Đáng sợ hơn cả overtime là overthinking: Khi nhân sự mắc kẹt trong thế giới quá tải thông tin và áp lực chu toàn mọi việc

Đối với những người trẻ, họ thường phải đối mặt với nhiều quyết định quan trọng trong cuộc sống, đơn cử như lựa chọn nghề nghiệp, học tập, các mối quan hệ,... Đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, sự bất an, áp lực, khó khăn khi ra quyết định khiến họ dễ rơi vào trạng thái “overthinking” (tạm dịch: Suy nghĩ quá mức). Theo Google Trends, số lượt tìm kiếm về từ khoá “overthinking” tại Việt Nam đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 1/2023, dao động từ 30 đến 90 lượt mỗi ngày. 


Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên khoa Tâm lý học Võ Minh Thành tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng cho biết, “overthinking” là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Những cá nhân bị overthinking thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng đến những vấn đề có phần vô lý.


Trên thực tế, mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng overthinking và rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường đa dạng và liên quan mật thiết tới các vấn đề tâm lý như thiếu tự tin về bản thân, sang chấn tâm lý, lo âu hay hội chứng tăng động,... 


Trong một ngành công nghiệp sáng tạo có nhịp độ nhanh và đòi hỏi khả năng giải quyết hàng nghìn vấn đề trong công việc, liệu overthinking có phải là một tình trạng phổ biến với các nhân sự ngành Quảng cáo? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua những chia sẻ từ các nhân sự đang làm việc tại ZEE Agency, Dentsu, MSLGroup Tonkin Media!



Overthinking “bùng nổ” trong thời đại kỹ thuật số


Các nhân sự ngày nay đang sống trong thời đại bão hoà thông tin, đòi hỏi họ phải liên tục cập nhật các thông tin mới để có thể bắt kịp xu hướng của thị trường. Điều này có thể khiến nhân sự cảm thấy áp lực và rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức. Hơn nữa, với một thị trường lao động có nhịp sống nhanh, mức độ cạnh tranh cao như agency thì vấn đề overthinking ở các nhân sự còn xảy ra thường xuyên và thậm chí trầm trọng hơn. Chị Trinh Phan - Business Development tại ZEE Agency bày tỏ: “Overthinking đang ngày càng trở nên phổ biến vì người trẻ đang sống trong một thời đại bùng nổ về thông tin. Giữa một thế giới phẳng, họ có thể ngồi tại nhà và tham gia vào hơn 100 group chat công việc khác, nhìn thấy hàng vạn người đang chia sẻ về thành tựu và cuộc sống của bản thân, nắm bắt hàng nghìn những thông tin, xu hướng mới đang dồn dập trên newsfeed của các nền tảng mạng xã hội,... Lượng thông tin và suy nghĩ quá nhiều khiến cho não bộ của nhân sự gần như phải xử lý liên tục. Là một nhân sự ngành Quảng cáo, số lượng các cuộc trò chuyện và thông tin mình cần dung nạp mỗi ngày còn nhiều hơn nữa.”



Bên cạnh đó, chị Bảo Ngọc - Junior Copywriter tại MSLGroup cũng cho biết rằng khi thời đại của các nền tảng social phát triển mạnh mẽ, mọi người đang dần bị áp lực bởi hình ảnh “con nhà người ta”. Những hình mẫu thành công trên mạng xã hội khiến nhiều nhân sự cảm thấy họ cũng phải đạt được những thành tựu như thế. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng overthinking diễn ra ngày càng nhiều trong thời đại ngày nay, đặc biệt đối với các nhân sự trẻ.


Từ góc nhìn của chị Linh - Copywriter tại Dentsu, có hai nguyên nhân chính khiến nhân sự overthinking: 

1. Tác động từ bên ngoài: Bao gồm áp lực hoàn thành mục tiêu, áp lực đồng trang lứa, sự quá tải trong công việc, lo lắng về các dự định tương lai hoặc đơn giản từ các mối quan hệ, môi trường xung quanh. 

2. Áp lực từ chính nhận thức bên trong: Nguyên nhân này một phần ảnh hưởng đến từ tính cách của mỗi người và khả năng kiểm soát, cũng như cách đối diện trước những luồng suy nghĩ không cần thiết, không thực tế.  



