Năm 2017 đã đi tới những ngày cuối cùng và cũng là lúc khép lại một năm chứng kiến vô số biến động trong ngành truyền thông - marketing. Điển hình như Biti's chuyển mình ngoạn mục cùng "Đi để trở về"; Khaisilk lộ "đuôi chuột" với chiếc khăn hai nhãn mác; Chi Pu và chiến lược thâm nhập thị trường mới,....Không chỉ tổng kết lại những gì đã làm, chúng ta hãy cùng nhau rút ra những bài học bổ ích để chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai còn nhiều điều bất ngờ trong năm 2018.


Dưới đây là danh sách 8 sự kiện truyền thông nổi bật trong năm 2017 vừa qua.


1. Đi để trở về - Sự trở lại ngoạn mục của Biti’s


“Đi để trở về” có lẽ là case study được giới Marketer đem ra “mổ xẻ” nhiều nhất trong năm 2017. Thế nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi brand team bắt đầu từ đâu để làm nên một chiến dịch xuất sắc như vậy chưa?



  • Bắt đầu từ việc nhìn tổng quan thương hiệu


Suốt nhiều năm, Biti’s bị nhận định là “lỗi thời”, không còn phù hợp với khách hàng trẻ. Điều này chính là động lực để brand team nỗ lực kết nối giới trẻ với dòng sản phẩm Hunter mới. Ngay khi ra mắt, Hunter đã gắn mình với định vị “Experience” (trải nghiệm). “Experience” ngày càng trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong giới trẻ, đồng thời, đây cũng là nền tảng (platform) rất “ăn nhập” với ngành hàng giày tể thao.


  • Chiến thuật “mượn lực”


Cuối tháng 12/2016, Biti’s Hunter quyết định gây chú ý với việc tạo đột phá truyền thông trong dịp Tết. Tuy nhiên, Tết luôn là sân chơi dành cho các thương hiệu lớn, với ngân sách khổng lồ. Ý thức được điều này, Biti’s đã áp dụng chiến lược “mượn lực: tận dụng sức lan tỏa của cộng đồng. Biti’s chọn đánh trực tiếp vào những chủ đề được khán giả quan tâm, dễ dàng tranh luận, chia sẻ trong dịp Tết.


  • “Lật ngược vấn đề”


Có 4 nền tảng (platform) truyền thông chính trong dịp Tết: Homecoming (Về nhà), Celebration (Ăn mừng), Appreciation (Biết ơn) và New beginging (Khởi đầu mới). Trong đó, Homecoming là sự lựa chọn của Biti’s. Đây vốn là nền tảng được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết, do đó Bitis phải “đối đầu” với rất nhiều thương hiệu khác cũng khai thác khía cạnh này. Để giải bài toán trên, brand team đã “lật ngược vấn đề”. Không nghĩ theo lối mòn “Tết là dịp về nhà”, Biti’s đặt ngược câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra nếu Tết là dịp để đi?”. Đây là khía cạnh đặt biệt mà vào thời điểm ấy, chưa thương hiệu nào trực tiếp đánh mạnh. Trên đây là trích đoạn chia sẻ của anh Hùng Võ - VP Marketing, Biti’s. Bạn có thể xem bản recap đầy đủ tại: http://bit.ly/2kP6dQK


2. Chi Pu đi hát:


Thị trường mới, sản phẩm không nối bật, đánh sao cho thắng?


Đầu tháng 10/2017, Chi Pu ra mắt MV ‘Từ hôm nay”, chính thức gắn tên mình với danh xưng mới ca sĩ. Kể từ đó đến nay, Chi Pu luôn là tâm điểm của dư luận. Những chiến lược quảng bá trước khi debut cũng như sự xuất hiện dày đặc trên các page giải trí đã trở thành một bệ phóng hoàn hảo cho cái tên Chi Pu “phủ sóng” rộng rãi.



Quan trọng hơn, những hoạt động khó đoán như hợp tác với Tiki, tung hứng đối đáp dư luận, hay gần đầy nhất là hình ảnh “cô gà Showbiz” thâm thúy trong MV “Talk to me" chính là “mồi lửa” cho mọi cuộc tranh luận. Nắm bắt được tâm lý và phản ứng của người xem, Chi Pu và ekip biết rõ điều gì sẽ khiến khán giả chia sẻ, bàn tán. Nhờ vậy, sản phẩm tạo ra như những lời “đáp trả” thẳng thắn, hay nói cách khác, Chi Pu đang duy trì một “cuộc trò chuyện” vô hình giữa cô và dư luận, giúp tăng tính tương tác về kết nối. Đánh vào thị trường mới trong khi sản phẩm (đến từ giọng hát ca sĩ) không nổi bật, có lẽ bước đi khôn khéo nhất của Chi Pu vẫn là đẩy mạnh truyền thông cá nhân, gây sự chú ý để có được lượng khán giả theo dõi đông đảo (cả fan và anti fan).


