Đứng trước phán quyết về quyền phá thai của Tòa án tối cao Mỹ, giới agency quảng cáo cho đến nay có 2 kiểu phản ứng chính: Một là giữ im lặng, hai là chống đối phán quyết bằng cách hỗ trợ chi phí cho nhân sự tiếp cận dịch vụ phá thai. Thế nhưng, trước một vấn đề dính tới luật pháp và tòa án, liệu những quyết định hỗ trợ trên có khiến các agency rơi vào kiện tụng? 


Muôn kiểu hỗ trợ của agency 


Chỉ vài giờ sau khi phán quyết được đưa ra, đã có 8 tiểu bang Mỹ áp dụng luật cấm phá thai và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong vài tuần tới. Giới quảng cáo cũng không khoanh tay đứng ngoài luồng sự kiện. Stagwell Group cho biết sẽ tung ra các gói hỗ trợ chi phí cho nhân viên đến nơi có dịch vụ phá thai hợp pháp. Trong khi đó agency Wieden + Kennedy, Dentsu tuyên bố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phá thai cho nhân viên cùng người thân. The Martin Agency thì còn cấp phí cho các dịch vụ liên quan ngoài phá thai, như phí mang thai hộ, chọn lọc trứng và đông lạnh tinh trùng. Không chỉ có agency, các thương hiệu lớn như Amazon, Lyft, AppleMicrosoft cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ chi phí phá thai cho nhân viên của mình.  


Chỉ vài giờ sau khi phán quyết được đưa ra, đã có 8 tiểu bang áp dụng luật cấm phá thai làm dấy lên làn sóng tranh cãi từ người dân Mỹ.


Đại diện Wieden + Kennedy cho rằng các chính sách hỗ trợ trên chính là đang ủng hộ quyền tự do sinh sản. "Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực tạo ra một môi trường sống và làm việc an toàn cho nhân viên. Vì vậy, đứng trước các luật cấm, công ty quyết định sẽ bao trả hoàn toàn chi phí phá thai cho nhân viên và người thân của họ, để họ được hưởng quyền lợi một cách hợp pháp và an toàn”, đại diện Wieden + Kennedy nói.


Thế nhưng, tính “nhân văn” của các loại hỗ trợ này lại có thể dồn các agency/thương hiệu vào thế “chống đối pháp luật”. Theo trang Reuters đưa tin, các nhà vận động hoàn toàn có thể kiện những công ty hỗ trợ chi phí đi lại cho nhân viên hoặc bao trả dịch vụ phá thai, với tội danh là “vi phạm lệnh cấm phá thai của chính phủ”. Nhưng nếu kiện tụng thực sự xảy ra, kết quả sẽ nghiêng về phía có lợi cho ai? 


Agency có thể được bảo vệ nhờ luật ERISA


ERISA là đạo luật Bảo vệ tài sản hưu trí dành cho nhân viên được ban hành vào năm 1974, áp dụng cả với chính sách bảo hiểm y tế nếu như công ty đó tự cung cấp bảo hiểm cho nhân viên mà không qua một bên trung gian nào khác. 


Đạo luật ERISA có thể bảo vệ agency tự tài trợ bảo hiểm y tế cho nhân viên.


Theo đó, ERISA ngăn không cho các tiểu bang tác động quá sâu vào quyền quyết định của công ty về việc dùng các chương trình sức khỏe vào đâu và cho đối tượng nào. Katy Johnson, cố vấn cao cấp về chính sách y tế tại Hội đồng Quyền lợi Hoa Kỳ nói với Reuters rằng bất kỳ công ty nào tự tài trợ bảo hiểm y tế, nếu bị kiện về vấn đề hoàn trả chi phí đi lại khi phá thai sẽ có thể viện dẫn ERISA như một biện pháp bảo vệ. “Sẽ càng dễ thắng kiện hơn nếu chính sách này đã có trợ cấp đi lại liên quan đến y tế nói chung”, Johnson nói. Cô cũng nói thêm, “Mặc dù nghe có vẻ đây là một điều luật mới, nhưng nó đã có từ rất lâu và vẫn đang có thể bảo vệ các công ty”


“Khiên” bảo vệ còn… mong manh


Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là tổ chức nào hỗ trợ chi phí đi lại khi phá thai cũng được đạo luật ERISA bảo vệ. Có một hạn chế là đạo luật này chỉ áp dụng với các tổ chức có chính sách tự tài trợ bảo hiểm, và vô hiệu với các doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm của công ty thương mại, vì lúc này chính sách sẽ đi theo quy định của tiểu bang chứ không còn đặt dưới quyền ERISA. Hạn chế này đồng nghĩa các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tự tài trợ bảo hiểm sẽ không thể sử dụng ERISA như một tấm “khiên” bảo vệ trước kiện tụng. 


Trong bức thư “cảnh cáo” gửi Giám đốc điều hành công ty Lyft Inc, một nhóm nhà lập pháp bang Texas viết rằng: “Chúng tôi đã đọc dòng tweet của công ty ông về việc sẽ trả chi phí đi lại cho phụ nữ muốn rời Texas hoặc Oklahoma để phá thai. Chúng tôi muốn ông biết rằng quyết định này của công ty là không chấp nhận được và không thể dung thứ. Chúng tôi có thể quy trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ giám đốc hoặc nhân viên nào nếu cá nhân và tổ chức đó công khai hỗ trợ các chi phí liên quan đến phá thai mà không có sự thống nhất trước với tiểu bang”


Phán quyết của Tòa án tối cao đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.


Sẽ có câu hỏi rằng trong những lời cảnh cáo kia, đạo luật ERISA ở đâu mà không hề có phản bác lại? Sự thật là tấm "khiến" bảo vệ không đem lại an toàn tuyệt đối. Vì đạo luật ERISA không ngăn cản các bang thực thi luật hình sự, nên nếu hành động phá thai được xem là hành vi tội phạm tại tiểu bang, các doanh nghiệp hỗ trợ chi phí phá thai vẫn sẽ chịu rủi ro bị kết án từ phía công tố viên.“Tùy vào chính sách hỗ trợ và tùy vào luật pháp của mỗi tiểu bang mà mỗi agency chống lại phán quyết sẽ đối mặt với các vấn đề pháp lý khác nhau. Đây thậm chí còn không phải là một rủi ro giả định, mà chúng hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy các agency cần phải cân nhắc kĩ trước khi có bất kì động thái nào trước sự kiện này”, Johnson nói.


Phán quyết của Tòa án tối cao đã thực sự gây ra một cuộc “nội chiến” tại Mỹ, chia rẽ các bên chính trị, dân chúng và cả giới truyền thông quảng cáo. Về câu chuyện rủi ro bị kiện nếu agency có chính sách chống đối luật cấm phá thai, AdAge cho rằng đây sẽ là một cuộc chạy đua giữa các bên và kết quả sẽ liên tục thay đổi mỗi ngày. Cuộc chạy đua này sẽ cực kì ráo riết khi một bên tích cực tung chính sách hỗ trợ, một bên sẽ như nhóm các nhà lập pháp Texas, cũng tích cực… đề xuất cách giúp tiểu bang truy tố các công ty đang chống luật. 


Hằng Trần