Sau 1 tháng khởi chiếu, “Nhà Gia Tiên” gặt hái thành công ấn tượng, trở thành case study điển hình cho những dự án phim khai thác yếu tố văn hóa, truyền thống Việt Nam, đồng thời tiếp thêm động lực cho các tác phẩm cùng thể loại sắp sửa ra mắt. Cùng tìm hiểu về chiến lược quảng bá phim “Nhà Gia Tiên” qua những chia sẻ từ đạo diễn Huỳnh Lập!
Trong dịp Tết, thị trường điện ảnh Việt chứng kiến sự bùng nổ của nhiều phim chiếu rạp với đa dạng thể loại như hành động, hài và tâm lý xã hội. Sau khi cơn sốt phim Tết hạ nhiệt, khán giả thường tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc và gần gũi hơn, đặc biệt là những câu chuyện về gia đình và văn hoá truyền thống. Ekip "Nhà Gia Tiên" đã nắm bắt cơ hội này để bứt phá, khi chính thức khởi chiếu phim vào ngày 21/02/2025.
Hiện nay, trong bối cảnh các nghi lễ truyền thống ngày càng xa lạ với giới trẻ, khi lối sống cá nhân lên ngôi và sự gắn kết gia đình dần phai nhạt, nhu cầu đưa các chủ đề văn hóa vào phim Việt cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Dù điện ảnh không thiếu những tác phẩm đậm chất truyền thống, việc tạo sự đồng cảm và thu hút giới trẻ vẫn là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi cách kể chuyện khéo léo, mới mẻ để vừa tôn vinh văn hóa vừa gần gũi với cuộc sống hiện đại.
"Nhà Gia Tiên" của Huỳnh Lập xuất hiện như một làn gió mới, mạnh dạn mang đến một góc nhìn tinh tế và sâu sắc về giá trị gia đình và truyền thống. Bộ phim không chỉ làm sống lại những văn hoá truyền thống của người Việt Nam, những nghi lễ gia tiên đầy trang trọng mà còn chạm đến trái tim khán giả qua những tình huống đời thường.
Về quá trình hình thành ý tưởng cho "Nhà Gia Tiên", Huỳnh Lập chia sẻ rằng anh đã dành một tháng để hoàn thiện kịch bản, tạo ra tới 9 đường dây kịch bản khác nhau. Cuối cùng, phiên bản thứ 9 được chọn làm cơ sở cho phim nhờ tính gọn gàng, súc tích và hợp lý của nó.
Bộ phim nhắm đến đối tượng khán giả trên 18 tuổi, những người đã có trải nghiệm nhất định về cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, đồng thời mong muốn tìm kiếm sự kết nối giữa các thế hệ. Do đó, nhà làm phim đã khéo léo cài cắm những tình tiết cao trào và thông điệp sâu sắc về giá trị gia đình. Chính những yếu tố này đã giúp khơi gợi những bàn luận tích cực của khán giả sau khi bộ phim khởi chiếu.
Bên cạnh đó, Huỳnh Lập cũng gửi gắm thông điệp xoay quanh yếu tố giữ gìn văn hoá truyền thống Việt Nam: "Tôi nhận ra rằng có một số bạn trẻ không biết tranh kiếng là gì, và cũng có không ít người thắc mắc về ý nghĩa của việc thắp nhang cho ông bà. Nhiều bạn trẻ còn tỏ ra ngao ngán với việc ăn đám giỗ, tổ chức nhậu nhẹt... Chính những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy đã thôi thúc tôi quyết định thực hiện bộ phim này. Nhà Gia Tiên là cách để tôi tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm lan tỏa những giá trị văn hóa tâm linh, thờ cúng ông bà, văn hóa thắp nhang và cả cách nhìn nhận về tiệc tùng của người Việt Nam."
Chiến lược truyền thông của “Nhà Gia Tiên” là sự kết hợp hài hòa giữa sức hút từ dàn diễn viên thực lực và khả năng khai thác sâu sắc các giá trị bản sắc thông qua tín ngưỡng văn hóa dân gian, thông qua 3 giai đoạn:
Ngay từ khi dự án “Nhà Gia Tiên” được giới thiệu đến công chúng, đội ngũ truyền thông đã khéo léo tận dụng sức lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội để khơi gợi sự hứng thú từ khán giả, triển khai theo 2 giai đoạn khác nhau:
- Pre-teaser: Tập trung đề cập đến những vấn đề đáng suy ngẫm dưới góc nhìn tâm linh nhưng vẫn giữ tính giải trí cao, như sự mất kết nối giữa người trẻ và người lớn tuổi, ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt như tranh kiếng, làm đám giỗ ông bà, đổ bánh xèo,...
- Teaser: Khai thác sâu vào những mâu thuẫn gia đình xoay quanh việc tranh chấp tài sản, với tâm điểm là mối quan hệ phức tạp và đầy sóng gió giữa các thành viên trong gia đình nhằm giành quyền sở hữu “Nhà Gia Tiên” - căn nhà do tổ tiên để lại.
