Nhân ngày Tê giác thế giới 22/9, CHANGE cùng WildAid ra mắt chiến dịch Chiếc sừng vô dụng nhằm phản đối việc sử dụng sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh một cách mù quáng, đồng thời kêu gọi cộng đồng lên án việc mua bán, săn bắt tê giác lấy sừng dẫn đến loài này có nguy cơ tuyệt chủng. Chiến dịch truyền thông sáng tạo lần này khởi động với việc ra mắt hai sản phẩm video hài Tiên dược trị không được” với sự kết hợp cùng diễn viên Huỳnh Lập, và video “Một Nén Nhang Cục Súc của diễn viên Võ Tấn Phát, lần lượt khởi chiếu ngày 22/9 và 24/9. 


Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ và buôn bán sừng tê giác lớn và cũng là nơi xuất hiện các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức. Năm 2019, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu trái phép sừng tê lớn nhất thế giới (Theo EIA, 2021). Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có liên quan đến nhiều vụ tịch thu với tổng cộng khoảng 2,7 tấn sừng tê giác, với khoảng 75% trong số đó có nguồn gốc từ Châu Phi. Việc săn bắt trộm tê giác để lấy sừng, với các đường dây vận chuyển, buôn bán sừng tê xuyên quốc gia mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng, đang đẩy các loài tê giác châu Phi đến bờ vực tuyệt chủng (theo Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã - TRAFFIC, 2022).


Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã, đặc biệt là cứu loài tê giác khỏi nạn săn bắn lấy sừng, CHANGE và WildAid công bố chiến dịch Chiếc sừng vô dụng, châm biếm việc sử dụng sừng tê làm thuốc chữa bệnh một cách mù quáng, không có cơ sở khoa học của một số người Việt, thông qua các sản phẩm video kết hợp với các nghệ sĩ và ekip được nhiều người yêu mến: diễn viên Huỳnh Lập, diễn viên Võ Tấn Phát, cùng với các diễn viên khác như Minh Dự, Lê Nhân, Hữu Đằng, Kim Đào, Lê Thư, TikToker Huỳnh Nhựt. Nội dung hai video ngoài các mảng miếng gây cười bắt kịp xu hướng giới trẻ, còn xoay quanh câu chuyện truyền tai nhau về những tác dụng vô căn cứ của sừng tê giác, và giúp mọi người hiểu về tác hại của nó mang lại. Chiến dịch kêu gọi cộng đồng lên án việc mua bán, săn bắn tê giác lấy sừng, nhằm bảo vệ các loài tê giác trên thế giới khỏi nguy cơ tuyệt chủng bên cạnh đó giúp cải thiện hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. 


Giải thích về ý tưởng chiến dịch, ông Trần Hiền, Quản lý truyền thông tại CHANGE chia sẻ: “Để thực hiện một chiến dịch nhận thức mà có cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp xu hướng hiện nay, CHANGE nghĩ tới làm sao để đưa thông tin thành một câu chuyện và người xem dễ hình dung, thông điệp được diễn tả trọn vẹn. Chắc không có ai trong ngành quảng cáo hay kể cả người dân Việt Nam chưa nghe qua câu này: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, là câu bắt buộc xuất hiện trong tất cả các video/ bài quảng cáo thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sản xuất video sử dụng câu nói quen thuộc này để dễ thu hút sự chú ý công chúng nhất. Và đó cũng là thông điệp chính của chiến dịch nhân ngày Tê Giác Thế Giới 22/09 của chúng tôi - Sừng tê giác chắc chắn không phải là thuốc.”


Không chỉ là nhà sản xuất video mở đầu của chiến dịch Chiếc sừng vô dụng, Huỳnh Lập còn là nghệ sỹ ủng hộ các dự án của CHANGE qua nhiều năm, anh xúc động cho biết: “Những chiến dịch của CHANGE trước đây, Lập cũng đã từng tham gia nhiều lần nên lần này Lập cũng không ngoại lệ và rất vui khi được tiếp tục đồng hành. Đây là những chiến dịch xã hội rất ý nghĩa nên Lập mong muốn được tham gia để cùng nhau lan toả. Lập thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật quí hiếm nói chung và loài tê giác nói riêng, và Lập cũng mong được góp phần kêu gọi, lan truyền để bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của người dân."


Diễn viên Võ Tấn Phát thể hiện niềm thương cảm với loài tê giác: “Thành phần cấu tạo nên sừng tê thực chất không khác gì móng tay, móng chân của chúng ta nên Phát mong muốn mọi người hãy luôn tỉnh táo và quyết liệt lên án mọi hành vi săn bắn và sử dụng trái phép sừng tê giác để không rơi vào tình trạng “Tiền mất tật mang”. Anh cũng nói thêm: “Là một người Nghệ sĩ ngoài trách nhiệm mang lại niềm vui cho khán giả Phát còn luôn mong muốn mang đến nhiều hơn những giá trị cho cộng đồng và xã hội. Qua lăng kính hài hước bằng những sản phẩm nghệ thuật của mình Phát hy vọng lan toả được một phần nào đó về ý thức bảo vệ động vật hoang dã mà cụ thể hơn là việc ngưng săn bắn và sử dụng trái phép sừng tê giác!”


Ngoài hai sản phẩm video, chiến dịch Chiếc sừng vô dụng còn cho ra mắt website https://chiecsungvodung.org (dự kiến ra mắt từ ngày 26/9), cung cấp các thông tin tổng quan về chiến dịch và thông tin khoa học về các loài tê giác trên thế giới, thông tin và số liệu về nạn săn bắt tê giác lấy sừng. Ngoài ra, website còn cung cấp cho người dùng các ấn phẩm đáng tin cậy, như “Cây thuốc vị thuốc đông y thay thế lời đồn chữa bệnh từ sừng tê” của USAID, hay “Danh sách ứng dụng, phòng khám chữa bệnh trực tuyến và trực tiếp” uy tín. Bên cạnh đó, cộng đồng có thể báo cáo vi phạm liên quan đến mua bán, tàng trữ, quảng cáo sừng tê giác ngay tại website.