Thay vì làm TVC như truyền thống, dàn dựng một trò chơi khăm và ghi lại phản ứng thực tế của cộng đồng để truyền tải thông điệp quảng cáo một cách hài hước, dễ nhớ hơn cũng là chiến lược quảng cáo được nhiều thương hiệu lựa chọn. Khả năng gây bất ngờ, đem đến sự hứng thú của những video này thường tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng. 


Tuy nhiên, để màn chơi khăm thành công không phải một điều dễ dàng. Ngoài một kịch bản độc đáo, thương hiệu còn cần sự khéo léo trong dàn xếp bối cảnh, máy quay, lựa chọn diễn viên và thậm chí là một kế hoạch hoàn hảo nhằm giải quyết những tình huống bất ngờ như: lộ máy quay ẩn, không tạo ra được hiệu ứng như mong muốn,... Cùng khám phá những màn chơi khăm ấn tượng từ các thương hiệu trong bài viết dưới đây!


1. Pepsi - Uncle Drew


Chiến dịch quảng cáo của Pepsi hợp tác cùng ngôi sao bóng rổ Kyrie Irving


Vào năm 2013, trong một chiến dịch quảng cáo cho dòng sản phẩm Pepsi MAX Zero Calories, thương hiệu nước giải khát Pepsi đã bắt tay với Kyrie Irving - cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ thực hiện một trò chơi khăm tại các sân chơi bóng. Chiến dịch mang tên “Uncle Drew” (tạm dịch: “Ông bác Drew”) của Pepsi gồm 3 phần video được quay ở 3 sân bóng rổ khác nhau tại Mỹ. 


Theo đó, Kyrie Irving đã được hoá trang thành một ông bác lớn tuổi tên Drew với vóc dáng có phần kì cục, động tác chậm chạp. Sau đó, ekip sản xuất cùng Drew đã di chuyển đến các sân chơi bóng rổ công cộng. Ở đây, Drew đã ngỏ lời chơi cùng đội bóng bất chấp biểu cảm hoài nghi, ngờ vực và khó hiểu từ các cầu thủ và những khán giả xung quanh. Mặc dù vậy, ở ba phần video, mọi người đều đồng ý cho Drew tham gia. Ban đầu, ngôi sao bóng rổ Kyrie Irving vờ như mình là một “tay chơi” kém cỏi, chậm chạp. Thế nhưng, chỉ một lúc sau đó, anh đã chứng tỏ khả năng chơi bóng điêu luyện với những cú úp rổ đầy ấn tượng của mình, trước cái nhìn kinh ngạc và vô cùng hứng thú của mọi người.


 

Màn chơi khăm tại sân chơi bóng rổ của Pepsi và “ông bác" Drew phần 1


Màn chơi khăm tại sân chơi bóng rổ của Pepsi và “ông bác" Drew phần 2


Màn chơi khăm tại sân chơi bóng rổ của Pepsi và “ông bác" Drew phần 3


Màn chơi khăm của Pepsi đã được thực hiện thành công mà không có bất kì sự nghi ngờ nào từ những người có mặt tại sân bóng. Với ẩn ý từ những bước chạy nhẹ nhàng, động tác dứt khoát của một “ông bác” ngỡ tưởng là chậm chạp, Pepsi đã khéo léo thể hiện tagline “Light” (tạm dịch: Sự nhẹ nhàng) của sản phẩm nước giải khát không calo Pepsi MAX.


2. LG - End of the world interview


Tiếp nối sự thành công bất ngờ của trò đùa năm 2012 - trò đùa dàn cảnh vụ sập thang máy, LG đã quyết định dàn dựng một màn chơi khăm “đem đến những trải nghiệm chân thực hơn nữa” nhằm quảng bá tính năng vượt trội của sản phẩm LG Ultra HD TV 84 inchs đầu tiên trên thế giới. 


Ultra HD TV của LG sở hữu độ phân giải tốt hơn gấp 4 lần so với sản phẩm tivi HD thông thường khác. Thương hiệu cho rằng nếu chỉ xem mô tả đặc tính này qua quảng cáo được chiếu bởi một chiếc tivi khác, khách hàng sẽ không thực sự cảm nhận được sự tuyệt vời của nó. Do đó, một trò chơi khăm trong thực tế đã được LG thực hiện. 


 

Trò đùa dàn dựng tình huống sập thang máy giả bằng một chiếc tivi của LG năm 2012 


Màn chơi khăm “End of the World job interview” (tạm dịch: “Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày tận thế”) của LG mô phỏng một buổi phỏng vấn xin việc với người phỏng vấn là diễn viên thuộc ekip. Trong khi đó, ứng viên là những người đã đăng ký tuyển dụng trước đó và họ hoàn toàn không hay biết gì về màn chơi khăm. Trong căn phòng được bố trí camera ẩn ở khắp nơi, để đóng giả một khung cửa sổ lớn, đội ngũ sản xuất đã đặt chiếc tivi LG Ultra HD hiển thị phong cảnh thành phố phía sau lưng người phỏng vấn. Trò đùa không tưởng của LG thực sự bắt đầu khi ứng viên nhìn thấy một tia sáng phát ra từ góc màn hình tivi.


