Bối cảnh về ngành truyền thông trong những năm qua đã thay đổi đáng kể nhờ sự phát triển của Internet và các nền tảng truyền thông xã hội. Với YouTube hay TikTok, bất kỳ ai cũng có thể truy cập tạo nội dung và tìm tệp khán giả thích hợp cho bản thân. Giờ đây, các phương tiện truyền thông đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, hàng triệu người sáng tạo nội dung đã và đang tạo ra một không gian mới trong ngành giải trí: nền kinh tế sáng tạo.
Nền kinh tế sáng tạo là gì?
Nền kinh tế sáng tạo có thể hiểu là một nền kinh tế trên nền tảng trực tuyến, bao gồm hàng triệu người sáng tạo nội dung, chẳng hạn như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), nhà quay phim, người viết blog và các nhà quảng cáo kỹ thuật số khác. Nền kinh tế sáng tạo cũng bao gồm phần mềm và công cụ được thiết kế để giúp những người sáng tạo phát triển và kiếm từ việc sản xuất nội dung.
Bên cạnh đó, nền kinh tế sáng tạo là một khái niệm tương đối mới trong ngành công nghiệp giải trí và truyền thông, và bất kỳ ai từ mọi thế hệ đều có thể tham gia vào thị trường này.
Vai trò của mạng xã hội trong nền kinh tế sáng tạo
Sự gia tăng của các nền tảng truyền thông mạng xã hội đã thúc đẩy sự tăng trưởng trong nền kinh tế sáng tạo. Theo số liệu đưa ra bởi Forbes, có khoảng 50 triệu người sáng tạo nội dung trên các nền tảng bao gồm YouTube, TikTok, Instagram và Twitch.
Đáng chú ý, nền kinh tế sáng tạo đã đạt nhiều cột mốc về tăng trưởng trong thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19. Khi ấy, nhiều người phải làm việc tại nhà hoặc tìm kiếm các nguồn thu nhập mới do ngân sách các công ty bị cắt giảm và tình trạng sa thải diễn ra ở đa số ngành. Điều này đã dẫn đến việc nhiều người có thêm thời gian và động lực để tạo nội dung trên các nền tảng như TikTok, Twitch và YouTube.
Người dùng TikTok từ 15-25 tuổi tại thị trường Mỹ đã tăng 180% sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Số người dùng TikTok đã tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch bùng phát, trực tiếp góp phần vào sự bùng nổ của nền kinh tế sáng tạo nội dung. Theo Statista, người dùng TikTok từ 15-25 tuổi tại thị trường Mỹ đã tăng 180% sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Bên cạnh các cơ hội để đa dạng nguồn thu nhập, mạng xã hội đã trở thành một “sân chơi” kỹ thuật số cho hầu hết mọi người để đăng tải nội dung, quảng cáo công việc của bản thân và xây dựng lượng người hâm mộ trung thành. Trong nền kinh tế sáng tạo, ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung mà không cần đầu tư vào thiết bị đắt tiền hoặc nhận sự hậu thuẫn của các nhãn hàng/công ty.
Các nền tảng mạng xã hội có chương trình hỗ trợ người sáng tạo nội dung
Youtube
Trong nhiều năm qua, những người sáng tạo nội dung trên YouTube đã kiếm tiền thông qua việc chia sẻ doanh thu quảng cáo trên video. YouTube cũng có “Chương trình Đối tác YouTube”, cho phép người sáng tạo sử dụng các tính năng độc quyền và cung cấp nhiều cách thức kiếm tiền khác nhau. Để cạnh tranh với TikTok, YouTube cũng đã khởi động Quỹ dành cho video dạng Shorts, dành tổng cộng 100 triệu USD cho những người sáng tạo video dạng ngắn từ năm 2021 đến năm 2022.
YouTube đã khởi động Quỹ dành cho video dạng Shorts, dành tổng cộng 100 triệu USD cho những nhà sáng tạo video dạng ngắn từ năm 2021 đến năm 2022.
Để bắt kịp với nền kinh tế sáng tạo đang phát triển, Instagram đã triển khai nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập mới từ các bài đăng của những người sáng tạo nội dung trên nền tảng. Các cách thức này bao gồm: người dùng gửi tiền trực tiếp đến người sáng tạo nội dung khi họ livestream; kiếm tiền dựa trên sự hiệu quả của video dạng ngắn Reels; nội dung được tài trợ; cửa hàng trực tuyến; quảng cáo trong video; chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate).
