Chủ nhân giải đồng Cannes Lions: "Tại sao phải đặt một cái giá để tham khảo những ý tưởng sáng tạo?"

Được mệnh danh “Oscar của ngành quảng cáo”, Cannes Lions là liên hoan giải thưởng quảng cáo danh giá nhất thế giới. Tuy nhiên, những người trong ngành sáng tạo muốn tiếp cận được nguồn thông tin giá trị từ Cannes Lions thì phải trả một khoản phí khoảng 2.000 USD một năm trên website chính thức của chương trình LoveTheWork.com. Đây là một con số không hề nhỏ, nhất là đối với các bạn trẻ theo đuổi ngành quảng cáo và sáng tạo tạo tại Việt Nam.


Thế nên vào một ngày trong năm 2021 giữa đại dịch COVID-19, hai bạn trẻ Mai Trần Bảo ToànQuỳnh Trần đã khiến cộng đồng sáng tạo Việt Nam xôn xao khi đăng tải bảng Google Sheets chứa thông tin của hơn 300 dự án thắng giải tại sự kiện Cannes Lions hoàn toàn miễn phí. 


Lời giới thiệu dự án trên website LoveTheWorkMore.com


Đó là tiền đề cho LoveTheWorkMore.com ra đời. Một năm sau, ban tổ chức Cannes Lions chính thức “đầu hàng” và trao giải Bronze Lion cho LoveTheWorkMore.com.


Toàn là cựu copywriter thực tập tại Leo Burnett Việt Nam và đã có kinh nghiệm làm việc tại các agency trên thế giới như Ogilvy Tokyo, LOLA Madrid, Grey New York, David Madrid, And_Us Dubai, Memac Ogilvy Dubai, Ogilvy Singapore. Trong khi đó, Quỳnh từng là cựu nhân viên tại các công ty quảng cáo trong nước và quốc tế như Dinosaur Vietnam, BETC Paris, Publicis Italy, INNOCEAN Berlin. Hiện tại cả hai bạn trẻ tài năng này đã đặt chân đến San Francisco (Mỹ) để tiếp tục đi tiếp hành trình tại công ty quảng cáo Goodby Silverstein & Partners.


Trang web LoveTheWorkMore.com ra đời trong bối cảnh Quỳnh phải mượn tài khoản Cannes Lions Live của một chị đồng nghiệp để theo dõi các dự án đoạt giải trong năm 2021. Lúc ấy cả Quỳnh cùng người bạn thân của mình là Toàn tốn rất nhiều thời gian để gọi điện và bàn luận về các dự án đoạt giải Cannes Lions. Chính vì thế hai bạn trẻ đã bắt tay vào thực hiện dự án sau khi nảy ra ý tưởng và hoàn thành chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Hãy cùng trò chuyện cùng Toàn và Quỳnh để biết được những câu chuyện thú vị đằng sau dự án được tạo ra với mục đích ban đầu là “trêu tức” ban tổ chức Cannes Lions.




Chào Mai Trần Bảo Toàn và Quỳnh Trần. Hãy giới thiệu về bản thân bằng một từ miêu tả bản thân đúng nhất?


Toàn: Chúng tôi nghĩ mình chỉ là “nobody” - chẳng là ai cả. Vì như vậy, chúng tôi mới được quyền “nổi loạn” vì không ai biết mình là ai nên mình không cần phải sợ gì.  


Được biết dự án LoveTheWorkMore.com đã tốn rất nhiều bút mực từ báo giới, khi nó đã khiến một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo là Cannes Lions phải “đầu hàng” hai bạn trẻ đến từ Việt Nam chỉ một năm sau khi dự án hoàn thành. Vậy hai bạn có thể cho biết quá trình hình thành ý tưởng dự án này không?


Quỳnh: Vào năm 2021, tôi bắt đầu làm chính thức ở một agency châu Âu, còn Toàn thì đang lông bông. Lúc này chúng tôi muốn xem Cannes Lions để tham khảo các dự án thắng giải nhưng không có đủ kinh phí để đăng ký thành viên, nên phải mượn tài khoản của một chị nhân sự trong công ty để “xem ké”.


