Instagram là một ứng dụng chia sẻ ảnh dẫn đầu thị trường với số lượng truy cập lên đến 500 triệu người dùng mỗi ngày. Vậy các Marketers cần tiếp cận thị trường màu mỡ này như thế nào?


Tiếp thị Instagram là gì?


Tiếp thị Instagram là hình thức quảng cáo tận dụng sức mạnh của nền tảng để giúp các doanh nghiệp tiếp cận đối tượng mục tiêu, tạo nhận diện thương hiệu và chia sẻ thông tin về sản phẩm đến khách hàng. 



Tại sao các nhà tiếp thị lại cần khai thác Instagram?


Theo số liệu thống kê, nền tảng Instagram thu hút 32% người dùng ở độ tuổi từ 25 - 34, còn ứng dụng chia sẻ ảnh lại thu hút mọi đối tượng với 18% từ 35 - 44 tuổi và 11% từ 45 - 54.


Một nghiên cứu về tương tác trên các nền tảng social media chỉ ra rằng, các thương hiệu có tỷ lệ tương tác trung bình trên Facebook là 0.09%, trong khi với Instagram là 1.6%. Lý giải cho sự tương quan này là các ưu điểm vượt trội của Instagram: 


  • Tính tường thuật: Thay vì tập trung vào việc truyền tải nội dung bằng văn bản, Instagram chú trọng đến sự trực quan của hình ảnh. Nền tảng này là nơi hoàn hảo để các nhà tiếp thị đưa câu chuyện thương hiệu của họ đến với người đọc một cách sống động thông quan các hình thức nội dung đa dạng như post, story và hiển thị quảng cáo.
  • Lượt tiếp cận: với hơn 1 tỷ tài khoản hoạt động mỗi tháng, Instagram cho phép doanh nghiệp tiếp cận một lượng lớn khách hàng không giới hạn, giúp họ mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận.  
  • Tương tác (kết nối) cộng đồng: Instagram còn cung cấp cho người dùng và doanh nghiệp các hình thức kết nối độc đáo nhằm củng cố tương tác trong cộng đồng, thúc đẩy những cuộc hội thoại và hành vi tương tác 
  • Đánh giá sự cạnh tranh: Dù có hay không sử dụng Instagram trong chiến dịch quảng cáo, bạn vẫn có thể tận dụng khả năng hiển thị của nền tảng để đánh giá nội dung và chiến lược của đối thủ. 


Làm thế nào để tối ưu hóa quảng cáo trên Instagram?


Lý thuyết là vậy nhưng thực tế làm thế nào để xây dựng chiến lược tiếp thị trên Instagram một cách hiệu quả? Dưới đây là các hướng dẫn chi tiết.


Tạo tài khoản Instagram cho doanh nghiệp miễn phí


Việc tạo tài khoản doanh nghiệp trên Instagram khá là dễ dàng. Thực hiện các bước đăng ký tại đây và sau đó đăng ký tài khoản thành doanh nghiệp bằng cách chọn nút mở rộng ở góc trên bên phải ở trang cá nhân, sau đó nhấn biểu tượng Cài đặt hình bánh xe răng cưa.


Tại bước này, bạn cũng có thể chuyển tài khoản của mình từ cá nhân thành doanh nghiệp bằng cách chọn Chuyển sang Tài khoản Chuyên nghiệp, chọn Doanh nghiệp.


Tối ưu hóa tài khoản doanh nghiệp


Sau khi đăng ký thành công tài khoản doanh nghiệp, bạn có thể bắt đầu tối ưu hóa nó. Instagram cung cấp cho doanh nghiệp một loạt tính năng để tối ưu hóa trang mà tài khoản cá nhân không có.


  • Thông tin liên hệ: bao gồm địa chỉ doanh nghiệp, email, số điện thoại để những người theo dõi có thể trực tiếp liên hệ bạn. Khi bạn điền các thông tin này, Instagram sẽ tạo các biểu tượng điều hướng với thông tin đó (Gọi, Email, Nhận chỉ đường).
  • Danh mục: Instagram cho phép bạn sắp xếp các hình ảnh có cùng phân loại nội dung để tạo thành một danh mục. Danh mục này sẽ xuất hiện đầu trang dưới dạng hình tròn, và bạn có thể đặt tên cho danh mục đó. Như vậy, khi khách hàng truy cập vào trang, họ sẽ biết được doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ gì.



  • Nút call-to-action: bạn có thể điều chỉnh để phù hợp với dịch vụ của doanh nghiệp, như “Đặt lịch hẹn” hay “Đặt chỗ trước”. Để thêm nút này vào trang cá nhân, bạn hãy chọn Chỉnh sửa hồ sơ, rồi chọn Tùy chọn liên hệ, sau đó chọn nút Thêm hành động.


Xây dựng chiến dịch marketing trên Instagram


Dù bạn là người mới tìm hiểu hay đang tìm cách thúc đẩy chiến lược tiếp thị trên Instagram, bốn bước sau đây có thể giúp bạn tạo ra các chiến dịch thành công:


