Hai năm sau đại dịch, ưu tiên hàng đầu của người lao động lại là sức khỏe tinh thần, thay vì mức lương và tốc độ thăng tiến như những năm trước đó. Nhu cầu bất ngờ này đã đặt ra bài toán quản lý con người cho các doanh nghiệp: Làm cách nào để thu hút và giữ chân nhân viên khi tiền lương không còn là nguyện vọng số 1 của họ nữa? 


Theo khảo sát của Microsoft, 5 lý do hàng đầu khiến nhân viên bỏ việc trong năm 2021 chính lần lượt là: 1) Không đảm bảo hạnh phúc cá nhân và sức khỏe tinh thần; 2) Không cân bằng giữa công việc và đời sống; 3) Thiếu niềm tin vào quản lý/lãnh đạo cấp cao; 4) Nguy cơ mắc Covid; 5) Thời gian và địa điểm làm việc không linh hoạt. “Trái ngược với những mặc định trước đây, lương thưởng hoặc thăng tiến không nằm trong top 5 lý do nhân viên quyết định gắn bó hay thay đổi chỗ làm. Điều nhân sự quan tâm nhất lúc này chính là đời sống tinh thần và hạnh phúc cá nhân của họ”, khảo sát rút ra kết luận. 


Điều nhân sự quan tâm nhất lúc này chính là đời sống tinh thần và hạnh phúc cá nhân của họ.


Thế nhưng, có một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong ngành nghề tiếp thị quảng cáo. Cụ thể, nghiên cứu của Sovereign Health Care đã tiết lộ 90% nhân sự làm việc trong lĩnh vực này cảm thấy “không được khoẻ vì phải chịu căng thẳng liên tục liên quan đến công việc”. Ngành quảng cáo với tính chất công việc yêu cầu khả năng chịu áp lực cao thì phải làm thế nào để nhân sự vẫn thấy khoẻ mạnh về mặt tinh thần? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia trong giới chia sẻ về cách agency trau dồi sức khoẻ tinh thần cho nhân viên. 


Tự do chia sẻ


Theo Katie Martin, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành tại Big Village cho biết: “Điểm mấu chốt là biết rằng nhân sự đang gặp khó khăn về mặt tinh thần ngay từ đầu”. Cô cho biết, Big Village cho phép nhân viên có quyền truy cập miễn phí vào các dịch vụ cải thiện tâm lý, tổ chức các buổi nói chuyện giáo dục nhằm tạo cơ hội cho nhân sự nói về tình trạng sức khoẻ của mình. “Chúng tôi thúc đẩy một môi trường mà tất cả mọi người đều thực sự quan tâm đến nhau, không ngại giơ tay và diễn giải một cách rõ ràng, chính xác những tổn thương bên trong họ", Katie Martin nói. 



Trong khi đó, Kaitlyn Hieb, Chiến lược gia thương hiệu cấp cao tại ThreeSixtyEight lại nghĩ "chẳng nhân viên nào muốn kể với sếp rằng họ đang gặp chứng trầm cảm". Hieb giải thích rằng, để nhân sự cởi mở hơn về các vấn đề tâm lý ở chỗ làm, agency nên có cách tiếp cận bình thường nhất có thể và lắng nghe theo hướng tích cực thay vì tạo cảm giác tra khảo nhân viên. 


Khuyến khích cân bằng công việc - đời sống 


Heartlent’s Stoeckeler, Giám đốc tại Heartlent Group cho biết một số agency đã không còn duy trì thói quen luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu 24/7, hay yêu cầu nhân viên luôn có mặt khi khách hàng cần. “Bằng cách để cho nhân sự có ranh giới rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, thoải mái hơn về khung giờ làm việc miễn là họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chính là cách hiệu quả nhất để nhân sự vừa muốn cống hiến cho công ty vừa duy trì được sự cân bằng trong đời sống cá nhân”. 



Giám đốc điều hành Andy Berkenfield cho biết agency Duncan Channon có chính sách “đóng cửa văn phòng vào những ngày cố định trong tháng" để nhân viên nạp lại năng lượng. “Làm việc tại nhà trong suốt thời gian đại dịch đã làm mờ ranh giới giữa công việc, giải trí và nghỉ ngơi. Vì vậy, agency nếu muốn giữ chân nhân tài thì nên tạo ra những ranh giới rõ ràng, để nhân viên chịu áp lực 24/7”, ông Andy Berkenfield nói. 


Không khiến nhân viên cảm thấy tội lỗi vì nghỉ ngơi


Nhiều agency đang khuyến khích nhân viên dành thời gian cho sức khỏe tinh thần của họ trong một năm trở lại đây. “Ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của nhân sự điều quan trọng hàng đầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi không gọi 'ngày nghỉ ốm' mà dùng 'ngày chăm sóc sức khoẻ", Andrew Graff, Giám đốc điều hành tại Allen & Gerritsen cho biết. Theo đó, mỗi năm, nhân viên sẽ có số ngày nghỉ phép nhất định để họ nạp lại năng lượng tinh thần. Tại Boston’s Amp Agency, ban lãnh đạo cũng khuyến khích nhân sự dùng hết những ngày chăm sóc sức khoẻ này, vì chúng không hề ảnh hưởng đến số lượng nghỉ phép có sẵn của họ.  


Điều quan trọng là agency nên giúp nhân viên gạt bỏ cảm giác tội lỗi vì nghỉ phép.


“Tại agency Amp không có những ngày nghỉ để chăm sóc tinh thần, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nó không thực sự có ích nếu mọi người vẫn cảm thấy áp lực kể cả khi nghỉ ngơi. Điều quan trọng là hãy giúp họ không có cảm giác tội lỗi vì nghỉ phép", Greer Pearce, Phó chủ tịch cấp cao về thương hiệu và đổi mới cho biết.


Nguồn Tổng hợp

Hằng Trần/Advertising Vietnam