Vào ngày 19/11 vừa qua, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP phối hợp cùng Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội HanoiBA đã tổ chức thành công webinar 01, thuộc chuỗi webinar giao lưu với Ban cố vấn và các Startup nổi bật của Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, mang đến những thông tin và góc nhìn về Xu hướng đổi mới sáng tạo trong giai đoạn Bình thường mới và Toàn cảnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Các diễn giả tại webinar (từ trái sang phải): Ông Tình Nguyễn, Ông Mã Thanh Danh, 

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Ông Nguyễn Xuân Hoàng


Sự khác biệt giữa Đổi mới sáng tạo và Thực thi chiến lược

Góp mặt trong sự kiện mở đầu chuỗi webinar giao lưu với Ban cố vấn và các Startup nổi bật trong 11 lĩnh vực kinh tế đồng hành cùng Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, ông Hoàng Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Ernst & Young Vietnam chia sẻ: “Trong suốt quá trình quản lý và thực hiện lộ trình Đổi mới sáng tạo, đâu đó tôi vẫn thấy sự nhầm lẫn một cách vô ý thức hoặc do thiếu để ý giữa câu chuyện Thực thi chiến lược và triển khai Đổi mới sáng tạo.” Việc các doanh nghiệp cho rằng họ đang áp dụng tư duy thực thi chiến lược vào quá trình đổi mới sáng tạo đã tạo lên rào cản cho việc thực hiện hóa các ý tưởng và giải pháp ĐMST cho một tổ chức. Vậy Thực thi chiến lược và Đổi mới sáng tạo khác nhau ở những đặc điểm nào?

Thứ nhất, khi nhắc đến chiến lược, các doanh nghiệp luôn nhắc đến câu chuyện làm mọi thứ tốt hơn. Tuy nhiên mục tiêu mà đổi mới sáng tạo hướng đến là làm mọi thứ khác biệt và hướng đến một mục tiêu cao hơn.

Thứ hai, khi thực thi chiến lược, các doanh nghiệp đi sâu vào vấn đề nắm bắt quá trình, ý thức và tập trung vào hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên thực hiện đổi mới sáng tạo cần phải hướng tới một tương lai đáng tin cậy và xác định được một đích đến trong hành trình của mình. 

Thứ ba, tư duy thực thi chiến lược luôn cố gắng bảo vệ hiệu suất của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong đổi mới sáng tạo, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp phải tạo đòn bẩy cho hệ sinh thái thay vì cố gắng bảo vệ các mục tiêu và thành quả của doanh nghiệp.

Thứ tư, người thực thi chiến lược luôn cố gắng tập trung tìm ra các giải pháp để cải thiện “cốt lõi” của doanh nghiệp. Tuy nhiên câu chuyện đổi mới sáng tạo lại nằm ở một khía cạnh mở, tức là doanh nghiệp cần đi tìm cái mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới.

Cuối cùng, trong quá trình thực thi chiến lược, các doanh nghiệp và startup thường trong tâm thế chống lại các rủi ro để đạt được mục tiêu về KPI, thành tích về chiến lược. Ở tâm thế hiện thực hóa đổi mới sáng tạo, theo quan điểm của ông Thắng, các doanh nghiệp cần cân bằng những cái rủi ro mà chúng ta sẵn sàng đón nhận. “Chống lại cái rủi ro thì tôi cho rằng nó đang chống lại các cái cơ bản của đổi mới sáng tạo.”


Tổng quan về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và các đề xuất hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam tăng trưởng 

Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại các quốc gia một phần nhờ vào sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Vì vậy, không khó hiểu tại sao Singapore - một quốc gia tại Đông Nam Á lại trở thành 1 trong 10 hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới. Tại đây, chính phủ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bằng cách kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm tiềm năng, ưu đãi các chính sách về thuế, đồng thời giúp tạo ra hệ sinh thái các đối tác tại châu Á để các startup có thể tiếp cận các quỹ đầu tư và vươn ra thế giới. Một số kỳ lân ấn tượng của Singapore đã phát triển nhanh chóng có thể kể đến là Grab - siêu ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, vận chuyển; Trax - công ty phân tích mảng bán lẻ và Patsnap - nền tảng đổi mới sáng tạo kết nối và lưu giữ các dữ liệu về bằng sáng chế trên thế giới.