Theo trải nghiệm của bản thân, chị Linh cũng chia sẻ rằng: “Là người từng đôi lần bị overthinking, chị nhận thấy bản thân sẽ có xu hướng tách mình khỏi tập thể, thích được ở trong thế giới của riêng mình. Ngoài ra, tính cách cũng sẽ thiên về sự trầm tính hơn, đôi lúc xao nhãng trong công việc,...”


Overthinking trong công việc: Tốt hay xấu?


Với một môi trường đòi hỏi sự teamwork cao như agency, cảm xúc của một cá nhân cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả cuối cùng của cả team. “Những nhân sự có xu hướng overthinking thường không sử dụng thời gian làm việc hiệu quả. Họ mất nhiều thời gian để hoàn thiện sản phẩm/ý tưởng vì quá cầu toàn. Họ mong muốn sản phẩm của mình phải đạt mức độ tốt nhất. Thực chất, việc overthinking có thể khiến nhân sự bị mất tập trung, thường nghĩ đến nhiều thứ cùng một lúc khiến hiệu suất công việc bị giảm. Ngoài ra, họ cũng thường tự ti, ngại nói lên ý kiến của bản thân. Các nhân sự phải đắn đo suy nghĩ nhiều lần để xem ý kiến đó có đủ tốt để được nói ra hay không. Sự tự ti này đôi khi cũng xuất pháp từ việc so sánh về năng lực của bản thân nhân sự với những đồng nghiệp khác”, chị Hà Linh - Junior Content Writer tại Tonkin Media nhận định.


Ngoài ra, chị Trinh Phan cũng nói thêm rằng nhiều cá nhân quá cầu toàn khiến họ luôn muốn kiểm soát mọi thứ, đôi lúc trở nên tiêu cực với những lo âu không những khiến bản thân họ mà những nhân sự làm việc cùng cũng thấy mệt mỏi. 


Chị Bảo Ngọc cũng bày tỏ, những đồng nghiệp overthinking của chị có tâm lý rất sốt ruột mỗi khi bắt tay vào thực hiện một dự án nào đó. “Họ cứ liên tục hỏi thăm tình hình rằng mọi người đang làm đến đâu rồi, nhấn mạnh project này rất quan trọng cần mọi người chú ý rất nhiều”, chị kể lại. Chị chia sẻ thêm rằng việc giao tiếp giữa sếp và nhân viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng overthinking của nhân sự. Nếu sếp feedback nặng nề hoặc không có một lý do, tiêu chuẩn hợp lý sẽ khiến nhân viên suy nghĩ nhiều về những lời họ nói, sau đó tự nghi hoặc năng lực bản thân và sinh ra tự ti.



Ngoài ra, chị Hà Linh cũng chia sẻ quan điểm cá nhân như sau: “Các nhân sự agency lâm vào tình trạng overthinking thường là những người thuộc trường phái ‘people pleaser’ (người luôn muốn làm hài lòng mọi người). Khi chưa biết cách đặt ra ranh giới cho bản thân và cứ phải chạy theo cảm xúc người khác, nhân sự sẽ càng dễ rơi vào tình trạng suy nghĩ miên man không điểm dừng, không thoát ra được khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Thực ra, việc overthinking tại môi trường làm việc cũng vì nơi đó chưa đem lại sự an toàn và thân thiện để các bạn có thể hòa nhập với đồng nghiệp và sếp.”


Chị Linh tổng kết rằng, overthinking có thể khiến một số cá nhân trở nên trầm tính, nhạy cảm và trông tách biệt với thế giới. Họ sẽ có xu hướng nhạy cảm với các feedback hay nhận xét từ cấp trên, đồng nghiệp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc họ có thiếu nghị lực. Ngược lại, chính nhờ có suy nghĩ cẩn thận, sâu sắc, thậm chí hơi thái quá một tí, họ mới hiểu được bản thân cần thay đổi điều gì nhất để làm việc tốt hơn nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên những giá trị riêng biệt của chính mình. 



Tuy sở hữu nhiều tác động tiêu cực đến tinh thần và hiệu suất làm việc của nhân sự, overthinking không phải lúc nào cũng xấu. Theo chị Linh, đôi khi chính nhân sự overthinking lại chính là những người cẩn thận, bình tĩnh, tỉ mỉ và rõ ràng trong các ý kiến hay quyết định. Nhờ sự tỉ mỉ và cầu toàn đó, họ hoàn toàn có thể tạo ra những kết quả tích cực trong công việc.


Làm thế nào để nhân sự agency thoát khỏi tình trạng này?


