Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật và chiến dịch sáng tạo của thương hiệu trong tuần vừa qua với series Điểm tin tuần của Advertising Vietnam! 


1. BURBERRY ĐỔI MỚI LOGO SAU 5 NĂM: TÁI SỬ DỤNG HÌNH ẢNH HIỆP SĨ CƯỠI NGỰA, THIẾT KẾ PHÔNG CHỮ SERIF CÓ CHÂN VỚI MÀU XANH HOÀNG GIA



Vào năm 1901, logo của thương hiệu Burberry miêu tả hình ảnh một hiệp sĩ đang cưỡi ngựa. Trên tay anh cầm theo lá cờ với dòng chữ “Prorsum”, trong tiếng Latin có nghĩa là “Forwards” (Tiến lên phía trước). Chiếc khiên của chàng hiệp sĩ cũng có hình chữ cái “B” tượng trưng cho tên thương hiệu. Đến năm 1999, Burberry đã thay đổi logo lần đầu tiên khi lược bỏ chữ “s” trong “Burberry’s”. Màu sắc chủ đạo của logo là những tông màu cơ bản như đen và trắng, đại diện cho sự thanh lịch và lâu bền. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, Burberry đã có một quyết định táo bạo khi lược bỏ hình ảnh chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa, chỉ để lại dòng chữ “Burberry London England” với phông chữ Sans-Serif mang phong cách tối giản.


Vào ngày 06/02 vừa qua, ông Daniel Lee - Giám đốc Sáng tạo của Burberry đã quyết định thiết kế lại logo thương hiệu. Ông đã sử dụng lại hình ảnh hiệp sĩ cưỡi ngựa “Prorsum” của thương hiệu. Bên cạnh đó, cái tên “Burberry” cũng được chuyển thành phông chữ Serif (chữ có chân) với màu xanh hoàng gia. Thương hiệu đã đồng loạt đăng tải 12 bức ảnh sử dụng logo mới trên nền tảng Instagram. Nhiều người dùng đã bày tỏ sự thích thú và ủng hộ khi thương hiệu quyết định sử dụng lại logo cũ của mình.


Theo Esquire 


2. CHATBOT A.I CỦA GOOGLE CUNG CẤP CÂU TRẢ LỜI SAI NGAY NGÀY ĐẦU TIÊN THỬ NGHIỆM, TẬP ĐOÀN THIỆT HẠI HƠN 140 TỶ USD



Vào ngày 07/02, Google đã ra mắt dịch vụ đàm thoại tích hợp A.I mang tên “Bard”. Công cụ có khả năng cung cấp câu trả lời chi tiết cho người dùng dựa trên thông tin từ Internet. Google đã thử nghiệm ứng dụng Bard với một nhóm nhỏ người dùng trước khi ra mắt rộng rãi đến công chúng.


Trong bản demo của Bard, một người dùng đã đặt câu hỏi rằng: “Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình nghe về những khám phá mới nào từ kính thiên văn không gian James Webb?” Ngay sau đó, công cụ đã phản hồi là “Kính thiên văn không gian James Webb đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta.”


Tuy nhiên, NASA cho biết hình ảnh đầu tiên về một ngoại hành tinh hoặc bất kỳ hành tinh nào ngoài hệ mặt trời đều được chụp bởi kính viễn vọng của Đài thiên văn Nam Châu Âu vào hai thập kỷ trước, tức năm 2004.


Cổ phiếu của công ty mẹ Google là Alphabet đã giảm 8%, tương đương với khoảng 140 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày hôm qua 08/02.


Theo 9news


3. CHIẾN DỊCH TÁI CHẾ THƯ TÌNH TỪ NGƯỜI YÊU CŨ THÀNH GIẤY VỆ SINH ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG



“Who Gives a Crap” là công ty giấy vệ sinh và khăn giấy bền vững của Úc. Mới đây, thương hiệu đã ra mắt chiến dịch độc đáo mang tên “Flush your Ex” (tạm dịch: Tống khứ người yêu cũ của bạn đi) để thực hiện tái chế những bức thư tình của người yêu cũ thành giấy vệ sinh.


Theo đó, thương hiệu kêu gọi mọi người gửi những lá thư tình của người yêu cũ đến trụ sở công ty. Các bức thư sẽ được chuyển trực tiếp đến một cơ quan sản xuất để tái chế chúng thành giấy vệ sinh. Thương hiệu cho biết họ có thể biến những kỷ niệm tồi tệ của người dùng thành một sản phẩm ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường. Người dùng có thể gửi các lá thư đến công ty từ ngày 08/02 đến 20/02.


Hiện nay, công ty này đang hỗ trợ những người khó khăn trên thế giới bằng cách quyên góp 50% lợi nhuận cho các quốc gia cần nguồn nước sạch và các tổ chức phi lợi nhuận.


Theo Design Taxi


4. CÁC CÔNG TY SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO THAY THẾ NGƯỜI LỒNG TIẾNG VÌ CHI PHÍ RẺ, DIỄN VIÊN BÀY TỎ: “GIỌNG ĐỌC CỦA A.I TRỐNG RỖNG VÀ GIẢ TẠO"



​​Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo không những có thể gây ảnh hưởng đến các nhà thiết kế, nhà sáng tạo nội dung,… mà còn có thể gây bất lợi cho các diễn viên. Mới đây, các diễn viên lồng tiếng đã được khách hàng yêu cầu ký một bản thoả thuận. Theo đó, khách hàng mong muốn diễn viên lồng tiếng sẽ cho phép A.I sử dụng giọng nói của họ để tự chỉnh sửa và thay thế theo ý muốn mà không cần phải trả thêm tiền.


