Ảnh chụp màn hình là một trong những hình thức phổ biến để khởi xướng và lan truyền “drama”, tin đồn chốn công sở. “Bộ môn buôn chuyện” này đã làm dấy lên vô số phiền toái, khiến nhiều nhân sự bỗng dưng bị cuốn vào thị phi một cách không lường trước. 


Nơi nào có “drama”, nơi đó có chụp màn hình


Việc chụp màn hình không đơn giản chỉ là một tính năng trên thiết bị công nghệ. Hành động tưởng chừng như thầm lặng, kín kẽ này lại có thể trở thành nguồn cơn của vô số “drama” chốn công sở. Chị Phương Uyên - Graphic Designer chia sẻ: “Công ty của mình có khá nhiều group chat nhỏ giữa các nhân viên. Chúng mình thường chia sẻ những chuyện vặt vãnh hằng ngày, thân thiết hơn một chút thì sẽ ‘mỉa mai’ người này người kia. Mọi câu chuyện phiếm sẽ là vô hại, nếu một trong những thành viên của group chat không chụp màn hình rồi đi phát tán cho các nhân viên khác. 


Mình có một group chat 4 thành viên với các chị em đồng nghiệp. Tụi mình cũng khá thân thiết, lại xấp xỉ tuổi nhau nên hay nói tục. Có lần, một bạn trong nhóm chụp lại đoạn chat mà bọn mình than thở về công việc, nhưng vô tình để lộ vài câu nói xấu sếp. Câu chuyện được mang đi xa vô tận sau đó.”


Chị Mai Yên - Account Executive tại IMS Agency cho biết: “Mình đã từng thấy rất nhiều thị phi được phát tán thông qua ảnh chụp màn hình trong những ‘group gossip’ (nhóm chat tán gẫu) giữa các đồng nghiệp với nhau. Nhân vật chính của ‘drama’ thường là những người không được lòng các nhân viên khác, hoặc đôi khi là sếp. Chủ yếu mọi người sẽ đem những ảnh chụp màn hình ra để tiêu khiển và bàn tán. Tuy chưa đến mức gây ảnh hưởng lớn, nhưng dưới góc độ của nhân vật bị lấy ra làm trò đùa thì mình cảm thấy cũng hơi khó chịu.”


"Nhân vật chính của ‘drama’ thường là những người không được lòng các nhân viên khác, hoặc đôi khi là sếp", chị Mai Yên cho biết.


Theo anh Bảo Long - Social Executive tại N&D Agency, ảnh chụp màn hình tạo “drama” thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ giữa các nhân sự, đặc biệt là về thái độ, cách nhìn nhận trong công việc, cách đối xử trong giao tiếp... Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh chụp màn hình có thể gây mất đoàn kết, tạo phe phái, nhóm, đồng minh, ảnh hưởng tiêu cực đến không khí và môi trường làm việc của công ty. “Thử đặt trường hợp, bạn chỉ đang chia sẻ về sự khó khăn trong công việc cho đồng nghiệp nghe, nhưng đồng nghiệp lại lan truyền tin mình nói xấu sếp hoặc nói mình hay than thở về công việc ở công ty. Chắc chắn bạn sẽ bị giảm uy tín và ảnh hưởng tới mối quan hệ với mọi người.”


Tuy là nguồn cơn của vô số thị phi, ảnh chụp màn hình thực chất có thể là cách để các nhân sự kết nối với nhau trong môi trường công sở, khởi xướng những mẩu chuyện để giao lưu sau những giờ làm việc căng thẳng. Chị Mai Yên cho biết: Có rất nhiều lý do khiến các nhân viên đam mê ‘bộ môn’ chụp màn hình. Đầu tiên là bởi họ rất thích buôn chuyện với nhau. Khi thiếu chuyện để ‘tám’, họ sẽ tìm kiếm một chủ đề nào đó, và ảnh chụp màn hình chính là ‘tài nguyên’. Theo mình, trong vài trường hợp, các nhân sự cũng không cố tình lựa chọn một ‘nạn nhân’ để bàn tán, nói xấu sau lưng, chẳng qua là vì họ không còn chuyện để nói mà thôi. Nó giống như một trò tiêu khiển để giải trí sau giờ làm, hoặc khi công việc quá căng thẳng.”


