Chiến dịch Leave with Pride: Tấm giấy nghỉ “bệnh” chống lại định kiến phi lý về cộng đồng LGBTQ+

This article is also available in English.


Hằng năm vào Pride Month (Tháng tự hào), nhiều chiến dịch trên khắp thế giới thường tận dụng thời điểm này để góp tiếng nói ủng hộ cộng đồng LGBTQ+. Năm nay tại Việt Nam phải kể đến chiến dịch “Leave with Pride” của agency MullenLowe Singapore và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE), với một hướng tiếp cận đặc biệt: chứng minh sự nghịch lý của định kiến “bệnh lý hóa LGBTQ+”.


Cùng tìm hiểu về chiến dịch “Leave with Pride” - một hành trình khó khăn với hy vọng mang đến những sự thay đổi tích cực. 


Thực trạng đáng buồn những tưởng đã không còn tồn tại 


Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, cộng đồng LGBTQ+ vẫn còn đối diện với những tiêu chuẩn kép, bị xem là những người “mắc bệnh”. Năm 2015, nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” của Viện iSEE chỉ ra rằng cứ mỗi 5 người LGBTQ+ thì sẽ có một người bị ép đi gặp bác sĩ. Mặt khác, trong số 2362 người tham gia khảo sát, nhóm chuyển giới là những người phải đối diện với các hành vi phân biệt đối xử nhiều hơn nhóm đồng tính và song tính liên quan đến việc bị ép buộc đi thăm khám y tế (29,3%); thay đổi ngoại hình, cử chỉ (85,9%); và các hành vi gây áp lực đến mối quan hệ tình cảm (35%).


Ngoài ra, khoảng 9,7% người tham gia khảo sát cho biết gia đình ép buộc họ tìm đến thầy cúng để được “giải bùa” hoặc sử dụng thuốc men để “điều trị”. Bên cạnh đó, qua các cuộc phỏng vấn gần đây và hơn 28 nghìn tâm thư gửi về cho iSEE, hiện thực này vẫn đang tồn tại âm ỉ, chưa có dấu hiệu chấm dứt.



Xét về bình diện khoa học, nhiều y văn trên thế giới đã bác bỏ luận điểm “LGBTQ+ là bệnh”. Theo thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), đồng tính và chuyển giới là yếu tố bình thường của con người, không phải chữa và không được phép chữa. 


Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi các chuẩn mực quốc tế vẫn còn nhiều bất cập tại Việt Nam. Các bệnh viện, phòng khám vẫn tiếp nhận khách hàng là người LGBTQ+ và tiến hành “khám chữa” thông qua các liệu pháp hormone, điều trị tâm lý hay dùng thuốc, gây ra các hậu quả không thể đảo ngược. Các cơ quan có thẩm quyền trong ngành Y tế cũng chưa có phát ngôn chính thức liên quan tới các thực hành có hại và không tuân theo chuẩn mực quốc tế này. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp người LGBTQ+ từ khỏe mạnh trở nên trầm cảm, khép mình với xã hội và thậm chí tự tử.


Câu chuyện khám phá thông điệp “LGBTQ+ không phải là bệnh”


Ý tưởng của chiến dịch “Leave with Pride” được nhen nhóm khi MullenLowe Singapore đọc được câu chuyện về một giáo viên bảo học trò của mình mắc “bệnh đồng tính” và khuyên em đi “chữa trị”. Chủ đề này từng được phản ánh trong một báo cáo năm 2020 về tư tưởng “bệnh lý hóa LGBTQ+”. Tất cả đã thúc đẩy đội ngũ sáng tạo của agency lên kế hoạch cho chiến dịch chống lại tư tưởng này. Trong quá trình kiếm đối tác để hiện thực hóa ý tưởng, MullenLowe Singapore đã tìm thấy người đồng hành - Viện iSEE - một tổ chức có những đóng góp tích cực cho cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam.



Theo các nghiên cứu từ iSEE, những hệ lụy như sự kỳ thị và phân biệt đối xử đến từ tư tưởng “bệnh lý hóa LGBTQ+” có thể được cải thiện đáng kể hoặc kết thúc khi WHO Việt Nam tuyên bố chính thức LGBTQ+ không phải là một bệnh lý. Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề này, MullenLowe Singapore và Viện iSEE tạo ra chiến dịch “Leave with Pride” nhằm thay đổi những tư tưởng tiêu cực của người Việt đối với người LGBTQ+ và kêu gọi mọi người ký vào đơn kiến nghị gửi đến WHO. Chiến dịch bắt đầu được triển khai từ ngày 03/11 trong không khí Pride Month tại Việt Nam.



Sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng và suy xét trên nhiều khía cạnh, MullenLowe Singapore và Viện iSEE quyết định chọn “LGBTQ+ không phải là bệnh” làm thông điệp chính và duy nhất, đồng thời #NgưngBệnhLýHóaLGBTQ+ là khẩu hiệu hành động của chiến dịch. 


Là một chiến dịch nhằm giải quyết một vấn đề xã hội, “Leave with PRIDE” chỉ có thể làm nên sự thay đổi khi mọi người - bất kể giới tính, độ tuổi, thu nhập,... - cùng hưởng ứng và lan tỏa thông điệp. Nhưng để thực hiện mục tiêu hiệu quả hơn, chiến dịch “khoanh vùng” hai nhóm đối tượng chính:


  • Nhóm người cần được thay đổi (đối tượng mà chiến dịch này “phản ánh”): những người có định kiến về LGBTQ+ và mượn “nguỵ” khoa học làm cơ sở cho định kiến của mình, chẳng hạn “Tôi không có ý kỳ thị, nhưng LGBTQ+ là bệnh cần được chữa"
  • Nhóm người truyền thông nhắm tới và kêu gọi hành động: những người quan tâm đến cộng đồng LGBTQ+ nhưng chưa biết về thực trạng xã hội xem LGBTQ+ là bệnh vẫn còn tồn tại. 


Thử nghiệm xã hội “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu LGBTQ+ là… “bệnh” 


Mở màn chiến dịch bằng video thử nghiệm xã hội, MullenLowe Singapore và iSEE đặt vấn đề: “Giả sử LGBTQ+ là “bệnh”, họ có quyền được nghỉ phép để chữa bệnh không?”. Thước phim này đã khiến người xem bức xúc trước thực trạng: nhiều người LGBTQ+ vẫn còn bị xem là mắc “bệnh”. Những lời miệt thị, coi thường từ chính những người quản lý, đồng nghiệp hàng ngày làm việc cùng nhau như những nhát dao khứa vào lòng tự trọng của họ. 


Video thử nghiệm xã hội mở đầu cho chiến dịch “Leave with Pride”


Trong video này, khán giả dù thuộc đối tượng nào cũng sẽ dễ dàng nhận ra những tiêu chuẩn kép phi lý được thể hiện qua phản ứng của một số người quản lý hay giáo viên xuất hiện trong thử nghiệm. Phơi bày những bất công tồn đọng bên trong một bộ phận công sở và trường học - nơi lẽ ra là môi trường để con người phát triển về trí tuệ và tinh thần, video đã tạo ra nhiều thảo luận xung quanh sự kỳ thị và phân biệt đối xử đến từ định kiến bệnh lý hóa LGBTQ+. 


Theo chia sẻ từ MullenLowe Singapore, chiến dịch “Leave with Pride” tuy được khai triển dựa trên một ý tưởng đơn giản nhưng hành trình thực hiện lại gặp nhiều thách thức, nhất là việc tìm kiếm tình nguyện viên. Các bạn phải đối diện với nhiều nỗi sợ vì họ chưa thổ lộ về xu hướng tính dục của mình với gia đình, và việc tham gia thử nghiệm cũng có thể gây ra nhiều rắc rối mới trong cuộc sống cá nhân. “Nhưng may mắn thay, chúng tôi đã tìm được một số tình nguyện viên sẵn sàng đồng hành trong thử nghiệm xã hội này. Niềm tin mà các tình nguyện viên LGBTQ+ đặt vào mục tiêu và ý nghĩa của dự án vẫn lớn hơn những nỗi sợ của bản thân. Sau nhiều tháng làm việc với Viện iSEE và các tình nguyện viên, chúng tôi cũng học được vô số bài học trong từng chi tiết nhỏ, từng tình huống và cách để vượt qua mọi thử thách”, anh Andrew Ho, Phó Giám đốc Sáng tạo MullenLowe Singapore chia sẻ. 



Từng bước “chạm” để thay đổi định kiến xã hội với chiến dịch Leave with Pride


Bên cạnh thước phim đánh đúng vào định kiến xã hội và nhận được nhiều phản hồi tích cực, “Leave with Pride” còn ghi dấu ấn trong hành trình lan tỏa thông điệp ý nghĩa của mình qua 3 giai đoạn:

Video phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề “bệnh lý hóa LGBTQ+”

 


Những dấu hiệu tích cực từ chiến dịch “Leave with Pride”


Trải qua một chặng đường dài với nhiều thách thức, trở ngại trên nhiều phương diện, nỗ lực của MullenLowe Singapore và Viện iSEE trong chiến dịch “Leave with Pride” bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Giai đoạn 1 của chiến dịch khép lại vào ngày cuối tháng Pride Month với những con số ấn tượng, đặc biệt là hơn 82.000 chữ ký yêu cầu WHO Việt Nam lên tiếng (đạt 160% chỉ tiêu đề ra ban đầu). 



Chiến dịch “Leave with Pride” với thông điệp “LGBTQ+ không phải là bệnh” đã phần nào tác động đến vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử đối với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng giới ở Việt Nam. Chiến dịch hứa hẹn là tiền đề đặt dấu chấm hết cho định kiến bệnh lý hóa LGBTQ+, các hình thức “điều trị”, “chữa trị đồng tính” sẽ không được phép tồn tại, từ đó, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử hy vọng sẽ được cải thiện đáng kể.


Advertising Vietnam


Chiến dịch Leave with Pride: Tấm giấy nghỉ “bệnh” chống lại định kiến phi lý về cộng đồng LGBTQ+

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Senior Content | Advertising Vietnam

17 Thg 12 2021

Lưu

Cùng chuyên mục