Product marketing, hay còn gọi là tiếp thị sản phẩm, có lẽ là một thuật ngữ khó có thể tìm kiếm được định nghĩa chính xác, kể cả trên Google. Ở một số công ty, một product marketer (nhà tiếp thị sản phẩm) chịu trách nhiệm định vị sản phẩm, nhưng ở một số khác, product marketer chỉ tập trung vào việc hỗ trợ bán hàng hoặc chịu trách nhiệm thúc đẩy nhu cầu.


Vậy product marketing chính xác là gì? Bài viết dưới đây sẽ nói qua về khái niệm, vai trò, nhiệm vụ cũng như chiến lược của product marketing.


Product marketing là gì? 


Product Marketing là quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, quảng bá và bán sản phẩm cho khách hàng. Quá trình này bao gồm việc định vị và đưa ra thông điệp của sản phẩm, ra mắt sản phẩm và đảm bảo nhân viên bán hàng và khách hàng hiểu rõ về sản phẩm đó nhằm mục đích thúc đẩy doanh thu và nhu cầu cho sản phẩm.Product Marketing không dừng lại một khi sản phẩm đã được tung ra thị trường. Quá trình được kéo dài sau khi ra mắt để đảm bảo đúng đối tượng biết về sản phẩm, cách sử dụng và nhu cầu cũng như phản hồi của những đối tượng này cũng sẽ được lắng nghe trong vòng đời của sản phẩm. 


Như vậy, product marketing và marketing truyền thống có gì khác nhau? Đều cùng là hoạt động quảng bá, nhưng marketing truyền thống tập trung vào việc thu hút và chuyển đổi khách hàng. Các nhà marketers truyền thống tập trung vào những đối tượng mới: khách hàng tiềm năng. Marketing truyền thống cũng đóng vai trò quảng bá cho một công ty, thương hiệu và đảm bảo tính nhất quán của thông điệp marketing.Mặt khác, product marketing tập trung vào việc marketing tới khách hàng, thúc đẩy nhu cầu và sự chấp nhận sản phẩm của khách hàng hiện tại. Nó tập trung vào các bước khách hàng thực hiện để mua sản phẩm, từ đó các product marketers có thể xây dựng các chiến dịch hỗ trợ quá trình này.


Product marketing là quá trình tìm hiểu về đối tượng khách hàng của một sản phẩm nhất định ở mức độ sâu, sau đó phát triển định vị và thông điệp của sản phẩm để thu hút đối tượng khách hàng đó. Nó bao gồm phần ra mắt và thực thi sản phẩm, bên cạnh chiến lược marketing cho sản phẩm. Có thể nói công việc của một product marketer nằm tại vị trí giao nhau của bộ phận marketing - bán hàng - sản phẩm trong một doanh nghiệp. Marketing truyền thống tập trung vào các chủ đề rộng lớn hơn trong một chiến dịch marketing như việc tạo ra một khách hàng tiềm năng, SEO và bất cứ điều gì liên quan đến việc đạt được và chuyển đổi khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng mới: quảng bá công ty và thương hiệu, kể cả các sản phẩm được bán cùng với một thông điệp thương hiệu nhất quán. Product marketing được xem là một nhánh của marketing truyền thống.


Vai trò của Product Marketing


Product marketing là một phần quan trọng của bất kỳ chiến lược marketing kinh doanh nào. Thiếu đi quá trình này, sản phẩm mà bạn ra mắt không đạt được tiềm năng tối đa trong lòng đối tượng mục tiêu của bạn. Vậy product marketing đem đến những gì?


  • Thấu hiểu khách hàng nhiều hơn
  • Nhắm mục tiêu khách hàng một cách hiệu quả
  • Tìm hiểu về sản phẩm và chiến lược của đối thủ cạnh tranh
  • Đảm bảo các nhóm marketing, sản phẩm và bán hàng đều ở trên cùng một con thuyền
  • Định vị sản phẩm phù hợp với thị trường
  • Tăng doanh thu và cải thiện doanh số


Nhiệm vụ của Product marketing


Xác định chân dung khách hàng và đối tượng mục tiêu

Bạn phải xác định chân dung khách hàng và đối tượng mục tiêu cho sản phẩm của mình để có thể nhắm mục tiêu khách hàng bằng cách thuyết phục và khiến họ muốn mua hàng. Điều này sẽ cho phép bạn điều chỉnh sản phẩm và các tính năng của nó để giải quyết những vấn đề mà khách hàng đang đối mặt.


Xây dựng, quản lý và triển khai chiến lược marketing sản phẩm thành công

Một chiến lược product marketing cho phép bạn tạo ra, xây dựng và thực thi các nội dung và chiến dịch. Quá trình này sẽ hỗ trợ các bước dẫn đến hành động mua của khách hàng.


Làm việc và cho phép bộ phận bán hàng thu hút đúng khách hàng cho sản phẩm mới 

Là một product marketer, bạn phải duy trì mối quan hệ trực tiếp với bộ phận bán hàng để xác định và thu hút đúng đối tượng khách hàng cho sản phẩm và cung cấp tài liệu hỗ trợ bán hàng cho phía đại diện để đảm bảo họ hiểu sản phẩm bên trong và bên ngoài, cùng với tất cả các tính năng của nó.


Bằng cách này, bạn và các nhóm bộ phận khác sẽ thống nhất về những điều chia sẻ với khách hàng, cho phép bạn cung cấp trải nghiệm thương hiệu một cách nhất quán đến bất kỳ ai tiếp xúc với sản phẩm.


Định vị sản phẩm trên thị trường

Một trong những phần quan trọng nhất là định vị được sản phẩm của bạn trên thị trường. Hãy suy nghĩ về quá trình này theo cách kể chuyện, công việc định vị yêu cầu bạn tạo và kể ra câu chuyện về sản phẩm của bạn.Là một product marketer, bạn sẽ làm việc với bộ phận marketing và bộ phận sản phẩm để kể ra câu chuyện của mình qua những câu hỏi sau:

– Lý do sản phẩm này được ra đời?

– Sản phẩm này dành cho ai?

– Những vấn đề nào sản phẩm này có thể giải quyết?

– Điều gì làm cho sản phẩm này trở nên độc nhất?


Đảm bảo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của đối tượng mục tiêu

Bạn cũng phải đảm bảo sản phẩm của bạn đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tượng mục tiêu. Thông qua nghiên cứu được thực hiện để xác định chân dung khách hàng và đối tượng mục tiêu, bạn sẽ phát hiện ra những nỗi đau và vấn đề khách hàng mà bạn có thể giải quyết bằng sản phẩm của mình.

Nếu sản phẩm của bạn không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ sẽ không có lý do gì để mua hoặc chọn sản phẩm của bạn so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.


Duy trì tính năng của sản phẩm theo thời gian

Sản phẩm của bạn cần được duy trì theo thời gian. Khi nhu cầu, kỳ vọng và những thách thức trở nên thay đổi và phát triển, công việc của bạn là đảm bảo chiến lược tiếp thị sản phẩm của bạn và bản thân các sản phẩm vẫn phù hợp với khách hàng.


Hãy quản lý từng thay đổi nhỏ trong chiến lược product marketing của bạn hoặc cập nhật hay sửa đổi chính sản phẩm đó.


Vừa rồi là tất cả những thông tin hữu ích về khái niệm, vai trò cũng như nhiệm vụ của product marketing là gì. Vậy làm thế nào để xây dựng một chiến lược marketing hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu với Advertising Vietnam trong phần 2 của bài viết nhé!


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Tổng hợp