Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bùng nổ vào ngày 24/02, các thương hiệu đã đưa ra nhiều thông báo nhằm bày tỏ quan điểm của mình. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây!


Các đội bóng của Nga bị loại khỏi trò chơi trực tuyến và World Cup 2022


Nhà phát hành trò chơi Electronic Arts cho biết họ sẽ xóa đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ bóng đá Nga khỏi trò chơi trực tuyến và thiết bị di động của FIFA. Trong một thông báo từ Twitter của EA Sports (thương hiệu phân phối các trò chơi thể thao của Electronic Arts), thương hiệu cũng bày tỏ sẽ liên tục cập nhật những thay đổi mới nhất đến người chơi.


Thông báo của EA Sports trên Twitter


Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng thông báo đình chỉ vô thời hạn sự tham gia của Nga vào các giải đấu quốc tế, đồng thời từ chối cho Nga tham gia vòng loại trực tiếp World Cup 2022. FIFA chia sẻ thêm: "Đội đại diện quốc gia và các câu lạc bộ của Nga sẽ bị đình chỉ tham gia cả hai giải đấu của FIFA và UEFA cho đến khi có thông báo mới".


Các hãng phim Disney, Sony Pictures và Warner Bros. ngừng phát hành phim chiếu rạp ở Nga


Trong năm 2021, Nga là thị trường quan trọng của Hollywood, chiếm 601 triệu USD doanh thu phòng vé, tương đương khoảng 2,8% tổng doanh thu phòng vé trên thế giới. Song bất chấp những lợi nhuận kể trên, ba hãng phim Disney, Sony Pictures và Warner Bros. đã đưa ra tuyên bố tạm dừng phát hành những bộ phim chiếu rạp sắp tới tại Nga. Cụ thể hơn, Disney sẽ ngừng chiếu bộ phim "Turning Red" của Pixar, Warner Bros. ngừng phát hành "The Batman" và Sony Pictures tạm ngừng "Morbius".


Ba bộ phim chiếu rạp sẽ tạm dừng phát hành tại Nga: The Batman, Turning Red và Morbius


Đại diện của Disney cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định kinh doanh trong tương lai dựa trên tình hình thực tế của chiến dịch quân sự này."


Apple tạm ngừng kinh doanh các sản phẩm tại Nga


Vào ngày 1/3, Apple đã tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu và kinh doanh các sản phẩm tại Nga. Đồng thời, công ty cũng xóa hai nền tảng truyền thông của Nga là Russia Today và Sputnik khỏi App Store, vô hiệu hóa tính năng giao thông và sự cố trực tiếp khỏi Apple Maps, hạn chế sử dụng Apple Pay và các dịch vụ khác ở Nga.



Airbnb cung cấp chỗ ở cho những người tị nạn tại Ukraine


Khi tình hình quân sự tại hai nước đang diễn biến phức tạp, hơn 500.000 người dân Ukraine đã phải tìm đến các quốc gia lân cận khác để tị nạn. Do đó, Airbnb đã cam kết cung cấp chỗ ở ngắn hạn miễn phí cho tối đa 100.000 người. Số tiền lưu trú sẽ được tài trợ từ khoản đóng góp của Quỹ người tị nạn Airbnb.org và sự trợ giúp từ các chủ nhà trên nền tảng. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Airbnb, Brian Chesky cũng kêu gọi mọi người ở Ba Lan, Đức, Hungary và Romania hãy mở rộng vòng tay chào đón những người tị nạn.


Airbnb đang nỗ lực giúp đỡ những người dân tị nạn


Bên cạnh đó, Airbnb cũng nỗ lực trong việc hợp tác với chính phủ để hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu ở từng quốc gia, bao gồm cả việc cung cấp thời gian lưu trú dài hạn hơn. Họ cũng sẽ làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để điều phối thời gian lưu trú cho những người tị nạn bất kể quốc tịch, sắc tộc và chủng tộc.


Giám đốc Điều hành Nestlé kêu gọi hòa bình


Trong một thông báo mới nhất trên LinkedIn, Giám đốc điều hành Nestlé Mark Schneider đã chia sẻ: "Tôi cùng cộng đồng quốc tế kêu gọi hòa bình. Chiến tranh không phải là giải pháp đúng đắn." Ông cho biết thêm, diễn biến phức tạp của chiến dịch quân sự đã ảnh hưởng đến an ninh, phúc lợi cũng như sức khỏe tinh thần và cảm xúc của các nhân viên.


Thông báo mới nhất của Nestlé trên LinkedIn


Bắt đầu từ 03/03, Nestlé sẽ gộp các khoản quyên góp của nhân viên cho Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nhằm hỗ trợ cung cấp nơi trú ẩn, vật phẩm viện trợ cơ bản và vật tư ý tế cho những người đang gặp khó khăn trong khu vực.


Amazon tham gia hỗ trợ cho người dân Ukraine


Dù không hoạt động trực tiếp tại Ukraine nhưng Amazon đã cùng các nhân viên tài trợ 5 triệu USD cho các tổ chức đang hỗ trợ trên thực địa bao gồm UNICEF, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme), Hội Chữ Thập đỏ (Red Cross), Hành động Nhân đạo Ba Lan (Polska Akcja Humanitarna) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children).


Amazon hỗ trợ người dân Ukraine theo nhiều cách khác nhau


Bên cạnh đó, Amazon cũng hỗ trợ các khách hàng muốn quyên góp cho người dân Ukraine bằng cách thêm nút đóng góp vào trang chủ ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức. Nếu khách hàng tham gia hoạt động này, Amazon sẽ miễn phí phí thanh toán cho họ.


Ngoài việc hỗ trợ tài chính, công ty cũng nỗ lực hỗ trợ những nhân sự và người nhập cư Ukraine theo những cách khác nhau. Điển hình như cho phép nhân viên ở Ba Lan thêm thời gian nghỉ phép để họ có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình, hỗ trợ công dân Ukraine xúc tiến thị thực lao động nhập cư nếu họ có mong muốn chuyển chỗ ở.


Kim Ngọc / Advertising Vietnam