Cách Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Singapore hỗ trợ Startup


Qua những chia sẻ của ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc tập đoàn Kido tại sự kiện, có thể thấy rõ Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở châu Á Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng trong việc vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp và sự gia tăng nhanh chóng, lên tới 50% số lượng các nhà đầu tư và quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam.

Thông tin cho thấy Việt Nam là một nền kinh tế năng động mới nổi trong khu vực


Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã nhảy từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động thứ hai trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Trong quá trình phát triển đó, Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ Startup Founder với những nét đặc trưng riêng:

Thế hệ đầu tiên gồm các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đáng chú ý như VNG, Nexttech, VCCorp với hướng đi mở rộng doanh nghiệp sang các lĩnh vực mới.

Thế hệ thứ hai gồm các nhà sáng lập của các doanh nghiệp có tên tuổi như Batdongsan, Tiki, Foody, Topica và Nhaccuatui với xu hướng tập trung vào việc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi thông qua việc mở rộng theo chiều dọc để tạo thành hệ sinh thái toàn diện xoay quanh sản phẩm chính ban đầu. 

Thế hệ thứ ba gồm các nhà sáng lập đã làm việc và học tập tại các hệ sinh thái công nghệ tiên tiến trên thế giới với những tham vọng lớn hơn và hướng đi tập trung vào việc xây dựng các nền tảng công nghệ lõi vững chắc, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty mình.

Bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2021 đang hoàn thiện

Nguồn: Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021

Với một bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt nam toàn diện và đầy tiềm năng vươn xa trong tương lai như vậy, ông Danh đề xuất bên cạnh xây dựng trung tâm Co Startup Việt, mô hình Hệ Sinh thái Startup gồm các đối tượng khởi nghiệp. Trong đó, chính phủ, thành phố, địa phương và các doanh nghiệp đặt bài toán xuất phát từ thực tiễn, các đối tượng khởi nghiệp sẽ giải quyết nỗi đau này. Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư sẽ đánh giá dự án... Tất cả phải xuất phát từ thực tiễn. Để các dự án khởi nghiệp thực sự đi từ Zero đến Hero theo phong cách Việt, góp phần cho nền kinh tế sáng tạo Việt.


Hiện trạng báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

Nắm bắt được sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” - được xây dựng và phát hành bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) - đã cung cấp một bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn diện và đa chiều với 4 trụ cột phát triển chính và các sơ đồ phân tích 11 lĩnh vực nổi bật: FMCG, Bán lẻ, Giáo dục, Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Martech & Salestech, Logistics & Chuỗi cung ứng, Phát triển bền vững, Nông nghiệp, Du lịch và Lữ hành, Blockchain & Crypto. Báo cáo được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ đó, tạo ra lực đẩy ĐMST mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành phần kinh tế, góp phần giúp phục hồi và tăng trưởng chủ động trong thời kỳ bình thường mới.

Lộ trình triển khai phát hành báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

Với mục tiêu đưa báo cáo này đến người đọc rộng khắp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, báo cáo dự kiến phát hành dưới hai định dạng, bản trực tuyến và bản in, và dưới hai ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Báo cáo chính thức sẽ được phát hành vào ngày 25 tháng 12 năm 2021. Báo cáo chính thức sẽ được phát hành trên 20 quốc gia, dự kiến tiếp cận hơn 25.000 cơ quan chính phủ, tổ chức và cá nhân. Phiên bản thứ nhất (v1.0) của Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” đã được ra mắt với 2 nội dung chính:

  • Các xu hướng đổi mới sáng tạo được dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai.
  • Bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đăng ký đọc bản thứ nhất ngay tại: http://ldp.to/report-bambuup-ver1 

-----------------------------

Lắng nghe những chia sẻ chi tiết của các diễn giả trong sự kiện webinar 01 tại https://www.facebook.com/watch/live/

Truy cập fanpage của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”: https://www.facebook.com/bambuupnetwork.

Nói lên tiếng lòng của cộng đồng Startup tại http://ldp.to/Survey4Startup để nhận được hỗ trợ từ cộng đồng và chính phủ.