Quảng cáo gây nhầm lẫn và hiểu lầm là các hình thức quảng cáo mà những thông điệp được truyền tải có thể gây ra sự hiểu lầm, nhầm lẫn hoặc tạo ra những kết luận sai lệch cho người xem. Những thông điệp quảng cáo không chính xác hoặc thiếu thông tin có thể dẫn đến những hiểu lầm và nhầm lẫn trong suy nghĩ của khách hàng. 


Ví dụ, một quảng cáo cho một loại kem chống nắng có thể gây nhầm lẫn nếu quảng cáo nói rằng sản phẩm có thể bảo vệ da khỏi 100% tác hại của tia cực tím. Trong thực tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hội đồng Y học Da liễu Hoa Kỳ (AADA), không có sản phẩm kem chống nắng nào có thể cung cấp bảo vệ 100% khỏi tia cực tím. Điều này có thể gây ra sự hiểu lầm và nhầm lẫn cho người tiêu dùng về tính năng và hiệu quả của sản phẩm.


Ngoài ra, quảng cáo sử dụng hình ảnh hoặc từ ngữ không chính xác để gây ấn tượng mạnh mẽ đến khách hàng cũng gây ra sự hiểu lầm và nhầm lẫn về tính chất và chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng cáo.


Nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh hoặc từ ngữ không chính xác để gây ấn tượng mạnh mẽ đến khách hàng


Gần đây, hiện tượng gây nhầm lẫn trong quảng cáo tại Việt Nam rất phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng, du lịch và bất động sản. Tháng 3/2023, có hai khách sạn tại Nha Trang đã bị phạt vì quảng cáo sai số sao của mình. Các khách sạn này đã quảng cáo rằng họ là khách sạn 2 sao, nhưng thực tế không có giấy phép kinh doanh và không đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu cho khách sạn 2 sao. 


Cũng trong tháng 3/3023, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cảnh báo về tình trạng quảng cáo sai sự thật và không đúng quy định của các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường. Theo đó, nhiều sản phẩm TPCN được quảng cáo với những lời nói dụ dỗ như "chữa bệnh hiệu quả", "không tác dụng phụ", "giảm đau nhanh"... mặc dù không có bằng chứng khoa học chứng minh và không được phép quảng cáo như thuốc. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn dùng tên gọi, hình ảnh, nhãn hiệu gây nhầm lẫn với thuốc, dẫn đến tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm TPCN, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, tên gọi, công dụng và hạn sử dụng trên bao bì trước khi sử dụng.


Năm 2004, Hyundai đã trả hơn 85 triệu đô la Mỹ để giải quyết vụ kiện của nhóm người tiêu dùng tại Mỹ khi đã quảng cáo quá mức công suất xe hơi của mình


Trước đó cũng có nhiều trường hợp tương tự đối với quảng cáo dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Vào năm 2019, thông tin về tình trạng một số sản phẩm "made in Vietnam" thực tế lại được sản xuất ở các nước khác cũng tạo ra phản ứng đối với người tiêu dùng. Các trường hợp sản phẩm nông sản, thực phẩm và hàng gia dụng được giới thiệu là sản xuất tại Việt Nam nhưng thực chất lại nhập khẩu từ các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Nhiều trường hợp slogan khác dễ gây nhầm lẫn khác có thể kể đến như "ăn là phải ngất ngây", “trắng hơn với chỉ 1 lần sử dụng”, "nước ép trái cây tươi 100%", "tự nhiên 100%".


Nhìn chung, các quảng cáo này thường sử dụng những lời quảng cáo không chính xác, hoặc quảng cáo sản phẩm bằng các đối tượng, mô hình không liên quan đến sản phẩm. Điều này dẫn đến việc khách hàng dễ bị lừa và mua sản phẩm không đúng chất lượng hoặc không phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. 


Quảng cáo gây nhầm lẫn được xác định như thế nào?


Theo Luật sư (LS) Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về định nghĩa quảng cáo gây nhầm lẫn. Hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn là một dạng của hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 thuộc hành vi Lôi kéo khách hàng bất chính tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật cạnh tranh 2018:


“a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác”


Năm 2016, Volkswagen bị cáo buộc đã quảng cáo sai sự thật về dòng xe "Clean Diesel"


Và tại Luật Quảng cáo 2012, cụ thể là khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định các hành vi bị cấm gồm:


“Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”


Đồng thời, tại khoản 7 Điều 109 Luật thương mại 2005, quảng cáo sai sự thật thuộc hành vi quảng cáo thương mại bị cấm:


“Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.


Nếu một sản phẩm được quảng cáo sai sự thật và không đúng quy định, người tiêu dùng có quyền khiếu nại và yêu cầu bồi thường từ nhà sản xuất hay nhà quảng cáo. Luật quảng cáo 2012 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và cả người tiếp nhận quảng cáo. Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo thì có quyền yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại. 


Trong trường hợp quảng cáo gây nhầm lẫn do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, nhà kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo 2012. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, người tiếp nhận phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra. Người tiếp nhận quảng cáo còn có quyền tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật.


Nhận diện các quảng cáo gây nhầm lẫn 


Là một hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo, các chiêu trò quảng cáo sai sự thật có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ slogan đến hình ảnh hay video. Một số dấu hiệu để nhận diện các quảng cáo gây nhầm lẫn bao gồm: 


  • Slogan hoặc thông điệp quảng cáo có lời hoa mỹ, vượt quá phạm vi hoặc khả năng của sản phẩm.
  • Hình ảnh hoặc video quảng cáo không phù hợp hoặc không liên quan đến sản phẩm.
  • Thông tin quảng cáo thiếu rõ ràng, không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.
  • Các thông tin quảng cáo đối lập với thông tin về sản phẩm được cung cấp từ các nguồn đáng tin cậy khác.
  • Nhà quảng cáo không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm hoặc thông tin đó không được công bố công khai.


