Theo một nghiên cứu của Wunderman Intelligence tại khu vực APAC, gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2012) kỳ vọng sẽ có công việc ổn định hơn thế hệ cha mẹ của họ, họ chấp nhận sự thay đổi của các tiêu chuẩn xã hội.



Bất kỳ thương hiệu hay những marketers nào muốn tìm cách khai thác và tiếp cận gen Z, sẽ cần phải gạt đi những suy nghĩ và thói quen cũ để nắm bắt những chiến lược mới phù hợp với phân khúc đầy khác biệt này. Như ta đã biết, gen Z lớn lên trong thời kỳ xung đột ở khắp nơi, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và thay đổi xã hội đối với mọi thứ, từ tình dục cho đến kinh tế. Dần dần, thế hệ này đã và đang sống theo quy luật sống của chính họ.


Ở châu Á, nhóm gen Z lạc quan về tương lai của mình, họ tham gia nhiều vào các vấn đề kinh tế xã hội và cởi mở hơn bao giờ hết khi nói về chủng tộc, tôn giáo và các mối quan hệ xã hội. Dựa vào nghiên cứu dữ liệu người tiêu dùng gần đây của đơn vị dữ liệu nội bộ Sonar trên 4.500 người tiêu dùng từ 13 đến 23 tuổi, Wunderman Intelligence đã xác định được yếu tố thúc đẩy nhóm người tiêu dùng này. Dữ liệu này được lấy từ các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam bao gồm các chủ đề về mua sắm, tài chính, công nghệ và truyền thông, cũng như giới tính và chính trị.


Bất chấp thời kỳ hỗn loạn mà họ đang sống, Gen Z vẫn lạc quan cho rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn thế hệ cha mẹ, với ba phần tư số người được hỏi nói rằng họ sẽ có vị trí vững chắc hơn trong xã hội. Gen Z ở Trung Quốc lạc quan nhất (94%) tiếp theo là Indonesia (91%), Thái Lan (88%), Việt Nam (84%), Philippines (78%), Singapore (74%) , Hồng Kông (71%) và Đài Loan (60%) và Nhật Bản (28%).


Trong khi đó, không giống như bất kỳ thế hệ nào khác trong quá khứ, các thành viên của Gen Z thoải mái với việc xem điện thoại di động là trung tâm và có xu hướng sử dụng thiết bị của họ thường xuyên. Khoảng 76% số người được hỏi đều cho rằng họ sử dụng điện thoại thông minh của họ rất nhiều lần trong một ngày, thậm chí có gần chín trong số mười người cảm thấy họ dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử.



Ngay cả khi họ trở nên thoải mái trong việc sử dụng các thiết bị di động, có rất nhiều người (89% số người được khảo sát) cẩn trọng về những gì họ đăng trên mạng xã hội. Nhờ vào số liệu này, các marketers nên biết rằng nhóm thế hệ này chưa từ bỏ thế giới thực. Theo kết quả, 76% nói chung họ thoải mái mua hàng trực tuyến như ngoại tuyến, tăng lên 88% tại Trung Quốc. Thế nhưng, 62% tổng thể nói rằng họ thích mua hàng trong một cửa hàng vật lý hơn là mà sắm trực tuyến.


Những marketers đang tìm cách nhắm mục tiêu đối tượng này cũng phải đối mặt với những thách thức khác. Mặc dù sống trong thời đại của sự phát triển điện thoại di động, phương tiện truyền thông xã hội và sự lan rộng những người có sức ảnh hưởng trên nhiều nền tảng, một phần đáng kể của thế hệ này thường chọn thành viên trong gia đình làm thần tượng của riêng mình, vị trí tiếp theo được ngưỡng mộ chính là giáo viên của họ, đặc biệt là ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Trong khi những người ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan chọn những người nổi tiếng làm thần tượng, thì phần lớn giới trẻ với lòng tự tôn cao ở Trung Quốc thích các nhà khoa học, doanh nhân và chính trị gia.



Khi nhóm đối tượng khách hàng này tích cực tìm cách tham gia vào các hoạt động để thay đổi thế giới tốt hơn, các thương hiệu sẽ được khuyên rằng họ nên căn chỉnh các thông điệp của họ cho phù hợp hơn với thế hệ này. Khi thế hệ Z trở nên ý thức hơn và nhận thức được về cách họ ăn mặc, mua sắm và đi du lịch, việc mua hàng và lòng trung thành của họ sẽ được quyết định bởi những thông điệp này. Thế hệ này cũng đưa một cái nhìn bao quát hơn về giới tính và chủng tộc, quan điểm về cộng đồng LGBTQ được chấp nhận rộng rãi hơn và bình đẳng giới ngày càng trở thành chuẩn mực, các thương hiệu có thể sẽ được hưởng lợi từ việc giảm các định kiến về ​​giới tính trong truyền thông.


Không giống như bất kỳ thế hệ nào khác trước đây, các thương hiệu ngày nay phải đối mặt với thử thách bán sản phẩm cho một nhóm người có nhận thức sâu sắc hơn về thế giới hỗn loạn mà họ đang sống. Ví dụ, có 80% nói rằng giới tính không định nghĩa một người nhiều như trước đây, ba phần tư nói rằng họ sẽ hẹn hò với những người khác chủng tộc với mình và tại thời điểm hiệu ứng nóng lên toàn cầu, hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đang cố gắng ăn ít thịt hơn trước.



Đây là thế hệ kết nối toàn cầu nhất từ trước đến nay” Chen May Yee, Giám đốc của Wunderman Thompson Intelligence khu vực APAC cho biết. “Thế hệ Z châu Á sinh ra trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và địa chính trị đầy bão tố, và họ lo lắng về mọi thứ, từ triển vọng công việc trong tương lai đến quyền riêng tư trực tuyến. Tuy nhiên, khoảng ba phần tư nói rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn thế hệ cha mẹ họ. Sự pha trộn giữa tích cực và trưởng thành này đã ảnh hưởng đến cách các thương hiệu suy nghĩ và hành động.”


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Theo Campaignasia