"Ngành quảng cáo truyền thông là một ngành mà nữ giới có rất nhiều thuận lợi. Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang và can trường" - Chia sẻ từ chị Thiên Thanh - CEO Edelman Việt Nam


Có thể nói chị là một trong những thế hệ gạo cội với ngành truyền thông sáng tạo, hẳn là chị đã có thời gian gắn bó với nghề từ rất lâu rồi?


“Con đường quảng cáo” của chị bắt đầu cùng JWT. Vào lúc đó JWT có thể được xem là một trong những công ty quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam. Sau 5 năm tại JWT, chị Thiên Thanh chuyển qua làm tại Publicis. Thời điểm đó chị làm vừa làm cho Publicis và Saatchi & Saatchi, một khoảng thời gian sau chị chuyển hẳn về Publicis. Tổng cộng khoảng thời gian chị ở Publicis và Saatchi & Saatchi là khoảng 14 năm. Và hiện tại là Edelman, tính đến bây giờ là năm thứ 3.


Thời gian gắn bó cùng Publicis của chị khá dài, đâu là yếu tố khiến chị quyết định rời Publicis sang Edelman?


Cùng là truyền thông nhưng truyền thông tại Edelman được mở rộng hơn. Chị gắn bó cùng Publicis một thời gian khá dài và đến một lúc chị cảm thấy mình cần tìm một điều gì đó mới hơn. Khi mình đồng hành cùng một tổ chức quá lâu thì nhu cầu đi làm ở một chỗ mới là yếu tố đến rất tự nhiên. Chị rời Publicis không phải vì chị không yêu công việc chị đang có, mà đơn giản là chị có nhu cầu thay đổi vì chị đã gắn bó với công việc tại Publicis quá lâu. Trong một vài công việc được đề xuất lúc đó thì chị chọn Edelman vì nhiều lí do.


Có thể là bởi vì Edelman không quá khác biệt với những gì chị đang làm nhưng đủ khác để chị cảm thấy mới lạ và thích thú. Thực sự lúc quyết định về với Edelman, khoảng 50% đến 60% chị không biết thực sự mình sẽ làm gì. Nhưng tại Edelman có những thứ liên quan với background mà chị đang có, nó khiến chị tự tin để bước vào nhưng cũng có đủ những điều mới để mình có thể học hỏi.


Đến với Edelman cùng vai trò là một CEO, theo chị vị trí này có gì khó khăn khi mình là nữ giới hay không? Và theo chị, những cơ hội và thách thức của ngành đối với phái nữ là gì?


Tại Edelman, chị đóng vai trò là một CEO nhưng công việc cũng không quá khá biệt so với vai trò điều hành của chị tại Publicis. Theo quan sát của chị, ngành quảng cáo truyền thông là một ngành mà nữ giới có rất nhiều thuận lợi.


Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang và can trường. Riêng tại Edelman, cách đây 10 năm thì việc woman leadership đã trở thành mục tiêu toàn cầu của công ty. Đến 2020, thì C-levels trở lên phải đạt được con số 50 – 50. Mục tiêu này cũng giống như KPI khi chúng ta làm kinh doanh. Riêng tại Việt Nam thì có một điều thú vị rằng là các quản trị cấp cao của Edelman hoàn toàn là nữ giới.


"Ngành quảng cáo truyền thông là một ngành mà nữ giới có rất nhiều thuận lợi. Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang và can trường"


Edelman có một ủy ban riêng để đưa mục tiêu này toàn cầu hóa. Chị khá may mắn vì được trở thành một thành viên của ủy ban đó. Chị thực hiện khá nhiều nghiên cứu tại các thị trường khác nhau. Báo cáo chỉ ra rằng hiện tại những lãnh đạo tại các công ty chỉ có 4% là nữ giới.


Con số này rất thấp và đâu là lí do? Không phải phụ nữ Việt Nam không có bằng cấp, không có khả năng mà là bởi yếu tố tâm lí. Theo nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, không phải là phụ nữ Việt Nam không có tài lãnh đạo cũng như không phải họ muốn trở thành lãnh đạo. Tuy nhiên, văn hóa và truyền thống khiến người phụ nữ Việt cảm thấy ổn thỏa với việc đứng sau lưng một người đàn ông. Chính vì vậy, tỉ lệ cấp bậc là nữ giới đóng vai trò lãnh đạo tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước lân cận.



Trong suốt chặng đường của chị cùng ngành truyền thông, chiến dịch cho nhãn hiệu nào khiến chị cảm thấy tự hào nhất trong con đường sự nghiệp của mình?