Sau đó chúng tôi có tạo một bảng tính (spreadsheet) trên nền tảng Google Sheets, chứa danh sách các dự án thắng giải Cannes Lions, và chia sẻ đến các cộng đồng designer/quảng cáo tại Việt Nam. Mọi người hưởng ứng rất nồng nhiệt, một anh đồng nghiệp của Toàn có đăng bảng tính trên Instagram Stories với nội dung “Project này xứng đáng nhận được nhiều công nhận hơn”. Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi “Tại sao lại không làm nó lớn hơn bằng cách mang lên nền web?”


Những hạng mục trao giải trên LoveTheWorkMore.com được phân chia một cách rõ ràng và trực quan


Vậy tại sao lại là cái tên Love The Work More, đó có phải là cách chơi chữ nhằm “trêu tức” trang web đăng tải dự án thắng giải chính thức LoveTheWork.com của Cannes Lions? 


Toàn: Cái tên này xuất phát từ việc mỗi dự án trên LoveTheWork.com đều có chữ “Learn More”, nhưng nếu muốn “learn” thì phải trả tiền. Sau một hồi nói chuyện với đồng nghiệp và bạn bè, ý tưởng LoveTheWorkMore.com ra đời. Có một câu chuyện nhỏ là lúc đầu làm website chúng tôi đã phải nhờ một thầy dạy UX/UI để tạo domain với kinh phí 2 USD, cho đến nay khoản tiền này vẫn chưa được chúng tôi trả lại cho thầy.


Ý tưởng và cả tên dự án cũng đã có, như vậy hai bạn đã bắt tay vào làm như thế nào?


Toàn: Quá trình thực hiện rất đơn giản, ban đầu chúng tôi phải thu thập khoảng 500 đường link của các dự án thắng giải, đây cũng là giai đoạn tốn thời gian nhất, thời gian thực hiện là một đêm. Các bước sau đó diễn ra rất nhanh gọn, ví dụ chỉ tốn khoảng 15-30 phút cho quá trình tạo website. Nhìn chung việc thực thi dự án chỉ diễn ra trong 2-3 ngày.


Dữ liệu của những dự án thắng giải sẽ được cập nhật theo từng năm


Quỳnh: Chúng tôi tự đánh giá website LoveTheWorkMore.com không có độ hoàn thiện tối đa về mặt thẩm mỹ, thậm chí logo con sư tử biểu tượng Cannes Lions cũng là do tự vẽ nguệch ngoạc trong 5 phút. Nhưng cái “xấu” đó chính là cách thức làm nên sự thành công của dự án, chúng tôi cố ý đơn giản hoá và châm biếm mọi thứ để “trêu” sự phức tạp khi đăng ký thành viên trên trang web chính LoveTheWork.com của Cannes Lions. Trong khi đó website LoveTheWorkMore.com có giao diện rất đơn giản, chỉ cần truy cập trang, chọn số năm của cuộc thi và chọn dự án muốn xem, người dùng sẽ được đưa thẳng đến trang thông tin của dự án. 


Logo sư tử Cannes Lions trên LoveTheWorkMore.com được biếm họa bằng những nét vẽ nguệch ngoạc


Tuy thực hiện chỉ trong vài ngày, nhưng chắc chắn dự án này đã mang hai bạn đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai bạn khi thực hiện LoveTheWorkMore.com là gì?


Toàn: Đó là khi CEO của Cannes Lions gọi cho chúng tôi 4 lần, lần gọi đầu họ nói sẽ mời luật sư làm việc với chúng tôi. Lúc đó chúng tôi rất run vì không biết nên chọn cách giải quyết như thế nào. Cuối cùng chúng tôi chọn cách giải quyết “êm ấm” với Cannes, với giải pháp người truy cập LoveTheWorkMore.com sẽ được chuyển hướng qua LoveTheWork.com, đổi lại Cannes phải cho phép sinh viên dưới 30 tuổi sử dụng hoàn toàn miễn phí.