Về đường dài, Chi Pu hoàn toàn có cơ hội cải thiện giọng hát của mình thông qua luyện tập. Khi đó, cộng thêm lượng khán giả theo dõi có sẵn, Chi Pu sẽ càng thành công hơn trên con đường ca hát của mình. Còn quá sớm để nối về tương lai, nhưng nếu chỉ nhìn vào thành quả của Chi Pu sau vỏn vẹn 3 tháng ra mắt, có thể thấy: Chi Pu đã chuẩn bị chiến lược khôn khéo và một kế hoạch bài bản cho công cuộc “thâm nhập thị trường” mới. Trong năm 2018, hãy chờ đợi những “nước cờ” bất ngờ tiếp theo của cô gái này nhé


3. Khaisilk lộ đuôi chuột - niềm tin mất là thương hiệu chết


Từ tháng 10, Khaisilk đã 2 lần tạo nên cú sốc lớn đối với cộng đồng người tiêu dùng Việt. Lần thứ nhất là vụ việc bán “lụa Tàu” dán mác Made in Vietnam, lần thứ hai là khi Bộ Công Thương phát hiện khăn lụa Khaisilk thực chất không hề có thành phần lụa. Chẳng cần nói cũng biết, uy tín của thương hiệu này đã suy giảm trầm trọng. Bao năm nay, Khaisilk chinh phục khách hàng bằng yếu tố thương hiệu, cho họ cảm giác sang trọng và lòng tự hào dân tộc. Thế nhưng, những hình ảnh bóng bẩy, những lời quảng cáo trau truốt sẽ chẳng có nghĩa lí gì khi sản phẩm không đem lại giá trị thật sự. Làm Marketing là đem lại trải nghiệm thật, hãy đảm bảo những gì bạn nói được truyền tải đến “tận tay” người tiêu dùng khi họ sử dụng sản phẩm. “Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi nó đã bị nhàu nát thì không bao giờ phẳng phiu trở lại”.


Một khi đã đánh mất niềm tin từ phía khách hàng, thương hiệu khó có thể xây dựng lại như trước. Khaisilk sẽ là một bài học khó quên cho các doanh nghiệp khi lạm dụng “quá trớn” niềm tin của khách hàng để phục vụ cho mục đích tăng lợi nhuận.


4. Vụ kiện Nga-Mỹ và khả năng dắt mũi của truyền thông


“Hợp đồng tình ái” 16,5 tỉ đồng có lẽ là vụ kiện ồn ào và tốn nhiều giấy mực nhất trong năm vừa qua. Khi mà lùm xùm đã qua đi, nhìn lại toàn cảnh sự việc, chúng ta mới thấy sức mạnh ghê gớm của truyền thông trong việc “dắt mũi” dư luận.



Suốt quá trình diễn ra vụ xét xử, giới truyền thông và dư luận đều nghiêng về ủng hộ hoa hậu Phương Nga. Hình ảnh tiều tụy của Phương Nga xuất hiện trên hàng loạt mặt báo (bên cạnh là hình ảnh xinh đẹp, sang trọng hồi trước) khiên ai nấy đều xót thương cho phận “hồng nhan”. Màn đấu lí đanh thép của cô trong phiên tòa cũng được chia sẻ rầm rộ, Phương Nga được tôn vinh như “người hùng”, “cô gái bản lĩnh”,... Rồi, cả bức thư của mẹ cô nói về lẽ sống ở đời nữa, được ủng hộ nhiệt tình, đánh bật lí lẽ của phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái. Thế nhưng, ngay sau khi Phương Nga được tại ngoại, thái độ dư luận lại có sự thay đổi nhất định. Những bài báo “bới móc” quá khứ xuất hiện: gạ gẫm giảm khảo để mua giải Hoa hậu, lừa đảo, bị mẹ ruột kiện tụng về đất đai,... Cao Toàn Mỹ, từ hình ảnh vị đại gia “đểu cáng”, chuyển thành người đàn ông thất thểu, bất lực sau phiên tòa. Ai ở thế yếu thì thường được bênh, trong vụ án là Hoa hậu Phương Nga, còn sau vụ án là đại gia Cao Toàn Mỹ.


