Mặc cho những khó khăn của đại dịch Covid-19, Coca-Cola vẫn trên đà phát triển sau khi quyết định tăng ngân sách gấp đôi cho hoạt động tiếp thị trong năm 2021.


Năm 2020, Coca-Cola tuyên bố cắt giảm chi phí quảng cáo toàn cầu nhằm giảm chi phí và tránh những rủi ro thời đại dịch. Trong năm nay, thương hiệu đã tăng gấp đôi ngân sách cho hoạt động tiếp thị và ghi nhận nhiều kết quả khả quan.


Sự tăng trưởng vượt bậc của Coca-Cola trong bối cảnh Covid-19


Quý II/2021, công ty đã vượt doanh thu kỳ vọng. Chỉ trong ba tháng tính đến ngày 2/7, doanh thu ròng của công ty đã tăng 42% lên 10,1 tỷ USD, trong khi thu nhập ròng tăng 48% từ 1,78 tỷ USD năm 2020 lên 2,64 tỷ USD. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với mức giảm mạnh trong doanh thu cùng kỳ năm ngoái. 


Sự tăng trưởng vượt bậc của nhãn hàng

ở nhiều thị trường trên thế giới


Tại Bắc Mỹ, công ty cho biết họ đã tăng trưởng 54% trong giá trị bán lẻ thông qua thương mại điện tử. Ở châu Âu, giá trị này tăng nhanh hơn 50% trên các thị trường chính. Công ty cũng kỳ ​​vọng doanh thu tự thân sẽ tăng trưởng từ 12% đến 14% vào năm 2021. 


Những thay đổi trọng tâm của kế hoạch tăng ngân sách tiếp thị


Ba ưu tiên hàng đầu trong việc phân bổ ngân sách tiếp thị của Coca-Cola là tăng chi tiêu tiếp thị trực tiếp với người tiêu dùng, cải thiện chất lượng của khoản chi tiêu và phân bổ chi tiêu một cách có mục tiêu hơn. 


Đối với ưu tiên tăng chi tiêu tiếp thị trực tiếp với người dùng, công ty đã ra mắt ứng dụng Wabi cho phép người tiêu dùng đặt hàng các sản phẩm Coke ở các cửa hàng bán lẻ tại những thành phố có mật độ dân số cao. Giám đốc điều hành James Quincey mô tả ứng dụng này hoạt động "giống như một dịch vụ gọi xe" và người tiêu dùng có thể nhận được sản phẩm sau 15 đến 20 phút. Coca-Cola đã thử nghiệm mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng của Wabi lần đầu tại Mỹ Latinh. Hiện tại, ứng dụng này đã có mặt ở 14 quốc gia.


Ứng dụng Wabi được sử dụng tại nhiều quốc gia


Ngoài việc cung cấp sản phẩm, Coca-Cola còn thêm nhiều mặt hàng khác của đối tác FMCG vào ứng dụng, giúp cho người tiêu dùng có lựa chọn đa dạng khi mua hàng. Đối với công ty, đây thực sự là một trải nghiệm thú vị, mang lại nhiều dữ liệu hữu ích về sở thích và hành vi của người tiêu dùng.


Ứng dụng Wabi giúp người tiêu dùng đặt hàng các sản phẩm Coke

ở các cửa hàng bán lẻ


Bên cạnh đó, ứng dụng Coke ON cũng tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng ở Nhật Bản. Ứng dụng này giúp kết nối người dùng với các máy bán hàng tự động của hệ thống. Trong quý II/2021, đã có hơn 28 triệu lượt tải Coke ON cùng với sự gia tăng đáng kể về nhận thức của người dùng Nhật so với năm trước.


Ứng dụng Coke ON giúp kết nối người dùng với các máy bán hàng tự động của Coca-Cola tại Nhật


Đối với ưu tiên cải thiện chất lượng các khoản chi tiêu, Coca-Cola đã quyết định cắt giảm chi phí tài trợ cho Thế vận hội Tokyo 2020. Thay vào đó, nhãn hàng sẽ cung cấp đồ uống cho các vận động viên và tận dụng thời gian phát sóng sự kiện trên truyền hình để tiếp thị sản phẩm của mình.


Coca-Cola là nhà tài trợ hàng đầu cho các kỳ Thế vận hội


Để phân bổ chi tiêu một cách có mục tiêu hơn, hãng đã công bố thay đổi hệ thống nhân sự vào tháng 8/2020. Công ty đã chi khoảng 205 triệu USD trong sáu tháng (tính đến ngày 2/7) cho chi phí thôi việc và phí giải quyết lương hưu. Động thái này khẳng định sự đổi mới toàn diện của Coca-Cola, góp phần tạo ra một bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.


Có thể thấy, động thái tăng gấp đôi chi tiêu cho tiếp thị của Coca-Cola cùng hàng loạt các kế hoạch đổi mới đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực. Cùng đón xem những thay đổi của nhãn hàng cùng kết quả của các kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới.


Theo Campaign Asia

Linh Hà | Advertising Vietnam