Tuy nhiên, thỏa thuận trên chỉ kéo dài được một khoảng thời gian ngắn. Cannes vẫn “làm khó” những bạn sinh viên có nhu cầu xem thông tin dự án miễn phí, ví dụ đòi thông tin địa chỉ IP máy tính hay phải có xác nhận từ trường học. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định chấm dứt thoả hiệp đã đặt ra trước đó với Cannes Lions, tự chúng tôi sẽ duy trì tính độc lập của dự án nhằm mang LoveTheWorkMore.com trở lại đúng với mục đích ban đầu. Tính đến nay chúng tôi đã tổng hợp được khoảng 20.000 đường link của các project cho LoveTheWorkMore.com.


Quỳnh: Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là khi cô đồng nghiệp phòng nhân sự tại công ty cũ gọi điện thoại, nói “Đoán xem ai vừa gọi cho công ty? CEO của Cannes đấy! Ông ấy gọi và hỏi thông tin liên lạc của em”. Theo luật công ty không được phép tiết lộ thông tin của nhân viên, tuy nhiên điều oái ăm là lúc đó công ty cũ hiện đang là nhà tài trợ cho Cannes, nên cô đồng nghiệp đã vào thế tiến thoái lưỡng nan và gọi cho tôi để hỏi ý kiến về chuyện trên.


Một khoảnh khắc đáng nhớ khác là CEO Cannes Simon Cook đã xem story của tôi trên Instagram, và tôi cho rằng đó là một thành công lớn. Khoảnh khắc đáng nhớ cuối cùng là một mạnh thường quân đã liên hệ chúng tôi, đề nghị tài trợ hoàn toàn chi phí để quảng cáo dự án trên Quảng trường Thời Đại (Times Square).


Dự án LoveTheWorkMore.com được tài trợ 100% chi phí quảng cáo trên Quảng trường Thời Đại


Mọi động thái trên của Cannes Lions với trang web LoveTheWorkMore.com đều cho thấy ban tổ chức đã “xuống nước” và đáp ứng một số yêu cầu từ hai bạn. Vậy hai bạn cảm thấy như thế nào khi đã “bắt” ban tổ chức phải hành động như thế?


Toàn: Tôi cảm thấy như David đã chiến thắng người khổng lồ Goliath. Bản thân những người làm sáng tạo không bao giờ muốn thu tiền để mọi người xem quảng cáo của họ, vậy tại sao phải trả tiền để xem quảng cáo đạt giải thưởng? Đây là những điều rất vô lý và phản tiêu chí của quảng cáo.


Quỳnh: Tôi rất vui. Tất cả những gì chúng tôi làm trong thời gian qua là vì ngành quảng cáo có câu nói “Chẳng ai quan tâm đến quảng cáo đâu, mọi người chỉ quan tâm đến những gì họ thích, và đôi khi đó sẽ là quảng cáo”. Tại sao lại đặt một cái giá cho việc tham khảo các ý tưởng quảng cáo sáng tạo?



Một dự án chỉ thực hiện trong vài ngày nhưng đã đến nay đã có hơn 400 nghìn người truy cập từ hơn 150 quốc gia để tham khảo các dự án thắng giải Cannes Lions. Vậy các bạn có cảm xúc như thế nào khi thấy LoveTheWorkMore.com nhận nhiều sự quan tâm hơn mong đợi? Liệu có những ý kiến trái chiều nào không?


Quỳnh: Ban đầu tôi rất vui nhưng có lúc đã hoảng đến mức phải tắt điện thoại vì liên tục nhận được thông báo từ những bình luận và chia sẻ từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp và cả những người nổi tiếng trong ngành. 


Toàn: Có người nói chúng tôi “hack” hoặc trộm quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property - IP) từ Cannes Lions. Tuy nhiên việc làm của chúng tôi hoàn toàn hợp pháp vì LoveTheWorkMore.com chỉ là nơi chuyển hướng đường link. Chúng tôi không tải về và đăng lại bất cứ dự án nào của Cannes trên LoveTheWorkMore.com. Thực tế việc đăng lại những dự án thắng giải không mới, nó đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. Nhưng LoveTheWorkMore.com khác với những nền tảng khác là hoàn toàn miễn phí.


Thông tin về dự án LoveTheWorkMore.com tại Cannes Lions 2022


Theo như chia sẻ hai bạn đã có cơ hội làm việc nhiều công ty trong ngành quảng cáo cả trong và ngoài nước. Như vậy, theo kinh nghiệm của bản thân, hai bạn có nhận định về ngành quảng cáo tại Việt Nam so với thị trường quốc tế? Đồng thời, ngành quảng cáo Việt Nam cần gì để phát triển hơn nữa?