Đồng thời, đội ngũ truyền thông cũng khéo léo khai thác angle "Cùng Mỹ Tiên về quê ăn giỗ miền Tây", nhằm quảng bá văn hóa và hình ảnh đặc trưng trong phim, tạo sức hút mạnh mẽ đối với khán giả.
Đội ngũ truyền thông cũng tận dụng hình ảnh căn nhà để khơi gợi sự đồng cảm và cảm xúc của khán giả, thông qua angle “'Nhà' trong ký ức của tôi khi còn nhỏ" - gợi nhắc về những kỷ niệm gắn liền với mái ấm gia đình khi còn nhỏ.
Nhằm tiếp cận tệp khán giả trẻ, đội ngũ truyền thông đã bắt trend bằng cách lồng ghép những nội dung đang viral trên mạng xã hội theo phong cách rất riêng của “Nhà Gia Tiên”, thành công thu hút sự chú ý của khán giả.
Vì phim ra mắt sau Tết Nguyên Đán 2025 (khởi chiếu chính thức từ ngày 21/02), đội ngũ đã chuẩn bị nội dung giải trí phục vụ khán giả trong kỳ nghỉ Tết, khi giới thiệu chương trình truyền hình thực tế “Nhà Gia Tiên”. Chương trình được phát sóng trực tiếp trong dịp Tết và kéo dài đến sau khi phim ra rạp. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã phát sóng được 4 tập trên nền tảng YouTube, với sự góp mặt của dàn diễn viên trong phim.
Thông qua những trò chơi vui nhộn và các thử thách, các diễn viên không chỉ mang đến tiếng cười mà còn có cơ hội chia sẻ những câu chuyện hậu trường, giới thiệu tính cách và tạo hình nhân vật của mình đến với khán giả, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trước khi phim chính thức công chiếu.
Trong giai đoạn này, các cụm rạp đã đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá bộ phim “Nhà Gia Tiên” đến khán giả. Bằng cách ưu tiên vị trí trưng bày và quảng bá thuận lợi, các rạp không ngừng tạo điều kiện để tác phẩm tiếp cận công chúng một cách hiệu quả. Các vật phẩm quảng cáo (POSM) đã được trưng bày từ đầu tháng 1 và được duy trì xuyên suốt, thậm chí còn tăng cường thêm cho đến ngày phim chính thức khởi chiếu.
Sau ngày khởi chiếu, “Nhà Gia Tiên” nhanh chóng tạo nên làn sóng bàn luận sôi nổi với hàng loạt bài viết, hoạt động review, phân tích, thảo luận và kêu gọi ra rạp nở rộ trên các nền tảng trực tuyến. Đội ngũ truyền thông đã tận dụng sức nóng này bằng cách phối hợp với các KOL, những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong ngành điện ảnh, cùng các đơn vị truyền thông để tiếp tục lan tỏa thông tin về bộ phim, góp phần duy trì sự chú ý từ khán giả.
“Nhà Gia Tiên” khai thác câu chuyện về một gia đình Việt truyền thống điển hình, tập trung vào hành trình đầy cảm xúc của nhân vật chính - Mỹ Tiên, khi vượt qua nỗi đau bị hắt hủi để hàn gắn mâu thuẫn với mẹ. Bên cạnh đó, tác phẩm cài cắm nhiều cảnh liên quan tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên, từ đó lồng ghép thông điệp hướng về cội nguồn. Phim cũng vẽ ra thế giới tâm linh, nơi hàng ngày, người mất vẫn dõi theo cuộc sống con cháu.
Những phân đoạn đặc biệt này đóng vai trò then chốt trong chiến lược truyền thông, khi đội ngũ sáng tạo tinh tế khai thác những câu thoại đầy cảm xúc để truyền tải thông điệp của bộ phim đến với khán giả.
Tạo hình của phim cũng trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trong cộng đồng khán giả, góp phần gia tăng độ nhận diện cho "Nhà Gia Tiên". Trong các cảnh quay, những nhân vật đảm nhận vai ông bà gia tiên đều được hóa trang theo tông màu trắng đen, tạo nên hiệu ứng thị giác đầy ám ảnh khiến người xem không khỏi “hú hồn”.
Huỳnh Lập chia sẻ rằng, khi nhìn lại những bức ảnh của ông bà ngày xưa, có thể thấy ảnh càng cũ thì càng bạc màu, đến mức chỉ còn lại hai tông trắng đen. Chính vì vậy, anh đã quyết định thể hiện điều này lên các nhân vật là ông bà tổ tiên, tạo nên hình ảnh "hội đồng gia tiên" trắng đen độc đáo trong phim, lấy cảm hứng từ ý tưởng đó.
Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, đoàn phim “Nhà Gia Tiên” đã tổ chức sự kiện đặc biệt mang tên “Bánh xèo của mẹ” nhằm tri ân khán giả đã ủng hộ bộ phim trong suốt thời gian qua. Sự kiện diễn ra tại khu vực sân khấu ngoài trời của Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM, thu hút đông đảo người tham dự.