Truyền thông không thể đổi sự thật, nhưng hoàn có thể thay đổi cách mọi người nhìn nhận về sự thật. Câu chuyện vẫn là vậy, nhưng ở mỗi khía cạnh, người ta lại có những nhận định riêng. Chọn khía cạnh nào để khai thác là quyền của truyền thông, và đôi khi khán giả chỉ có được góc nhìn hạn chế, quan điểm đưa ra vì thế cũng chưa xác đáng. Khả năng lèo lái và chi phối của truyền thông, dù được sử dụng với mục đích tốt hay xấu, cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng to lớn, và đôi khi là thay đổi toàn bộ cục diện!


5. Đức Phúc - “KOL” xuất sắc nhất 2017?



Tối 29/7/2017, cả cộng đồng mạng xôn xao về một anh chàng đẹp trai “chuẩn Hàn Quốc” cover ca khúc “Ánh nắng của anh”. Chỉ đến khi giọng hát được cất lên, tất cả mới ngờ ngàng nhận ra, anh chàng đó chính là Đức Phúc – quán quân Giọng hát Việt 2015. Hình ảnh mới của Đức Phúc lan truyền với tốc độ chóng mặt, tin tức về việc anh phẫu thuật thẫm mĩ thành công ngập tràn các mặt báo. Ngay sau khi clip cover của Đức Phúc đã “chiếm lĩnh” sự quan tâm của dư luận, một clip với tiêu đề “Bác sĩ giải mã cấu trúc khuôn mặt Đức Phúc và tường thuật chi tiết những điểm cần giải phẫu thẩm mỹ” xuất hiện và cũng gây sốt không kém. Có thể nói, Kangnam đã lên chiến lược truyền thông bài bản - mọi “tài liệu truyền thông” đều được chuẩn bị kĩ lưỡng.


Ngày 29/7, clip cover của Đức Phúc gây bão mạng xã hội (gây sự chú ý một cách hoàn toàn tự nhiên). Ngày 30/7, đăng tải clip bác sĩ tư vấn phẫu thuật (giới thiệu dịch vụ một cách hiệu quả). Tiếp sau đó, là một loạt bài về chương trình “Hành trình lột xác” do Kangnam tổ chức (xây dựng hình ảnh đầy nhân văn trong mắt cộng đồng). Ở từng hoạt động, vai trò KOL của Đức Phúc được khéo léo tận dụng. Đức Phúc là một lựa chọn hoàn hảo, khi vừa thu hút sự quan tâm tự nhiên từ khán giả, vừa trở thành “minh chứng sống” khẳng định cho chất lượng của Kangnam. Không ngoa khi nói, anh chàng ca sĩ này chính là “KOL” xuất sắc nhất 2017!


6. Phố đi bộ dậy sóng - Ai là người đứng sau?



Nếu bạn còn nhớ, vào thời điểm đầu tháng 9, phố đi bộ đã dậy sóng với hàng loạt sự kiện: “Cầm chảo chạy bộ”, “Chạy kiểu Naruto quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội”, “Móc túi như Doraemon tại phố đi bộ”. Liệu có phải ngẫu nhiên khi rất nhiều event “nhí nhố” diễn ra ở cùng một địa điểm, vào cùng một thời gian (9-10/9)? Và có phải ngẫu nhiên hay không khi “Chạm vào bàn tay mẹ” cũng diễn ra tại phố đi bộ trong hai ngày 9 và 10/9? Nằm trong chiến dịch "We are Family - Ngày thứ 8 của mẹ”, “Chạm vào bàn tay mẹ” là sự kiện do Afamily “chủ trì”, nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về tình cảm mẹ con. Nắm bắt được tâm lí giới trẻ ngày càng thích trải nghiệm những hoạt động “kì lạ”, Afamily đã tạo ra hàng loạt event trên Facebook kèm theo những cái tên vô cùng “nhí nhố”. Với mỗi người ấn nút “quan tâm/tham dự” sự kiện, bạn bè của họ cũng sẽ nhận được thông tin này. Cứ như thế, các sự kiện dần trở nên “viral”, lôi kéo lượng lớn “khách mời” tới phố đi bộ. Và khi đã đến phố đi bộ, khả năng cao là họ sẽ bắt gặp màn hình quảng cáo ngoài trời và tham gia vào chương trình ca nhạc của Afamily. Khi mà các thương hiệu ngàng càng chăm tổ chức sự kiện, activation miễn phí để tạo gắn kết với khách hàng, việc trở thành một sự kiện nổi bật không hề dễ dàng. Thế nhưng, với ý tưởng không-ai-ngờ-tới và chi phí gần như 0 đồng, Afamily đã quảng bá thành công sự kiện của mình. Liệu trong năm 2018, có thương hiệu nào sẽ tiếp tục “xài lại” ý tưởng thú vị này không?


