Quá trình sáng tạo thông thường sẽ bắt đầu từ một ý tưởng lớn (big idea) sau đó là khâu thực thi, phát triển ý tưởng bằng các kỹ thuật sáng tạo (execution). Còn đối với Deck Of Brilliance - chuyên trang về quảng cáo được thành lập bởi cựu Giám đốc Sáng tạo Ogilvy Việt Nam - thì “đôi lúc, việc thực thi lại chính là ý tưởng”. 


Với cách thức thực thi sáng tạo, một hình ảnh quen thuộc trong đời sống có thể trở nên độc đáo và lạ lẫm hơn trong quảng cáo. Từ đó, sản phẩm quảng cáo thành công thu hút sự chú ý của công chúng mục tiêu nhờ vào sự khác biệt. Thủ thuật sáng tạo này được gọi là “make the familiar unfamiliar” (tạm dịch: biến quen thành lạ) và có thể được thể hiện qua năm yếu tố trong quảng cáo, bao gồm âm thanh (tiếng động, âm nhạc); thiết kế (màu sắc, phong cách); bối cảnh (sân khấu, địa điểm); kỹ thuật quay (nhịp độ phim, góc quay, công nghệ quay) và kích cỡ (độ lớn, tỷ lệ của vật thể).


Cùng tìm hiểu 5 chiến dịch quảng cáo áp dụng thành công thủ thuật “biến quen thành lạ” qua bài viết dưới đây!


1. Âm thanh 


Hướng dẫn an toàn bay là thông tin cơ bản luôn được phổ biến trước mỗi chuyến bay. Thế nhưng, chẳng mấy khách hàng mảy may để ý. Vào năm 2013, hãng hàng không Virgin America đã thành công thu hút đến 6 triệu người xem video hướng dẫn an toàn chỉ trong 2 tuần, dù họ không… thật sự chuẩn bị cất cánh cho bất kỳ chuyến bay nào. Virgin America đã làm thế nào?


Với ý tưởng biến nội dung hướng dẫn an toàn có phần khô khan và nhàm chán trở nên hấp dẫn và giải trí hơn, Virgin America đã sáng tạo đoạn video dài 5 phút mô phỏng một sân khấu âm nhạc ngay trong khoang hành khách. Nội dung hướng dẫn an toàn được phổ thành một bài hát bắt tai, pha trộn nhiều thể loại như nhạc kịch, rap, jazz,... Bên cạnh phần nghe, khán giả cũng được thoả mãn phần nhìn bởi bài dựng vũ đạo kỳ công từ 36 vũ công. Họ tận dụng những vật dụng quen thuộc trên máy bay như ghế, dây an toàn, mặt nạ dưỡng khí, áo phao,... làm đạo cụ, từ đó diễn tả hướng dẫn an toàn bay một cách trực quan nhưng vẫn thu hút và gần gũi với người xem. Bài viết trên Forbes đánh giá: “video hướng dẫn an toàn bay của Virgin America mang đến cho khách hàng trải nghiệm độc đáo và hoàn toàn khác biệt".


Nhờ áp dụng âm nhạc bắt tai cùng hình ảnh bắt mắt, video hướng dẫn an toàn bay của Virgin America thu hút công chúng một cách tự nhiên


2. Thiết kế


Tại Argentina, mỗi người dân tiêu thụ trung bình 12 gram muối mỗi ngày, con số này cao gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Do thói quen “ăn mặn”, có đến 30% cư dân của nước này bị huyết áp cao. Để nâng cao nhận thức của công chúng về việc sử dụng muối, agency Grey Argentina đã kết hợp cùng tổ chức khoa học Fundación Favaloro ra mắt chiến dịch “The Salt You Can See” (tạm dịch: Muối ăn mà bạn nhìn thấy được). 


Với ý tưởng biến loại gia vị “tinh khiết, vô hình” trở nên “hữu hình” trong mắt công chúng, chiến dịch tạo ra 4 lọ muối với màu sắc độc đáo: hồng, xanh lá, xanh dương và tím. Mục đích là giúp khách hàng nhìn thấy được lượng muối họ đang cho vào món ăn, từ đó điều chỉnh liều lượng ở mức hợp lý.


Bốn lọ muối với giao diện và màu sắc "độc nhất vô nhị"


Chiến dịch thu về hơn 16 triệu lượt hiển thị. Hashtag #salfie (chụp ảnh tạo dáng cùng lọ muối) trên Instagram cũng nhận được sự hưởng ứng của hơn 100 người nổi tiếng. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng, công ty sản xuất muối lớn nhất Argentina đã ngỏ lời phân phối sản phẩm để gây quỹ. The Salt You Can See đạt giải đồng tại Clio Award 2015.


The Salt You Can See biến loại gia vị "tinh khiết, vô hình” trở nên “hữu hình” trong mắt công chúng


3. Bối cảnh


Năm 2010, đoạn phim ngắn 1 phút 28 giây nâng cao nhận thức về việc thắt dây an toàn đã trở thành một hiện tượng quốc tế. Phim ngắn này ghi dấu ấn ở hầu hết các giải thưởng sáng tạo và quảng cáo bao gồm: Quảng cáo của năm trên YouTube, Giải thưởng Quảng cáo Quốc tế Cannes, Giải thưởng Quảng cáo Quốc tế New York, Giải thưởng Nhà sản xuất Quảng cáo (APA),... Đến nay, đoạn video đã nhận về hơn 20 triệu lượt xem trên YouTube.


