Các công cụ A.I đang ngày càng ảnh hưởng đến các hoạt động giao tiếp trực tuyến trong suốt năm qua. Ông Andrew Hutchinson - người đứng đầu đội ngũ Content và Social Media tại trang Social Media Today nhận định rằng công nghệ này sẽ tiếp tục thay đổi cách các marketer sáng tạo vào năm 2023. 


Dưới đây là những lợi ích cũng như mặt trái của A.I trong quá trình sáng tạo của marketer!


1. Sáng tạo nội dung


Vào ngày 30/11/2022, OpenAI đã phát hành ChatGPT - một chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng giúp tạo ra các đoạn văn bản hỗ trợ SEO. Khi người dùng nhập các từ khóa, ChatGPT sẽ cung cấp cho người dùng những phản hồi chi tiết. Đơn cử như khi nhập "Coca-Cola marketing fails in history", chatbot sẽ trả về những đoạn văn bản liệt kê những chiến dịch marketing thất bại của thương hiệu như lỗi dịch thuật trong chiến dịch ở Belgium vào những năm 1990, hoạt động quảng bá Coke Zero năm 1999 gây tranh cãi,... Thậm chí ở đoạn cuối cùng, ChatGPT còn đưa ra đánh giá rằng: "Mặc dù Coca-Cola có nhiều chiến dịch marketing thành công, thương hiệu vẫn gặp nhiều hạn chế. Những ví dụ này cho thấy tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và cân nhắc cẩn thận trong việc phát triển và thực thi chiến dịch."


Ví dụ về đoạn văn bản của ChatGPT


Ông Andrew Hutchinson nhận xét đoạn văn bản mà ChatGPT cung cấp hoàn toàn ổn, những câu từ thực hiện đúng chức năng của nó. Marketer chỉ cần chỉnh sửa thêm một chút để có thể sử dụng những dữ liệu mà chatbot cung cấp. Theo đó, ông đánh giá rằng sẽ có nhiều trang web áp dụng ChatGPT để sản xuất nội dung trong năm 2023. Tuy nhiên các marketer cần lưu ý rằng chatbot A.I chỉ sử dụng những dữ liệu có sẵn trực tuyến, không thể mang đến những nội dung mới mẻ và hấp dẫn. 


Ví dụ, nếu người dùng nhập vào cụm từ "Bầu trời có màu gì?", ChatGPT sẽ trả về kết quả là "Bầu trời màu xanh". Vậy nếu những người dùng cũng đặt câu hỏi tương tự, họ sẽ nhận được những phản hồi hệt như thế, điều này đồng nghĩa có hàng loạt người dùng sẽ sử dụng cùng một nội dung đó. Nhìn chung, nếu mục tiêu của marketer là tăng SEO, họ có thể dùng ChatGPT để cắt giảm thời gian sản xuất nội dung. "Bạn không thể mong đợi một hệ thống A.I cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết và hấp dẫn", ông Andrew Hutchinson nói.


Người dùng nên tự sáng tạo để có những nội dung độc đáo riêng


2. Sản xuất hình ảnh


Một trong những lợi ích nổi bật của A.I là khả năng sản xuất hình ảnh. Đối với những công cụ như DALL-E hay Midjourney, người dùng chỉ cần nhập vào những từ khóa. Sau đó, công cụ sẽ trả về những kết quả tương ứng với yêu cầu của người dùng. Thế nhưng cũng giống như văn bản, những ứng dụng này sẽ không thể mang đến những tác phẩm xuất chúng. Thậm chí, công cụ A.I còn có thể trả về những hình ảnh sai lệch so với đoạn văn bản mà người dùng nhập vào.


Cũng giống như ChatGPT, các kết quả đầu ra của Midjourney và DALL-E không dành riêng cho bất kỳ ai. Nếu người dùng nhập cùng một đoạn từ khóa, công nghệ sẽ trả về những kết quả tương tự nhau. Hơn nữa, những công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều sử dụng dữ liệu có sẵn trên trực tuyến, khiến cộng đồng sáng tạo bày tỏ sự quan ngại về vấn đề bản quyền.


Trên thực tế, những công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều sử dụng dữ liệu có sẵn trên trực tuyến


Mới đây, ông David Holz - nhà sáng lập hệ thống trí tuệ nhân tạo Midjourney đã thừa nhận rằng ông đã sử dụng ít nhất 100 triệu hình ảnh làm dữ liệu đầu vào cho ứng dụng mà không xin phép trước. Theo ông, việc truy tìm chủ sở hữu của hàng trăm triệu hình ảnh trên hệ thống dữ liệu Internet là bất khả thi. 


3. Thực hiện các tweet và câu trả lời trên Twitter


Tuần vừa qua, một số người dùng đã tự động hóa tính cách của mình bằng ứng dụng ChatGPT Theo video do người dùng Soren Iverson đăng tải, người dùng có thể lựa chọn định dạng văn bản, nội dung muốn truyền tải, số lượng từ ngữ, thái độ của đoạn văn (vui vẻ, buồn bã, tức giận,...) và cả độ tuổi của người đọc. 


A.I thay người dùng trả lời trên Twitter


Tuy nhiên, ông Andrew Hutchinson nói rằng xu hướng này sẽ sớm vụt tắt. "Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó thực sự muốn nói chuyện trực tiếp với bạn nhưng bạn không phải là người đang tham gia cuộc trò chuyện? Lỡ như các tweet tự động đó không phải là suy nghĩ hoặc ý tưởng ban đầu bạn muốn truyền tải thì sao?", ông lý giải. Nghiêm trọng hơn, các thương hiệu có thể trả tiền để những chatbot này để tấn công đối thủ cạnh tranh. Công nghệ A.I sẽ hóa thân thành những người dùng đáng tin cậy để đưa ra những lời phàn nàn về một doanh nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của công chúng và danh tiếng của thương hiệu.


4. Rút ngắn thời gian sáng tạo các mô hình 3D


Bên cạnh việc sáng tạo các hình ảnh tĩnh thông thường, các trình tạo ảnh A.I trên thị trường hiện nay cũng cho phép người dùng tạo các mô hình 3D. TechCrunch cho biết nền tảng OpenAI đang sử dụng mã nguồn mở Point-E, một hệ thống máy học có khả năng tạo mô hình 3D chỉ trong vòng một đến hai phút. Ông Andrew Hutchinson nhận xét rằng dù kết quả của các công cụ A.I không phải lúc nào cũng khiến người dùng kinh ngạc, thế nhưng thực tế là chúng giúp rút ngắn quy trình sáng tạo và đang tiếp tục được cải thiện. 


Các mô hình 3D do A.I tạo ra


Nhìn chung, ông Hutchinson đánh giá rằng các công cụ A.I sẽ ngày càng trở nên tốt hơn. Hạn chế duy nhất hiện tại là các kết quả đầu ra của trí tuệ nhân tạo đều dựa trên những thứ đã tồn tại sẵn trên Internet, từ văn bản đến hình ảnh. Vì thế, khi người dùng sử dụng công cụ A.I, kết quả luôn có điểm chung chung so với những tác phẩm khác. "Thế nhưng trong một ngày không xa, thuật toán của trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi và có khả năng tạo ra nội dung và khái niệm hoàn toàn mới", ông Andrew Hutchinson nhận định.


Theo Social Media Today

Kim Ngọc