Xu hướng NFT đã xuất hiện khắp nơi: từ lĩnh vực nghệ thuật, tài chính, buổi đấu giá đến các nền tảng mạng xã hội. Tác phẩm ’’Everydays: the First 5000 Days’’ đạt mức giá kỷ lục gần 70 triệu USD là ví dụ điển hình cho NFT đang "thống trị" thị trường công nghệ.


Thời gian qua, các thương hiệu nổi tiếng đã lần lượt ra mắt các NFT của mình như Lay’s với bức tranh “Share smiles with Lay’s”, Louis Vuitton với tựa game “Louis: The Game”,… từ đó mang đến nguồn doanh thu ấn tượng cũng như những trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Cùng tìm hiểu về 7 loại NFT đang làm "khuynh đảo" thị trường nhé!


1. Tác phẩm nghệ thuật (Artwork)


Mỗi NFT dạng Artwork là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất, được phát hành riêng lẻ hoặc được ra mắt theo dạng các bộ sưu tập nhỏ. Trong thời đại kỹ thuật số, các tác phẩm có thể dễ dàng bị sao chép và đạo nhái. NFT cung cấp quyền sở hữu và chứng nhận duy nhất cho tác giả nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Điều này cũng giúp tác phẩm chỉ có một bản gốc duy nhất được xác nhận tồn tại.


Tác phẩm "Hoa mai may mắn"


Ngày 06/08/2021, họa sĩ nhí Xèo Chu đã tạo ra NFT đầu tiên của mình với bức tranh "Hoa mai may mắn". Bức tranh đã mang về hơn 23.000 USD - mức giá cao kỷ lục của tác phẩm Việt Nam trên sàn giao dịch NFT.


2. Ảnh đại diện (PFPs/Avatar)


NFT Avatar tạo ra các đặc điểm khác nhau về quần áo, phụ kiện, nét mặt,... tạo nên vẻ ngoài độc đáo, khác biệt cho mỗi một nhân vật ảo. Khi người dùng sở hữu một NFT và sử dụng nó làm avatar, NFT này sẽ đại diện cho danh tính của họ trong thế giới tiền điện tử và metaverse. 


Bộ sưu tập "Bored Ape Yacht Club" gồm 10.000 NFT


Được truyền cảm hứng từ Cryptopunks do nhà phát triển phần mềm Larva Labs sáng tạo, Bored Ape Yacht Club (tạm dịch: Câu lạc bộ du thuyền Bored Ape) đã trở thành một trong những bộ sưu tập NFT danh giá nhất thế giới. Bộ sưu tập gồm 10.000 NFT, mỗi sản phẩm mô tả một con vượn người với các đặc điểm và thuộc tính hình ảnh khác nhau. 


3. Nghệ thuật sáng tạo từ thuật toán (Generative Art)


Dạng NFT này được tạo ra bởi thuật toán tổng hợp, trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc các robot vật lý. Nghệ thuật sáng tạo từ thuật toán đã xuất hiện từ thời kỳ phục hưng và bùng nổ khi NFT xuất hiện. Các tác phẩm nổi tiếng như Art Blocks, Autoglyphs và Braindrops đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.


Kể từ khi ra mắt, Art Blocks đã tạo ra khối lượng giao dịch trị giá hơn 403 triệu USD


4. Sưu tầm (Collectibles)


Giống như các thẻ sưu tập và kỷ vật trong trò chơi, các NFT này có mức độ hiếm khác nhau và được săn lùng bởi những nhà giao dịch, tài trợ, sưu tầm,... Các danh mục của dạng NFT này rất đa dạng từ nghệ thuật, thể thao, cho đến âm nhạc, trò chơi. Điển hình như nền tảng NBA Top Shot của Dapper Labs, bộ sưu tập Hot Wheels NFT.


NBA Top Shot dành cho những đối tượng đam mê thể thao


5. NFT nhiếp ảnh (Photography NFTs)


Đối diện với sự bùng nổ của NFT, các nhiếp ảnh gia đang tương tác với hình ảnh kỹ thuật số theo một cách hoàn toàn mới. Khác với các ấn phẩm truyền thống được xuất bản rộng rãi, NFT giúp tăng mức độ quý hiếm và giá trị cho các tác phẩm của họ.


Bộ sưu tập "lạ lùng" của Ghozali Ghozalo


Tháng 11/2021, cậu học sinh người Indonesia - Ghozali Ghozalo đã đăng tải 933 tấm ảnh selfie chụp từ năm 2017 - 2021 lên nền tảng NFT OpenSea. Bộ sưu tập lạ lùng này có giá trị hơn 1 triệu USD và tạo ra một cú bùng nổ trên sàn giao dịch.


6. NFT âm nhạc (Music NFTs)


Tính độc nhất, không thể sao chép của NFT đã thu hút thị trường nghệ thuật và âm nhạc, giúp các nghệ sĩ có nguồn doanh thu mới và độc lập. NFT tạo cơ hội cho các nghệ sĩ truyền tải âm nhạc của họ trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần bên trung gian.


"Nhạc Anh" là NFT âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam


Tháng 3/2021, DJ 3LAU đã thu về 11,7 triệu USD khi phát hành album nhạc đầu tiên dưới dạng NFT chỉ sau 24 giờ ra mắt. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Linkin Park, Steve Aoki, Shawn Mendes,... cũng đã bước chân vào thị trường này. Tại Việt Nam, Andree và Wxrdie đã ra mắt phiên bản đặc biệt của ca khúc "Nhạc Anh", trở thành sản phẩm âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam được ra mắt bằng công nghệ blockchain vào tháng 5 năm ngoái.


7. NFT “game hóa” (Gamified NFTs)


Các đặc điểm và tiện ích của blockchain đã thu hút nhiều game thủ và nhà đầu tư tiền điện tử tham gia vào thị trường. NFT “game hóa” sử dụng các yếu tố điển hình như tính điểm, cạnh tranh,... Sự kết hợp giữa trò chơi và NFT đã tạo cơ hội cho người chơi giao dịch và hoán đổi tài sản trò chơi thành phần thưởng tài chính của họ.


Hình ảnh từ trò chơi "Axie Infinity"


Đơn cử như trò chơi Axie Infinity, mỗi sinh vật Axie được đúc thành một NFT. Người chơi có thể chiến đấu với NFT của họ để đổi lấy phần thưởng là tiền điện tử.


Kim Ngọc / Advertising Vietnam