Khác với những video tuyên truyền thông thường, phim ngắn của Embrace Life được thực hiện theo hình thức slowmotion (chuyển động chậm), mô phỏng một buổi biểu diễn trong nhà. Trong video, người bố chính là nhân vật chính đang lái xe, còn mẹ và con gái là khán giả đang dõi theo phần trình diễn. Buổi biểu diễn vẫn suôn sẻ cho đến nửa video. Dường như nhận ra tín hiệu nguy hiểm, mẹ và con gái chạy đến bên người bố, vòng tay qua người và tạo thành một chiếc dây an toàn để giữ người bố lại ghế và bảo vệ ông khỏi tai nạn. 


Phim ngắn nâng cao nhận thức về thắt dây an toàn và tai nạn giao thông lại lấy bối cảnh... trong nhà thay vì ngoài đường hay trên xe ô tô như những video tuyên truyền thông thường


Biên kịch, Đạo diễn Daniel Cox chia sẻ về bối cảnh ghi hình: “Việc chọn quay câu chuyện bên trong phòng khách nhầm ẩn dụ cho công năng của ô tô - bảo vệ người sử dụng khỏi thế giới ‘bên ngoài’. Để tạo cảm xúc cho câu chuyện, kỹ thuật quay slowmotion được sử dụng. Chúng tôi muốn khán giả có thời gian hòa mình vào thế giới của bộ phim và hoá thân thành nhân vật chính của câu chuyện.”


4. Kỹ thuật quay


Trong các TVC, người xem thường bắt gặp một số góc máy cơ bản như bird’s-eye view (toàn cảnh nhìn từ trên xuống), ant’s-eye view (góc thấp từ dưới lên) hay fish’s-eye view (quay dưới mặt nước),... Vào năm 2017, nhóm cư dân tại Faroe đã sáng tạo ra một góc quay mới mang tên “sheep view” trong chiến dịch giới thiệu về quốc đảo của mình. 


Quốc đảo Faroe nằm giữa Iceland, Na Uy và Scotland, có tổng diện tích chưa đến 1.400 km vuông và là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người. Tại thời điểm triển khai chiến dịch, Faroe vẫn chưa được hiển thị trên Google Street View bởi hòn đảo này khá hẻo lánh và cách xa đất liền. Với nguồn nhân lực hạn chế, nhóm thực hiện dự án đã quyết định tận dụng… 70.000 chú cừu - nhóm “cư dân” đông nhất trên hòn đảo này để ghi lại từng ngóc ngách của Faroe. 


Khi những chú cừu trở thành nhiếp ảnh gia "bất đắc dĩ"


Qua đó, chị Andreassen cùng cộng sự đã sáng chế một máy quay 360 độ chạy bằng năng lượng mặt trời và có thể đeo vào cơ thể những chú cừu. Chỉ bằng việc đi bộ xung quanh đồng cỏ và những con đường mòn, những “nhiếp ảnh gia bất đắc dĩ” này đã mang đến nhiều ảnh chụp thực tế về hòn đảo Faroe. Andreassen đăng tải hình ảnh này lên blog của mình với mục đích giới thiệu phong cảnh thiên nhiên của Faroe đến bạn bè quốc tế. Kết quả chiến dịch đã tiếp cận hơn 2 tỷ người với ngân sách media 0 đồng. Trong vòng 2 tuần, lượng khách du lịch Faroe tăng đột biến khiến khách sạn và địa điểm nghỉ dưỡng phục vụ hết công suất. Đội ngũ nhân sự của Google Street View cũng đã “hạ cánh” Faroe để chụp ảnh và đưa thông tin lên bản đồ của Google. 


Chiến dịch thành công thu hút lượng lớn khách du lịch đến Faroe với ngân sách media 0 đồng

 

5. Kích cỡ


Dịp Giáng sinh mỗi năm, ông già Noel là nhân vật luôn được những đứa trẻ mong chờ. Thế còn người lớn thì sao? Để tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, đều được tận hưởng niềm vui mùa Giáng sinh, Coca-Cola khởi động chiến dịch “Big Santa”. Thương hiệu đã bố trí hai ông già Noel tại trung tâm mua sắm của Argentina. Một ông già Noel ở kích thước bình thường dành cho trẻ nhỏ và một ông già Noel “siêu to khổng lồ” cao 2,19 mét dành cho người lớn. 


Thông qua chiến dịch, thương hiệu mong muốn “làm cho người lớn trẻ lại và giúp họ tận hưởng niềm vui như những cô cậu bé nhân dịp Giáng sinh.” 


Có một ông già Noel "siêu to khổng lồ" dành cho người lớn trong chiến dịch của Coca-Cola


Theo Deck Of Brilliance

Lý Tú Nhã