Như thường niên, Tết Nguyên đán là một dịp lễ long trọng và được mong chờ nhất cả nước, một cơ hội để mọi người sum vầy bên nhau, hồi tưởng lại năm cũ đã qua và đón chở một khởi đầu mới. 


Tuy nhiên, trái với mọi năm, Tết 2021 sẽ có một chút khác biệt khi người Việt Nam được dự đoán sẽ hạn chế hoạt động đi lại, viếng thăm họ hàng hay mua sắm ở cửa hàng truyền thống. Năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động trực tuyến sẽ nhộn nhịp hơn bao giờ hết, góp phần đẩy mạnh quá trình số hóa trên toàn quốc. 


Theo một khảo sát gần đây của Google, 44% khách hàng Việt đang chuyển sang mua sắm trực tuyến những mặt hàng mà họ thường mua ở các cửa hàng truyền thống. Song song với đó, các thương hiệu cũng đã nhanh chóng thích ứng và tìm cách tiếp cận khách hàng trên các nền tảng mà người tiêu dùng thường xuyên tiếp cận để tìm kiếm thông tin, khám phá và truyền cảm hứng sáng tạo.



Trong bài viết này, dựa trên kết quả khảo sát thu được, Google sẽ chỉ ra cách mà các thương hiệu ở Việt Nam đã thích ứng với những biến động khôn lường trong hành vi tiêu dùng và chia sẻ cách khai thác những insights mới đó để chinh phục trái tim người tiêu dùng Việt trong năm mới. 


Truyền cảm hứng khách hàng trước thềm khai xuân 


Trong thời gian nghỉ Tết, nhiều người dùng thường tìm đến các video trực tuyến để tìm kiếm các nội dung giải trí hoặc có tính truyền cảm hứng cao. Năm nay, trước khi kỳ nghỉ bắt đầu, lượt tìm kiếm liên quan đến chủ đề Tết đã tăng gấp 8 lần, chủ yếu xoay những nội dung video liên quan đến giải trí, ẩm thực và các nghi lễ truyền thống. 


Một trong những nghi lễ không thể thiếu được trong dịp Tết đó là “lì xì”. Đây là nội dung được tìm kiếm trên Google và Youtube vào những tuần trước Tết nhiều gấp 5 lần ngày thường. Bên cạnh đó, với nhu cầu tiệc tùng tăng cao trong các ngày lễ, số lượng tìm kiếm công thức nấu ăn tại nhà trên Youtube cũng tăng 24% trong những ngày cận Tết so với những tháng khác trong năm.


Những chủ đề liên quan được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Search và Youtube trong các ngày giáp Tết:



Suntory PepsiCo, một trong những thương hiệu nước giải khát lớn nhất Việt Nam, đã thành công trong việc áp dụng các xu hướng mới này ở 3 video cho 3 nhãn hàng Pepsi, Mirinda, TEA+ Plus. 



Không chỉ xoay quanh cảnh gia đình sum vầy, các video này còn gợi nhớ những khoảnh khắc hài hước đặc trưng của ngày Tết: sự lúng túng khi không thể nhớ ra tên của tất cả thành viên trong đại gia đình, bầy em thơ hóng hớt bao lì xì; những câu hỏi “động chạm” đời tư thế hệ trẻ từ những người đi trước. Thay vì tránh né những khoảnh khắc ngượng ngùng đó, Pepsi chọn cách khuyến khích người xem tận hưởng và trân trọng những phút giây ngắn ngủi gia đình được ở bên nhau. 


Hiểu được rằng 95% người dùng Internet đều sử dụng Youtube, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế đi lại vì đại dịch, để tiếp cận những đối tượng đang tiêu thụ nội dung Tết tốt hơn, Suntory PepsiCo sử dụng chiến lược tích hợp 2 nền tảng TV và Youtube. Bước đi đa nền tảng này đã giúp công ty tăng 19% lượt tiếp cận.  