Quỳnh: Chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty Việt Nam nên mọi ý kiến đưa ra hoàn toàn mang tính chủ quan. Cá nhân tôi thấy các creatives tại Việt Nam chưa tận dụng tối đa ‘local insight’ cho các chiến dịch quảng cáo. Có thể hiểu ‘local insight’ là những thông tin chỉ liên quan hoặc có ý nghĩa với một nhóm người tại một thị trường nhất định. Ngoài ra, tôi thấy ngành quảng cáo Việt Nam vẫn chưa bật lên bản sắc riêng. Những quảng cáo tại quốc gia Thái Lan có một “chất riêng” mà khó quốc gia nào có thể làm giống. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những quảng cáo mang đậm bản sắc riêng tương tự.


Toàn: Theo quan sát của tôi, một agency có những chiếc dịch tốt và tạo tiếng vang thường có mối quan hệ rất bền với khách hàng, thậm chí có những mối quan hệ lên đến vài thập kỷ. Việc thắt chặt mối quan hệ và tin tưởng nhau sẽ tạo ra những sản phẩm truyền tải đúng và đủ thông điệp của nhãn hàng đến nhóm khách hàng mục tiêu.


Ngành nào cũng có về mặt hạn chế của nó. Theo hai bạn thứ chúng ta sẽ được và mất khi dấn thân vào ngành quảng cáo sáng tạo là những gì? Và liệu bạn đã thấy được những bất cập của ngành quảng cáo hiện nay?


Toàn: Có người nói với tôi quảng cáo là ngành có thể “qua mặt Thần Chết”, vì sản phẩm làm ra sẽ luôn tồn tại và mọi người có thể bàn về nó ngay cả khi bạn không còn trên đời nữa. Đó là điều làm tôi rất thích khi làm việc trong ngành quảng cáo. Ngoài ra tôi còn hình thành thói quen “lãng mạn hoá” mọi thứ nhằm tạo ra các sản phẩm mang nhiều thông điệp tích cực, ngay cả trong trường hợp khó khăn nhất. Cuối cùng nhờ dấn thân vào ngành quảng cáo, tôi tập được cách thấu hiểu người khác một cách kỹ càng hơn qua thói quen tìm hiểu insight của khách hàng. Cái mất duy nhất là chúng ta đôi khi sẽ cảm thấy rất “đuối” vì phải nghĩ ra ý tưởng mới liên tục.


Về vấn đề bất cập của ngành quảng cáo hiện nay, theo tôi trong ngành vẫn tồn tại những chiến dịch hay ý tưởng hào nhoáng, chỉ cho mục đích tranh giải chứ không thực sự mang lại ý nghĩa gì cả.


Quỳnh: Đối với tôi ngành quảng cáo đã khiến bản thân trở thành người thấu đáo hơn, không chỉ nhìn vấn đề trên bề mặt mà thay vào đó sẽ tìm hiểu kỹ về vấn đề, nhằm để hiểu được rõ những insight. Ngoài ra đây còn là ngành hiếm hoi cho tôi cơ hội sống và làm việc nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra làm việc trong ngành quảng cáo sẽ giúp chúng ta nhận được rất nhiều kiến thức đa ngành. Tuy nhiên, ngành quảng cáo đôi khi sẽ khiến chúng ta bị “hút” theo công việc, khiến quỹ thời gian cá nhân không còn nhiều.


Tôi nhận thấy bất cập của ngành đó là việc những ý tưởng được gắn cái giá không nhỏ, có thể thấy rõ ràng nhất qua LoveTheWork.com. Ngoài ra đây còn là ngành có sự phân biệt đối xử với những người không có kinh nghiệm trong ngành quảng cáo, phân biệt đối xử giới tính và sắc tộc với những chức vụ cao trong ngành khi có rất ít phụ nữ được nắm những vị trí này. Đây là vấn đề mà toàn ngành đang chung tay giải quyết.



Với những khó khăn và bất cập các bạn vừa chia sẻ, liệu giới trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen-Z, cần chuẩn bị những gì để bước chân vào ngành quảng cáo? Và liệu đây có phải là ngành có mức thu nhập tốt?


