Việc chuyển đổi sáng tác nhạc từ công nghệ analog sang âm thanh kỹ thuật số đã làm thay đổi ngành âm nhạc một cách cơ bản. Quá trình số hóa âm nhạc làm tăng khả năng tiếp cận lĩnh vực sáng tác cho nhiều đối tượng khác nhau, dẫn tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt.


Xu hướng và sự mất cân bằng


Sáng tác nhạc, giờ đây không còn là việc viết các nốt nhạc trên một bản thảo. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc laptop và vài phần mềm chuyên dụng. Mỗi ngày, hàng ngàn ca khúc được tạo ra trên toàn thế giới theo cách này. Mỗi ngày, những nhạc sĩ mới lại nổi lên. Để có thể tồn tại được trong môi trường khốc liệt ấy, một xu hướng mới đã ra đời: xu hướng hợp tác - không phải giữa một hay hai người, mà là giữa hàng chục nghệ sĩ khác nhau.


Những ca khúc nổi tiếng như: Despacito của Luis Fonsi, thank u, next của Ariana Grande, Boy With Luvcủa BTS là thành quả hợp tác của từ 5 đến 10 nghệ sĩ. Mỗi người trong số đó đều chuyên về một khâu nhất định, từ soạn nhạc, viết lời bài hát, thêm giai điệu và giải quyết các vấn đề kỹ thuật... Sự cạnh tranh đã góp phần mang lại tính chuyên môn hóa cao này, và các nghệ sĩ không ngừng trau dồi tài năng, kỹ năng với hy vọng tìm được một chỗ đứng trong làng nhạc.


Tuy nhiên, sự hợp tác này tồn tại những hạn chế riêng. Các nghệ sĩ hiếm khi kết hợp bên ngoài “nhóm” của họ - khiến cho ngành âm nhạc dường như mang tính chất của một “liên minh độc quyền”. Điều này đồng nghĩa, những người sáng tác nghiệp dư gần như không có cơ hội phổ biến ca khúc. Ngay cả khi họ may mắn vượt qua rào cản và bán được ca khúc, thì họ cũng gặp nhiều thiệt thòi do việc phân chia tiền bản quyền không công bằng. Các nhạc sĩ và nhà sản xuất (NSX) có triển vọng vẫn tiếp tục bị đối xử bất công.


May mắn thay, blockchain xuất hiện với một ví dụ điển hình đến từ Hàn Quốc.


K-Tune, một nền tảng mới do một chuyên gia tài chính và một NSX nhạc của K-pop thành lập, tìm kiếm các giải pháp để các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới có thể đóng góp tài năng cho K-pop, nơi đã tạo dựng nên tên tuổi của Big Bang, PSY và bây giờ là BTS. Trên K-Tune, người dùng có thể tìm đối tác, mở dự án và mua lại bất kỳ thành phần của một bài hát, từ nhạc, giai điệu cho tới lời bài hát, giọng hát, v.v. Nó mang đến cho những người nghiệp dư cơ hội được làm việc với các chuyên gia, các nghệ sĩ có tên tuổi.


Sức mạnh của sự hợp tác còn được tăng lên khi một nhóm các NSX và nhà sáng tác nhạc nổi tiếng của K-pop (được gọi là “Master”) sẽ hướng dẫn và trợ giúp mọi người trong quá trình sản xuất âm nhạc, từ kỹ thuật cho đến việc bán tác phẩm, thậm chí mời những người có tài tham gia vào các dự án chất lượng cao hơn. Theo cách như vậy, những “Master” trên K-Tune đã sản xuất các bài hát và bán cho các nghệ sĩ, ban nhạc lớn của K-pop như EXO, TWICE, IZ * ONE, GOT7, Beast…


Những tiềm năng hứa hẹn


Công nghệ blockchain vẫn có những nhược điểm của riêng nó, nhưng khi ứng dụng vào lĩnh vực âm nhạc, rõ ràng rất hứa hẹn. K-Tune đã dần vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc và ngày càng có nhiều nghệ sĩ trên thế giới muốn tham gia, bất chấp những khó khăn do rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý. Điều đó có được nhờ vào cách phân chia lợi nhuận công bằng. Bất cứ ai nào có tài năng sáng tác đều có thể hợp tác với một tài năng khác, sau đó bán tác phẩm của họ cho một hãng thu âm. Phần lợi nhuận sẽ được phân chia một cách hợp lý thông qua blockchain.


Giống như trường hợp của K-Tune, khi cùng nhau sáng tác âm nhạc, những nghệ sĩ và NSX trước hết phải phải đạt được sự đồng thuận về việc phân chia lợi nhuận, thông qua các hợp đồng thông minh (smart contract). Hợp đồng này cũng giúp khâu thanh toán diễn ra nhanh hơn so với phương thức truyền thống, giúp các nghệ sĩ nhận tiền bản quyền trực tiếp một cách minh bạch và tự động. Nó cũng giúp việc kiểm toán tiền bản quyền dễ dàng hơn vì ít phải xử lý thủ công.


Việc phê duyệt bản quyền cũng sẽ thuận lợi hơn nhờ công nghệ mới. Hiện tại, trong ngành âm nhạc thế giới, một trong những thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực tác quyền là không có một kho dữ liệu tập trung để mọi người có thể dễ dàng xin cấp phép. Chẳng hạn, các DJ thường phối lại nhạc (remix). Nếu xin phép, họ phải tìm nhà sản xuất, chủ sở hữu chính, rồi xác định xem nghệ sĩ đó có phải là người được phép phê duyệt bản quyền hay không… Đó là một hành trình đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Trong khi với kho dữ liệu tập trung nhờ công nghệ blockchain, mọi việc được giải quyết chỉ bằng một nút bấm…


Và dù chưa được áp dụng một cách phổ biến, nhưng blockchain đang nắm giữ trong tay rất nhiều công cụ tiềm năng, nhằm phá vỡ các rào cản cố hữu trong ngành âm nhạc, giúp giảm chi phí, đem lại hiệu quả cao hơn và thu nhập tốt hơn cho các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là, liệu nó có giúp họ tạo ra những ca khúc “để đời”?

Nguồn: Lam Nguyên - Doanh Nhân Sài Gòn