Creator Ở đâu cũng chụp: "Tôi có chụp gì vĩ đại đâu, chỉ là một hàng quán nhỏ, cảnh ông chú hút thuốc, một chung cư cũ"

Một chiếc máy ảnh lúc nào cũng kè kè bên cạnh. “Vì anh sợ mình bỏ lỡ một khoảnh khắc”. Đi lại trong nội thành chủ yếu bằng xe buýt, xe đạp. “Vì anh sợ nhịp sống quá nhanh". Chọn tiệm cà phê không thể kết nối wifi. “Để có thể lắng nghe người khác đến tận cùng”. Đó là những mô tả tóm lược về anh Văn Nguyên, nhà sáng tạo nội dung của trang Ở đâu cũng chụp, nơi mà người ta gọi là “một lát cắt đẹp đẽ của Sài Gòn”.

Ở đâu cũng chụp xuất hiện trước tiên trên Instagram vào năm 2018. Sau đó mở rộng trên Facebook và thu hút hơn 436 nghìn người theo dõi cho tới thời điểm hiện tại. Chụp ảnh có màu sắc riêng nhưng anh Văn Nguyên không muốn gọi mình là Photographer. Viết content có sức hút bởi kiểu cách storytelling bộc trực, dân dã nhưng anh không thoải mái lắm khi tự gọi mình là content creator. “Thôi cứ gọi tôi là người kể chuyện. Tôi kể về Sài Gòn bằng chữ nghĩa và hình ảnh của riêng tôi”, anh Văn Nguyên nói. 


Hỏi Sài Gòn với anh là gì. Anh bảo rằng thành phố này là tri kỷ. Đó kì lạ thay lại là động lực sáng tạo, quy chuẩn sáng tạo và là linh hồn cho mọi tác phẩm sáng tạo của anh trên Ở đâu cũng chụp. Tại sao lại nói như vậy? Có lẽ những chia sẻ của anh sau đây sẽ làm sáng tỏ điều đó. 

Ở đâu cũng chụp luôn bao gồm hai nội dung đi kèm nhau. Một là những câu chuyện đời thường được kể bằng văn phong đường phố. Hai là những bộ ảnh chụp tá lả về mọi thứ ở Sài Gòn, để thành phố này hiện lên với đầy đủ mọi nhân dạng: Cô bán bánh mì, Xe hủ tiếu nửa đêm, Chạn hoa bên đường, hay những góc ban công ở tầng chung cư cũ. 


Anh Văn Nguyên kể rằng, Ở đâu cũng chụp ra đời chỉ vì 2 điều chính là anh thích chụp ảnh và anh yêu Sài Gòn. Với anh, nếu làm ra sản phẩm mà có thể đem lại giá trị cho ai đó về mặt vật chất hay tinh thần thì đều là sáng tạo bền vững, nghĩa là sẽ không sợ bị mai một đi. “Kể từ lúc tạo page đến giờ, mọi người nhắn về cho tôi nhiều lắm. Họ cảm ơn vì đã giúp họ nhận ra là Sài Gòn đáng yêu tới vậy. Chính họ cũng là người đi qua con đường ấy mỗi ngày, hay vẫn ngồi quán cóc uống cà phê ăn bánh mì đúng với phong cách của người Sài Gòn thứ thiệt. Nhưng họ không có nhiều thời gian để dừng lại lâu hơn nữa, và chỉ đến khi nhìn ảnh hay đọc câu chuyện trên Ở đâu cũng chụp, họ mới nhận ra rằng đằng sau mọi khoảnh khắc đời thường đều có những câu chuyện ý vị riêng. Tôi nghĩ, việc tinh tế nhạy cảm hơn mọi người trong từng chi tiết đời thường cũng chính là sứ mệnh khi bạn làm một nhà sáng tạo nội dung”, anh Văn Nguyên nói. 

Điểm độc đáo nữa ở anh Văn Nguyên chính là thổi được cái hồn văn hoá vào trong hình ảnh và câu chữ. “Văn hoá của một thành phố thể hiện qua nếp sống của họ. Mọi người xem ảnh Ở đâu cũng chụp thường cảm nhận được Sài Gòn rõ rệt là vì những nếp sống tôi truyền tải trên đó đều rất mộc mạc, gần gũi với Sài Gòn. Tôi có chụp gì vĩ đại đâu, chỉ là một hàng quán nhỏ, cảnh ông chú hút thuốc, một chung cư cũ. Nhưng những thứ đó lại chính là Sài Gòn. Từng góc nhỏ như vậy góp lại thành một bức tranh lớn của Sài Gòn”, anh kể lại. 