Toàn: Ngành quảng cáo đòi hỏi chúng ta phải thực sự yêu nghề mới có thể theo đuổi lâu dài, nếu để “thử” không thôi thì sẽ không tiến xa. Các bạn trẻ cần có sức bền để chấp nhận những thất bại, như là ý tưởng không được duyệt hay chiến dịch không thành công. Ngoài ra hãy chăm chút CV/Portfolio của bản thân để tạo dấu ấn và thể hiện sự sáng tạo trong đó.


Quỳnh: Hãy trở nên khác biệt. Nếu bạn có niềm tin vào điều gì đó hãy theo đuổi nó đến cùng, vì sự nghiệp trong ngành quảng cáo là một cuộc đua dài hơi, nếu không có sức bền sẽ rất khó để cạnh tranh. Tại nước ngoài ngành quảng cáo có mức thu nhập rất tốt. Ngoài ra nếu yêu nghề và thực hiện tốt công việc, các bạn trẻ sẽ có cảm giác được trả tiền để làm những gì mình thích. Nhìn chung, bạn sẽ có một cuộc sống vui vẻ và đầy đủ nếu theo đuổi ngành quảng cáo lâu dài. 


Đạo đức nghề nghiệp có thể hiểu là những chuẩn mực và phẩm chất của một cá nhân trong quá trình làm việc, trong công việc hoặc trong một hoạt động cụ thể. Như vậy đạo đức nghề nghiệp trong ngành quảng cáo là như thế nào, có khác nhau giữa Việt Nam và các nước khác không?


Quỳnh: Vì chúng tôi trước đây chỉ làm việc chủ yếu tại các công ty nước ngoài nên đạo đức nghề nghiệp ngành quảng cáo có thể khác nếu so sánh với ngành quảng cáo tại Việt Nam. Các công ty quảng cáo tôi từng làm rất tôn trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng của nhân viên, đồng thời yêu cầu năng suất làm việc cao. Ví dụ mọi người sẽ tập trung 100% tâm trí cho công việc trong giờ làm, sau giờ làm sẽ không đụng tới công việc nữa. Còn ở Việt Nam theo tôi quan sát thấy việc làm việc quá giờ đã trở thành “thước đo” độ chăm chỉ, nhưng tôi nghĩ nguyên nhân của làm quá giờ là bản thân không quản lý tốt quỹ thời gian làm việc. Tất nhiên có những ngành đặc thù sẽ đòi hỏi phải làm quá giờ, nhưng sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng là yếu tố quan trọng.



Tương lai của LoveTheWorkMore.com cũng như của hai bạn là gì?


Quỳnh: Về LoveTheWorkMore.com, mỗi một mùa Cannes đến mọi người sẽ thấy chúng tôi cùng trang web xuất hiện để đăng tải những dự án thắng giải, cho đến khi nào chúng tôi không duy trì được nữa vì một lý do nào đó, hoặc đến lúc ban tổ chức Cannes Lions mở trang LoveTheWork.com hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. 


Toàn: Về dự định của bản thân, chúng tôi sẽ sang Mỹ và bắt đầu làm việc cho Goodby Silverstein & Partners theo team. Làm việc cùng nhau đã lâu nên cả tôi và Quỳnh đều rất ăn ý và có góc nhìn chung về ngành quảng cáo. Chúng tôi cũng rất tò mò về thị trường quảng cáo bên Mỹ vì cả 2 đều chưa đặt chân lên nơi đây. Nếu sau này chúng tôi không làm việc với nhau nữa thì cũng không sao, lỡ đứa này nhận offer “đỉnh” hơn đứa kia thì sao.


Xin cám ơn hai bạn đã tham gia buổi trò chuyện cùng Advertising Vietnam. Xin chúc hai bạn thật nhiều sức khoẻ và luôn thành công trong những dự định sắp tới!



Chủ nhân giải đồng Cannes Lions: "Tại sao phải đặt một cái giá để tham khảo những ý tưởng sáng tạo?"

Tân Phan

Tân Phan

Senior Content | Advertising Vietnam

10 Thg 08 2022

Lưu

Cùng chuyên mục