Công nghiệp quảng cáo và biến đổi khí hậu những tưởng là hai vấn đề không đả động gì tới nhau. Thế nhưng trong bài viết mới nhất của The Drum, ông Ty Montague, Chủ tịch của Purpose Officer nói rằng quảng cáo không chỉ góp phần gây ra biến đổi khí hậu, mà tác động của nó thậm chí còn nghiêm trọng và khó giải quyết hơn thế nữa. 


Quảng cáo đang “tiếp sức” cho biến đổi khí hậu


Số liệu khảo sát của The Guardian cho thấy trung bình mỗi người tiếp xúc từ 4.000 - 10.000 quảng cáo hằng ngày. Con số tiêu thụ khủng này thậm chí còn gây ra “brain pollution” (Tạm dịch: Ô nhiễm trí não) - một trạng thái làm ảnh hưởng đến tư duy và xu hướng tiêu thụ của người tiêu dùng. “Với tần suất xuất hiện dày đặc, các thương hiệu trở nên thân thuộc và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lựa chọn của mọi người”, Andrew Simms, Tác giả bài viết “Ngành công nghiệp quảng cáo đang gián tiếp gây ra thảm họa toàn cầu” xuất bản trên The Guardian cho biết. Có lẽ, đây cũng là điểm khởi đầu cho những mối liên quan sau này giữa quảng cáo và xu hướng tiêu thụ của người dân. 


Tạp chí Forbes nhận định rằng người tiêu dùng đang có xu hướng mua nhiều hơn nhu cầu cần thiết. “Các báo cáo chỉ ra rằng ngày nay con người tiêu thụ gấp đôi của cải vật chất so với 50 năm trước”, tờ tạp chí viết. Ngành công nghiệp quảng cáo với bản chất là khuyến khích mua sắm và tiêu dùng không thể tránh khỏi liên can. “Mỗi người xem 5.000 quảng cáo mỗi ngày. Và tất cả chúng đều cùng nói về một thứ: Cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn mua thứ mà hãng của tôi đang bán. Việc nghe thông điệp này nhiều lần và ở nhiều góc độ khác nhau khiến não bộ người tiêu dùng tin vào nó. Nếu không mua sắm, họ không chịu được, họ thấy cuộc đời chưa trọn vẹn lắm", Forbes viết.


Suy cho cùng, hầu hết các thương hiệu đều có một thông điệp giống nhau: Cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn mua thứ mà hãng của tôi đang bán. 


Nhiệm vụ của quảng cáo là giúp thương hiệu quảng bá sản phẩm và xây dựng hình ảnh, đích đến cuối cùng là thuyết phục người tiêu dùng rút tiền khỏi ví. Chính vì lí do này, ông Ty Montague nghĩ rằng, dù vô tình hay cố ý thì giới quảng cáo cũng đang “tiếp sức” cho biến đổi khí hậu. “Quảng cáo đang gián tiếp tạo ra sự quá tải. Hiểu nôm na, Trái Đất có một trọng tải giới hạn, và kể từ năm 1971 lượng tiêu thụ của loài người đã vượt quá khả năng chịu đựng của hành tinh. Tất cả những tài nguyên mà chúng ta đang dùng mỗi ngày đây, đều là “đục khoét” từ kho dự trữ vốn dành cho chính con cái, cháu chắt của chúng ta sau này”, ông Ty Montague nói.


Thế nhưng, không dễ để giới quảng cáo chịu nhìn thẳng vào vấn đề này, vì có một tình thế “tiến thoái lưỡng nan" ở đây. “Xe điện? Năng lượng tái tạo? Tái chế? Mua sắm tại địa phương? Ăn uống thuần chay? Sống xanh? Chẳng ích gì. Ý tôi là, chúng đều là những nỗ lực đáng khen, nhưng không phải là giải pháp triệt để đối với vấn đề quá tải này. Muốn giải quyết nó, người tiêu dùng buộc phải thẳng tay giảm tốc độ tiêu thụ và mua sắm", ông Ty Montague cho biết. Điều lấn cấn ở đây là, nếu khách hàng giảm mua sắm, doanh nghiệp không quan tâm đến tiếp thị, vậy chẳng khác nào giới quảng cáo đang khai tử… chính mình? 


Muốn giải quyết vấn đề quá tải, người tiêu dùng buộc phải thẳng tay giảm tốc độ tiêu thụ và mua sắm.


Giải pháp là cấm luôn quảng cáo?


Trong bài viết đăng tải trên The Drum, ông Ty Montague bắt đầu với lập luận: Trong nền công nghiệp quảng cáo, đã có nhiều sản phẩm bị hạn chế tiếp thị vì những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Chẳng hạn, nếu thuốc lá gây hại, chúng ta có luật cấm quảng cáo thuốc lá ở một số quốc gia. Nếu định kiến giới đang gây chia rẽ, chúng ta có quy định chống khuôn mẫu trong quảng cáo. Vậy nếu quảng cáo đang “tiếp sức" cho biến đổi khí hậu - một vấn đề nguy hại và cấp bách, vậy chúng ta có “cấm” quảng cáo không? 


Nếu biệt tài của quảng cáo là thuyết phục người khác thực hiện một hành động, thì có lẽ đã tới lúc giới quảng cáo nên tận dụng sức mạnh của mình để thay đổi thói quen tiêu dùng người dân. 


Theo ông Ty Montague, lệnh cấm quảng cáo có lẽ là một giải pháp không tưởng và quá tiêu cực. “Điều chúng ta cần làm lúc này là đặt quy tắc không nhận quảng bá cho các sản phẩm không thực sự giải quyết vấn đề cho người dùng. Thay vì dùng óc sáng tạo để thuyết phục người khác mua một món đồ thừa thãi, tại sao không dùng nó để xây dựng một thị trường mua sắm bền vững và thân thiện hơn?”, ông Ty Montague nói. 


Nên đặt quy tắc không nhận quảng bá cho các sản phẩm không thực sự giải quyết vấn đề cho người dùng. 


Tình trạng quá tải xuất phát từ văn hoá tiêu dùng của người dân. Nếu biệt tài của quảng cáo là thuyết phục người khác thực hiện một hành động, thì có lẽ đã tới lúc giới quảng cáo nên tận dụng sức mạnh của mình, theo chia sẻ của ông Ty Montague. 


Tất nhiên, đây không phải là cách chấm dứt tình trạng quá tải. Nhưng ít ra là bước đầu tiên, là điểm khởi đầu trong hành trình chịu trách nhiệm của giới quảng cáo. 


Hằng Trần