Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật và chiến dịch sáng tạo của thương hiệu trong tuần vừa qua với series Điểm tin tuần của Advertising Vietnam! 


1. FAN TAYLOR SWIFT TÌM RA CÔNG THỨC ORDER MÓN NƯỚC CÓ MÀU "LAVENDER HAZE" TẠI STARBUCKS



Vào cuối tháng 10/2022, nữ ca sĩ Taylor Swift đã ra mắt album phòng thu thứ mười mang tên “Midnights”. Album đã xác lập kỷ lục nghệ sĩ có số lượt stream trong một ngày lớn nhất lịch sử Spotify toàn cầu với 228,2 triệu lượt nghe. Vì yêu thích album Midnights, đặc biệt là bài hát Lavender Haze, nhiều người dùng Mỹ đã chia sẻ công thức gọi món nước có màu tím đặc biệt tại Starbucks. Những video chia sẻ công thức này đã trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ.


Tài khoản TikTok @alexiaencinas13 đã chia sẻ một video chia sẻ cách gọi món “Lavender Haze”. Đầu tiên, người dùng sẽ gọi một ly Iced Passion Tango Tea với sữa đậu nành (soy milk). Sự kết hợp này sẽ tạo nên màu sắc đẹp mắt cho sản phẩm. Tờ KSBY cho biết, bên cạnh sữa đậu nành, người dùng có thể thay thế bằng sữa, sữa hạnh nhân hoặc bất kỳ loại sữa nào mà họ yêu thích. Việc thêm sữa giúp làm loãng màu hồng đậm của Passion Tango Tea thành màu tím nhạt.


Tổng hợp


2. PICSART RA MẮT CÔNG CỤ KẾT HỢP A.I GIÚP NGƯỜI DÙNG THAY THẾ HÌNH ẢNH NGƯỜI YÊU CŨ BẰNG VẬT THỂ KHÁC



Mới đây, Picsart đã tung ra công cụ “A.I Replace My Ex” nhằm giúp người dùng chỉnh sửa những bức ảnh chụp cùng người yêu cũ.


Khi các cặp đôi chia tay, họ thường có xu hướng xoá những tấm ảnh chụp cùng nhau. Thế nhưng công cụ mới của Picsart có thể giúp người dùng “tái sử dụng” những tấm ảnh này. Người dùng có thể sử dụng công cụ bằng cách nhấn vào dấu “+” ở cuối ứng dụng, sau đó tải lên hình ảnh chụp cùng người yêu cũ. Tiếp đó, ở mục “Draw”, người dùng nhấn chọn “Replace A.I” và nhập một từ khoá mong muốn để thay thế hình ảnh người yêu cũ bằng một đồ vật bất kỳ: ổ bánh mỳ, gối ôm, cốc bia, hay thậm chí là các loài động vật khác như một chú chó.


Trong khi các thương hiệu, nền tảng khác ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp người dùng nâng cao năng suất làm việc và học tập, Picsart lại tận dụng A.I nhằm mang đến niềm vui cho người dùng.


Theo Design Taxi


3. FACEBOOK CÁN MỐC 2 TỶ NGƯỜI DÙNG HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN NHỜ CẢI TIẾN CÁC THUẬT TOÁN TRÊN REELS



Sau gần 20 năm ra mắt trên thị trường, mới đây Facebook đã thông báo cán mốc 2 tỷ người dùng hàng ngày. Được biết, nền tảng đã thu hút thêm 16 triệu người dùng hoạt động thường xuyên vào quý 4/2022.


Ông Mark Zuckerberg - Giám đốc Điều hành của Meta cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng của Facebook trong thời gian gần đây là nhờ vào việc cải tiến các thuật toán trên Reels. Tính năng này đã cung cấp dịch vụ tạo clip ngắn hiệu quả hơn cho người dùng trên Facebook và ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram.


Tổng hợp


4. LINKEDIN CHÍNH THỨC CẬP NHẬT TÍNH NĂNG LÊN LỊCH BÀI VIẾT CHO NGƯỜI DÙNG VIỆT NAM



Mới đây, LinkedIn đã chính thức cập nhật tính năng lên lịch bài viết (văn bản, video, hình ảnh) trên nền tảng. Theo đó, người dùng có thể sử dụng tính năng này trên trình duyệt web cũng như ứng dụng LinkedIn dành cho Android.


Cụ thể, người dùng có thể lên lịch bài viết bằng cách nhấn vào biểu tượng hình đồng hồ trong giao diện đăng bài, sau đó chọn thời gian đăng tải phù hợp (chỉ được lên lịch sau 1 tiếng và trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm hiện tại). Sau khi xác nhận lịch đăng, một thông báo hiển thị cho biết LinkedIn đã hẹn giờ đăng bài thành công. Người dùng cũng có thể xem lại những bài viết đã được lên lịch bằng cách nhấn vào biểu tượng đồng hồ và chọn "View all scheduled posts".


