Boomerang là đồ vật có hình dạng que ném dẹt hình chữ “V” với đặc tính là luôn tự bay trở về sau khi ném. Do đó, "Boomerang Employee" có thể hiểu đơn giản là xu hướng nhân sự nghỉ việc ở công ty và sau đó quyết định quay trở lại. Vậy lý do nào khiến nhân sự lại lựa chọn quay về "chốn cũ"? Liệu công ty có nên tuyển dụng lại những nhân sự đã rời đi hay không?


Dù Boomerang Employee đã xuất hiện từ lâu nhưng xu hướng này chỉ mới thực sự bùng nổ vào năm 2021. Một bài báo của Wall Street Journal trích dẫn dữ liệu từ LinkedIn đã cho thấy, số lượng Boomerang Employee chiếm 4,5% tổng số nhân viên được tuyển dụng trong năm 2021, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.


Rời bỏ công ty không phải lúc nào cũng xuất phát từ lý do tiêu cực


Những lý do phổ biến khiến nhân sự quyết định nghỉ việc có thể là do khối lượng công việc quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải, không có thời gian dành cho bản thân. Hoặc cũng có nhiều nhân sự cảm thấy mức tiền lương và đãi ngộ không như mong muốn, không còn được trải nghiệm những điều mới mẻ nữa nên muốn rời đi để tìm "bến đỗ" phù hợp hơn.


Vậy vì sao sau khi đã nghỉ việc, nhân sự lại lựa chọn quay về công ty cũ? Chị Dung Thiều - Senior Graphic Designer tại Dentsu Creative cho biết: "Trên thực tế, nhân sự có thể nghỉ việc vì nhiều lý do như công ty thay đổi định hướng, nhân sự cảm thấy không còn phù hợp, không có chỗ để phát triển nữa nên lựa chọn rời đi. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân sự cũng nghỉ việc vì lý do tiêu cực. Theo mình, có nhiều lý do khác như nhân sự muốn trải nghiệm thêm, chuyển ngành, thay đổi bản thân, gap year,... Do đó nếu nhân sự tìm được điểm chung mới với doanh nghiệp cũ, đồng thời cơ hội phát triển có lợi cho đôi bên thì nhân sự có thể sẽ trở về công ty cũ."


"Không phải lúc nào nhân sự cũng nghỉ việc vì lý do tiêu cực", chị Dung Thiều bày tỏ


Ngoài ra, anh Hai Nguyen - Senior Executive tại Publicis cũng chia sẻ: "Tại thời điểm mình nghỉ việc ở công ty thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, chẳng qua là mình muốn thử sức với một cái mới thôi. Vì thế, mỗi người sẽ có những lý do khác nhau cho quyết định quay lại công ty. Với mình thì 'thời điểm' là yếu tố mang tính quyết định quan trọng."


Qua đó, các nhân sự cho rằng lý do để một nhân sự đã nghỉ việc quyết định quay lại công ty cũ là:

- Công ty bắt đầu có những dự án mới, hấp dẫn hơn

- Công ty hội tụ nhiều nhân sự thật sự tài năng mà họ vẫn luôn mong mỏi được làm việc cùng

- Cá nhân nhân sự cảm thấy đã tích cóp đủ năng lực và kinh nghiệm để quay lại đảm nhận vai trò khác,...

Bên cạnh đó, phúc lợi hay chế độ cá nhân cũng là những yếu tố để nhân sự cân nhắc.


Trên thực tế, xu hướng Boomerang Employee hiện tại rất phổ biến tại các agency. Theo chia sẻ từ các nhân sự, môi trường agency đã dần cởi mở hơn. Các công ty hiểu rõ rằng môi trường làm việc sẽ thay đổi theo thời gian, chưa kể sự biến động về nhân sự cũng dẫn đến nhiều thay đổi khác trong nội bộ công ty. Vì thế, các nhân sự agency cảm thấy khá bình thường với xu hướng “boomerang employee”. Đôi khi nhân sự sẽ chuyển từ team này qua team khác, hoặc chuyển qua lại giữa các agency trong cùng group để làm việc.


Nhân sự sẽ nhận được đãi ngộ gì khi quay về công ty cũ?


Khi tìm kiếm một công việc, nhân sự sẽ quan tâm đến nhiều yếu tố khác nhau như vị trí công việc, lương thưởng, phúc lợi, mối quan hệ với đồng nghiệp,... Do đó, nhân sự có thể sẽ lựa chọn quay trở lại công ty cũ khi nhận được mức đãi ngộ tốt. 


"Trong khoảng thời gian rời đi, ắt hẳn nhân sự đã tích lũy được những kinh nghiệm mới, tiếp thu thêm nhiều kiến thức, từ đó khả năng cống hiến cho công ty sẽ nhiều hơn lúc trước. Nói cách khác, nhân sự sẽ quay lại công ty với một phiên bản được nâng cấp hơn. Vì thế, mức lương và vị trí của nhân sự tại công ty chắc chắn sẽ có sự khác biệt so với lúc rời đi", chị Dung Thiều nhận định.


Mức lương và vị trí của nhân sự tại công ty chắc chắn sẽ có sự khác biệt so với lúc rời đi


Tuy nhiên, khi quay lại công ty, nhân sự cũng nên chuẩn bị một tâm lý thật vững. Chị Dung Thiều cho biết: "Bản thân nhân sự nên chắc chắn những lý do trước đây khiến mình rời đi đã không còn ở công ty nữa. Bên cạnh đó, nhân sự nên chuẩn bị tâm lý thật tốt, thanh lọc những chuyện cũ đã trải để giữ trạng thái ổn định."


Cơ hội và rủi ro của agency khi quyết định tuyển lại nhân sự cũ


Theo bà Karin Borchert - Giám đốc Điều hành của Modern Hire cho biết, những nhân sự đã nghỉ việc quay lại công ty thường mang đến nhiều lợi ích: "Những nhân viên này đã nắm được cách vận hành, văn hóa công ty,... nên sẽ giúp rút ngắn thời gian tuyển dụng và đào tạo của công ty, giúp quá trình chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn từ đầu." Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng những nhân viên cũ sau khi quay lại công ty có xu hướng thăng tiến nhanh hơn nhiều so với những nhân viên mới.


Do đó, các nhân sự chia sẻ rằng trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ là người chủ động đề xuất nhân sự quay lại công ty. Chị Dung Thiều lý giải rằng đôi khi doanh nghiệp sẽ tự liên hệ hoặc tích cực đón nhận CV từ các nhân sự cũ vì chính doanh nghiệp đã hiểu rõ về người này, cảm thấy họ là ứng viên thật sự phù hợp với vị trí đó. Kinh nghiệm, cách làm việc ở công ty trước đây là bảo chứng cho năng lực của nhân sự trong mắt nhà tuyển dụng.


Kinh nghiệm, cách làm việc ở công ty trước đây là bảo chứng cho năng lực của nhân sự trong mắt nhà tuyển dụng


Anh Ha Nguyen cũng đồng ý rằng: "Một trong các bước tuyển dụng ở công ty là 'check reference' (xác minh thông tin ứng viên). Do đó, nếu đã từng làm tại công ty thì các nhà quản lý sẽ có cái nhìn đúng nhất về năng lực, cách làm việc và bản thân con người nhân sự. Họ sẽ dựa vào những thông tin này để đánh giá thay vì lắng nghe những lời nói hoa mỹ khác. Ngoài ra, mình không nghĩ rằng việc thuê nhân viên cũ sẽ mang nhiều rủi ro hơn so với nhân viên mới." 


Nội dung: Kim Ngọc

Minh họa: Huy Mai