"Các công ty cần đãi ngộ xứng đáng cho nhân sự làm tốt nhiệm vụ ngoài JD"

Hãy tưởng tượng bối cảnh sếp giao cho một nhân sự một nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn thành, nhưng nhiệm vụ này không phải là trách nhiệm của nhân sự trên. Vậy trong tình huống này có nên đồng ý nhận nhiệm vụ được giao để chứng minh thực lực và tinh thần làm việc của mình với sếp, hay từ chối nhằm đặt ra giới hạn cho bản thân về những trọng trách của công việc, đồng thời tập trung làm tốt những công việc chính của mình? Đây là một trong những thắc mắc phổ biến của những người đi làm, đặc biệt là những người mới nhận việc.


Ngành quảng cáo và agency với đặc thù là luôn thay đổi với sự phát triển của kinh tế, hành vi người dùng và công nghệ, chính vì thế sẽ có nhiều tình huống phát sinh xảy ra. Theo chia sẻ từ những nhân sự trong ngành agency và quảng cáo, họ thường được giao những công việc không được đề cập trong bảng mô tả công việc. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề làm việc ngoài bảng mô tả công việc cùng các nhân sự Thịnh Trần (Senior Manager - Commercial Category Management), Tú Trần (Senior Copywriter tại Carnival), Nguyễn Thảo Linh (Senior Marketing Executive tại BIM Group) và Toàn Mai (Copywriter tại Goodby Silverstein & Partners).


Làm việc ngoài JD trong ngành quảng cáo/marketing


Thông thường trước khi tuyển dụng một vị trí trong công ty, bộ phận nhân sự cùng người quản lý sẽ phải xem xét bảng mô tả công việc (Job Description - JD) của vị trí đó. JD có thể hiểu là bảng mô tả các công việc, chức năng và nhiệm vụ cần hoàn thành của một vị trí công việc. JD sẽ được sử dụng nhằm giúp các ứng cử viên có thể nắm bắt được mục tiêu công việc trước khi quyết định ứng tuyển, cũng như những mong đợi từ công ty với vị trí tuyển dụng. Anh Tú cho rằng trong ngành quảng cáo hầu hết có những vị trí chuyên môn giống nhau, như là copywriter, artist, designer, account, planner, community manager,... Tuy nhiên đầu việc của từng vị trí trên từng công ty sẽ khác nhau phụ thuộc vào định hướng của công ty. Ví dụ với vị trí copywriter, có công ty sẽ yêu cầu phụ trách cả mảng social content, có công ty không yêu cầu làm công việc đó; hay designer có nơi phải tham gia nghĩ ý tưởng cùng với art director, có nơi chỉ cần thực thi ý tưởng từ cấp trên.


Chính vì thế, các JD hiện nay thường không liệt kê đầy đủ mọi nhiệm vụ của công việc vì tính chất của công việc sẽ luôn thay đổi, và có thể có những nhiệm vụ ngoài JD mà các ứng viên sẽ không được nêu rõ khi ứng tuyển. Anh Thịnh cho rằng rất khó liệt kê một cách cụ thể các đầu việc trong JD vì nó có thể thay đổi theo thời gian, ví dụ khi công ty thay đổi định hướng chiến lược. Anh cho rằng trong ngành quảng cáo/agency, nếu JD của nhân sự không thay đổi qua một thời gian dài làm việc, điều đó đồng nghĩa nhân sự vẫn “dậm chân tại chỗ” trong sự nghiệp. 


Khi nào nên đồng ý nhận việc ngoài JD?


Trên thực tế, sẽ có rất nhiều nhân sự chỉ làm việc đúng với JD của mình trong công ty. Chính vì thế việc nhận thêm nhiệm vụ không thuộc JD có thể sẽ là một cơ hội tốt để có thể khẳng định kiến thức và tài năng của bản thân trong môi trường làm việc. Nếu hoàn thành tốt việc của bản thân và việc “đáng ra là của người khác”, nhân sự sẽ trở nên có giá trị hơn trong mắt nhà quản lý và đồng nghiệp, và chứng tỏ những năng lực mà họ không có cơ hội để thể hiện trong hồ sơ xin việc. 


Theo anh Tú, với một ngành có nhiều những chuyện không thể lường trước như quảng cáo và sáng tạo, việc một nhân sự sẽ phải làm một việc không thuộc JD là thường xuyên xảy ra. Khi nhận những đầu việc này, các nhân sự xứng đáng được cấp trên ghi nhận và xem xét trong những đợt đánh giá quyền lợi hằng năm nhằm tạo động lực làm việc và khích lệ khi ghi nhận sự nỗ lực của nhân viên.


Nếu chấp nhận làm việc ngoài JD, đầu tiên hãy thực hiện tốt những công việc có trong JD trước. Khi thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, các nhân sự sẽ chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm với công việc, tạo sự tin tưởng để cấp trên có thể giao những công việc mang tính thử thách hơn. Các nhân sự nên chủ động gợi ý những đầu việc ngoài JD họ có thể làm nếu đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của bản thân, điều này nhằm thể hiện với cấp trên về giá trị cộng thêm của bản thân với mong muốn được nhìn nhận và đề bạt lên các vị trí cao hơn.


