Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự hoài nghi.


Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều thông và sự lựa chọn. Điều đó khiến việc đưa ra quyết định thật khó khăn, vì chúng ta sợ “mua nhầm”. Chính vì thế, trước khi đồng ý mua một món đồ, chúng ta thường có thói quen tham khảo từ rất nhiều nguồn, từ trực tiếp đến trực tuyến, cốt yếu chỉ mong từ những lời khuyên giúp mình “mua đúng”.

Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp cùng những KOLs (Key Opinion Leader) để giúp họ quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, KOLs đa số đều là những người có xuất phát điểm từ ngành giải trí: ca sĩ, diễn viên, người mẫu,... Thử hỏi với lịch làm việc dày đặc, liệu họ có đủ thời gian để trải nghiệm từng sản phẩm và đưa ra ý kiến. Điều này lâu dài khiến người dùng cảm thấy họ cần tìm đến một nguồn tham khảo đáng tin cậy hơn. Cụ thể là người đã từng dùng sản phẩm hoặc trải nghiệm dịch vụ đó. Vì thế, khoảng 2 năm trở lại đây, bên cạnh KOLs, còn xuất hiện thêm một xu hướng mới với những kết quả ấn tượng – KOCs (Key Opinion Customer).


KOCs là gì?

KOCs được viết tắt từ Key Opinion Customer, là thuật ngữ dùng chỉ những người có sức ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người khác. Nếu như bạn lướt tiktok và vô tình bắt gặp một nội dung review, chia sẻ trải nghiệm thật khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của một người với lượt tương tác (tim, bình luận, chia sẻ) cao nhưng xét về mặt truyền thông, giải trí, người đó không hề hoạt động hoặc gần như họ chỉ nổi trên tiktok thì đó có thể là một KOC đấy. Nói một cách đơn giản, KOCs là một “real-customer”. Họ sẽ trải nghiệm sản phẩm, sau đó viết đánh giá dựa trên những cảm nhận của chính mình. Họ có thể sáng tạo cách thể hiện đánh giá qua hình thức bài viết, hình ảnh, video sao cho hấp dẫn nhất và chia sẻ chúng đến những người mua tiềm năng khác. 


KOLs vs KOCs khác nhau như thế nào?

Mặc dù KOLs và KOC đều là người có sức ảnh hưởng nhưng vẫn có những điểm khác biệt:

  • Thứ nhất, KOLs là những người được thương hiệu trả phí để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Trong khi đó, KOCs là những người đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ, những lời lời nhận xét và đánh giá phần lớn đều dựa trên trải nghiệm của chính bản thân họ.
  • Thứ hai, giá trị của KOLs thường phụ thuộc vào số followers mà họ có và tùy vào số lượng sẽ được phân thành các nhóm từ micro đến mega-KOLs. Ngược lại, giá trị của KOCs lại phụ thuộc vào mức độ tin cậy của follower dành cho họ.
  • Thứ ba, hầu hết các KOLs khi hợp tác với nhãn hàng đều phải đi theo kế hoạch truyền thông, do đó thông điệp của họ khi truyền tải đến khách hàng thường thiếu yếu tố cá nhân. Trong khi đó, KOCs với lợi thế là người đánh giá, họ được chuyển biến thông điệp thành ý kiến riêng của mình, miễn là không thay đổi bản chất cũng như ý nghĩa gốc của thông điệp.


Tại sao marketer nên chọn KOCs?

Không thể phủ nhận sức mạnh mà các KOLs mang lại, tuy nhiên trên thực tế vẫn phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp vẫn thường gặp phải hai vấn đề lớn khi triển khai chiến dịch Influencer Marketing khi sử dụng KOLs, chính là:

  • Chi phí: Mặt bằng chung hiện nay, chi phí để book các KOLs quảng bá sản phẩm thường được tính theo post. KOLs càng có nhiều follower thì ngân sách book càng cao hơn.
  • Hiệu quả: Vì các KOLs phụ thuộc chủ yếu vào lượng follower nên không tránh được những trường hợp một số tài khoản “bơm” followers ảo, tương tác ảo. Điều này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của KH dành cho thương hiệu và đặc biệt khó khăn khi đo lường hiệu quả của chiến dịch. 


Đánh giá của người tiêu dùng từ lâu đã được xem là một công cụ có sức mạnh tác động đến quyết định mua hàng cũng như củng cố uy tín sản phẩm, thương hiệu. Đó chính là bàn đạp để “sản sinh” ra thế hệ KOCs. Ngoài ra, KOCs còn được xem như một cầu nối quan trọng để cải thiện chiến lược CRM của doanh nghiệp. Thông qua những nội dung chia sẻ, họ có thể lồng vào những sự kiện, chương trình khuyến mãi để gợi nhớ cho follower về hoạt động của thương hiệu. Vì thế, bên cạnh bán hàng, KOC còn có một phần vai trò quan trọng trong chiến lược CRM.


Bắt đầu chiến dịch KOC marketing như thế nào?

Đối với các brand hoặc marketer đang tìm cách tận dụng sức mạnh của KOCs, đây là một số chiến lược có thể áp dụng:

  • Sản phẩm miễn phí: Gửi quà tặng là một trong những hoạt động rất thông dụng trong chiến lược KOL và tất nhiên, nó cũng có thể áp dụng cho KOC marketing. Bạn có thể gửi sản phẩm “miễn phí” hoặc mẫu thử để các KOC chọn lọc và trải nghiệm trước. 
  • Sử dụng hashtag: Đây sẽ là yếu tố giúp cho các bài đăng dễ dàng tiếp cận đến những người có cùng mối quan tâm, kể cả những người chưa từng theo dõi hay follow KOCs. Hiện nay, hầu hết các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok,..đều đã có tính năng tìm kiếm bằng thẻ. Hãy tìm kiếm những từ khóa có mức độ tìm kiếm cao để KOCs chèn bên dưới mỗi nội dung.
  • Online community: Xây dựng cộng đồng dành riêng cho các KOC – nơi mà họ có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, trao đổi trực tiếp với brand của bạn và người dùng. Hơn thế nữa, thông qua việc tạo nhóm, bạn có thể chủ động trong việc thu thập thông tin dữ liệu, góp ý từ chính KOCs và khách hàng để cải thiện sản phẩm cũng như “nuôi dưỡng” lòng trung thành với thương hiệu.
  • Partnership: Ngoài những cách trên, kết hợp cùng Agency, đơn vị booking KOCs hoặc các nền tảng triển khai KOCs cũng là một giải pháp giúp bạn triển khai chiến dịch KOCs hiệu quả. Dựa trên kết quả từ nhiều chiến dịch đã triển khai, một số bên, chẳng hạn ACCESSSTRADE còn cung cấp cho bạn Bảng xếp hạng KOCs với đầy đủ thông tin về lượng follower, lĩnh vực, chỉ số Performance của KOCs, giúp bạn lựa chọn được KOCs phù hợp nhất với chiến dịch.


Tạm kết

Mặc dù KOCs được xem là xu hướng mới và mang lại kết quả vượt bậc cho chiến dịch Influencer Marketing ở thời điểm hiện tại. Nhưng không có gì đảm bảo trong tương lai, người dùngvẫn hứng thú với những nội dung được tạo bởi KOCs. Do đó, các marketer cần phải luôn sáng tạo, linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa chiến lược. Bất kể là KOLs hay KOCs, công thức luôn là sự kết hợp giữa người ảnh hưởng phù hợp + người xem + thông điệp + kênh tiếp cận hiệu quả.


Nguồn: ACCESSTRADE Vietnam