Instagram được sử dụng như một công cụ để người dùng khám phá các sản phẩm truyền cảm hứng và giải trí. Tuy nhiên, với vô số các nhãn hàng đang hiện hữu, các doanh nghiệp cần phải tìm cách tối ưu hoá quy trình làm việc để trở nên nổi bật trong mắt người dùng.


Trong bài viết dưới đây, chị Mia Nguyễn - Account Manager tại Meta chia sẻ 3 cách truyền cảm hứng cho khách hàng hành động trên kênh Instagram. Qua đó, doanh nghiệp có thể tận dụng những phương thức này để nhiều khách hàng biết đến, sau đó xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với cộng đồng hiện tại và cuối cùng là khuyến khích mọi người mua sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.


1. Tiếp cận khách hàng mới nhờ đăng bài liên tục, hashtag và quảng cáo

Instagram là ngôi nhà hội tụ hơn 2 tỷ người dùng với đa dạng nhu cầu từ giải trí, mua sắm đến khám phá thế giới Internet. Chính vì thế, đây là nền tảng tiềm năng để các doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện kinh doanh của mình. Sau khi hoàn thành bộ hồ sơ thông thông tin, vậy làm thế nào để nhiều người tìm thấy doanh nghiệp giữa hàng tỷ tài khoản?


Đầu tiên, các doanh nghiệp nên thêm hashtag vào nội dung bài đăng. Hashtag là những từ khoá hoặc cụm từ có liên quan mà doanh nghiệp có thể sử dụng để phân loại hoặc gắn vào bài đăng. Khi thêm hashtag vào một bài đăng, story, reels hoặc shopping, chúng sẽ xuất hiện khi người dùng tìm kiếm nó trong mục khám phá. Nhờ vậy, các khán giả khác nhau có thể tiếp xúc nhiều nội dung của doanh nghiệp hơn. 


Tính năng hashtag được các doanh nghiệp sử dụng.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tạo hashtag riêng cho mình để giúp mọi người dễ dàng khám phá. Chỉ cần thêm một hashtag đặc biệt vào bài đăng tiếp theo cũng như khuyến khích những khách hàng cũ điền thêm những từ khoá này khi chia sẻ ảnh và video về các sản phẩm. Những người theo dõi họ sẽ có thể nhấn vào hashtag và tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp mà không bị lẫn với các nguồn thông tin khác.


Tiếp đến, các doanh nghiệp cũng có thể khuyến khích khách hàng khám phá bằng cách tăng độ tương tác giữa doanh nghiệp và khán giả. Càng nhiều người tương tác với các bài đăng, nội dung của doanh nghiệp càng tiếp cận nhiều khán giả hơn. Instagram có rất nhiều công cụ để cả hai bên có thể tiến hành việc tiếp cận và trao đổi thông tin như nút like, chia sẻ hay bình luận. Hoặc trên tính năng story, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ đặt câu hỏi, poll (bình chọn)... Qua đó, cả khách hàng thân thuộc hoặc tiềm năng đều có cơ hội để hiểu thêm về doanh nghiệp. 


How to Ask Questions on Instagram (Plus Ideas) - Animoto

Công cụ hỏi đáp cho phép doanh nghiệp tương tác trên Story.


2. Xây dựng mối quan hệ sâu sắc để luôn ở trong tâm trí khách hàng

Doanh nghiệp có thể xây dựng kết nối lâu dài và chuyển đổi khán giả thành khách hàng bằng cách tương tác trực tiếp với họ. Trong chương trình Meta Boost, chị Mia Nguyễn đã có những chia sẻ để tối ưu quy trình xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng.


Đầu tiên, các doanh nghiệp có thể ghim những nhận xét nổi bật hoặc bấm thích những nhận xét từ những người đã phản hồi bài đăng của mình. Điều này giúp khán giả biết rằng doanh nghiệp đang quan tâm và đọc tin nhắn của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên trả lời các bình luận để cung cấp dịch vụ, thông tin cho khách hàng cũng như khuyến khích đối thoại giữa hai bên.


Bên cạnh đó, để củng cố mối quan hệ với khách hàng, doanh nghiệp có thể sử dụng tin nhắn trực tiếp, trò chuyện riêng tư với khách hàng. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể trò chuyện với mọi người, cung cấp dịch vụ khách hàng, bắt đầu giao dịch và lên lịch hẹn với những người trong cộng đồng của doanh nghiệp. Sử dụng tin nhắn trực tiếp là cách thức để tăng cường với các mối quan hệ với khách hàng hiện tại song song với việc kết nối với khách hàng mới. 


Xây dựng mối quan hệ bằng cách nhắn tin trực tiếp.


Cuối cùng, để tăng cường mối quan hệ và nhận thức trong cộng đồng, gắn thẻ tag hoặc đề cập đến những người đã biết chính là những công cụ tối ưu. Khi gắn tag hoặc đề cập đến ai đó trong bài đăng, khán giả có thể nhấn vào đó để truy cập hồ sơ và tìm hiểu hơn về họ đồng thời người được gắn thẻ cũng sẽ có xu hướng tương tác lại với bài đăng đó như chia sẻ, thích hoặc bình luận. Để tăng mức độ yêu thích, doanh nghiệp cũng có thể thêm những stickers vào bài đăng để hình ảnh bắt mắt hơn. 


Doanh nghiệp và cả người dùng có thể tag nhau trong bài đăng lẫn Story.


Có thể nói, các tính năng hiện tại của reels và story có giá trị lớn trong việc tìm hiểu insight của khách hàng cũng như tạo cơ hội để cả khán giả và doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với nhau. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể phát live video cho những sự kiện trực tiếp hoặc tạo cuộc hỏi đáp hằng tuần. 


3. Phương thức thúc đẩy khách hàng mua hàng trực tuyến


Vậy làm sao để doanh nghiệp sử dụng những phương thức trên để chuyển đổi khán giả thành khách hàng của mình? 


Với vô số công cụ miễn phí trên Instagram, doanh nghiệp có thể bắt đầu truyền cảm hứng cho mọi người qua các dịch vụ ưu đãi bằng cách đăng tải những bài đăng trên story, reels và live video. Là một nền tảng tập trung vào hình ảnh trực quan, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư chỉn chu vào hình ảnh, video hay cả story và reels khi đăng bài bởi mỗi ngày có khoảng 95 triệu bức ảnh hiện ra nắm bắt sự chú ý của người dùng. 


What to Post on Instagram When You're Fresh Out of Ideas

Các doanh nghiệp cần quan tâm đến nội dung lẫn chiến lược đăng bài để thu hút nhiều khán giả.


Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng hành động, nội dung cũng cần được quan tâm. Ngoài việc triển khai những bài viết có thể thúc đẩy họ mua hàng như chương trình khuyến mãi và ưu đãi đặc biệt, chia sẻ bí quyết và thông tin về lĩnh vực liên quan… doanh nghiệp cũng cần lên chiến lược rõ ràng cho quá trình đăng tải. Mỗi nhóm khách hàng đối tượng sẽ có những khung giờ lướt mạng khác nhau, hành vi thực hiện khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ điều đó dựa trên những phân tích của Instagram trong thời gian đầu về tỷ lệ tương tác của người theo dõi và tài khoản doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp có thể triển khai kế hoạch phù hợp với từng đối tượng mục tiêu. Điều này sẽ giúp cho bài đăng tiếp cận được khách hàng đúng thời điểm hơn, kèm theo những thông tin đăng bài đúng với tâm lý nhóm khách hàng sẽ dẫn họ click chuột và mua hàng.


Nguồn tham khảo: Meta Boost

Thanh Thảo