Instagram đã triển khai nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập mới từ các bài đăng của những nhà sáng tạo nội dung.
TikTok
Chương trình “Creator Next Program” của TikTok bao gồm quỹ người sáng tạo trị giá 200 triệu USD. Đồng thời, công ty cũng đã giới thiệu các cơ hội kết nối người sáng tạo với các thương hiệu. Bất kỳ người sáng tạo nào cũng có thể tham gia “Creator Next Program”, kể cả những người chỉ có 10.000 người theo dõi, với điều kiện là họ có ít nhất 100.000 lượt xem video trong vòng 30 ngày.
Bất kỳ nhà sáng tạo nào cũng có thể tham gia “Creator Next Program” với điều kiện là họ có ít nhất 100.000 lượt xem video trong vòng 30 ngày.
Twitch
Nền tảng stream video Twitch có “Chương trình đối tác Twitch” giúp người sáng tạo có thể kiếm thu nhập bằng nhiều cách. Cách phổ biến nhất là thông qua việc đăng ký kênh, qua đó, các streamer sẽ có thu nhập khi có người dùng Twitch đăng ký kênh của họ. Ngoài ra, cách kiếm tiền trên Twitch khác là thông qua “Bits” - những món đồ ảo người dùng có thể mua để tặng streamer trong lúc họ livestream, và streamer sẽ được chia phần trăm doanh thu từ việc bán Bits. Cuối cùng, streamer có thể kiếm tiền thông qua doanh thu quảng cáo từ livestream.
Nền tảng stream video Twitch có “Chương trình đối tác Twitch” giúp nhà sáng tạo có thể kiếm thu nhập bằng nhiều cách.
Các cách thức kiếm thêm thu nhập khác cho các nhà sáng tạo nội dung
Nhiều nền tảng mạng xã hội mang đến cơ hội cho nhà sáng tạo nội dung cơ hội tăng thu nhập, tuy nhiên số tiền kiếm được thường sẽ không cao so với mặt bằng chung. Theo một cuộc khảo sát của NeoReach và Influencer Marketing Hub, chỉ 1,4% trong số 2.000 nhà sáng tạo nội dung được khảo sát kiếm được hơn 1,4 triệu USD mỗi năm; 20% cho biết có thu nhập “đủ sống” từ 50 nghìn USD trở lên một năm. Chính vì thế, các nhà sáng tạo nội dung thường gia tăng thêm thu nhập bằng các cách khác như: các quan hệ đối tác, nội dung được tài trợ, đăng ký kênh có trả phí, buổi gặp mặt VIP, tổ chức sự kiện, bán hàng trên livestream và tổ chức các sự kiện ảo.
Cách các thương hiệu sử dụng nền kinh tế sáng tạo
Theo Github, người xem có xu hướng quan tâm đến các yếu tố con người hay tính cách hơn là sự xuất hiện của các thương hiệu trong video. Do đó, nhiều thương hiệu lớn đã phải “chật vật” tìm chỗ đứng trên các nền tảng như TikTok hay Twitch. Tuy nhiên, vẫn có cách để các thương hiệu tham gia vào nền kinh tế sáng tạo để thu hút các khách hàng tiềm năng và đạt các mục tiêu về doanh thu đó là influencer marketing - hình thức tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng trong xã hội.
Có nhiều cách thức giúp marketer tận dụng influencer marketing. Các chiến thuật phổ biến bao gồm tiếp quản phương tiện truyền thông xã hội, ví dụ người có ảnh hưởng sẽ xuất hiện trên tài khoản truyền thông xã hội của thương hiệu trong một khoảng thời gian để giao lưu, trò chuyện và tương tác với khán giả. Ngoài ra, các cách tiếp cận với bền kinh tế sáng tạo khác bao gồm tạo dựng mối quan hệ đối tác có trả phí, marketing nhúng và các hợp đồng tài trợ. Các nhãn hàng nên chú ý đảm bảo các thông điệp và nội dung từ nhà sáng tạo phải hợp với hình ảnh của thương hiệu khi sử dụng hình thức truyền thông influencer marketing.
Nguồn Hubspot
Tân Phan