Những năm gần đây, cùng với sự đột phá trong lĩnh vực công nghệ, diện mạo ngành làm đẹp cũng dần thay đổi với nhiều hình thức dịch vụ độc đáo. 


Có lẽ vì thế mà ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực làm đẹp đã tăng trưởng mạnh mẽ so với nhiều thập kỷ trước đó, được dự đoán sẽ vượt mốc 34 tỷ USD vào năm 2024. Trước xu hướng đáng kinh ngạc này, nhiều thương hiệu mỹ phẩm đã nắm bắt cơ hội để đầu tư vào công nghệ, điển hình là Trí tuệ nhân tạo (AI) và Thực tế ảo (AR), nhằm mang đến trải nghiệm cá nhân hoá cho các tín đồ làm đẹp.


Những ứng dụng công nghệ đằng sau “cơn sốt” của tín đồ làm đẹp


Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)


Có thể nói, công nghệ được các chuyên gia làm đẹp quan tâm nhất chính là Trí tuệ nhân tạo (AI). Với sự hỗ trợ của AI, những phần mềm hoặc thiết bị làm đẹp ngày nay có thể theo dõi tình trạng da của người dùng, từ đó đưa ra liệu trình chăm sóc phù hợp. 


Một ví dụ điển hình là ứng dụng Skin Advisor của thương hiệu mỹ phẩm Olay tại Mỹ. Tận dụng nguồn dữ liệu lớn (Big Data) từ khảo sát và ảnh selfie đăng tải bởi người dùng, Olay đã ra mắt Skin Advisor để chẩn đoán độ lão hoá da, phân tích tình trạng da và đưa ra giải pháp cá nhân hoá để phục hồi.


Với tagline “Hoán cải làn da chỉ với một tấm selfie”, ứng dụng Skin Advisor của Olay thu hút hơn 2 triệu các tín đồ làm đẹp tin dùng.


Ở Thuỵ Điển, công ty chuyên cung cấp thiết bị chăm sóc da FOREO cũng hoà cùng “làn sóng” AI nhằm nâng cao trải nghiệm cho sản phẩm của mình. Dòng máy rửa mặt mới nhất FOREO Luna Fofo lắp đặt cảm biến để theo dõi tình trạng da của người dùng, từ đó điều chỉnh liệu trình massage hiệu quả nhất. FOREO cũng cho ra mắt ứng dụng đi kèm với máy rửa mặt để khách hàng tạo “hồ sơ làm đẹp” riêng cho làn da.


Máy rửa mặt FOREO Luna Fofo, tận dụng AI để thiết kế liệu trình chăm sóc riêng cho từng làn da.


Thực tế ảo (Augmented Reality - AR)


Công nghệ thực tế ảo (AR) luôn được xem là phương pháp hiệu quả để thương hiệu tương tác với người tiêu dùng. Về cơ bản, AR cho phép khách hàng thoả sức trải nghiệm các sản phẩm mà thương hiệu đang bày bán. Ứng dụng AR vào công nghiệp làm đẹp đã nâng cao trải nghiệm mua sắm và ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của người tiêu dùng.


ModiFace là sản phẩm AR được nhiều thương hiệu làm đẹp lựa chọn, tiêu biểu như Sephora, Estée Lauder và L'Oréal. ModiFace là công ty tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo. Những ứng dụng có thể nhận diện khuôn mặt người dùng, cho phép trang điểm, làm tóc, hoá trang… qua ống kính đều được thực hiện hoá bởi phát minh của ModiFace.


Nắm bắt xu hướng công nghệ, L'Oréal đã nhanh chóng thu mua ModiFace vào năm 2018 và ra mắt ứng dụng “Style My Hair” (Tôi tự tạo kiểu tóc). Ứng dụng cho phép người dùng “trải nghiệm” những kiểu dáng, màu sắc, phong cách khác nhau trên mái tóc của mình. Chính chức năng nhận diện môi trường của AR đã tạo nên những tương tác chân thật giữa người dùng và các dòng sản phẩm chăm sóc tóc khác nhau của hãng.


Ứng dụng Style My Hair của L'Oréal với công nghệ AR.


Cá nhân hoá sản phẩm làm đẹp


Qua việc ứng dụng Học máy (Machine Learning) để cải tiến Trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc giờ đây trở nên “thông minh” đến mức có thể thấu hiểu con người. Mỹ phẩm không chỉ được sản xuất hàng loạt, mà còn có khả năng được điều chỉnh tuỳ theo từng loại da, dựa trên độ ẩm, độ pH, môi trường sống, thậm chí là… DNA.


Thương hiệu start-up Atolla do kỹ sư hoá học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts là một ví dụ điển hình cho việc cá nhân hoá mỹ phẩm. Thành lập từ năm 2019 với nền tảng là thuật toán Học máy, Atolla cho phép người dùng xét nghiệm chuyên sâu và gửi kết quả đến ứng dụng Atolla HQ trên điện thoại để xác định tình trạng da. Sau đó, hãng sẽ điều chế serum phù hợp với thông số trên làn da của người dùng. Khách hàng có thể xét nghiệm hàng tháng để điều chỉnh thành phần sản phẩm cho phù hợp. Loại hình chăm sóc da này được ví như Netflix dành cho làn da của bạn!


Hãng mỹ phẩm Etolla với serum được điều chế sau khi xét nghiệm da.


Gương soi thông minh


Những chiếc gương thông minh (Smart Mirror) với sự hỗ trợ của AI và AR cũng là phát minh đáng kể đến. Giờ đây, khách hàng không những “trang điểm” bằng các filter trên điện thoại, mà có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm ngay tại cửa hàng bằng gương soi. Việc dùng thử sản phẩm trên "gương thần" sẽ giúp giảm tránh dị ứng da, tiết kiệm thời gian tẩy trang,... 


“Gương thần” WELLA đã được vinh danh ở hạng mục Innovation Awards Honoree (Giải thưởng Sáng tạo Danh dự) tại Consumer Electronic Show năm 2019.


Chiếc gương này tích hợp AR trong ống kính để nhận dạng 360° mái tóc của người dùng, mang đến trải nghiệm chân thực với màu tóc mới.


Tạm kết


Sự kết hợp giữa mỹ phẩm và công nghệ dường như đã trở thành đề tài thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành công nghiệp làm đẹp ngày thắt chặt hơn mối quan hệ với các ứng dụng công nghệ. Chính xu hướng này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu, cũng như đem đến nhiều trải nghiệm độc đáo hơn cho giới mộ điệu trên toàn thế giới.


Hồng Ân / Advertising Vietnam

Theo In-Cosmetics Connect