Thiết kế bộ nhận diện có tính nhất quán sẽ vạch ra tầm nhìn dài hạn cho thương hiệu. Để làm được điều này, thương hiệu cần sở hữu Brand Style Guide - một trong những tài liệu thiết yếu để đảm bảo sự đồng điệu về mặt phong cách, từ đó lưu giữ dấu ấn trong tâm trí khách hàng.


Hướng dẫn phong cách cho Thương hiệu (Brand Style Guide) là gì?


Brand Style Guide tập hợp các tiêu chuẩn khi đưa hình ảnh của một tổ chức ra công chúng. Chẳng hạn như cách lựa chọn logo, phông chữ, màu sắc, nhiếp ảnh… với mục đích duy trì sự nhất quán về mặt trực quan khi có rất nhiều đối tượng khác nhau cùng làm việc trong tổ chức đó (bộ phận khách hàng, marketing, designer).


Tầm quan trọng của Brand Style Guide


Theo bạn, điều gì giúp một công ty có thể nổi bật trên thị trường đầy rẫy sự cạnh tranh như ngày nay? Sản phẩm hay dịch vụ mà họ cung cấp? Hay là nhờ chính sách giá và cách giao tiếp với khách hàng? Câu trả lời bao gồm tất cả những điều này và công ty còn phải cần nhiều hơn thế nữa.


Để tạo điểm nhấn ở cả hai mặt trận: trực tuyến và ngoại tuyến, điều quan trọng nhất là công ty phải sở hữu bộ nhận diện thương hiệu độc đáo (brand identity) và phong cách thương hiệu riêng biệt (brand style). Chính lúc này đây, Brand Style Guide sẽ “soi đường chỉ lối” cho mọi ấn phẩm sáng tạo được thiết kế nhất quán, làm nền tảng cho mọi chiến dịch marketing - sales cũng như kế hoạch tăng trưởng của công ty.


Nhờ công dụng thần thánh mà Brand Style Guide còn được ví von là “Kinh thánh cho thương hiệu”.


Trước khi đi vào những lời khuyên cho một Brand Style Guide phù hợp, chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm về bộ nhận diện thương hiệu - Brand identity.


Bộ nhận diện thương hiệu là gì?


Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm tất cả các yếu tố giúp định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng như: cá tính thương hiệu (Brand personality), giọng điệu (Tone of Voice), cũng như các giá trị, tập quán, hình ảnh trực quan, phong cách của thương hiệu.


Phong cách thương hiệu bao gồm thành phần chính sau đây:

  • Logo: yếu tố đầu tiên khiến mọi người chú ý đến bạn, thể hiện giá trị và cá tính thương hiệu
  • Bảng màu: khơi gợi cảm xúc về thương hiệu, giúp thương hiệu nổi bật theo cách riêng
  • Phông chữ và cách trình bày: yếu tố này giúp định hình giọng điệu và cá tính thương hiệu - vui vẻ, chuyên nghiệp hay nghiêm túc, tùy thuộc vào mong muốn của bạn
  • Đồ họa hỗ trợ: nội dung trực quan sẽ giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu, tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO), đồng thời xây dựng hình ảnh công ty đáng tin cậy và quyền lực trong mắt khách hàng


3 lời khuyên xây dựng một Brand Style Guide toàn diện


1. Đặt nền móng


Một cẩm nang Hướng dẫn định hình Phong cách toàn diện nhất, chi tiết nhất luôn bắt nguồn từ bản chất của công ty - từ những giá trị, văn hoá doanh nghiệp cho đến các mục tiêu và tầm nhìn dài hạn. Đây chính là nền tảng giúp bạn xác định những khía cạnh nổi bật nào của thương hiệu nên đưa vào bộ nhận diện hình ảnh.