Video màn chơi khăm “quái đản” của LG


Tia sáng góc màn hình chính là khởi đầu của một vụ nổ kinh hoàng phá huỷ cả thành phố phía sau người phỏng vấn. Không một ai trong số các ứng viên biết rằng đó chỉ là cảnh phim được chiếu trên chiếc tivi Ultra HD của LG! Tính chân thực của các hiệu ứng và phản ứng hoảng loạn của người phỏng vấn đã khiến các ứng viên hoàn toàn nhận một “cú lừa” chí mạng. Họ bắt đầu trở nên bối rối, sợ hãi vì nghĩ rằng ngày tận thế đang thực sự diễn ra trước mắt. 


Sau khi chiếu trên truyền hình quốc gia Chile, video quảng cáo của LG đã nhanh chóng lan toả rộng rãi. Mặc dù phải đối mặt với một số phản ứng tiêu cực từ những người tham gia khi họ cho rằng thương hiệu đang làm họ xấu hổ, nhưng cho đến nay, video vẫn nhận về nhiều lượt chia sẻ, bàn luận trên trực tuyến và trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, vượt ra khỏi mục tiêu ban đầu là chỉ quảng bá trên thị trường Chile của LG.


3. DHL - Trojan Mailing


DHL Express là một công ty vận chuyển của Đức, cung cấp giải pháp logistics và vận chuyển hàng hoá trên toàn cầu. Vào năm 2014, một video quảng cáo cho thương hiệu đã được tung ra dựa trên ý tưởng hài hước: “Sở hữu mạng lưới địa điểm, phương tiện và nhân sự khắp mọi nơi trên thế giới là lí do vì sao dịch vụ của DHL nhanh hơn tất cả mọi thứ. Vậy phải làm thế nào để khách hàng biết được điều đó khi chi phí quảng cáo quá đắt đỏ? Tại sao không để đối thủ của DHL Express chi trả phần chi phí đó nhỉ?


Màn chơi khăm “láu cá” được thực hiện bởi agency Jung von Matt (Đức) cho DHL Express


Trong video quảng cáo, agency Jung von Matt (Đức) đã thuê ba công ty là đối thủ cạnh tranh của DHL Express: ​​UPS, TNTDPD vận chuyển một gói hàng nặng và lớn. Để đưa chúng đến địa điểm được yêu cầu, nhân viên vận chuyển của UPS, TNT và DPD phải đi bộ qua những tuyến đường phố đông người qua lại ở Đức. Màn chơi khăm nằm ở thiết kế đặc biệt của những gói hàng. Được phủ một lớp decal đổi màu theo nhiệt độ, những gói hàng có màu đen hoàn toàn khi được bảo quản trong không gian lạnh dưới 10 độ C. Dưới lớp nguỵ trang hoàn hảo, những gói hàng đã khiến nhân viên của ba đơn vị vận chuyển ​​UPS, TNT cùng DPD không chút hoài nghi về độ nặng và lộ trình di chuyển bất thường của nó. Tuy nhiên, ngay khi được người vận chuyển đưa ra ngoài trời, nhiệt độ ấm dần khiến chúng ngay lập tức trở về nguyên dạng với màu vàng đặc trưng của DHL Express và dòng chữ: “DHL is faster” (tạm dịch: “DHL nhanh hơn”).


Khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, lớp decal dần chuyển sang màu đen, che phủ dòng chữ “DHL is faster.”


Hình ảnh họ vận chuyển một cách khó khăn và nặng nề gói hàng với dòng chữ “DHL is faster” qua các con đường đông đúc đã được chứng kiến bởi rất nhiều người bộ hành và được camera ẩn của Jung von Matt ghi lại toàn bộ. Sau khi đăng tải lên YouTube, chỉ trong vòng hai ngày, video đã thu về hơn 600.000 lượt xem. 


Nhân viên thuộc đối thủ cạnh tranh của DHL nhọc nhằn vận chuyển thùng hàng qua các con phố, mà không hề biết rằng mình đang gián tiếp quảng cáo cho DHL Express


Một điểm thú vị của màn chơi khăm chính là DHL Express chưa bao giờ chính thức công nhận video được thực hiện vì yêu cầu của họ. Bea Garcia - phát ngôn viên của DHL chia sẻ: “Chúng tôi đã được thông báo trước về ý định làm video cho hoạt động nội bộ của Jung von Matt. Nhưng chúng tôi không hề biết rằng nó sẽ được chia sẻ công khai.” 


4. Bộ Giao thông vận tải và Du lịch Ecuador - Blind Trip


Năm 2015, nhận thấy một thực tế rằng người Ecuador đang ưa chuộng du lịch nước ngoài hơn trong nước, Bộ Giao thông vận tải và Du lịch Ecuador đã bắt tay với agency GREY thực hiện chiến dịch “Blind Trip” (tạm dịch: “Chuyến du lịch mù”) nhằm tôn vinh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Ecuador, từ đó thúc đẩy các hoạt động du lịch trong nước. 