Trước đây, tính năng này đã được ra mắt tại một số khu vực. Đến nay người dùng Việt Nam mới có thể sử dụng tính năng hẹn lịch bài viết.


Theo TechCrunch


5. CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC CẤM ĐƯA CHATGPT VÀO DANH SÁCH TÁC GIẢ



Chưa đầy hai tháng ra mắt, ChatGPT đã trở thành ứng dụng thu hút hàng triệu người dùng sử dụng. Ứng dụng có thể làm thơ, viết code và trả lời nhiều vấn đề phức tạp từ tổng hợp tin tức đến triết học. Trước sự bùng nổ của ChatGPT, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của chatbot A.I này trong khoa học và học thuật.


Mới đây, các nhà xuất bản của hàng nghìn tạp chí khoa học đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng các ứng dụng phần mềm tự động hóa, riêng với ChatGPT thì bị cấm đưa vào làm đồng tác giả trong các bài báo khoa học. Điều này có nghĩa tác giả các bài báo khoa học muốn đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống Springer Nature hay Science thì gần như không được sử dụng các ứng dụng tự động hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo, do lo ngại các ứng dụng này sẽ đưa vào các bài báo khoa học những kết quả nghiên cứu thiếu sót hoặc thậm chí là bịa đặt.


Ông Holden Thorp - Tổng biên tập của Tạp chí Science lưu ý rằng nhóm xuất bản đang cập nhật các chính sách để chỉ rõ rằng “bất kỳ văn bản nào được tạo bởi ChatGPT (hoặc bất kỳ công cụ AI nào khác) cũng như số liệu, hình ảnh, hoặc đồ họa là sản phẩm của những công cụ đó đều không được sử dụng trong tác phẩm”. Ông nhấn mạnh rằng: “Một chương trình A.I không thể là một tác giả.” Do đó, tạp chí Science cho biết việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.


Tổng hợp


6. GOOGLE LÊN TIẾNG VỀ VIỆC NHẦM LẪN HÌNH ẢNH CỦA BÀ SƯƠNG NGUYỆT ANH: “CHÚNG TÔI THÀNH THẬT XIN LỖI VỀ SỰ CỐ NÀY VÀ ĐÃ TẠO NÊN NHỮNG XAO LÃNG KHÔNG ĐÁNG CÓ TRONG VIỆC TÔN VINH CÁC THÀNH TỰU ĐÁNG KÍNH CỦA BÀ SƯƠNG NGUYỆT ANH"



Vào ngày 01/02, Google đã tôn vinh nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam - bà Sương Nguyệt Anh trên trang chủ tìm kiếm bằng một hình ảnh Google Doodle. Hình ảnh đã được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng. Thế nhưng sau đó, một bạn đọc nữ là học trò của bà Đặng Kim Chi đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng, nhân vật trong hình vẽ không phải là bà Sương Nguyệt Anh. Nhà giáo Đặng Kim Chi là hiệu trưởng của Trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh.


Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là người chuyên nghiên cứu về báo chí trong thế kỷ 20. Ông nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi có thấy tranh Google vẽ bà Sương Nguyệt Anh. Có lẽ họ vẽ phỏng chừng thôi. Tôi chưa thấy báo xưa nào in ảnh bà ấy". Trước đó, thông tin, hình ảnh về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh từng nhiều lần bị nhầm lẫn. Cuốn Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975, Nguyễn Đình Thống chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành năm 2018, cũng đăng hình được cho là bà Đặng Kim Chi ở phần thông tin về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ngoài ra, nhiều nơi cũng nhầm tên của nữ sĩ là Sương Nguyệt Ánh.


Sau đó, VnExpress đã kết nối và khai thác đại diện Google ở Việt Nam về sự việc. Theo VnExpress, đại diện Google đã lên tiếng xin lỗi vì thể hiện không chính xác chân dung của bà Sương Nguyệt Anh: "Chúng tôi đã thực hiện một Doodle đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của bà Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, Doodle này đã thể hiện hình ảnh không chính xác với chân dung của bà. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự cố này và đã tạo nên những xao lãng không đáng có trong việc tôn vinh các thành tựu đáng kính của bà Sương Nguyệt Anh".


Nghệ sĩ vẽ Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh là Camelia Phạm (Trà Phạm). Sau phản hồi của Google, cô cũng đã đăng tải bài viết trên trang fanpage và cho biết đã có sự nhầm lẫn từ những hình ảnh tham khảo. “Để phục vụ cho mục đích vinh danh bà, mình đã dựa vào brief bên Google đưa, kết hợp cùng với thông tin tìm được trên mạng về những hình ảnh qua các bài thơ và cuộc đời của bà.” Cô cho biết mình đã dành toàn bộ tâm huyết để khắc họa hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh một cách trân trọng nhất.


Tổng hợp


▶ Đón xem tin tức mới nhất về thị trường truyền thông, quảng cáo hàng tuần trên fanpage Advertising Vietnam!