Từ ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn trong thời trang đến phục hồi các giá trị của cộng đồng bản địa, một nhóm các nhà thiết kế trẻ đang tập trung năng lực vào các sản phẩm tạo ra thay đổi cho xã hội.


Ngành công nghiệp thời trang từ trước đến nay vốn bị nhìn nhận là có vấn đề, từ điều kiện làm việc tồi tàn đến những ảnh hưởng xấu cho môi trường. Nhưng theo Bethany Williams, một nhà thiết kế thời trang của Kent, đó chính là cơ hội để điều chỉnh thị trường. Cô ấy sở hữu một thương hiệu thời trang mang tên mình, hướng đến “tương tác với cộng đồng" và tạo ra “vòng tuần hoàn", nhằm mang đến lợi ích cho cộng đồng và ủng hộ sự trao đổi để kết hợp giữa lợi ích xã hội (social good) và tính bền vững.


Nhà thiết kế người Anh này là 1 trong 4 ứng cử viên cuối cùng cho giải thưởng Arts Foundation Futures Awards - giải thưởng tìm kiếm các dự án kiến tạo thay đổi xã hội. Năm nay, danh sách đề cử gồm 20 dự án đều lấy chủ đề về tính bền vững, trong đó đa phần là các giải pháp để xử lý rác thải.


“Hệ thống mới trong thời trang”


Williams đã sản xuất một vài bộ sưu tập thời trang hướng đến các vấn đề xã hội. Dự án đầu tiên của cô sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại trường Cao đẳng Thời trang London là dự án hợp tác với San Patrignano, một trung tâm cai nghiện ma túy ở Ý với tỉ lệ phục hồi khá cao. Trung tâm có hơn 1200 thành viên đang làm việc trong nhiều lĩnh vực thủ công khác nhau. Williams đã làm việc với bộ phận dệt may của San Patrignano, nơi có khoảng 30 phụ nữ sản xuất nguyên liệu dệt. Nhà thiết kế thu gom rác thải từ các phòng ban khác và dệt chúng thành loại vải mới, sau đó sử dụng vải đó để tạo ra những bộ sưu tập thời trang của mình. Doanh thu từ các bộ sưu tập sẽ được trao cho các tổ chức từ thiện đã hỗ trợ cô hoàn thành chúng. Đây là một phần của quá trình tạo ra “hệ thống mới trong lĩnh vực thời trang”, Williams chia sẻ.


BST Thu Đông 2019 của Williams - Ảnh: Anna Cornish


Thông thường, các bộ sưu tập giới hạn sẽ được săn đón nhiều, thế nên nhà thiết kế sẽ phải thêm nhiều màu sắc mới vào mỗi bộ sưu tập. Tuy nhiên Williams nói rằng đây là một lợi thế, vì các cửa hàng sẽ rất thích khi họ có “những bảng màu độc nhất”. Với mỗi bộ sưu tập, Williams sẽ làm việc với một tổ chức từ thiện liên quan đến vấn đề mà cô muốn chia sẻ. Hiện tại, cô đang tạo ra một tuyên ngôn để “kiểm tra lại mình” khi doanh nghiệp của cô mở rộng. Cô ấy cũng được nhiều công ty liên hệ để mời hợp tác trong các thương vụ tiềm năng.


“Dung hòa giá trị thẩm mỹ và lợi ích xã hội”


Fernando Laposse, một nhà thiết kế khác, lại tập trung hơn vào giá trị cộng đồng. Nguyên liệu gỗ trang trí Totomoxtle được lấy cảm hứng từ ngôi làng Tonahuixtla ở Mexico mà anh đã có dịp ghé thăm khi còn nhỏ. Các kĩ thuật canh tác tiêu cực, chủ yếu dựa vào thuốc diệt cỏ, đã phá huỷ phần lớn các giống ngô trong làng. Người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng do mất công ăn việc làm. Dự án của Laposse liên kết với cộng đồng Tonahuixtla và CIMMYT, ngân hàng hạt giống ngô lớn nhất thế giới, với mục tiêu cải tạo đất đai với các giống ngô bản địa.