Gặp chuyện bất bình, các nhân sự thường chụp màn hình để "buôn chuyện", giải trí


Tiếp nhận “drama từ trên trời rơi xuống”


Dù ảnh chụp màn hình đôi lúc chỉ là công cụ để phục vụ các nhân sự hóng hớt, tìm niềm vui chốn công sở, đó cũng có thể là nguồn cơn của vô số ồn ào, thị phi bởi tính chất dễ gây hiểu lầm của ngôn từ. Chị Phương Uyên chia sẻ: Một vài dòng chat không nói lên hết suy nghĩ của một người. Khi ảnh chụp màn hình bị phát tán, người xem chỉ ‘nghe’ câu chuyện qua vài ba bức ảnh nên không thể hiểu rõ bối cảnh. Do đó, hiểu lầm dễ dàng xảy ra và dẫn đến mâu thuẫn.”


“Văn viết và văn nói khác nhau rất nhiều. Nội dung thực sự của câu chữ còn tùy thuộc vào ngữ cảnh và thái độ biểu đạt. Mặc dù bản thân mình chưa từng vướng vào thị phi liên quan đến ảnh chụp màn hình, nhưng bạn mình thì có. Câu chuyện bị đẩy lên cao trào khi việc đánh giá câu văn qua đoạn hội thoại bị sai lệch so với ý nghĩa ban đầu”, anh Bảo Long nói.


Theo anh Bảo Long, sự khác biệt giữa văn viết và văn nói sẽ góp phần làm dấy lên thị phi từ ảnh chụp màn hình


Ảnh chụp màn hình có khả năng tạo ra những “drama từ trên trời rơi xuống” bởi tính chất dễ lan truyền, đa tầng đa nghĩa của ngôn từ. Trong nhiều trường hợp, các nhân sự phải tiếp nhận ảnh chụp màn hình một cách thụ động. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh với những người không muốn dính dáng đến thị phi. Chị Phương Uyên chia sẻ: “Khi được thêm vào các ‘group gossip’, bản thân mình cũng chỉ muốn hòa đồng với mọi người, không bị tẩy chay hay cách biệt với các nhân viên khác. Nhưng đôi khi, trong nhóm chat, những ảnh chụp màn hình được gửi vào không đúng thời điểm, chứa những lời nói khá tiêu cực về một nhân vật hay chủ đề nào đó khiến bản thân mình cảm thấy không hài lòng lắm. Nhưng mình cũng sẽ không thẳng thừng nói rằng ‘em cảm thấy cái này không hay’, hoặc ‘em cảm thấy nó vô duyên’... Cách đơn giản nhất là mình sẽ tắt tiếng nhóm chat để tránh phải ‘buôn chuyện’, có thời gian tập trung vào những công việc khác. Mục tiêu của mình khi đi làm chủ yếu là công việc, chứ không phải là để ‘gossip’ quá nhiều”.


Còn đối với anh Bảo Long, trong những trường hợp bản thân không muốn dính đến thị phi, nhưng buộc phải tiếp nhận thông tin tiêu cực và vô tình biết được những drama ngoài lề do đồng nghiệp liên tục gửi ảnh chụp màn hình để “buôn chuyện”: “Tình trạng như vậy sẽ gây khó chịu cho sự sáng tạo trong công việc. Bản thân mình sẽ bị chững lại trong một thời gian nhất định vì phải bị động tiếp thu các câu chuyện tiêu cực quá nhiều trong một ngày. ‘Drama’ biết ít thì vui, chứ hít nhiều quá thì nổ đầu”.


"Drama biết ít thì vui, chứ hít nhiều quá thì nổ đầu”


Mặc dù không ngăn được sự lan truyền của những bức ảnh chụp màn hình nơi công sở, các nhân sự vẫn có những cách để hạn chế “dính dáng” thị phi và bị hiểu lầm. Chị Mai Yên cho biết: “Mình sẽ cố gắng hạn chế trao đổi bằng tin nhắn với mọi người. Các nhóm công việc chỉ dùng cho một mục đích duy nhất, đó là trao đổi công việc mà thôi. Nếu có thể nói chuyện trực tiếp thì mình sẽ cố gắng truyền đạt rõ ràng nhất để tránh bị hiểu lầm. Bản thân mình cũng rất rạch ròi giữa cuộc sống cá nhân và công sở. Mình sẽ chỉ làm việc với đồng nghiệp ở công ty thôi, còn sau giờ làm mình thường sẽ hạn chế tiếp xúc để né những ‘drama’ không đáng có.”


Anh Bảo Long chia sẻ: “Thật ra thì khi làm việc trong môi trường năng động, sáng tạo, đặc biệt là agency, nếu không ‘drama’ thì không thú vị, chỉ là do mình chọn lọc cách xây dựng ‘drama’ có hậu quả hay không thôi.”


Nội dung: Phương Anh

Minh họa: Huy Mai