Hãy chắc chắn rằng chỉ nhận thêm công việc ngoài JD nếu nó nằm trong khả năng thực hiện của cá nhân và không ảnh hưởng đến những công việc chính đang thực hiện. Anh Thịnh gợi ý nhân sự nên việc ngoài JD khi những công việc này sẽ mang lại giá trị cho bản thân và cho cả công ty, vì “những việc làm đóng góp cho sự phát triển của công ty sẽ giúp bản thân dễ dàng thẳng tiến hơn trong sự nghiệp”. 


Chị Linh cũng đồng ý với quan điểm trên: Các bạn phải chứng minh bản thân làm được nhiều hơn những gì mà vị trí hiện tại yêu cầu, vì như thế cấp trên mới có thể tin tưởng giao những trọng trách lớn hơn, đi kèm với những quyền lợi cao hơn. Với đặc thù công việc của ngành quảng cáo, bạn sẽ có nhiều cơ hội để chứng minh điều đó. Chính vì thế nếu bạn là người làm việc xông xáo, chủ động, nhanh nhẹn, chắc chắn con đường sự nghiệp sẽ tiến nhanh và hơn rất nhiều”.


“Từ chối nhận thêm việc ngoài JD không đồng nghĩa với lười biếng”


Làm việc vượt ngoài bảng mô tả công việc mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nó cũng có nhiều rủi ro và nhân sự nên có phương án giải quyết, những rủi ro có thể kể đến bao gồm: gây sự bất bình giữa các đồng nghiệp hay người quản lý bắt đầu xem việc ngoài JD là một phần trách nhiệm của nhân sự.


Một số ý kiến cho rằng từ chối công việc ngoài JD là “lười biếng”, tuy nhiên anh Thịnh lại không đồng ý với quan điểm này: “Với tôi, cần xác định trước hết công việc đó có giúp ích cho sự tăng trưởng của phần việc tôi đang phụ trách, hay rộng hơn là phần việc của cả nhóm ngành hàng của tôi hay không. Vì cũng sẽ chẳng có người sếp nào lại muốn nhân viên của mình tốn thời gian của họ cho chuyện ngoài luồng”. 


Anh cho biết thêm nhân sự nên thẳng thắn trình bày với cấp trên nếu nhiệm vụ ngoài JD ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công việc chính, vì không phải người quản lý nào cũng muốn các việc giao thêm làm trì hoãn đến chỉ tiêu của cả bộ phận của họ. Ngoài ra, anh nói thêm nên từ chối công việc ngoài JD khi chúng vượt xa chuyên môn của nhân sự và khi không đủ thời gian và nguồn lực để nhận thêm các tác vụ khác.


Cách trình bày với cấp trên về vấn đề làm việc ngoài JD 


Anh Thịnh cho rằng yêu cầu tăng lương hoặc thêm quyền lợi là điều cần thiết nếu nhân sự nhận thêm những đầu việc ngoài JD trong thời gian dài, và có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của bộ phận, vì điều đó thể hiện rằng nhân sự đang nắm rõ công việc để mang đến những hiệu quả chung cho công ty. 


Chị Linh khuyên các nhân sự hãy trao đổi một cách cởi mở với cấp quản lý khi nhận được những đầu việc ngoài JD, nhằm hiểu hơn vì sao được giao những công việc đó. Đồng thời, các nhân sự cũng nên trình bày những quan điểm của bản thân với bậc quản lý khi nhận thêm công việc ngoài JD. Như vậy cả quản lý và nhân sự sẽ hiểu hơn về công việc cũng như giao đúng việc cho đúng người. Chị cho rằng để đạt được những thỏa thuận về nhận thêm việc ngoài JD với cấp trên, nên trình bày những kết quả đạt được qua số liệu cụ thể, đồng thời chỉ rõ khối lượng công việc đang phụ trách với cấp trên một cách thẳng thắn nhất.


Anh Toàn cho rằng trong trường hợp nhân sự bị giao quá nhiều việc ngoài JD nhưng không được cấp trên công nhận, các nhân sự có thể cân nhắc tìm kiếm một công việc mới nhằm có thể “bán” sức lao động với cái giá xứng đáng hơn. Anh hoàn toàn ủng hộ quan điểm từ chối những việc ngoài JD nếu không thấy chúng giúp ích gì cho sự nghiệp của bản thân. Ngoài ra, hãy xác định rõ những đầu việc phải làm khi bước chân vào môi trường quảng cáo hoặc agency, bằng cách hỏi kỹ công việc mình sẽ thực hiện trong công ty ngay tại bước xin việc để được giải đáp một cách cụ thể.


Các bạn có thể đón đọc các bài viết cùng series tại đây.

"Các công ty cần đãi ngộ xứng đáng cho nhân sự làm tốt nhiệm vụ ngoài JD"

Tân Phan

Tân Phan

Senior Content | Advertising Vietnam

02 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục