng cường việc tiếp cận và bán hàng trực tuyến.
Niềm vui được thưởng thức lại vị bia gắn liền với văn hóa và không gian thân quen gần gũi của bao thế hệ người Hà Nội là một trong những yếu tố phản ánh nhu cầu lựa chọn và đón nhận sản phẩm của người tiêu dùng hiện nay. Thay vì chỉ tìm kiếm những sản phẩm mới, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng hoài niệm về những sản phẩm gắn với những kỉ niệm sâu sắc, quen thuộc. Và họ sẽ đánh giá cao cũng như sẵn lòng đón nhận nếu thương hiệu đó vẫn giữ được những giá trị đặc sắc vốn có từ trước.
Sự trở lại đầy ngoạn mục của bia Trúc Bạch - một trong những thương hiệu bia nội cao cấp đầu tiên của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người tiêu dùng yêu thích hương vị đậm nét văn hóa Kinh kỳ. Trong 10 năm trở lại đây, doanh thu từ sản phẩm bia Trúc Bạch cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của HABECO trong phân khúc cao cấp ở thị trường phía Bắc. Tuy nhiên, để bia Trúc Bạch có thể chinh phục được đông đảo người dùng trên toàn quốc và trở về vị thế vàng son trước đây là thách thức lớn với HABECO, nhất là với bối cảnh các thương hiệu bia ngoại đang rượt đuổi khốc liệt trong cuộc đua thống lĩnh thị phần trong những năm gần đây.
Một chiến lược tiếp cận sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh, tích hợp công nghệ và các xu hướng tiếp thị hiện đại sẽ là những yếu tố quan trọng trong hành trình tìm lại vị thế vàng son một thời của bia Trúc Bạch.
© Advertising Vietnam - All rights reserved