Nhiều quản lý ở những bộ phận khác thường không hiểu rõ về sự phức tạp của các nền tảng mạng xã hội hiện đại ngày nay. Do vậy, họ thường có những lầm tưởng về công việc mà những người đồng chức của mình tại bộ phận truyền thông đang thực hiện. Kết quả, việc lập kế hoạch tổ chức và triển khai công việc đôi khi gặp vướng mắc, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty. 


"Công việc của bạn là đăng meme đúng không?", "Thật tuyệt vời khi chỉ cần lướt mạng cả ngày cũng được trả lương!”; “Bạn có thể đăng một nội dung ở khắp mọi nơi, khắp mọi nền tảng đúng chứ?",... Đây là những câu hỏi về nghề nghiệp mà những nhà quản lý truyền thông xã hội hay gặp. Dường như những lầm tưởng này đã đánh giá khá thấp công việc của họ thường ngày. Trên thực tế, những nhà quản lý truyền thông xã hội (social media manager) không chỉ đơn thuần làm những công việc đơn giản như nhiều người nghĩ. Họ là nhân tố quan trọng của một tổ chức trong thời đại kinh tế số. Đó cũng chính là lý do khiến ngành nghề này trở thành một trong những công việc được săn đón nhất hiện nay.


Vậy những nhà quản lý truyền thông xã hội có vai trò như thế nào, hãy cùng Advertising Vietnam khám phá qua những chia sẻ từ anh Christopher Lloyd Chang, trưởng phòng quản lý truyền thông xã hội toàn cầu của Linkedln trong bài viết dưới đây.


Xây dựng cộng đồng và duy trì sự phát triển của thương hiệu trên nền các nền tảng


Một phương pháp để các thương hiệu xây dựng thị trường riêng mà không cần tốn quá nhiều tiền vào quảng cáo và marketing chính là xây dựng cộng đồng. Theo thời gian, tùy thuộc vào độ lớn mạnh của cộng đồng, phần lớn tương tác mà doanh nghiệp nhận được sẽ là tương tác organic - không phải trả tiền. Theo đó, những nhà quản lý truyền thông xã hội cần tìm những cách phù hợp để kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng, khiến các thành viên cảm nhận được giá trị và tính độc quyền của cộng đồng. 


Marketers Zone - Nhóm cộng đồng dành cho các marketer ham học hỏi, mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm


Tạo sự khác biệt trong tiếng nói thương hiệu (brand voice)


Tiếng nói thương hiệu – brand voice là tính cách riêng biệt mà một thương hiệu thể hiện trong các hoạt động truyền thông. Tiếng nói thương hiệu giúp doanh nghiệp nổi bật giữa cộng đồng. Apple là thương hiệu điển hình đã xây dựng tiếng nói thương hiệu thành công. Quảng cáo của Apple có thể dễ dàng được nhận diện nhờ hình ảnh tối giản kèm nội dung độc đáo. Ngôn ngữ và hình ảnh của Apple được sắp xếp cẩn thận và ngắn gọn. Trên trang web của họ, brand voice luôn rõ ràng thông qua ngôn ngữ đơn giản, trực quan và cởi mở. Do đó, các thương hiệu cần có sự hiện diện trực tuyến để củng cố uy tín cũng như tạo ấn tượng để góp phần xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Vì vậy, các social media manager trở thành những người có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược để tạo tiếng nói thương hiệu cho tổ chức.


Apple - Thương hiệu thành công trong việc xây dựng Brand Voice hiệu quả


Ngoài ra, bảo vệ danh tiếng thương hiệu cũng là công việc mà những nhà quản lý truyền thông xã hội đảm nhiệm. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp có thể đối mặt với nhiều bất trắc gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu như vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, mạo danh thương hiệu, khủng hoảng truyền thông và các sự cố khác. Do đó, bảo vệ thương hiệu luôn được xem là một nội dung quan trọng trong chiến lược thương hiệu mà những nhà quản lý truyền thông quan tâm.


Thúc đẩy tương tác và sự nổi bật thương hiệu (brand distinctiveness)


Bộ ba thuật ngữ brand positioning (định vị thương hiệu), brand relevance (phù hợp thương hiệu) và brand distinctiveness (nổi bật thương hiệu) có lẽ khá quen thuộc với nhiều marketer. Tùy theo tính chất ngành nghề hay môi trường cạnh tranh hay hiện trạng của mỗi công ty mà những social media manager lựa chọn xây dựng chiến lược positioning, relevance, distinctiveness hay kết hợp cả ba.