Theo đó, đội ngũ đã lựa chọn 40 du khách người Ecuador để trao tặng một chuyến du lịch miễn phí đến đất nước Costa Rica… giả tưởng.

  

Chuyến du lịch có lẽ là đáng nhớ nhất cuộc đời 40 du khách Ecuador


Video ghi lại hành trình của 40 du khách cho thấy họ đã phải trải qua nhiều tiếng dài ngồi trên máy bay và ngỡ tưởng họ đang thực sự bay đến Costa Rica. Nhưng thực tế, họ đã không hề rời khỏi… Ecuador. 


Để “cú lừa” thành công, toàn bộ địa điểm ở Ecuador mà 40 du khách sẽ tham quan trong chuyến đi đã được ekip sản xuất “biến hoá” thành những địa danh của Costa Rica. Từ hộ chiếu, dấu thị thực, bảng chỉ dẫn, biển số xe, đến cả chiếc xe bus được dán lại dòng chữ “Costa Rican bus”, hay những món quà lưu niệm in hình quốc gia Costa Rica,... tất cả đều nguỵ trang hoàn hảo để đảm bảo 40 du khách không có chút hoài nghi. Họ đã thật sự tận hưởng kỳ nghỉ ở một Costa Rica giả tưởng mà không hề hay biết đó chính là quê hương Ecuador của mình. 


Giây phút tấm banner Costa Rica được gỡ xuống ngay trước mắt 40 du khách tại sân bay Ecuador 


Đội ngũ sản xuất đã tiết lộ bí mật thật sự cho 40 du khách sau khi chuyến đi đáng nhớ kết thúc. Thay vì tức giận hay xấu hổ, du khách đã thừa nhận rằng họ cảm thấy hạnh phúc và bất ngờ vì những trải nghiệm thú vị và chưa từng nghĩ tới tại chính quê hương thân yêu của mình.


Chiến dịch “Blind trip” đã nhận về những kết quả ấn tượng như: 19 triệu lượt hiển thị trên các phương tiện truyền thông, số vé máy bay tới các địa điểm du lịch chính trong nội địa Ecuador vào kỳ nghỉ hè 2015 đã bán hết sạch,...


5. Ubisoft - Amazing street hack


Ubisoft Entertainment S.A. là một hãng game đa hệ máy trên toàn cầu, có trụ sở đặt tại Montreuil-sous-Bois, Pháp. Hãng đã thành lập các studio phát triển game trên 17 quốc gia và công ty con tại 28 quốc gia. Vào năm 2014, nhằm quảng bá cho tựa game Watch Dogs - trò chơi điện tử thể loại phiêu lưu hành động, Ubisoft đã thực hiện một màn chơi khăm để đời trên đường phố Los Angeles (Mỹ) với đội ngũ diễn viên vô cùng quy mô bao gồm cả người đi đường và cảnh sát khu vực. 


Tựa game Watch Dogs của Ubisoft


Trò đùa của Ubisoft diễn ra trong một cửa hàng bán phụ kiện và sửa chữa điện thoại di dộng. Nhân viên cửa hàng chỉ có duy nhất một người, và đó là diễn viên của họ. Mọi chuyện đều có vẻ bình thường từ lúc những khách hàng đầu tiên bước vào cho đến khi nhân viên cửa hàng quay lại với chiếc điện thoại đã sửa trên tay cùng một khuyến mãi thú vị: “Tôi đã thêm vào điện thoại của quý khách một tính năng mới, và yên tâm, nó hoàn toàn miễn phí vì đây là quà tặng kèm dịch vụ của chúng tôi.” Bằng camera ẩn, đoạn video ghi lại phản ứng người tham gia của Ubisoft đã cho thấy các khách hàng đều cảm thấy hứng khởi và tò mò muốn biết tính năng tặng kèm này có thể làm được những gì. Và đây là lúc màn chơi khăm của Ubisoft bắt đầu!


Sẽ thế nào nếu bạn chỉ đến sửa chữa điện thoại nhưng lại vô tình trở thành thủ phạm phá huỷ các tài sản công cộng?


Nhân viên cửa hàng đã niềm nở chỉ dẫn cho khách hàng những điều phi thường mà tính năng tặng kèm có thể làm được. Chỉ bằng việc bấm nút “Hack” trên chiếc điện thoại, khách hàng đã có thể tuỳ chỉnh công tắc đèn trong cửa hàng theo ý mình. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, nút “Hack” thậm chí có thể làm nổ bóng đèn đường, điều khiển đèn giao thông công cộng, rút tiền từ cây ATM...


Kết cục hài hước của màn chơi khăm


Sự việc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn ngay khi cảnh sát khu vực xuất hiện vì những thiệt hại mà chiếc điện thoại của khách hàng đã gây ra. Tất cả những người tham gia bất đắc dĩ này đã không thể giấu nổi sự hoang mang, rối trí và vội vã giải trình với cảnh sát. Cuối cùng, họ đã vỡ lẽ trong nhẹ nhõm khi đọc dòng chữ: “Bạn vừa được trải nghiệm những gì bạn có thể làm ở trong video game Watch Dogs sắp công bố” trên màn hình điện thoại.


Trang Ngọc / Advertising Vietnam