Để nhận diện các quảng cáo gây nhầm lẫn, người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về quảng cáo, đồng thời cẩn trọng và tinh ý khi tiếp cận với các sản phẩm quảng cáo. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào về tính chất của sản phẩm hay thông tin quảng cáo, người tiêu dùng cần phải thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. 


Red Bull đã bị kiện vào năm 2014 vì khẩu hiệu quảng cáo "Red Bull mang đến cho bạn đôi cánh"


Theo Luật sư (LS) Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM, việc đánh giá tác động của một sản phẩm được quảng cáo với slogan dễ gây nhầm lẫn phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và các quy định pháp luật liên quan. Tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm quy định của Luật Quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân); nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.


Điển hình như trong các trường hợp thực phẩm chức năng không có bằng chứng khoa học chứng minh về công dụng nhưng vẫn được quảng cáo, sản phẩm được giới thiệu là sản xuất tại Việt Nam nhưng thực chất lại nhập khẩu từ các nước khác, hay trường hợp một công ty quảng cáo rằng sản phẩm của họ là "100% tự nhiên", nhưng trong quá trình kiểm tra được xác định rằng sản phẩm đó có chứa các thành phần không tự nhiên, thì các công ty đó sẽ bị xử phạt sẽ theo theo Điều 5 nghị định 123/2018. Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.


Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo thì có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.


Các biện pháp xử lý vi phạm quảng cáo gây nhầm lẫn là gì? 


Tùy vào tính chất và mức độ hành vi các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự.


Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Ngoài ra, còn có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định.


Năm 2014, Wal-Mart đã quảng cáo giá rẻ hơn cho sản phẩm Coca-Cola tại Hoa Kỳ, tuy nhiên lại tính giá cao hơn ở tiểu bang New York. 


Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015:


“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.


Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”



Các quốc gia trên thế giới đã quản lý như thế nào?


Nhiều quốc gia trên thế giới đều có các quy định về quảng cáo để đảm bảo sự minh bạch và tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tại Hoa Kỳ, Ủy Ban Mậu Dịch Quốc Gia FTC (Federal Trade Commission) có nhiệm vụ giám sát các hoạt động quảng cáo của các công ty. FTC sử dụng các nguyên tắc đạo đức quảng cáo để đánh giá tính đúng đắn và minh bạch của các quảng cáo. Nếu các công ty vi phạm các quy định này, FTC có thể yêu cầu các công ty ngừng sử dụng các quảng cáo đó và có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt khác.


Tại châu Âu, Quy chế Bảo vệ người tiêu dùng Châu Âu CPC (The Consumer Protection Cooperation Regulation) là một công cụ để đảm bảo rằng quảng cáo không gây nhầm lẫn người tiêu dùng. CPC giám sát các hoạt động quảng cáo và có thể yêu cầu các công ty ngừng sử dụng các quảng cáo không đúng đắn hoặc mạo danh. 


Một quảng cáo bị cấm của sản phẩm kem chống lão hóa mắt Definity của Olay năm 2009, trong đó người mẫu Twiggy được trang điểm và chỉnh sửa ảnh để trông như không có nếp nhăn, trẻ trung hơn so với tuổi thật của cô. 


Ở Nhật Bản, Đạo luật chống các khoản phí không công bằng và các biểu hiện đánh lừa AUPMR (Act Against Unjustifiable Premiums and Misleading Representations) được sử dụng để quản lý các hoạt động quảng cáo. Luật này cấm các hoạt động đánh lừa khách hàng bằng cách đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc mô tả không chính xác về sản phẩm hoặc dịch vụ. 


Điểm chung của các luật quản lý quảng cáo trên thế giới là đều cấm các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn hoặc lừa dối khách hàng. Cụ thể, các quy định này thường hạn chế sử dụng các thông tin sai lệch, không chính xác hoặc thiếu minh bạch để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngoài ra, các quy định này thường cũng đề cập đến việc không được sử dụng các thông tin không đúng với thực tế để so sánh với sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.


Tạm kết 


Để tránh quảng cáo gây nhầm lẫn, người tiêu dùng cần phải cập nhật thông tin và đánh giá một cách khách quan trước khi quyết định mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Có thể tham khảo ý kiến của người dùng trước đó, đánh giá và bình luận của khách hàng, hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên các trang web uy tín hoặc các tổ chức độc lập.


L'Oréal từng tuyên bố sản phẩm của họ được "chứng minh lâm sàng" để "kích hoạt gen" và mang lại "da trẻ hóa rõ rệt chỉ sau 7 ngày". Năm 2014, L'Oréal thừa nhận rằng những tuyên bố này là sai lệch


Ngoài ra, người tiêu dùng cần chú ý đến các tiêu đề quảng cáo thường sử dụng các từ ngữ quá lời, thần thánh hóa như “có kết quả ngay”, “tốt nhất”, “siêu phẩm”... Nếu thấy quảng cáo có vẻ quá hoa mỹ hoặc không thật sự hợp lý, người tiêu dùng nên tìm kiếm thông tin và đánh giá từ các nguồn khác nhau để đánh giá chính xác sản phẩm hoặc dịch vụ đó.


Cuối cùng, nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi nào về sản phẩm hoặc dịch vụ, người tiêu dùng nên tìm kiếm ý kiến ​​từ các chuyên gia trong lĩnh vực đó hoặc tham khảo ý kiến ​​từ bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng sản phẩm.


Thực hiện: Advertising Vietnam

Quan Dinh H.