Trong đó, distinctiveness (sự nổi bật thương hiệu) có thể được xem là cách khác biệt được thể hiện qua phương diện nhận diện hình ảnh thương hiệu. Một ví dụ điển hình chính là sự thay đổi bao bì của nhãn hàng mì gói nổi tiếng Miliket. Gần đây nhãn hàng này đã ra mắt bao bì mới với màu sắc và thiết kế sang trọng hơn, chất liệu giấy cũng chất lượng hơn. Thương hiệu mì gói của Việt Nam này đã thành công trong việc xây dựng thành công sự nổi bật thương hiệu với bao thế hệ người Việt với bao bì độc đáo (làm bằng giấy và có bề ngoài cũ kỹ nhưng lại quen thuộc, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người tiêu dùng).

 

Miliket - Thương hiệu mỳ gói ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Việt với sự nổi bật thương hiệu từ bao bì

 

Như vậy, trong thời đại kinh tế số như hiện nay thì các kênh mạng xã hội là nơi mà khách hàng tiềm năng xuất hiện với tần suất dày đặc, do vậy, các nhà quản trị truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tương tác và tạo sự nổi bật thương hiệu, ghi dấu trong tiềm thức của khách hàng qua thời gian. 


Tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng và xây dựng lòng trung thành thương hiệu (brand loyalty)


Tỷ lệ chuyển đổi là một trong những “KPI” mà các nhà quản lý các kênh truyền thông xã hội quan tâm và nỗ lực cải thiện. Đây căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông và bán hàng. Theo mô hình 5WAYS – 5 lực thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp bao gồm: số khách hàng tiềm năng đã tiếp cận, số lượng giao dịch trung bình, doanh thu trung bình mỗi giao dịch, tỷ suất lợi nhuận và tỷ lệ chuyển đổi. Tỷ lệ này giúp xác định “nút thắt cổ chai” của toàn phễu bán hàng. Việc xác định tỷ lệ chuyển đổi ở từng giai đoạn trong phễu sẽ có kế hoạch cải thiện phù hợp cho mỗi giai đoạn. 


Ngoài ra, những nhà quản lý truyền thông xã hội còn có nhiệm vụ xây dựng lòng trung thành thương hiệu thông qua các nền tảng. Đó chính là sợi dây kết nối cảm xúc của khách hàng với thương hiệu, biến sự trung thành trong việc sử dụng sản phẩm trở thành sự gắn bó về tình cảm lâu dài của khách hàng với bất kỳ khía cạnh nào liên quan tới doanh nghiệp. Pepsi và Coca-Cola là những ví dụ rõ nhất để nói về trung thành thương hiệu. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng nước ngọt có ga ra đời nhưng hai thương hiệu này vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng khắp thế giới. 


Pepsi và Coca-Cola là hai thương hiệu xây dựng thành công lòng trung thành đối với nhiều khách hàng


Ứng dụng các nghiên cứu về dữ liệu trong việc thúc đẩy thành công cho thương hiệu


Nghiên cứu và báo cáo là những khía cạnh quan trọng trong việc khám phá các xu hướng và hành vi trên môi trường mạng xã hội. Những marketer dày dặn kinh nghiệm thường dựa vào kết quả nghiên cứu từ các công cụ phân tích để khám phá thông tin và insight của nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Họ phải liên tục đánh giá hiệu quả của các chiến dịch để xác định phạm vi tiếp cận, đồng thời truyền tải được thông điệp mà thương hiệu muốn gửi đến khách hàng. Ngoài ra, họ còn phải có những hiểu biết nhất định để nắm bắt insight khách hàng và ứng dụng chúng trong các chiến lược truyền thông, tiếp thị. 


Thông qua các công cụ theo dõi chuyển đổi và tiện ích như Insight Tag trên LinkedIn, các marketer có thể thu được thông tin và insight của những khách truy cập trang web và cách các chiến dịch xã hội đang diễn ra phát huy hiệu quả như thế nào trên các nền tảng.


Insight tag - Công cụ của Linkedin giúp các quản lý tìm kiếm insight khách hàng



Tạm kết 

Thông thường, việc chuyên môn hóa các vị trí của những nhà quản lý truyền thông sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc quản lý tại các công ty lớn. Tuy nhiên, tại các công ty nhỏ hơn, một nhân viên vẫn có thể đảm nhận công việc này. Nếu đam mê social media và muốn nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực này, bạn có thể phát triển đồng thời các kỹ năng trên để có thể linh hoạt áp dụng trong công việc của mình. 


Theo LinkedIn

Sỹ Đan