Những người phụ nữ làm ra Totomoxtle


Totomoxtle được làm từ lá bao ngô thu thập từ các vụ thu hoạch ở vùng. Quá trình sản xuất mặt gỗ đã giúp cho những người phụ nữ trong vùng có việc làm, sau khi họ bị bỏ lại vì cánh đàn ông đã di cư đến Mỹ để làm việc. Một vấn đề thường gặp của các thiết kế tập trung giải quyết các vấn đề trong xã hội là không xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm có thể có ích cho môi trường hay mang đến các giá trị cộng đồng, nhưng mọi người lại không mấy thích thú khi mua chúng. Vì điều này, Laposse đã lấy giá trị thẩm mỹ làm trọng tâm cho dự án này. Các tấm mặt gỗ này có thể được sản xuất thành nhiều màu sắc khác nhau, từ màu tím đến màu kem. Hiện tại anh đang thảo luận với một nhà thiết kế nội thất người Pháp để sử dụng sản phẩm tấm lót gỗ này.


Chiếc bàn làm từ Totomoxle


“Thiết kế sản phẩm mang đến nhiều giá trị hơn bạn nghĩ”


Một trong số các dự án vào vòng cuối đã sử dụng thiết kế sản phẩm để giải quyết các vấn đề trong xã hội. Sản phẩm Jelly Drops được Lewis Hornby lấy động lực từ những khó khăn mà bà anh gặp phải với căn bệnh sa sút trí tuệ (dementia). Sau khi sức khỏe của bà bị sụt giảm nghiêm trọng, cả nhà nhận ra rằng lý do là vì bà không uống đủ nước. Đây là một thói quen dễ bị lãng quên, nên nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Lý do gây tử vong phổ biến với các bệnh nhân mắc bệnh sa sút trí tuệ là do mất nước.


Jelly Drops


Jelly Drops là những viên gelatin đầy màu sắc, với 90% thành phần là nước. Với vẻ ngoài giống kẹo, chúng rất dễ thu hút những người hay quên. Chúng dễ cầm nắm và phân giải nhanh, do đó có thể được hấp thụ dễ dàng. Bà của Hornby đã sử dụng 7 viên trong 10 phút thử nghiệm. Một hộp Jelly Drops sẽ tương đương với 3 cốc nước. Jack Herring đã sáng tạo ra Soluboard, một bảng mạch in (PCB) có thể hòa tan với mục đích giảm thiểu rác thải điện tử. Mạch PCB từng được chế tạo từ sợi thủy tinh và epoxy, nên việc xử lý rác thải sẽ mất nhiều thời gian hơn vì phải nghiền nát và thiêu đốt chúng. Quá trình này thường diễn ra ở các quốc gia như Ghana, nơi có bãi chứa rác thải điện tử lớn nhất trên thế giới Agbogbloshie, nằm ở thủ đô Accra.


Bảng mạch Soluboard của Herring


Soluboard được chế tạo hoàn toàn từ sợi lanh phân hủy sinh học có thể hòa tan trong nước nóng. Với mục tiêu nhắm vào thị trường đồ gia dụng nội địa, đây cũng là một nguyên liệu có giá thành cạnh tranh.


“Chúng ta cần phải thay đổi cách làm việc”


Dù các dự án rất đa dạng, chúng gặp phải vấn đề chung là chưa được phân phối rộng rãi. Sản phẩm Jelly Drops của Hornby hiện tại chưa được bày bán cho người tiêu dùng, sản phẩm của Laposse cũng chỉ có mặt tại một ngôi làng (dù anh đã bắt đầu hợp tác với cộng đồng ở địa phương khác), Williams hoạt động trong lĩnh vực thời trang nơi mà H&M làm bá chủ chuỗi cung ứng và Soluboard của Herring đang tìm cách thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư hơn.


Người chiến thắng giải thưởng Arts Foundation Futures sẽ được công bố vào tháng 1 năm 2020 với phần thưởng trị giá 10.000 bảng Anh. Rebecca Earley, giám khảo của cuộc thi và là người ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn vào các công ty như H&M, nói rằng, câu trả lời để các doanh nghiệp cùng tồn tại lâu dài chính là văn hóa “chống cạnh tranh”, dù ở lĩnh vực nào phải học cách giao tiếp tốt hơn và chia sẻ ý tưởng cùng nhau. “Chúng ta cần phải thay đổi cách làm việc,” cô chia sẻ.


Tiên Tiên / Advertising Vietnam

Theo Design Week