Năm 2011, thành phố Kyoto (Nhật Bản) đã ban hành Kế hoạch Miyako với mục đích gìn giữ bản sắc văn hoá của Cố đô. Kế hoạch này đưa ra những chính sách rất nghiêm ngặt về quang cảnh của thành phố: quy định rõ màu sắc, chiều cao, thiết kế của các tòa nhà trong khu vực. Thậm chí, những biển hiệu, bảng quảng cáo,... cũng phải tuân theo kế hoạch đã đề ra, nhằm tránh ảnh hưởng đến hình tượng truyền thống của Kyoto.


Các thương hiệu, dù của nước ngoài hay Nhật Bản, đều không làm nên ngoại lệ. Mái nhà được quy định là màu bạc, biển hiệu kim loại (nếu không làm bằng đồng) phải sơn màu xám đậm hoặc đen, màu tường không được sáng quá ngưỡng cho phép... Từ màu sắc chủ đạo bên ngoài cửa hiệu đến thiết kế logo đều buộc phải thay đổi hoặc giảm nhẹ tông màu để phù hợp với cảnh quan chung của thành phố. 


Sau đây là “diện mạo mới” của 7 thương hiệu quen thuộc khi xuất hiện tại Kyoto, Nhật Bản.


7-Eleven

Bàn về cửa hàng tiện lợi, chắc hẳn 7-Eleven là cái tên quen thuộc được nhiều người nhớ đến với gần 70,000 cửa hàng hiện diện ở 17 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu 7-Eleven gắn liền với bộ màu ấn tượng gồm màu xanh lá, đỏ, cam, trắng - đánh dấu sự hiện đại và tươi mát của chuỗi cửa hàng này. Thế nhưng đến Tokyo, màu xanh lá đặc trưng trên logo của 7-Eleven đã được thay thế bằng màu nâu sẫm để phù hợp với quy định về màu sắc nghiêm ngặt tại đây. 



FamilyMart

FamilyMart là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2 tại Nhật Bản, sau 7-Eleven. Người Nhật yêu chuộng FamilyMart phần vì đây là hệ thống cửa hàng được thành lập và phát triển tại Nhật Bản. Thương hiệu “quốc dân” này cũng không là ngoại lệ tại Kyoto khi màu sắc truyền thống xanh lá - xanh biển - trắng của FamilyMart chuyển thành màu nâu.


Starbucks

Starbucks nổi tiếng với định vị là không gian thưởng thức cà phê sang trọng, được ghi dấu bằng “Màu xanh Starbucks.” Cửa hàng Starbucks tại Kyoto là một ngoại lệ khi thương hiệu này “thay áo mới” để hòa mình vào văn hoá Nhật Bản và để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng du khách khi đến thăm Cố đô Kyoto. Có thể nói, Starbucks là một trường hợp hiếm hoi khi thương hiệu nhận được nhiều phản hồi tích cực khi tuân theo kế hoạch Miyako.


Lawson

Ở Nhật - xứ sở của cửa hàng tiện lợi, không quá ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu cùng xuất hiện trên một khu phố nhỏ. Và hiển nhiên, nhắc đến sự thay đổi màu sắc, không thể bỏ qua Lawson - chuỗi cửa hàng của Nhật Bản nổi bật với màu xanh biển. Hệ thống Lawson không được phép giữ lại màu xanh thương hiệu của mình; thay vào đó, họ sử dụng màu nâu và các thanh gỗ.


ENEOS

Hệ thống xăng dầu ENEOS với màu cam nổi bật cũng buộc phải đổi thành màu nâu để phù hợp với cảnh quang tại Kyoto. Không chỉ logo và bảng hiệu, toàn bộ mái nhà của các trạm nhiên liệu ENEOS đều phải chuyển về màu nâu sẫm.


McDonald’s

Từ doanh nghiệp địa phương cho đến thương hiệu quốc tế, một khi đã đến Kyoto, họ phải tuân thủ quy định về màu sắc của thành phố để xây dựng cửa hàng. Kế hoạch Miyako quy định rõ: Sắc đỏ (R) của tường nhà không được vượt quá mức 6 chiếu theo hệ thống màu Munsell. Chính vì thế, thương hiệu McDonald’s với hai màu đỏ - vàng truyền thống buộc phải chuyển thành màu trắng - nâu để đúng quy định.


Uniqlo

Thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo tuy không nằm trong phạm vi phải sửa đổi, nhưng một vài cửa hàng tại Kyoto vẫn thêm viền trắng bên ngoài logo để giảm độ chói. Bên cạnh đó, một số chi nhánh ở vị thế trung tâm hướng ra đường lớn cũng chủ động đổi biển hiệu thành màu nâu để phù hợp với thành phố.


Chính những quy định nghiêm ngặt của Kế hoạch Miyako đã làm nên những phiên bản đặc biệt của các cửa hàng nổi tiếng trên thế giới. Không đâu như ở Kyoto, nơi các thương hiệu lớn mang trên mình một diện mạo mới mẻ nhưng lại hoài cổ, thu hút đông đảo sự chú ý của khách du lịch.


Hồng Ân / Advertising Vietnam

Tổng hợp