Có thể thấy rõ sự khốc liệt trong cuộc đua thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam khi nhìn vào cách các sàn đầu tư cho lễ hội mua sắm lớn nhất năm vào ngày 11/11. Với những chiến lược được đầu tư mạnh mẽ, các sàn TMĐT đang tận dụng triệt để cơ hội này nhằm tạo dựng thương hiệu và mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm khác biệt.
Đúng 11h trưa ngày 10/11 vừa qua, TikTok Shop đã khởi động sự kiện mega livestream "Live vui vô đối" để đón chào ngày Lễ Độc Thân kiêm ngày đôi 11/11, biến phố đi bộ Nguyễn Huệ – khu vực sôi động và sầm uất bậc nhất TP.HCM – thành một sân khấu mua sắm kết hợp giải trí độc đáo. Năm nay, TikTok Shop chơi lớn khi dựng một phòng livestream khổng lồ ngay giữa phố, thu hút sự chú ý của người dân và du khách bằng những màn hình trực tiếp phát sóng toàn bộ sự kiện cho người qua lại có thể thưởng thức.
Phòng livestream trong suốt rộng tới 200m², với đủ không gian trưng bày sản phẩm, trang thiết bị hiện đại và cả phòng riêng cho các nhà sáng tạo nội dung. Du khách và người dân có thể ngắm nhìn mọi diễn biến của phiên livestream "cận cảnh" cũng như khám phá hậu trường của một sự kiện mua sắm khổng lồ.
Người “cầm trịch” phiên livestream 14 tiếng đồng hồ này là Phạm Thoại - một trong những TikToker, nhà sáng tạo nội dung đình đám nhất trên TikTok hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, TikTok Shop còn biến sự kiện thành một bữa tiệc giải trí theo đúng tinh thần shoppertainment với sự góp mặt của dàn Anh trai say Hi gồm HURRYKNG, Quang Hùng MasterD, và Pháp Kiều.
Không chỉ riêng TikTok Shop, Shopee cũng chiêu đãi người dùng bằng chuỗi livestream quy tụ loạt sao đình đám như Ngô Kiến Huy, Lê Dương Bảo Lâm, Chi Pu,… Đặc biệt, Shopee còn tổ chức chương trình âm nhạc kết hợp fan meeting trực tiếp lúc 20h ngày 10/11 với Quốc Thiên, Thanh Duy, và Duy Khánh; cũng như sự xuất hiện của các nghệ sĩ Duy Khánh, BB Trần và Jun Phạm vào trưa ngày 11/11.
Trong khi đó, Lazada cũng không kém cạnh khi sáng tạo concept livestream “live từ kho hàng” kéo dài đến 20 tiếng, từ 20h ngày 10/11, quy tụ nhiều gương mặt nổi bật như Mai Vân Trang, Phương Anh Đào, và Liêu Hà Trinh, mang đến một góc nhìn độc đáo và khác biệt về trải nghiệm mua sắm. Sàn này cũng xây dựng các công nghệ mới kết hợp với AI để hỗ trợ người mua hàng như sử dụng chatbot hay các tính năng cho phép thử sản phẩm, người mẫu ảo, đề xuất sản phẩm, tự động tạo mô tả và hình ảnh sản phẩm. Đối với những người dùng áp dụng các tính năng thử đồ ảo này, tỷ lệ chuyển đổi có thể tăng gấp ba lần. Điều này có nghĩa là khi được trải nghiệm việc thử đồ ảo, người dùng có khả năng quyết định mua sản phẩm cao hơn gấp ba lần so với khi chỉ xem hình ảnh sản phẩm.
Livestream: "Mảnh Đất Vàng" cho Nghệ Sĩ Việt Nam và Doanh Nghiệp
Rõ ràng, các sàn thương mại điện tử đang đẩy mạnh xu hướng "shoppertainment" – biến mua sắm trực tuyến thành một hoạt động giải trí hấp dẫn. Từ các KOLs nổi tiếng đến các nghệ sĩ hàng đầu, những buổi livestream đặc biệt này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà còn mang đến trải nghiệm giải trí đa chiều cho khán giả.
Livestream bán hàng không chỉ tạo sân chơi cho các thương hiệu, mà còn mở ra cánh cửa nghề nghiệp cho nhiều người với mức thu nhập đáng kể. Mức lương cơ bản của host livestream đã chạm mức 200.000 VND/giờ, kèm theo hoa hồng 5-10% trên mỗi sản phẩm bán được. Đối với những người có sức ảnh hưởng hoặc nghệ sĩ, mức hoa hồng và thù lao còn cao hơn, biến công việc này thành một nguồn thu nhập chính.
Ngày nay, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng dần xem livestream bán hàng như một “kênh sinh lời” hấp dẫn. Hòa nhập với trào lưu này, các gương mặt đình đám như Diệp Lâm Anh, Lê Dương Bảo Lâm, Hòa Minzy, Khánh Vân... đã dần trở thành những cái tên quen thuộc trong các buổi livestream bán hàng.
Việc các nghệ sĩ livestream không còn là điều xa lạ. Không chỉ mang lại hoa hồng từ việc bán sản phẩm, công việc này còn là cơ hội để họ xây dựng và tăng cường thương hiệu cá nhân. Diệp Lâm Anh – một trong những nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực này – tiết lộ rằng doanh thu lớn nhất cô từng đạt được từ bán hàng online là 4 tỷ đồng, gấp 10-20 lần mức cát-xê tham gia sự kiện. Ban đầu, cô cũng từng e ngại vì là người nổi tiếng mà lại livestream bán hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô nhận ra mình có duyên với công việc này khi có thể nói liên tục đến 5 tiếng trên sóng, tạo kết nối gần gũi và đáng tin cậy với người mua. Còn với Lê Dương Bảo Lâm, livestream bán hàng thực sự là bước tiến mạnh mẽ. Nhờ lối nói chuyện duyên dáng và hoạt ngôn, anh thu hút sự chú ý của nhiều nhãn hàng và nhanh chóng khẳng định mình trong thị trường bán hàng trực tuyến.
Không chỉ đơn thuần là bán hàng, livestream hiện nay được nâng cấp thành trải nghiệm giải trí, nơi nghệ sĩ và KOL vừa giới thiệu sản phẩm vừa giao lưu, mang đến sự gần gũi và tin tưởng cho người xem. Xu hướng "shoppertainment" - mua sắm kết hợp giải trí - hiện đã trở thành chiến lược chủ chốt của các nền tảng thương mại điện tử. Nhờ sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi buổi livestream không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn là cơ hội kết nối, tạo dựng cộng đồng người hâm mộ và tăng cường sức ảnh hưởng của các thương hiệu.
Nếu nhìn sâu hơn vào sự phát triển của livestream bán hàng, có thể thấy đây là một xu hướng thương mại mang tính chiến lược cho cả nghệ sĩ và doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm ngoại tuyến và trực tuyến bằng cách thúc đẩy mối quan hệ khách hàng qua yếu tố chân thực và sự tương tác trực tiếp. Thông qua những câu chuyện, trải nghiệm chân thành từ các nghệ sĩ và KOL, thương hiệu có thể xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng. Đây là một điểm cộng lớn so với các quảng cáo truyền thống, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính xác thực và gần gũi.
GenAI trong chiến lược dài hạn của doanh nghiệp thương mại điện tử
Trước thềm siêu sale 11/11, Lazada đã giới thiệu loạt tính năng AI nhằm nâng tầm trải nghiệm mua sắm, gồm Trợ lý mua sắm cá nhân AI Lazzie, đề xuất sản phẩm thông minh, và các công cụ tạo nội dung sản phẩm tự động bởi AI. Lazada cũng đưa vào sử dụng Người mẫu ảo do AI tạo ra, giúp người mua dễ dàng hình dung sản phẩm, từ đó, xác lập vị trí như một trong những cái tên tiên phong đổi mới công nghệ trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
Giải thích lý do ra mắt hàng loạt tính năng GenAI trước ngày lễ Độc Thân của Lazada, bà Đoàn Trang Hà Thanh, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam cho biết việc triển khai loạt tính năng GenAI này không chỉ nhằm tối ưu hiệu suất bán hàng trong sự kiện mua sắm lớn mà còn cải thiện toàn diện quy trình từ quản lý đơn hàng đến chăm sóc khách hàng. Bà nhấn mạnh rằng AI sẽ giúp các nhà bán hàng tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả, và tạo ra trải nghiệm dịch vụ chất lượng hơn trong những đợt cao điểm.
Nhìn rộng hơn, các công nghệ AI còn đánh dấu bước tiến lớn về cá nhân hóa và địa phương hóa trải nghiệm khách hàng, một yếu tố thiết thực trong khu vực đa dạng về văn hóa như Đông Nam Á. Lazada cũng đang tận dụng công cụ dịch thuật AI Marco MT của Alibaba để hỗ trợ nhu cầu bản địa hóa ngôn ngữ đa dạng tại Đông Nam Á, với khả năng xử lý ngôn ngữ và ngữ cảnh văn hóa, đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ muốn mở rộng mà không gặp rào cản về ngôn ngữ. Dựa trên nền tảng mô hình Qwen độc quyền, Marco MT giúp người bán dễ dàng gia tăng sự kết nối và thiện cảm với người mua tại mỗi thị trường mục tiêu.
Kết quả khảo sát gần đây của Lazada cũng cho thấy rõ tác động của AI đến hành vi người tiêu dùng: 88% khách hàng cho biết họ quyết định mua hàng dựa trên các gợi ý từ AI, và khoảng 80% trong số đó thường xuyên sử dụng các tính năng AI trên nền tảng TMĐT ít nhất mỗi tuần một lần. Đáng chú ý, tại Việt Nam, tỉ lệ người dùng nhận thấy AI tạo sự thú vị và tiện lợi trong mua sắm đạt đến 92%. Điều này phần nào minh chứng cho sức hấp dẫn của công nghệ AI trong việc cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và biến việc mua sắm trực tuyến thành một hành trình thú vị.
Sự tích hợp AI trong TMĐT đã trở thành chiến lược cốt lõi cho các nền tảng như Lazada. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều điểm chạm khác nhau, AI cho phép Lazada hiểu sâu hơn về nhu cầu và thói quen của người dùng, từ đó tạo ra trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa và liền mạch. Việc đáp ứng chính xác nhu cầu khách hàng không chỉ tăng khả năng giữ chân người dùng mà còn tạo điều kiện cho các thương hiệu mở rộng thị trường với mức độ tương tác cao hơn.
Nhìn về tương lai, khi TMĐT ngày càng phụ thuộc vào các giải pháp số hóa, việc tích hợp AI sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng mở rộng khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những xu hướng tiêu dùng mới. Với AI, các nền tảng thương mại điện tử đang định hướng để trở thành những không gian trải nghiệm độc đáo, nơi người tiêu dùng có thể khám phá, kết nối và tận hưởng hành trình mua sắm.
Diệu Anh