Mọi người nói rằng Ở đâu cũng chụp như là một lát cắt xinh đẹp của Sài Gòn. Một lát cắt mà vài người có thể nói trắng ra là phiến diện, vì thành phố này cũng có những điểm xấu xí của riêng nó. Nhưng quan điểm sáng tạo của anh Văn Nguyên chính là tích cực vừa phải, tiêu cực vừa đủ. Nhà làm nội dung đâu phải ai cũng là cây bút hiện thực phản ánh y xì hiện trạng đời sống. “Tôi cũng có những điều tiêu cực. Ai chẳng có. Nhưng tôi nghĩ, độc giả đã va chạm đủ nhiều ngoài đời sống thực và họ không muốn mạng xã hội lại là một nơi gây thêm mệt mỏi. Khi đối diện với những sự kiện tiêu cực, nhà sáng tạo nội dung nên đối diện và tiếp biến nó như thế nào để xoa dịu khán giả”, anh cho biết. 

Dù gì, mục đích ra đời của Ở đâu cũng chụp không phải là thuyết phục ai đó hãy yêu mến Sài Gòn đi. “Tình thương Sài Gòn ai cũng có, đến một thời điểm nào đó người ta mới chợt nhận ra nó thôi. Tôi chỉ muốn hỏi những người vô tình lạc vào fanpage, đã ngắm nhìn những bộ ảnh và đọc câu chữ viết về thành phố này một câu thôi, rằng mấy người có thương Sài Gòn giống tôi không?”

“Cảm ơn bạn vì bộ ảnh giàu cảm xúc”, “Rất cổ kính và đầy cảm xúc khi xem hình”... là những bình luận thường để lại dưới mỗi bài đăng trên Ở đâu cũng chụp. Anh Văn Nguyên cũng chia sẻ rằng, cũng có vài bạn hẹn “đi theo cho vui khi anh có lịch chụp hình”. “Mà tôi khó đồng ý, vì tôi không có lịch”, anh thú nhận. 


Quy trình sáng tạo của anh Văn Nguyên thường bắt đầu bằng một nghi thức: Cầm máy ảnh và đi lang thang mà không hề có ý định thúc ép mình phải sáng tạo. “Khi tôi chụp hình, tôi không đặt ra mục tiêu là ngày hôm nay mình phải chụp chủ đề này hay chủ đề kia. Chỉ đơn thuần là cầm máy lên và bắt lấy khoảnh khắc mà mình nghĩ là nó đẹp”, anh nói. Tựu chung lại, anh sáng tạo tuỳ hứng. Nhưng chính tính tuỳ hứng đó lại là bí quyết tạo ra chiều sâu và cảm xúc cho mỗi bộ ảnh. 

“Cái việc một bức ảnh có cảm xúc đều là do tính ngẫu nhiên của nó. Nghĩa là tấm ảnh đó tiếp cận mình hay mình tiếp cận nó đều rất tuỳ hứng. Nếu mà có công thức, có kỹ thuật, thì ai cũng có thể chụp được, ai cũng có thể làm được. Chỉ có cảm xúc là cái tạo ra những tấm ảnh khác biệt thôi”. Anh Văn Nguyên cũng nói thêm rằng, đừng để kỹ thuật là rào cản sáng tạo vì như thế thì rất uổng phí. “Nhiều bạn ngày nay áp lực về công nghệ và kỹ thuật. Phải có máy ảnh này, máy ảnh kia thì tôi mới có thể tạo ra ảnh đẹp. Tôi luôn khuyên các bạn là hãy cảm nhận tấm ảnh bằng cảm xúc chân thật nhất của mình. Dần dần, bức ảnh của mọi người sẽ có hồn và có câu chuyện. Nói thẳng ra là về chất lượng hình ảnh và kỹ thuật thì tôi không thể bằng những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác, nhưng cái hay của tôi là những tấm ảnh đó đều có một không hai. Chúng đến từ những khoảnh khắc có thật, từ cảm xúc của chính tôi”, anh Văn Nguyên chia sẻ về tính cảm xúc của một bức ảnh. 



Không chỉ tuỳ hứng về khoảnh khắc chụp, anh Văn Nguyên còn rất “tung tẩy" trong quy trình đăng bài. “Làm nội dung là một sự sáng tạo chây lười với tôi. Hợp tâm trạng tôi mới đăng bài. Bài ảnh Ô Tùng Ký tôi đi chụp từ tháng 5, nhưng đến tháng 10 tôi mới đăng. Có những bài có khi ngâm cả năm rồi mới xuất hiện trên mạng xã hội”. 


Tuy nhiên, cách làm sáng tạo tung tẩy này chỉ phù hợp với những nhà sáng tạo đã có kho bài và có thể liên tục tạo ra ý tưởng mới. Anh Văn Nguyên cho biết mặc dù mình không có lịch đăng cố định, tuy nhiên kho bài lúc nào cũng đầy. “Tôi hay bỏ tất cả những tấm hình mình chụp được vào trong thư mục (folder), sắp xếp lại để dễ làm việc hơn. Kho ý tưởng của tôi đầy đặn lên dần vì tôi đi nhiều, ý tưởng đến nhiều không xuể. Đôi khi dừng đèn đỏ tôi cũng lôi máy ra chụp. Đi ăn đêm thấy ống đũa hay ho quá tôi cũng chụp. Như vậy thì tôi không phải cuồng cuồng lên vì cạn ý tưởng" . 

Hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau ở đa dạng ngành hàng như Lenono (Công nghệ), Generali (Bảo hiểm), Milano, anh Văn Nguyên bất ngờ tiết lộ rằng một tháng chỉ nhận từ 2-3 dự án quảng bá. “Vì nếu nhận nhiều quá tôi sẽ ẩu. Quy tắc của tôi là nội dung sản xuất ra ít nhiều phải có cái tâm của mình. Khi tạo ra một content booking, tôi muốn nó phải win - win với tất cả mọi người. Win với khách hàng, với tôi và cả user”, anh nói. 


Muốn được như vậy, tính sáng tạo và tính thương mại phải cân bằng với nhau. “Một nội dung cân bằng là khi độc giả nhìn vào nhận ra ngay đó là bài đăng của Ở đâu cũng chụp, nhưng cũng biết ngay là nó có chứa quảng cáo. Tuy nhiên, họ không khó chịu mà vẫn thích thú thưởng thức nó”, anh Văn Nguyên chia sẻ. 

Việc cân bằng được hai yếu tố này trong cùng một content yêu cầu nhà sáng tạo phải “biết chọn lọc khi nhận lời mời hợp tác”. “Thương hiệu nào phù hợp với page thì tôi mới nhận. Đúng mood, đúng thông điệp mà mình muốn truyền tải tới khán giả của mình. Thương hiệu nào không có tiếng nói chung thì mình sẽ từ chối ngay từ đầu chứ không cố nhận, đỡ tốn thời gian của cả hai”.


Với các thương hiệu, anh Văn Nguyên nghĩ rằng đã đến lúc họ nên tôn trọng thế giới sáng tạo riêng của các content creator, vì nó có liên quan trực tiếp tới chất lượng sản phẩm đầu ra. “Nhiều thương hiệu tìm đến tôi vì họ thích phong cách kể chuyện bằng ngôn từ và hình ảnh, cách đường phố Sài Gòn hiện lên rất giản dị, bình thường. Vì vậy họ cũng muốn tôi đem hình ảnh thương hiệu vào câu chuyện đó một cách nhẹ nhàng như vậy. Nếu thương hiệu nghĩ rằng họ trả tiền cho creator thì có quyền yêu cầu vô độ, bắt ép nhà sáng tạo phải thương mại hoá nội dung hoặc chiều chuộng nhãn hàng vô điều kiện, vậy lí do ban đầu họ tìm đến chúng tôi là gì? Thực ra khi thương hiệu booking creator hoặc KOL nào đó thường là vì hai bên hợp nhau. Tôi nghĩ các thương hiệu nên để creator tự do sáng tạo, tự do kể câu chuyện để có thể tạo ra những content tự nhiên nhất có thể”, anh Văn Nguyên chia sẻ. 

Anh Văn Nguyên cho rằng một nội dung bình thường, nhưng miễn là đồng điệu với cảm xúc người xem thì vẫn tạo ra giá trị. Anh không chạy theo xu hướng, vì xu hướng chóng nở tối tàn. Anh không muốn ngồi đếm lượt follower tăng hay giảm, vì anh tin rằng những người đồng điệu với nhau thì sẽ cùng ở lại. “Tôi không quan trọng có bao nhiêu người đang follow mình, tôi coi trọng việc mọi người ghé thăm và cảm thấy đồng điệu với nhau. Chừng đó người ở lại với mình cũng đủ vui rồi. Chứng tỏ họ không ngán mình, và mình vẫn đang đem lại những giá trị cho đời sống của họ. Thà là tạo ra ý nghĩa cho một vài người, còn hơn hút rất nhiều nhưng không có tác động tích cực lên ai cả”. 

Anh Văn Nguyên cho rằng, để tạo ra những nội dung có thể tác động đến người khác thì bản thân content creator phải trải nghiệm đủ nhiều. Khi làm sáng tạo, anh Văn Nguyên luôn đảm bảo dung hòa hai thứ. Một là trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận bằng chính giác quan của mình. Hai là tự trau dồi bằng cách đọc và nghiên cứu. Việc đi nhiều nghe nhiều trải nghiệm nhiều giúp content creator có nguồn tư liệu dồi dào. “Tôi không hợp với những content mà các bạn ngồi cả ngày trong phòng để viết. Tôi tôn sùng trải nghiệm. Bạn phải trực tiếp trải nghiệm nó thì mới có thể đủ tự tin chia sẻ, phải trải nghiệm nhiều thì mới tạo ra những nội dung có sức nặng”, anh Văn Nguyên nói. 

Creator Ở đâu cũng chụp: "Tôi có chụp gì vĩ đại đâu, chỉ là một hàng quán nhỏ, cảnh ông chú hút thuốc, một chung cư cũ"

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

16 Thg 10 2022

Lưu

Cùng chuyên mục