Hãy chắc chắn là bạn làm theo những bước sau:


  • Xem xét “độ gắn kết” của logo và câu chuyện nó kể cho khách hàng: Nhìn chung, logo của thương hiệu phải dễ nhớ, sao cho mọi người nhìn qua và có thể phác hoạ lại bằng tay. Bằng cách tạo một logo đơn giản nhất có thể nhưng vẫn khắc họa rõ ràng các giá trị của thương hiệu, thương hiệu của bạn sẽ có khả năng xuất hiện nhiều hơn trên thanh tìm kiếm hơn đấy.
  • Lựa chọn phối màu tương phản: Thuật ngữ "Complementary Colors" là những sắc màu nằm đối diện nhau trên bánh xe màu. Lựa chọn màu sắc nào, phối màu ra sao phụ thuộc vào mục tiêu và cá tính của thương hiệu. Bạn có thể tham khảo công dụng của một số màu sắc tiêu biểu như: khơi gợi sự tin tưởng và lòng trung thành (màu xanh lam), kích thích hành động (màu đỏ) và giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi mua hàng (màu xanh lá cây). Hãy tự khám phá những loại màu sắc khác theo ý tưởng của bạn.

  • Sử dụng typography một cách khôn ngoan: Typography là sự sắp xếp, ghép đặt các câu chữ trong nhiều kích cỡ, loại font và màu sắc khác nhau sao cho thể hiện được tinh thần và thông điệp mà người thiết kế muốn nhắm đến. Yếu tố này sẽ làm nổi bật các phần khác nhau trên trang web của bạn, đưa khách truy cập vào một hành trình trải nghiệm thú vị và truyền cảm hứng cho họ mua hàng. Hãy sử dụng font chữ nhất quán, hoặc bổ sung một số font khác để nhấn mạnh một số tính năng và CTA nhất định.


2. Thiết kế bộ nhận diện hình ảnh độc-nhất-vô-nhị


Nhiều khi đang đi trên đường hay lướt web bỗng bắt gặp một số thương hiệu có hình ảnh “na ná” giống nhau, bạn có biết lý do là gì không? Đó là bởi thế giới kinh doanh hiện đại bị chi phối bởi xu hướng tiêu dùng và các công ty cũng tuân theo những chỉ dẫn thẩm mỹ nhất định.


Hãy nắm bắt sự độc đáo và sáng tạo để chắc chắn rằng bộ nhận diện hình ảnh của thương hiệu là độc nhất vô nhị.


Bắt đầu bằng việc tạo một logo thể hiện bản sắc thương hiệu của bạn. Sau đó, chọn một bảng màu gợi lên các giá trị của thương hiệu và khơi gợi cảm xúc phù hợp. Lên kế hoạch typography một cách cẩn thận và đảm bảo rằng nó được sử dụng nhất quán trên các kênh marketing, branding và kênh bán hàng để đảm bảo tính nhất quán. Cuối cùng, về mặt hình ảnh, không nên tận dụng ảnh stock mà hãy tạo nội dung trực quan (visual content) giúp thương hiệu thêm đáng tin cậy và đáng nhớ.


3. Tập trung vào Marketing Collateral (công cụ hỗ trợ tiếp thị)


Trước hết, các yếu tố trực quan được xem là công cụ mạnh mẽ và thuyết phục nhất trong bất kỳ chiến lược tiếp thị online và offline nào. Lồng ghép phong cách thương hiệu vào từng phần nội dung trực quan sẽ cải thiện đáng kể nỗ lực tiếp thị, giúp bạn nổi bật và uy tín trên thị trường cạnh tranh. Ngoài nội dung trực quan, bạn cũng nên đầu tư vào công cụ hỗ trợ tiếp thị hiệu quả. Chẳng hạn như trang Infostarters giúp bạn thiết kế catalogues, brochures, eBook và các tài liệu trực tuyến khác. Đảm bảo rằng công cụ hỗ trợ tiếp thị của bạn có thể xuất bản online và offline nhanh chóng, trong khi vẫn đảm bảo tính nhất quán của thương hiệu bất kể nền tảng hoặc định dạng bạn chọn.

Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Hive Life