Ở vùng đất Kyrgyzstan, một quốc gia có 6 triệu người nằm giữa Trung Quốc và Kazakhstan, nạn bắt vợ đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những thiếu nữ đến tuổi cập kê. Họ không có quyền được lựa chọn hạnh phúc và buộc phải nhẫn nhịn cuộc hôn nhân sắp đặt. Những góc khuất đau thương của phụ nữ nông thôn vùng Trung Á được bóc trần một cách chân thực trong chiến dịch Tấm vải trắng tại Kyrgyzstan.


Lối thoát nào cho số phận người phụ nữ bị tước đoạt hạnh phúc ?


Phụ nữ đại diện cho phái đẹp, họ luôn xứng đáng nhận được sự yêu thương và trân trọng. Thế nhưng những biến tướng của hủ tục lạc hậu khiến họ bị tước đoạt bình đẳng giới. Đặc biệt ở những quốc gia còn tồn đọng hủ tục lạc hậu như Kyrgyzstan, Ethiopia, Kazakhstan, Nam Phi, người phụ nữ sẽ gánh chịu “lời nguyền” bị bắt cóc lên xe hoa của bất kỳ người đàn ông xa lạ nào.


Tiếng thét thất thanh của những cô gái bạc phận có thể cất lên ngay trên đường phố đông đúc hay tại chính căn nhà của mình. Có những cô gái chưa đủ 18 tuổi cũng đã bị cưỡng ép về làm vợ dẫn đến nạn tảo hôn nhức nhối ở Kyrgyzstan. Không có tình yêu, không có sự vun vén hạnh phúc gia đình, cuộc đời người phụ nữ ở những vùng đất cổ hủ này chưa bao giờ thoát khỏi bóng đen tội lỗi.


Nhân chứng sống cho hủ tục tàn bạo: Tấm vải trắng


Ở Việt Nam, văn hóa cướp vợ của dân tộc H’Mông ban đầu là để lấy may mắn cho gia đình nhưng và kết duyên cho những cặp trai gái đang yêu nhau. Về sau tục này cũng bị biến dạng thành những vụ hôn nhân cưỡng ép. Đối với người phụ nữ ở Kyrgyzstan, hình ảnh tấm vải trắng gắn liền với nguồn gốc gây ra bao nhục nhã và đau thương của họ. Bắt nguồn từ tục lệ các cô gái khi bị bắt cóc về nhà trai phải đội một chiếc khăn trắng và ngồi sau tấm màn trắng (hay còn gọi là bức màn koshogos) trong nhà của kẻ bắt cóc. Điều này có nghĩa là họ không còn trong trắng nữa và coi là chấp nhận gả cho người đàn ông khiến các cô dâu bất đắc dĩ không còn mặt mũi nào trở về gia đình của mình. Chính vì vậy mà tấm vải trắng được xem là lớp che đậy tội lỗi cho các cuộc hôn nhân cưỡng bức.


Chiến dịch “Tấm vải trắng” giương cao lá cờ bình đẳng giới



Lời nhắc nhở lạnh lùng qua hình ảnh tấm vải trắng xuyên suốt trong chiến dịch chống lại tội ác nạn bắt vợ tại Kyrgyzstan. Một chiến dịch giàu giá trị nhân văn do agency Leo Burnett Moscow kết hợp cùng Kloop.kg. Những tấm vải có in câu chuyện có thật về các cô gái mới 17 tuổi đã là nạn nhân của hủ tục bắt cóc cô dâu được treo khắp các địa điểm tại thủ đô Bishkek. Từ các cửa tiệm Kloop.kg đến chân cầu, hàng rào, trạm xe bus khắp các đường phố thủ đô, người dân đều có thể thấy những tấm vải trắng tung bay như giương cao lá cờ đòi lại quyền bình đẳng giới. Hôn nhân ở Kyrgyzstan bắt nguồn từ tục “ala kachuu” (bắt và chạy trốn).


Mặc dù tục này đã bị cấm ở Cộng hòa Kyrgyzstan từ 5 năm trước, nhưng chiến dịch nhấn mạnh rằng, ala kachuu vẫn tồn tại như loại sâu mọt gặm nhấm quyền sống và quyền bình đẳng của người phụ nữ nước họ. Thậm chí, trên thế giới đã bất hợp pháp hóa hình thức hôn nhân cưỡng bức từ năm 1994 nhưng vẫn có khoảng 12.000 cô dâu bị bắt cóc về nhà chồng hàng năm.



Đây cũng là thời điểm báo động đỏ cho các nhà chức trách Kyrgyzstan phải đẩy mạnh nhận thức về mức độ nguy cấp của vấn nạn này. Burulai Turdaaly Kyzy, một phụ nữ 20 tuổi đã bị đâm đến chết khi cảnh sát đã bỏ mặc cô với người đàn ông hai lần cố gắng bắt cóc cô. Vào thời điểm khởi động chiến dịch, Leo Burnett Moscow đã chỉ ra mới chỉ có 895 báo cáo tội phạm được đăng ký công khai và 18% trong đó trở thành vụ án hình sự, 28 vụ được đưa ra tòa xét xử. Chiến dịch đồng thời lên tiếng cáo buộc các nhân viên cảnh sát ở đất nước này khi có tới 94% là nam giới đã “ngó lơ” và không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.


Ngọc Anh / Advertising Vietnam