Hơn 20 năm trong ngành, chị đã thực hiện rất nhiều chiến dịch. Tuy nhiên, chị đặc biệt cảm thấy gắn bó và yêu mến Nestle. Chị đồng hành cùng Nestle một khoảng thời gian rất dài. Chị đặc biệt thích văn hóa công ty cũng như cách mà công ty họ làm sản phẩm. Nhưng nếu nói về niềm tự hào thì chị sẽ nhắc đến những hành trình xây dựng các nhãn hiệu Việt Nam. Chị là thế hệ đầu tiên của ngành quảng cáo tại Việt Nam, chị đã đồng hành cùng ngành từ lúc nó còn rất phôi thai. Đã có những lúc mình nghĩ rằng các nhãn hiệu Việt Nam không bao giờ có thể cạnh tranh được với các nhãn quốc tế. Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì chúng ta có thể thấy các nhãn hiệu Việt đã rất thành công bởi sự kết hợp của sản phẩm tốt với những con người lãnh đạo cấp tiến. Cùng sự đồng hành cùng các agency phù hợp thì họ thay đổi rất nhanh. Những sự bứt phá và làm nên những tên tuổi các thương hiệu Việt thì đó là một trong những điều chị tự hào nhất trong con đường sự nghiệp của chị.


Theo chị, những yếu tố nào góp phần tạo nên quá trình khẳng định mình của các thương hiệu Việt?


Đầu tiên sản phẩm của doanh nghiệp phải có chất lượng. Cá nhân chị thấy hiện nay có rất nhiều sản phẩm Việt có chất lượng tốt. Nếu sản phẩm không tốt mà chúng ta dùng marketing để nói chất lượng sản phẩm tốt thì nhãn sẽ “chết” rất nhanh. Thêm vào đó, những những quyết định đường đi của doanh nghiệp, của marketing phải open-minded. Đầu óc của họ phải luôn sẵn sàng tiếp thu cái mới và hơn thế, họ phải biết lắng nghe. Khi kết hợp cùng agency, việc lựa chọn agency giỏi là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phải tìm cách lắng agency để đem lại hiệu quả tốt nhất. Những yếu tố trên được kết hợp cùng một lúc thì sẽ tạo ra thành công của nhãn. Những thương hiệu Việt thành công như Diana, Kinh Đô là niềm tự hào của agency. Khi tất cả mọi người tìm được tiếng nói chung, hợp tác vì một mục tiêu chung và để khẳng định thương hiệu trên thị trường. Thì đó không chỉ là bước tiến của doanh nghiệp, của agency mà còn là bước tiến của toàn ngành.


Người truyền cảm hứng cho chị trong suốt những tháng năm làm quảng cáo truyền thông là ai?


Đó chính là công việc của mình. Công việc của ta dạy ta rất nhiều thứ. Những nghiên cứu, những thay đổi trên thị trường... tất cả những điều đó là mentor lớn nhất trong nghề đối với chị.


Chị hãy gửi một lời khuyên của mình đến thế hệ trẻ của ngành.


Hãy luôn tò mò. Tò mò không phải là tọc mạch, cũng không phải là lắng nghe những chuyện phiếm mà tò mò ở đây là những thắc mắc khiến mình luôn luôn học hỏi. Chị luôn khuyến khích những bạn trẻ mới vào ngành phải tò mò, tìm kiếm thông tin và đặt câu hỏi. Từ khối lượng thông tin tìm kiếm được, mình sẽ rút ra được gì? Mọi kết luận của mình phải luôn dựa trên nền tảng của sự nghiên cứu tìm tòi. Hãy luôn đặt câu hỏi, vì sao mà vấn đề lại như vậy? nếu như vậy thì chúng ta phải làm thế nào để khác đi? Riêng với ngành quảng cáo truyền thông, đây sẽ là một yếu tố giúp các bạn trẻ yêu nghề hơn, tự tin hơn và phát triển hơn với nghề. Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cùng Advertising Vietnam. Chúc chị sức khỏe và thành công trong cuộc sống. Mời các bạn xem danh sách phỏng vấn các nữ lãnh đạo ngành truyền thông tại đây


Ban biên tập Advertising Vietnam thực hiện


Để chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam đồng thời tri ân những người phụ nữ trong ngành quảng cáo. Advertising Vietnam trân trọng ra mắt series trò chuyện cùng những nữ lãnh đạo tiêu biểu đang điều hành các agency nổi bật tại Việt Nam. Đây là chuỗi phỏng vấn về chuyện nghề, chuyện xây dựng công ty và chia sẻ của các chị khi giữ vai trò điều hành.