Vào tháng 1/2023, công ty giọng nói nhân tạo ElevenLabs đã thử nghiệm chương trình beta có khả năng tạo ra giọng nói của người nổi tiếng. Chương trình đã mô phỏng thành công giọng đọc của diễn viên Emma Watson khi đọc quyển sách Mein Kampf của Đức. Diễn viên lồng tiếng cho trò chơi và hoạt hình SungWon Cho chia sẻ với Motherboard: “Hành động này thật thiếu tôn trọng nghề lồng tiếng khi để một chiếc máy làm việc thay các diễn viên. Chắc chắn rằng A.I có thể đọc giống như con người nhưng suy cho cùng, giọng đọc của A.I rất trống rỗng và giả tạo.”


Hiện nay có nhiều công ty đang cung cấp dịch vụ sao chép, tạo hoặc tổng hợp giọng nói của con người bằng trí tuệ nhân tạo. Người dùng chỉ cần ghi âm giọng nói trong khoảng thời gian từ 10 đến 60 phút, sau đó công ty sẽ tạo ra một bản sao giọng nói cho người dùng. Được biết, chi phí của dịch vụ này rất rẻ, thậm chí là miễn phí.


Theo Vice


5. NETFLIX THỰC HIỆN BỘ PHIM ANIME DÀI 3 PHÚT BẰNG A.I VÌ “THIẾU NHÂN LỰC", GIỚI SÁNG TẠO CHỈ TRÍCH CÔNG TY CHỈ ĐANG THAY THẾ NGHỆ SĨ ĐỂ GIẢM CHI PHÍ



Trước cơn sốt của những sản phẩm A.I trên toàn thế giới, Netflix cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi tung ra một bộ phim hoạt hình Nhật Bản ngắn mang tên “The Dog and The Boy” trên tài khoản YouTube Netflix Japan vào cuối tháng 1/2023. Bộ phim dài 3 phút kể về hành trình bị chia cắt của chú chó robot và người chủ. Netflix cho biết, việc thử nghiệm công nghệ A.I vào quá trình sản xuất phim là do tình trạng “thiếu nhân sự” trong ngành công nghiệp anime.


Theo đó, “The Dog and The Boy” không có nhiều điểm đặc biệt về mặt hình ảnh nhưng việc A.I có thể sáng tạo toàn bộ cảnh nền của một bộ phim dài 3 phút đã khiến các họa sĩ hoạt hình bất ngờ. Tuy nhiên, người dùng trên các nền tảng mạng xã hội đã thể hiện sự bất bình đối với Netflix. Họ cho rằng công ty đang tìm cách thay thế các họa sĩ để giảm chi phí sản xuất. Một nghệ sĩ làm việc trong ngành hoạt hình Nhật Bản tên Zakuga Mignon đã đề xuất từ khoá #SupportHumanArtists nhằm bày tỏ sự chỉ trích đối với động thái của Netflix. Từ khóa đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.





Được biết, việc không được tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản tăng cao đã khiến các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi các nghệ sĩ đề cập đến vấn đề này với Netflix, công ty không những không hỗ trợ giải quyết vấn đề mà còn tìm cách thay thế họ.  


Tổng hợp


6. THẾ VẬN HỘI PARIS 2024 TUNG BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU MỚI: BẢNG MÀU THIẾT KẾ LẤY CẢM HỨNG TỪ CẦU VỒNG, THỜI TRANG, ẨM THỰC, KIẾN TRÚC VÀ LỊCH SỬ CỦA NƯỚC PHÁP



Mới đây, Ủy ban Thế vận hội đã tung ra bộ nhận diện thương hiệu đầy màu sắc cho Thế vận hội Mùa hè 2024 (Paris 2024). Lấy cảm hứng từ cầu vồng, bảng màu cho bộ nhận diện có 7 màu gồm tím, xanh lá cây, hồng, xanh lam, đỏ, trắng và vàng. Những màu sắc này sẽ được mở rộng lên các giao diện kỹ thuật số, infographic, hình minh họa và các lá cờ được treo khắp Paris để quảng bá sự kiện. Qua đó, bảng màu sẽ được sử dụng để tăng khả năng tiếp cận và thể hiện sự nhất quán trong tất cả các hoạt động truyền thông của sự kiện.


Bộ nhận diện của Thế vận hội cũng lấy cảm hứng từ thời trang, ẩm thực, kiến trúc và lịch sử của nước Pháp. Thay vì sử dụng mô phỏng hình ảnh các bộ môn thể thao sinh động như Thế vận hội Tokyo năm 2020, các biểu tượng của Paris 2024 có nét trừu tượng hơn. Mỗi môn thể thao sẽ được thiết kế như một huy hiệu danh dự. Thiết kế cũng lấy góc nhìn từ trên cao xuống để miêu tả sân thi đấu của các môn thể thao. 





Đặc biệt, bộ nhận diện thương hiệu lần này sẽ không có bất kỳ một ký tự nào. Thay vào đó, Thế vận hội sẽ sử dụng hình minh hoạ trừu tượng để tượng trưng cho sự kiện. Trong tổng số 70 biểu tượng, có 8 biểu tượng sẽ được dùng chung cho Thế vận hội Olympics và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics. 


Theo Design Taxi


▶ Đón xem tin tức mới nhất về thị trường truyền thông, quảng cáo hàng tuần trên fanpage Advertising Vietnam!