Chuyện không tưởng: Gamer đã có thể sắm túi Louis Vuitton, đồng hồ Gucci cho nhân vật của mình!

Năm 2019 và 2020 chứng kiến nhiều màn hợp tác giữa nhiều thương hiệu thời trang cao cấp và các trò chơi, thể thao điện tử (eSports). Tiêu biểu như sự xuất hiện của Valentino và Marc Jacobs trong Animal Crossing, Louis Vuitton với League of Legends, Burberry trong Honor of Kings hay Gucci với Fnatic. 


Có thể nói, các “ông lớn” trong ngành thời trang cao cấp đã nhanh tay đón đầu xu hướng này. Tưởng không thật mà thật không tưởng, các thương hiệu thời trang có được điều gì khi “xâm nhập” vào thị trường game và eSports?



Nếu ngoài đời thực, người tiêu dùng tìm đến thời trang xa xỉ để tạo dấu ấn cá nhân bằng những món đồ “signature” đắt đỏ, thì trong game, người chơi cũng muốn sở hữu những vật phẩm độc đáo, nổi bật để thể hiện cá tính của mình. Suy cho cùng, thời trang và game đều là không gian sáng tạo để để mỗi cá nhân bộc lộ màu sắc riêng. 


Vì vậy, khi đưa thời trang cao cấp vào thế giới ảo, thương hiệu có thể trực tiếp khơi dậy cảm giác hứng thú, yêu thích ở người chơi, truyền tải câu chuyện thương hiệu một cách hấp dẫn và chân thực.  


Một ví dụ tiêu biểu cho mối liên kết cảm xúc này là sự hợp tác của Warner Bros. với Drest - ứng dụng tạo mẫu thời trang cao cấp đầu tiên trên thế giới để quảng bá cho bộ phim Wonder Woman 1984. Sau khi sử dụng trang phục từ bộ phim để “trưng diện” cho nhân vật của mình, hơn một nửa số người chơi đều đã đi xem hoặc dự định đi xem tác phẩm ngoài rạp. 


Drest là ứng dụng tạo mẫu thời trang cao cấp đầu tiên trên thế giới.


Lucy Yeomans, nhà sáng lập ứng dụng, đồng thời là cựu Tổng biên tập Harpers Bazaar UK, chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra một trải nghiệm thời trang mới sáng tạo và đậm tính cá nhân để kết nối với Gen Z và Millennial - thế hệ coi trọng chủ nghĩa cá nhân và thể hiện cá tính hơn bao giờ hết.” 



Theo Newzoo, thị trường game đã đạt doanh thu 175 tỷ USD năm 2020, còn eSports được dự báo sẽ sở hữu 729 triệu người dùng vào 2021. Một khảo sát của Kantar chỉ ra rằng, 90% Gen Z đều chơi ít nhất một loại game, có nghĩa là các thương hiệu thời trang có thể tiếp cận một tệp khách hàng tiềm năng rất lớn thông qua game và eSports. 


Louis Vuitton (LV) là một trong những thương hiệu xa xỉ đầu tiên nhận thấy tiềm năng quảng cáo của lĩnh vực gaming chuyên nghiệp. Bắt tay với League of Legends, LV đã thiết kế trang phục cho hai nhân vật Qiyana và Senna, ra mắt một bộ sưu tập ngoài đời thực, thậm chí thiết kế cả chiếc cúp Summoner’s Cup cho giải đấu toàn cầu năm 2019. 


Trang phục trong game của Louis Vuitton x League of Legends.


Theo WWD, trận chung kết đã thu hút 99.6 triệu người xem, giúp Louis Vuitton tiếp cận được lượng khách hàng cao chưa từng có. Với hơn 115 triệu người chơi toàn cầu và những sự kiện thường xuyên, League of Legends mang đến cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho Louis Vuitton so với thể thao truyền thống như bóng đá hay bóng rổ. 




1600 USD (hơn 36 triệu đồng) là giá của phiên bản đồng hồ lặn giới hạn do Gucci thiết kế cho thương hiệu eSports Fnatic. Hơn 100 chiếc đồng hồ với mức giá không hề rẻ nhanh chóng “sold out” chứng tỏ game không chỉ là một công cụ marketing, mà có thể là một kênh thương mại hiệu quả cho các thương hiệu thời trang. Hay khi thương hiệu mỹ phẩm cao cấp MAC ra mắt bộ sưu tập son giới hạn kết hợp với game Honor of Kings, toàn bộ sản phẩm đã “cháy hàng” chỉ sau 1 giờ mở bán trên Tmall. 


BST son MAC x Honor of Kings “cháy hàng” sau 1 giờ mở bán.


Một cách tận dụng tiềm năng thương mại của game khác là hợp tác với các ứng dụng “shoppable” như Drest: người dùng có thể mua phiên bản thật của các trang phục ảo xuất hiện trong game. Hơn 160 thương hiệu thời trang, bao gồm Burberry và Valentino đã bắt tay với Drest nhằm thúc đẩy doanh số đồng thời thu thập insight về sở thích và thị hiếu của người chơi. 


Chiếc đồng hồ lặn phiên bản giới hạn có giá 1600 USD (36 triệu đồng) của Gucci x Fnatic



Khi khách hàng không thể mua sắm tại các cửa hàng do dịch bệnh, hoạt động bán lẻ “phygital” - thuật ngữ marketing chỉ sự kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến với trải nghiệm đời thực, càng trở nên phổ biến. 


Các thương hiệu đang nhận ra tiềm năng phát triển các ứng dụng AR (thực tế ảo tăng cường) để người tiêu dùng có thể “thử đồ” trực tuyến. Ứng dụng thử đồ thực tế ảo đầu tiên trên thế giới YooxMirror Reloaded cho phép người dùng tạo ra phiên bản ảo của mình dựa vào hình ảnh người dùng cung cấp. Sau đó, người dùng “mix match” các bộ trang phục tùy ý và chia sẻ chúng với bạn bè trên mạng xã hội. 


YooxMirror Reloaded cho phép người dùng thử đồ trên chính phiên bản ảo của mình.


Nhiều thương hiệu khác cũng đang ra mắt các ứng dụng và trò chơi của riêng mình để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng với các bộ sưu tập mới. Gucci đã phát triển trò chơi “Gucci Dive” khi hợp tác với Fnatic, hay Balenciaga cho ra mắt toàn bộ BST Thu 2021 qua trò chơi Afterworld: The Age of Tomorrow. Theo số liệu từ ứng dụng mua sắm Lyst, 48 tiếng sau khi trò chơi ra mắt, lượt tìm kiếm của Balenciaga tăng 41%. Thương hiệu vươn lên vị trí thứ 2 về độ phổ biến trên ứng dụng, tăng 3 bậc so với quý trước.


Một thiết kế từ BST Thu 2021 được trong trò chơi Afterworld: The Age of Tomorrow


Rõ ràng, những con số không biết nói dối về hiệu quả truyền thông và thương mại khi các thương hiệu cao cấp bắt tay với game và eSports. Khi thương mại điện tử và tiếp thị số còn đóng vai trò trọng yếu như hiện nay, người tiêu dùng có thể mong đợi những màn kết hợp sáng tạo vượt bậc hơn trong thời gian tới.  


Bài: Hiền Phương

Thiết kế: Đạt Đặng


Chuyện không tưởng: Gamer đã có thể sắm túi Louis Vuitton, đồng hồ Gucci cho nhân vật của mình!

Hiền Phương

Hiền Phương

Copywriter |

14 Thg 06 2021

Lưu

Cùng chuyên mục