Dù doanh nghiệp ở lĩnh vực, ngành nghề nào thì cũng cần thực hiện các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo để phát triển và gia tăng doanh số. Vì thế, các vị trí liên quan đến ngành Marketing cần thiết đối với tất cả các loại hình tổ chức: tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ, start-up, tổ chức phi lợi nhuận,... 


Theo báo cáo thị trường tuyển dụng của Statista, các công việc ngành Marketing dự kiến sẽ tăng 10% từ năm 2020 đến 2030. Tốc độ này phát triển nhanh hơn mức trung bình so với tất cả các ngành khác.


Trong bối cảnh tuyển dụng ngành Marketing đầy tính cạnh tranh như hiện nay, tạo sự khác biệt trong CV và cuộc phỏng vấn trực tiếp sẽ trở thành lợi thế của ứng viên. Bà Tequia Burt - Chuyên gia từ LinkedIn đã gợi ý 4 cách giúp marketer ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!


1. Nghiên cứu các thông tin về công ty


Trước khi tham gia buổi phỏng vấn, marketer cần tìm hiểu tất cả thông tin về công ty mình ứng tuyển. Trang web của mỗi công ty đều có phần "About Us" (Giới thiệu về chúng tôi). Tại đây, họ sẽ tóm lược các thông tin về nhà sáng lập, lịch sử công ty, quá trình phát triển,...


Phần "About Us" trên trang web của agency Publicis Groupe


Từ những thông tin này, marketer có thể đặt vài câu hỏi liên quan đến công ty trong buổi phỏng vấn. Điều này giúp ứng viên thể hiện được kiến thức, đam mê và sự quan tâm đặc biệt đến công ty.


2. Trả lời câu hỏi phỏng vấn một cách thông minh


Thông thường, những buổi phỏng vấn đều xoay quanh một bộ câu hỏi cơ bản, sau đó nhà tuyển dụng mới bắt đầu khai thác những yếu tố chuyên sâu hơn của mỗi ứng viên. Một số câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn là:


Câu hỏi: Giới thiệu về bản thân

Cách trả lời: Cách để ghi điểm với câu hỏi này chính là tự tin chia sẻ câu chuyện cá nhân của bản thân, giải thích điều gì đưa ứng viên đến với ngành Marketing, khơi gợi sự hứng thú và tò mò của nhà tuyển dụng.


Câu hỏi: Vì sao ứng viên muốn làm việc ở công ty?

Cách trả lời: Hãy thể hiện lý do vì sao việc tuyển dụng ứng viên sẽ mang đến lợi ích cho công ty, tại sao ứng viên lại muốn làm việc ở vị trí này. Nếu ứng viên có thể liên kết mục đích cá nhân của mình với nhiệm vụ và sứ mệnh của công ty, ứng viên sẽ tạo ấn tượng tốt với bộ phận tuyển dụng.


Liên kết mục đích cá nhân với sứ mệnh của công ty sẽ giúp ứng viên ghi điểm trong buổi phỏng vấn


Câu hỏi: Điểm yếu lớn nhất của ứng viên là gì?

Cách trả lời: Ứng viên cần trả lời thật khéo để tránh tạo sự lo ngại với tuyển dụng. Sau khi kể ra nhược điểm của mình, ứng viên cần nêu cách xử lý và cải thiện nó trong môi trường làm việc. Điều này sẽ thể hiện được rằng ứng viên nhận thức được mặt hạn chế của bản thân và đang tích cực khắc phục nó.


Câu hỏi: Thế mạnh của bản thân ứng viên là gì?

Cách trả lời: Khi nhận được câu hỏi này, phần lớn ứng viên thường tỏ ra tự tin thái quá. Với trường hợp trên, ứng viên hãy tỏ ra khiêm tốn, nêu các ví dụ thực tế để chứng minh điểm mạnh của bản thân. Cuối cùng, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình luôn có khao khát được học hỏi và phát triển trong công việc.


Ứng viên nên tỏ ra khiêm tốn khi miêu tả điểm mạnh của bản thân


Câu hỏi: Tại sao ứng viên lại nghỉ việc ở công ty trước đó?

Cách trả lời: Hãy tập trung chia sẻ những mục tiêu mà ứng viên muốn hướng đến trong sự nghiệp tương lai, tránh đề cập đến những điều không tốt ở công ty cũ.


3. Chuẩn bị trước câu trả lời


Nhà văn Debbie Millman từng nói: "Một trong những điều khó khăn nhất trong quá trình phỏng vấn là thể hiện giá trị của bản thân." Theo bà, ứng viên cần tránh sử dụng những tính từ chung chung và trả lời một cách mập mờ, sáo rỗng trong các buổi phỏng vấn. Điều này thường xảy ra khi ứng viên bất ngờ nhận được một câu hỏi nào đó mà họ chưa kịp chuẩn bị trong đầu.


Vì thế, ứng viên nên chuẩn bị trước câu trả lời cho một số câu hỏi phổ biến được liệt kê ở trên. Ngoài ra, ứng viên cũng cần thể hiện được một số chi tiết về tính độc nhất, câu chuyện nghề nghiệp,... Đơn cử như cách áp dụng các kỹ năng của bản thân vào giải quyết công việc như thế nào.


Tuy nhiên, ứng viên cũng cần tránh việc đọc như... trả bài. Thay vào đó, ứng viên nên sử dụng phương pháp STAR để trả lời phỏng vấn:

  • Situation: Tình huống là gì?
  • Task: Nhiệm vụ mà ứng viên cần giải quyết là gì?
  • Approach: Ứng viên đã tiếp cận vấn đề như thế nào?
  • Result: Kết quả của tình huống đó ra sao? Thành công hay thất bại? Bài học rút ra là gì?


Mô hình phỏng vấn STAR (Nguồn ảnh: FAANGPath)


Bám sát phương pháp này sẽ giúp ứng viên không đi lạc hướng và sa đà vào câu hỏi. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng dễ dàng hiểu được ứng viên đã làm gì và phản ứng ra sao khi gặp những tình huống khó.


4. Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng


Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, ứng viên có thể tranh thủ đặt một câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Những câu hỏi có thể xoay quanh về vị trí công việc hoặc đặc điểm nào đó của công ty chưa được tiết lộ cụ thể. Khi ứng viên thể hiện sự tò mò và nhiệt tình đối với công ty và vị trí tuyển dụng, khả năng phỏng vấn thành công sẽ càng cao hơn. Ngoài ra, ứng viên cũng có thể nhấn mạnh lý do tại sao mình là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí mà công ty tìm kiếm.


Theo LinkedIn

Kim Ngọc