Kết nối khách hàng thông qua những nhà sáng tạo nội dung


Tết thường là dịp phổ biến để những người làm nội dung ra mắt video mới. Năm nay, có 5 trong số 10 Top videos Tết trên Youtube là kết quả của sự hợp tác giữa nhãn hàng và những nhà sáng tạo. 


Một trong những truyền thống ưa thích dịp Tết của người Việt là được xem các chương trình giải trí như Gặp nhau cuối năm - chương trình hài châm biếm thường phát sóng vào đêm trước Giao thừa.


Khai thác niềm yêu mến sâu rộng đối với Gặp nhau cuối năm qua nhiều thế hệ, ứng dụng Fintech ViettelPay đã hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng nhất ở Việt Nam để cùng tạo ra một video âm nhạc bằng chất liệu hình ảnh, văn hóa và phong tục độc đáo của ngày Tết cổ truyền.



Với hình ảnh nhân vật Gặp nhau cuối năm quen thuộc xuất hiện trong MV, "Làm Gì Phải Hốt" đã trở thành video thịnh hành số một trên YouTube trong dịp lễ. Video thu về hơn 50 triệu lượt xem, góp phần vào 1,4 tỷ lượt hiển thị và 2,8 triệu lượt tải ứng dụng ViettelPay trong chiến dịch Tết của hãng.



Chiến dịch Tết của ViettelPay thu được: 



Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng


Bên ngoài yếu tố giải trí, người Việt còn có xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm sản phẩm và cảm hứng mới trên nền tảng trực tuyến dịp Tết. Thực tế, có 87% người Việt dùng công cụ tìm kiếm, Youtube và Bản đồ để tìm mua sản phẩm trên mạng. 


Ngoài ra, việc người tiêu dùng thay đổi hành vi “ăn Tết” đồng nghĩa với việc các thương hiệu phải bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, đặc biệt là khả năng cung cấp những trải nghiệm cá nhân phù hợp hơn đến khách hàng trong những thời khắc đặc biệt đối với họ.


Đây cũng chính là bài toán mà Oppo - một thương hiệu điện thoại và truyền thông gặp phải khi ra mắt dòng smartphone mới. Trong bối cảnh nhiều hoạt động truyền thông và activation đều bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch, công ty đã phải tái hình dung cách tiếp cận khách hàng. Nhận thấy Youtube là một trong những ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất, Oppo đã quyết định tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm trực tuyến trên nền tảng này. 



Thực tế, có hơn 21.000 người đã tham gia buổi livestream với 90% trong số đó xem hết chương trình - nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ sự kiện offline nào trước đó. Ngoài ra, tận dụng tính năng Youtube Director Mix, Oppo còn gửi những thông điệp cá nhân hóa tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. 


Lắng nghe nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng

 

Người tiêu dùng Việt rất quan tâm đến vấn đề tài chính và những lựa chọn phù hợp nhất với túi tiền của họ. Theo khảo sát của Google, 37% người tham gia cho rằng họ sẽ cân nhắc chi tiêu ít hơn vào dịp Tết 2021 này so với Tết năm trước. 


Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng sau một năm chịu nhiều khó khăn, người tiêu dùng Việt quan ngại hơn về vấn đề sức khỏe (33%) và an ninh tài chính (42%). Vì vậy, trong mùa Tết này, người mua sắm Việt Nam sẽ “ưu ái” những thương hiệu có khả năng cung cấp các giá trị về sức khỏe, an sinh và có thể tối ưu hóa giá trị trong từng sản phẩm. 


Những dự đoán về Tết 2021


Những tâm lý tiêu dùng mới này rất có thể sẽ thay đổi các hành vi truyền thống như ăn uống, thăm viếng và tặng quà trong dịp Tết. Do đó, các nhãn hàng nên chủ động tạo ra những nội dung và trải nghiệm nêu bật được mối quan tâm mới của khách hàng, đặc biệt là cách mà họ sử dụng ngân sách trong dịp lễ cuối năm. Từ đó, thương hiệu có thể khai thác cơ hội này để tìm ra cách mang lại cho người dùng nhiều giá trị nhất.

 

Trúc Quyên / Advertising Vietnam

Theo Think with Google