  • Đặt mục tiêu: Mỗi doanh nghiệp sẽ có một mục tiêu khác nhau. Có người mong muốn thu hút lượng khách hàng tiềm năng, có người lại muốn định vị thương hiệu. Hãy vạch ra mục tiêu mà chiến lược tiếp thị của bạn hướng tới. 
  • Nghiên cứu từ khóa: Đây là điều quyết định sự thành công của một chiến dịch. Không khác nhiều so với các nền tảng xã hội còn lại, tuy tập trung chủ yếu vào hình ảnh nhưng nhiều người dùng Instagram lại có hành vi sử dụng hashtag để tìm kiếm nội dung liên quan. Đối với họ, hashtag như bảng chỉ dẫn để khám phá nền tảng.
  • Xác định đối tượng: Như đã đề cập, lượng người sử dụng Instagram luôn duy trì ở mức khổng lồ. Tuy nhiên không dễ dàng gì để có thể tiếp cận tất cả đối tượng này. Do đó, việc xác định rõ ràng chân dung của đối tượng hướng tới sẽ gia tăng khả năng tiếp cận từng cá nhân riêng lẻ, những người có hành vi gần nhất với mục tiêu của bạn.
  • Nghiên cứu đối thủ: Khi xây dựng chiến lược tiếp thị trên Instagram, hãy nghiên cứu kỹ càng về số liệu của đối thủ và đối chiếu với dữ liệu của bạn để điều chỉnh chiến lược phù hợp. Cách này sẽ mang đến cái nhìn trực quan nhất về thị trường và hiệu quả của chiến lược. 


Bắt đầu đăng tải nội dung


Sau khi xây dựng chiến lược và tạo hồ sơ, đã đến lúc bạn đăng tải những bài viết đầu tiên. Kiểm tra nội dung và tính thẩm mỹ của bài viết thật kỹ trước khi đăng. Lưu ý rằng, dù là nền tảng xã hội nào đi chăng nữa, doanh nghiệp cần truyền tải được thông điệp của mình. Điều này không chỉ thể hiện qua văn bản mà còn là màu sắc, dạng bài đăng, hình ảnh hay hashtag. 


Màu sắc


Về mặt tâm lý, màu sắc đóng vai trò lớn trong tiếp thị nội dung vì kích hoạt phản ứng cảm xúc ở người xem. Khi chọn bảng màu cho các bài đăng trên Instagram, hãy chọn những màu có khả năng truyền tải thông điệp của thương hiệu.


Những hình ảnh dưới đây do công ty du lịch - Le Postcard đăng tải trên tài khoản Instagram của công ty:



Có thể thấy được rằng, công ty này đã lấy màu xanh làm màu sắc chủ đạo để người xem khi nhìn hình ảnh có thể nghĩ ngay tới kì nghỉ. 


Khi chọn bảng màu, hãy chọn những màu phản ánh đúng thương hiệu của bạn và lồng ghép chúng vào nội dung bạn muốn truyền tải.


Phân loại bài đăng


Instagram cung cấp cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn khi đăng tải nội dung, ví dụ như bài post thông thường, video dạng ngắn, IGTV và nhiều hình thức khác. Lựa chọn hình thức đăng bài cũng liên quan đến nội dung quảng cáo của doanh nghiệp. Sản phẩm của công ty bạn vui vẻ, trung tính hay trang trọng?


Chẳng hạn với các doanh nghiệp giải trí thì các video ngắn hài hước, hấp dẫn là một trong những cách quả để thu hút sự chú ý của người dùng. 


Hashtags


Với mỗi bài đăng, Instagram cho phép bạn sử dụng tối đa là 30 hashtag. Tuy nhiên, số lượng hashtags phù hợp chỉ nên là 11. Ngoài ra, nội dung của hashtags cũng nên liên quan đến thông điệp thương hiệu và tinh thần sản phẩm để người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm dựa trên mức độ quan tâm, yêu thích của họ.


Tương tác với người theo dõi


Tương tác với người theo dõi giúp khách hàng biết rằng bạn đang lắng nghe ý kiến của họ bằng cách thích hay trả lời các bình luận. Phương pháp này kích thích người theo dõi tương tác lại với trang của bạn.


Ví dụ như một bài đăng từ nhãn hiệu kem chống nắng Supergoop. Không chỉ trả lời các bình luận của khách hàng trên trang mà họ còn kích thích người dùng tag bạn bè của mình vào bài đăng. 



Theo dõi, phân tích số liệu


Instagram còn phân tích số liệu để bạn nắm được hiệu suất chiến dịch quảng cáo của mình. Dựa vào đó, bạn có thể thay đổi cách thức tiếp thị phù hợp. Các yếu tố mà bạn cần quan tâm bao gồm:


  • Lượt tiếp cận: Thông qua số liệu phạm vi tiếp cận, bạn có thể biết được có bao nhiêu tài khoản đã xem bài đăng của mình. Nếu bài đăng đạt điểm tiếp cận cao hoặc thấp một cách bất thường, bạn có thể xem lại những yếu tố nào tạo nên kết quả đó.



Đặt những câu hỏi dựa trên chỉ số phạm vi tiếp cận có thể giúp bạn tối ưu hóa các chiến dịch trong tương lai để có hiệu suất tốt hơn.


  • Sales: Ngoài các tính năng Instagram, hãy hướng khách hàng đến trang web của bạn bằng cách thêm thông số UTM vào các liên kết. Chức năng này cho phép bạn xác định tỷ lệ chuyển đổi doanh thu hay số người truy cập từ Instagram. Các số liệu này được thể hiện trong các công cụ phân tích website và cho bạn cái nhìn cụ thể về số người truy cập từ Instagram vào website, cũng như nội dung nào có thể chuyển đổi thành doanh thu bán hàng. 


  • Lưu lại: Tính năng lưu trên Instagram cho phép người dùng “lưu lại” các bài đăng bằng cách chọn mục “bookmark” ở cuối mỗi post. Dựa vào số lượng người lưu lại bài viết, bạn có thể đánh giá được nội dung nào thu hút người đọc nhất. Từ đó, có thể điều chỉnh chiến lược quảng cáo trên instagram phù hợp.


Tạm kết


“Bước vào thế giới tiếp thị với Instagram” thoạt nghe có vẻ phức tạp, song đây lại là một trong những nền tảng giúp bạn tiếp cận với khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. 


Theo Neil Patel

Ngân Trần / Advertising Vietnam