Nhà tâm lý học David A. Clark đã phát triển một bài kiểm tra sức khoẻ tinh thần giúp người đọc có thể xác định xem bản thân có mắc chứng overthinking hay không. Theo đó, nếu hầu hết những câu trả lời của nhân sự là “Có”, khả năng cao họ chính là người có xu hướng mắc chứng overthinking. Cùng tham khảo các câu hỏi dưới đây: 

  • Bản thân nhân sự có thường xuyên suy nghĩ quẩn quanh?
  • Nhân sự có thường tự vấn vì sao mình lại suy nghĩ như thế?
  • Nhân sự có theo đuổi ý nghĩ mang tính cá nhân hay tìm kiếm ý nghĩa sâu xa đằng sau suy nghĩ ấy không?
  • Nhân sự có thường xuyên chìm sâu vào suy nghĩ của bản thân khi tâm trạng buồn hay không?
  • Nhân sự có thường thắc mắc trí não của mình hoạt động như thế nào không?
  • Nhân sự có muốn kiểm soát suy nghĩ gắt gao không?
  • Nhân sự có vật lộn và khó khăn để kiểm soát suy nghĩ của mình?
  • Nhân sự có thường đánh giá tiêu cực về những ý nghĩ bộc phát hay suy nghĩ không như ý muốn không?


Với các nhân sự agency, để giảm thiểu những vấn đề xoay quanh overthinking gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, chị Hà Linh cho rằng công ty cần tạo ra môi trường lành mạnh, thân thiện để nhân sự cảm thấy an toàn khi chia sẻ về cảm xúc cá nhân của họ cũng như bình tĩnh hơn trong việc lắng nghe những phản hồi, góp ý cải thiện công việc. Những feedback càng nặng nề sẽ càng khiến các nhân sự bị đắm chìm trong “vũng lầy” của sự thất vọng và tự trách bản thân. Vì vậy, phía công ty và quản lý nên góp ý một cách tích cực để các nhân sự cơ hội được sửa sai. 


Tuy nhiên, bản thân nhân sự cũng nên tập cách bước ra khỏi vùng an toàn, chuẩn bị một “tâm hồn đẹp” để sẵn sàng đón nhận những feedback “gai góc”, chấp nhận những điều không hoàn hảo ở bản thân. “Những nhân sự overthinking thường để ý và tinh tế trong việc nhìn nhận cảm xúc của người khác, thế nhưng người mà nhân sự cần quan tâm nhất vẫn là chính mình. Vì thế, nhân sự hãy học cách ưu tiên cảm xúc của bản thân, tự tin với ý kiến của mình”, chị Hà Linh chia sẻ.


Từ góc nhìn của chị Linh, đa phần các nhân sự “overthinking” hơi nhạy cảm nên sẽ cần lời góp ý chân thành và mang tính xây dựng, động viên cao từ cấp quản lý. Hơn nữa, bất kỳ điều gì không phù hợp với quan điểm sống của một người đều có thể trở thành yếu tố dẫn đến overthinking. Tuy nhiên, chỉ cần biết cách điều tiết và chấp nhận bản thân lẫn những người xung quanh cũng có những khuyết điểm riêng, mỗi người sẽ làm giảm mức độ overthinking của mình. 



“Đến từ trải nghiệm cá nhân, mình nghĩ các nhân sự có thể bắt đầu từ việc cải thiện suy nghĩ của bản thân để tránh được tình trạng overthinking. Nếu nhân sự thấy có những vấn đề khiến bản thân phải suy nghĩ, họ cần bắt tay vào giải quyết vấn đề đó ngay lập tức. Đồng thời, nhân sự cũng cần chấp nhận mọi suy nghĩ của mình ngay lúc ấy. Nếu không giải quyết được, hãy dứt khoát gác lại hoặc ghi chú lại vấn đề để cân nhắc sau. Như vậy, thì mình sẽ có thể bình tĩnh và tập trung cho công việc ưu tiên hiện tại. Ngoài ra, mình nghĩ những buổi thiền, tập yoga, thư giãn nhẹ nhàng sau giờ làm cũng có thể giúp các nhân sự overthinking cân bằng tâm trí và khai thông suy nghĩ của mình”, chị Linh chia sẻ.


Tìm đọc thêm các bài viết thuộc chuyên mục Real Agency Life tại đây

Đáng sợ hơn cả overtime là overthinking: Khi nhân sự mắc kẹt trong thế giới quá tải thông tin và áp lực chu toàn mọi việc

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

20 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục