Điểm lại loạt Case Study ấn tượng năm 2024: Thị trường xe ôm công nghệ chia lại sau màn tạm biệt của Baemin và Gojek, câu chuyện truyền cảm hứng của Stanley

Năm 2024 đánh dấu hàng loạt câu chuyện thú vị từ thị trường kinh doanh, mang lại những góc nhìn mới mẻ về sự sáng tạo, đổi mới và chiến lược quản lý thương hiệu. Từ cú bứt phá trong livestream xa xỉ của NTK Thái Công, đến sự tái định vị đột phá của Stanley với sản phẩm cốc giữ nhiệt Quencher, hay thách thức của các nền tảng xe ôm công nghệ sau màn chia tay của Gojek. Mỗi case study đều là bài học quý giá, truyền cảm hứng cho những chiến lược kinh doanh tương lai.


Cùng điểm lại những case study được “bóc tách” trong năm 2024 qua bài viết sau! 


1. Từ màn "chốt đơn" livestream của nhà thiết kế "triệu đô" Thái Công: Beginner trở thành player máu mặt, "gây bão" truyền thông


Tháng 1/2024, NTK Thái Công đã thu hút được sự chú ý của hàng trăm nghìn người tiêu dùng khi đưa những sản phẩm có giá cả đắt đỏ lên TikTok Shop. Những mặt hàng như: Bình hoa Pha Lê được nhập khẩu từ Pháp có giá 235 triệu đồng, dụng cụ gắp đá từ Pháp có giá hơn 12 triệu đồng và nhiều mặt hàng sang trọng khác đều được NTK Thái Công đưa lên sàn TMĐT. 



Tuy ý tưởng chỉ xuất phát từ mong muốn công chúng hiểu rõ hơn về mặt hàng luxury mà mình đang bán nhưng NTK Thái Công đã vô tình tạo ra một xu hướng mới cho người dùng mạng xã hội. Những video clip parody, meme và trend khi shipper giao sản phẩm của NTK Thái Công bắt đầu nở rộ trên mạng xã hội và thu về nhiều lượt xem và quan tâm. Từ những video do người dùng tạo ra, phiên live và sản phẩm NTK Thái Công ngày càng được lan tỏa và nhiều người dùng quan tâm. 



Với độ phủ sóng mạnh mẽ của câu nói cộp mác NTK “Bạn cần kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm" cùng sức ảnh hưởng hậu phiên livestream, ngày 12/1, NTK và ekip Thái Công đã thành công “kéo” người mua từ online qua offline, tức là đến trực tiếp cửa hàng tại TP.HCM, nơi NTK mở thêm đợt bán túi 99k, trải thảm đỏ và trực tiếp đứng kí tặng túi cho các “thượng đế” của mình. 



Sau tất cả, NTK Thái Công đã thành công trong việc đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cá nhân và khiến người tiêu dùng nhớ đến những sản phẩm luxury của mình. Đồng thời còn tạo ra nhiều thành tích ấn tượng như: Tài khoản TikTok đạt tới 46.000 lượt xem - con số kỷ lục về số lượng người xem nhiều nhất khi lần đầu tiên livestream trên TikTok Shop, Thái Công được xếp hạng top "TikTok creator" tại Việt Nam, 1 tỷ lượt Hashtag #Thaicong được nhắc tới, Phiên livestream còn nhận được lượt tương tác khủng: thu về 4,2 triệu lượt gửi tim, 94 nghìn lượt bình luận và 25 nghìn lượt chia sẻ.


2. NXB Kim Đồng và SKIN1004: Cách thương hiệu xử lý nhanh gọn sự cố truyền thông, lại vừa ‘đẹp lòng’ người dùng


Giữa tháng 5/2024, NXB Kim Đồng và thương hiệu chăm sóc da SKIN1004 đã vướng phải tranh cãi và cả hai đều có cách xử lý khủng hoảng thuyết phục người tiêu dùng. Vụ việc của NXB Kim Đồng là trò đùa phản cảm đến từ hoạ sĩ phụ trách vẽ bìa truyện, NXB Kim Đồng đã có hướng xử lý phù hợp và thuyết phục độc giả bằng cách: gửi lời xin lỗi đến độc giả, thay đổi hoạ sĩ vẽ bìa và thông tin rõ ràng toàn cảnh vụ việc kịp thời đến độc giả. 



Bên cạnh đó, SKIN1004 vướng phải tranh cãi ăn cắp chất xám cho sự kiện pop-up tại Vạn Hạnh Mall. Chỉ trong vòng 2-3 ngày, thương hiệu đã đưa ra lời khẳng định rằng “không sử dụng những thiết kế của bạn N.Đ.H” và lời giải thích cùng với những thông tin, hình ảnh về hành trình từ khi có ý tưởng tại Hàn Quốc, đến khi đưa sản phẩm sáng tạo vào thực tế.


Từ vụ việc của NXB Kim Đồng và SKIN1004, người dùng đa số đều hài lòng với phương án xử lý của cả hai doanh nghiệp và cho rằng cả hai đều giải thích kịp lúc, rõ ràng thoả đáng. Đồng thời, đây cũng chính là bài học cho các doanh nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông sao cho hiệu quả và bảo toàn được niềm tin của người tiêu dùng. 


3. Chiến lược marketing đằng sau sự ra mắt thành công của Black Myth: Wukong: Doanh số bán vé ngôi chùa Tiểu Tây Thiên được trò chơi lấy cảm hứng tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2023


Thị trường game Trung Quốc năm 2024 đã đạt được cú hích lớn khi có sự xuất hiện của dòng game nhập vai AAA “Black Myth: Wukong”. Trò chơi gây chú ý nhờ cốt truyện và hình ảnh ấn tượng, dựa trên "Tây Du Ký" – tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc. Game Science đã chuyển thể câu chuyện thành game nhập vai hành động, vừa giữ yếu tố thần thoại quen thuộc, vừa tạo nét mới lạ.



Theo bà Jolin Guan - Chuyên gia tư vấn thương hiệu đã chia sẻ rằng đội ngũ thiết kế đã nghiên cứu sâu tiểu thuyết gốc, khám phá hàng trăm địa danh, và tham khảo hàng ngàn văn bản văn hóa từ các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh để tái hiện thế giới “Linh Sơn” chân thực. Game Science còn đầu tư lớn với hơn 1,2 tỷ mô hình áo giáp cho Tôn Ngộ Không, thậm chí các nhà phát hành đã bỏ việc và bán tài sản để phát triển game trong 4-5 năm không nguồn thu nhập. Nỗ lực này giúp Black Myth: Wukong đạt lượng tìm kiếm tăng 1.380% trên Taobao ngày ra mắt (theo dữ liệu từ Alibaba Group), trò chơi đã ghi nhận hơn 2,2 triệu người chơi đồng thời trên Steam chỉ sau một ngày ra mắt (Theo trang Campaign Asia).



Không chỉ thành công trong việc thu hút các game thủ, trò chơi còn góp phần tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực khác như: du lịch, điện tử,... đồng thời còn thu hút được nhiều thương hiệu hợp tác. Doanh số bán vé tại các địa điểm xuất hiện trong game đã tăng đột biến, đặc biệt là tại ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng Tiểu Tây Thiên, với doanh số bán vé tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. 


Một cảnh trong tựa game được lấy cảm hứng từ vách núi Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc


4. Thị trường xe ôm công nghệ được ‘chia lại’: Baemin và Gojek lần lượt rút lui, tạo điều kiện cho thương hiệu nội địa ngày càng chiếm ưu thế


Sau sự chia tay của hai ông lớn Baemin và Gojek, thị trường xe ôm công nghệ bắt đầu chia lại với những cái tên còn lại như: Grab, Be và Xanh SM. Xanh SM nổi bật với tốc độ phát triển mạnh mẽ, mở rộng mạng lưới xe điện và ghi nhận doanh thu ấn tượng chỉ sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, Grab vẫn giữ vị thế dẫn đầu về thị phần và sự phổ biến, còn Be không ngừng mở rộng dịch vụ nhờ các khoản đầu tư chiến lược. Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” do Q&Me công bố, Grab là ứng dụng được người Việt ưa chuộng nhất, với 42% người dùng chọn sử dụng khi di chuyển bằng xe máy. Be và Xanh SM lần lượt chiếm 32% và 19% thị phần.



Cùng với sự tăng trưởng của thị trường, các nền tảng gọi xe liên tục tích hợp thêm tiện ích, từ giao hàng, đặt thức ăn đến dịch vụ du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chuyển hướng từ cạnh tranh khuyến mãi sang phát triển giá trị cốt lõi, hướng tới mô hình kinh doanh bền vững và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.



Thị trường này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị 880 triệu USD vào năm 2024 và 2,16 tỷ USD vào năm 2029. Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo và chiến lược tập trung vào khách hàng sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các thương hiệu.


5. Stanley đã biến một chai nước thành một đế chế trị giá 750 triệu đô la như thế nào? 


Câu chuyện chuyển mình của thương hiệu Stanley là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác. Stanley ra đời năm 1913 với sản phẩm phích nước thép đầu tiên, từng phục vụ chủ yếu cho công nhân và binh lính. Bước sang những năm 2000, Stanley gặp khó khăn trước các sản phẩm rẻ và hợp thời hơn. Tuy nhiên, sự ra đời của cốc giữ nhiệt Quencher năm 2017 đã giúp Stanley lột xác, thu hút khách hàng nữ nhờ thiết kế hiện đại, tính năng vượt trội và trở thành xu hướng trên mạng xã hội. 



Từ năm 2019, Quencher nhanh chóng trở thành biểu tượng phong cách sống nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ trên TikTok và Instagram. Đặc biệt, năm 2023, doanh số tăng 275%, khi Stanley mở rộng danh mục sản phẩm, hợp tác với các đối tác lớn như Starbucks, Target và REI. Một video TikTok vào tháng 11/2023 còn khẳng định độ bền nổi bật của sản phẩm, tạo thêm niềm tin từ khách hàng.



Stanley không chỉ tận dụng hiệu ứng lan truyền mà còn xây dựng cộng đồng người dùng trung thành. Hashtag #StanleyTumbler trên TikTok thu hút hàng triệu lượt xem, biến Quencher thành biểu tượng sống bền vững và phong cách. Câu chuyện của Stanley minh chứng sức mạnh từ việc thấu hiểu khách hàng, sáng tạo sản phẩm và kết hợp chiến lược marketing hiệu quả, tạo nên một thương hiệu vừa thành công tài chính vừa được yêu mến sâu sắc.


6. Tượng đài ngành hàng gia dụng Tupperware sụp đổ và bài học từ những sai lầm trong xây dựng thương hiệu 


Vào tháng 9/2024, Tupperware - biểu tượng vang bóng trong nhiều thập kỷ của ngành hộp đựng thực phẩm Mỹ đã khép lại chặng đường 78 năm sau nhiều năm vật lộn với kết quả kinh doanh yếu kém và sự cạnh tranh ngày càng tăng. Năm 1946, Earl Tupper sáng chế hộp đựng thực phẩm Wonderbowl, tiên phong với thiết kế nhẹ, bền, kín khí và sau này đa dạng về màu sắc. Trải qua 78 năm, Tupperware định vị mình là thương hiệu gia dụng không thể thiếu, dẫn đầu trong lưu trữ và chế biến thực phẩm. Thành công lớn trong thập niên 80-90 giúp hãng định hình thị trường toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng cho các mô hình kinh doanh như Avon và Amway.



Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Tupperware là các bữa tiệc giới thiệu sản phẩm từ thập niên 1950-60, do Brownie Wise khởi xướng. Mô hình bán hàng trực tiếp này không chỉ tạo doanh số vượt bậc mà còn trao quyền kinh doanh cho phụ nữ. Đến năm 2019, hãng có 3 triệu nhân viên bán hàng và từng là công ty bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới với doanh thu ấn tượng.



Dù từng là biểu tượng đổi mới, Tupperware rơi vào khủng hoảng năm 2024 do chậm thích ứng thị trường và sai lầm chiến lược trong việc tiếp cận thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, người dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề bền vững Đây là bài học quan trọng về sự cần thiết của linh hoạt và đổi mới trong bối cảnh hành vi người tiêu dùng thay đổi liên tục.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!



Điểm lại loạt Case Study ấn tượng năm 2024: Thị trường xe ôm công nghệ chia lại sau màn tạm biệt của Baemin và Gojek, câu chuyện truyền cảm hứng của Stanley

Kim Yến

Kim Yến

Content Writer | Advertising Vietnam

27 Thg 12 2024

Lưu

Cùng chuyên mục