7. Thương vụ bạc tỷ hay show thực tế triệu views


Thu hút hàng triệu lượt xem, luôn trở thành đề tài bàn luận mỗi khi có tập mới, Shark Tank nổi lên như một hiện tượng lạ giữa vô vàn các chương trình truyền hình. Lạ ở chỗ, Shark Tank không hề có sự góp mặt của một nghệ sĩ nổi tiếng nào, chủ đề đem ra bàn luận lại là chuyện kinh doanh, chứ không phải những tiết mục giải trí, ấy thế mà vẫn “hot”, vẫn “viral”. Sức hút của Shark Tank đến từ đâu? Ở góc độ truyền thông, chúng ta có thể học hỏi gì từ show thực tế này?



Thấu hiểu tâm lí khán giả


Kinh doanh, khởi nghiệp đối với phần lớn khán giả vẫn là một vấn đề vĩ mô, khô khan. Nếu chỉ tập trung vào tính chuyên môn, học thuật, Shark Tank có lẽ đã giống như nhiều chương trình truyền hình về kinh doanh khác của Việt Nam- không thể thu hút đối tượng khán giả trẻ. Thay vào đó, Shark Tank nói về tiền, về chuyện làm giàu, về giấc mơ đổi đời- vẫn là chủ đề kinh doanh thôi nhưng chẳng phải nghe hấp dẫn hơn rất nhiều sao? Những màn gọi vốn bạc tỷ vốn xa vời nay trở thành một game show, phơi bày trước mắt tất cả mọi người. Sau 10 phút trình bày và phản biện căng thẳng, người chơi "bỏ túi" cả tỉ đồng. Khán giả chỉ xem thôi cũng cảm thấy chính mình đang ở trong trò chơi tiền bạc ấy, tham gia vào mọi diễn biến cuộc gọi vốn. Ai lại không thích sự kịch tính như vậy chứ? Nhất là đối với người Việt vốn “máu làm giàu” và thích đổi đời.


  • Kích thích tranh luận từ khán giả


Mỗi tập Shark Tank lên sóng, lại có rất nhiều câu chuyện để bàn tán. Chuyện về 2 cậu sinh viên “bỏ túi’ 3 tỉ đồng chỉ sau 5 phút, chuyện về một start-up “không có gì nổi bật” nhưng lại gọi vốn thành công ngoài mong đợi. Mỗi cuộc thương lượng trên thực tế dài hơn nhiều so với mười mấy phút trên truyền hình, khán giả không thấy được bức tranh toàn thể nên xuất hiện tranh luận trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Về phía mình, Shark Tank cũng rất chủ động kích thích khán giả chia sẻ quan điểm. Bằng việc đăng ảnh start-up dự thi, những trích đoạn video kèm những câu hỏi gợi mở, Shark Tank đã mở ra không gian để mọi người tự do tranh luận, thể hiện tư duy kinh doanh của mình. Càng nhiều tranh luận, cái tên Shark Tank càng được nhắc tới nhiều, lượt views càng tăng. Còn những bài học truyền thông nào nữa từ Shark Tank? Bạn có thể xem bài viết đầy đủ tại: http://bit.ly/2BMtHjK


8. Vinasun- Gậy ông đập lưng ông


Đầu tháng 10/2017, trên các tuyến đường ở TP.HCM, xuất hiện nhiều xe taxi Vinasun dán biểu ngữ ở đuôi xe để phản đối Uber và Grab vì những sai phạm về pháp lí của cặp đôi này. Thế nhưng, hành động kêu gọi “chính nghĩa” này nhanh chóng bị dư luận “ném đá” dữ dội. “Hạ thấp” đối thủ có thể giúp hình ảnh của bạn trở nên “oai” hơn, nhưng đôi khi, nó sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, biến bạn trở thành một kẻ “nhỏ nhen” trong mắt khách hàng.



Sau khi nhận được phản hồi tiêu cực từ dư luận, ban lãnh đạo Vinasun cho biết hành động dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab là do tài xế tự phát thực hiện, hoàn toàn không có sự chỉ đạo của cấp trên. Lời biện hộ khó tin này thể hiện như một sự chối bỏ trách nhiệm của Vinasun. Một lần nữa, uy tín của hãng taxi này lại bị hạ thấp. Thế mới thấy, sự chân thành trong xử lí khủng hoảng truyền thông là vô cùng quan trọng.