Tại đây, hơn 1.200 chiếc bánh xèo được phục vụ hoàn toàn miễn phí, do chính dàn diễn viên tự tay đổ bánh và mời khán giả thưởng thức. Bên cạnh đó, sự kiện còn mang đến nhiều hoạt động giao lưu hấp dẫn như ký tặng với diễn viên, chơi lô tô, trình diễn ca nhạc đậm chất miền Tây, tạo nên không khí ấm cúng và gần gũi.
Sau 6 năm kể từ “Pháp Sư Mù: Ai Chết Giơ Tay”, đạo diễn Huỳnh Lập trở lại màn ảnh rộng với bộ phim “Nhà Gia Tiên”. Vẫn khai thác đề tài tâm linh pha chút hài hước, nhưng lần này, tác phẩm mang đậm dấu ấn gia đình, tạo nên sự khác biệt so với các dự án trước đó.
“Nhà Gia Tiên” đề cập đến những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, khiến người xem dễ dàng nhìn thấy chính mình và gia đình mình trong từng câu chuyện. Bộ phim khéo léo chạm đến những khía cạnh quen thuộc nhưng đầy trăn trở, từ việc người trẻ mất kết nối với người thân, xem nhẹ những buổi giỗ quẩy, cho đến áp lực phải sống theo kỳ vọng của thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, phim còn khắc họa mâu thuẫn thế hệ, tư tưởng trọng nam khinh nữ, hay sự tranh giành tài sản giữa anh chị em trong gia đình.
Chính vì vậy, khi xây dựng chiến lược sáng tạo nội dung cho “Nhà Gia Tiên”, đội ngũ truyền thông đã lựa chọn hướng đi trẻ trung, sáng tạo nhưng vẫn giữ được sự cảm động, chạm đến cảm xúc người xem.
Cụ thể, một số nghề thủ công truyền thống như đổ bánh xèo hay nghệ thuật làm tranh kính được khắc họa chân thực và sinh động qua các câu chuyện trên nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, các nhân vật trong phim cũng được lồng ghép vào những tình huống hài hước, bắt trend qua các tiểu phẩm ngắn và chương trình truyền hình thực tế. Đặc biệt, những câu thoại ấn tượng trong phim được làm nổi bật nhằm gợi lên suy ngẫm về các giá trị cốt lõi của cuộc sống.
Xuyên suốt quá trình sáng tạo nội dung cho phim, hình ảnh ngôi nhà gia tiên luôn được xem như “mỏ neo” quan trọng, giúp khán giả cảm nhận rõ nét thông điệp chính của tác phẩm.
First-look poster của “Nhà Gia Tiên” gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ màu sắc rực rỡ, nổi bật từ những họa tiết truyền thống. Điểm nhấn của poster chính là hình ảnh bức Cửu Huyền Thất Tổ được tái hiện bằng tranh kiếng (hay còn gọi là tranh kính) - dòng tranh nổi tiếng tại vùng đất Nam Bộ. Việc khai thác triệt để văn hóa tranh kiếng không chỉ tạo điểm nhấn độc đáo mà còn khơi gợi sự tò mò và niềm yêu thích đối với văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Các hình ảnh quảng bá khác của bộ phim cũng được khai thác triệt để thông qua nghệ thuật tranh kiếng, tạo nên dấu ấn thị giác độc đáo và đậm chất văn hóa. Khi được hỏi về ý tưởng này, đạo diễn Huỳnh Lập chia sẻ: “Lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian kết hợp với nét vẽ hiện đại, tôi và ê-kíp làm phim mong muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời của người Việt Nam.”
Sau hơn 3 tuần công chiếu, “Nhà Gia Tiên” đã chính thức vượt mốc doanh thu 227 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị thống kê phòng vé độc lập). Thành tích ấn tượng này giúp bộ phim lọt vào top 7 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, đứng sau các tác phẩm đình đám như “Mai”, “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 7”, “Bố già”, “Bộ tứ báo thủ” và “Lật mặt 6”.
Trong “Nhà Gia Tiên”, Huỳnh Lập khai thác thành công từng chi tiết nhỏ nhất để truyền tải những thông điệp sâu sắc. Từ bàn thờ trang nghiêm với bức tranh kiếng Cửu Huyền Thất Tổ treo chính giữa đến cây cột, ô cửa sổ, căn phòng và những bức ảnh cũ kỹ, tất cả đều góp phần khắc họa căn nhà có tuổi đời trăm năm, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, bộ phim gửi gắm thông điệp về sự kết nối giữa người trẻ và gia đình, quê hương trong xã hội hiện đại, về tình thân bền chặt bất chấp âm dương cách biệt, và về những giá trị vô giá cần được gìn giữ trước lòng tham tài sản.
Huỳnh Lập, vốn nổi tiếng với thế mạnh làm phim thuộc thể loại tâm linh, kinh dị, đã quyết định giảm bớt màu sắc này trong “Nhà Gia Tiên” để thử thách bản thân ở một khía cạnh mới - tập trung vào câu chuyện gia đình. Có thể thấy, quyết định táo bạo này đã mang lại thành công vang dội khi bộ phim không chỉ đạt doanh thu ấn tượng mà còn lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, minh chứng cho sự lựa chọn của Huỳnh Lập là đúng đắn.
© Advertising Vietnam - All rights reserved