Trong năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Báo cáo mới nhất từ Metric cung cấp những số liệu và xu hướng quan trọng giúp các nhà quảng cáo và marketer tối ưu chiến lược kinh doanh.
Doanh số bùng nổ nhưng số lượng cửa hàng sụt giảm: Cuộc chơi không còn dành cho tất cả
Theo Báo cáo Toàn cảnh Thị trường Sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và Dự báo 2025 của Metric, tổng doanh số bán lẻ trực tuyến trên Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo trong năm 2024 đạt 318.9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37.36% so với năm 2023. Sản lượng tiêu thụ đạt 3,4 tỷ sản phẩm, tăng 50.76%, cho thấy nhu cầu mua sắm vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20.25%, phản ánh sự đào thải mạnh mẽ trong hệ sinh thái TMĐT.
Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng: Vì sao tổng doanh số tăng trưởng nhưng số cửa hàng lại giảm? Một phần nguyên nhân đến từ việc thị trường ngày càng nghiêng về các thương hiệu lớn và shop uy tín. Trong năm qua, Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận doanh số tăng mạnh, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các cửa hàng chính hãng, thay vì các shop nhỏ lẻ. Những doanh nghiệp không thể tối ưu danh mục sản phẩm, vận hành hiệu quả và xây dựng thương hiệu đủ tốt đang dần bị loại khỏi cuộc chơi.
Rõ ràng, đây là cảnh báo quan trọng: Để duy trì vị thế, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu, tối ưu trải nghiệm mua sắm và tạo ra sự khác biệt thay vì chỉ tập trung vào giá cả. Có nhiều phương án mà doanh nghiệp có thể áp dụng, điển hình như xây thương hiệu trên các kênh vệ tinh (facebook, instagran,…) và đổ traffic về các sàn TMĐT; Sử dụng hình ảnh mô tả sắc nét, chuyên nghiệp, nhấn mạnh lợi ích thay vì chỉ liệt kê tính năng.
Sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng: Ngành nào đang trỗi dậy?
Dữ liệu từ báo cáo cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu ngành hàng. Dù Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống, Thời trang nữ vẫn là ba ngành có doanh số cao nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất lại thuộc về ngành Bách hóa – Thực phẩm với mức tăng 76.3%. Hiện nay, nhiều người mua sắm đã lựa chọn nhu yếu phẩm trực tuyến thay vì ra chợ hay siêu thị.
Vậy điều gì đang thúc đẩy sự bùng nổ này? Trước hết, thời gian giao hàng trên các sàn TMĐT đã ngày càng cải thiện, mang tới sự tiện lợi vượt trội. Thứ hai, giá cạnh tranh nhờ có nhiều mã giảm giá. Và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, các sàn TMĐT luôn mang đến đa dạng sự lựa chọn dành cho kháhc hàng. Từ hàng tiêu dùng nhanh đến thực phẩm hữu cơ cao cấp, tất cả đều có mặt trên các sàn TMĐT.
Xu hướng giá: Sự trỗi dậy của phân khúc giá rẻ
Một trong những biến động đáng chú ý nhất trong năm 2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng, trong khi phân khúc cao cấp trên 1 triệu đồng lại suy giảm từ 20.8% xuống còn 15.9%. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng nhạy cảm với giá cả, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động. Phân khúc trung cấp (350.000 – 700.000 đồng) vẫn giữ vững thị phần, cho thấy một nhóm khách hàng ổn định vẫn duy trì thói quen mua sắm của họ.
Điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu cần linh hoạt hơn trong chiến lược giá và ưu đãi. Các chiến dịch marketing không chỉ cần nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm mà còn phải tối ưu các chương trình khuyến mãi, bundle deal.
Thương hiệu Việt có đang lép vế?
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo là sự áp đảo của các thương hiệu ngoại trong top 10 thương hiệu bán chạy nhất TMĐT. Chỉ có Vinamilk là thương hiệu nội địa duy nhất lọt vào danh sách, với mức tăng trưởng ấn tượng 49.08%, vươn lên vị trí thứ 7. Điều này đặt ra bài toán lớn cho các thương hiệu Việt: Làm thế nào để cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà?
Với sự bùng nổ của TikTok Shop và các nền tảng TMĐT khác, những thương hiệu nội địa có thể tận dụng xu hướng video commerce, livestream bán hàng và influencer marketing để xây dựng nhận diện thương hiệu mạnh mẽ hơn. Đầu tư vào câu chuyện thương hiệu và tận dụng các kênh truyền thông mới có thể là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt giành lại thị phần.