Ngày nay, chúng ta không thể nào phủ nhận được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng của video trên các trang mạng xã hội. Ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng hình thức quảng bá thương hiệu bằng video đang ngày càng được nhiều công ty sử dụng.


Sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội đã buộc các nhà tiếp thị phải làm cho video của họ trở nên tương tác, sáng tạo và đổi mới hơn. Theo thống kê từ Smart Insight, trong vài năm tới, những người sử dụng mạng xã hội sẽ dành nhiều thời gian hơn để xem các video. Thế nên, bắt kịp những xu hướng và áp dụng hình thức video vào các chiến lược marketing sẽ giúp bạn thu hút được sự chú ý của khách hàng nhiều hơn.


Video 360 độ và thực tế ảo

Video 360 độ là một công cụ tuyệt vời để mang đến cho khách hàng trực quan về những gì thương hiệu của bạn cung cấp. Không giống như hình ảnh, video cho phép người xem thấy cách thức mà sản phẩm hoặc dịch vụ hoạt động. Tuy nhiên, nếu bạn muốn giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình, video 360 độ có thể là một lựa chọn hấp dẫn. Đây là một loại video mang đến cho khách hàng những trải nghiệm về hình ảnh vô cùng chân thật,khách hàng có thể tương tác được những sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi mà họ quyết định mua nó. Video 360 độ thường phù hợp với các công ty liên quan đến các lĩnh vực du lịch, nhưng cũng có thể được áp dụng trong các lĩnh vực khác như bất động sản, bán lẻ, đại lý xe hơi…


Mua sắm trực tuyến qua video

Buôn bán trên các phương tiện truyền thông xã hội có lẽ là một trong những xu hướng thương mại điện tử quan trọng trong những năm gần đây. Với các video cho phép người dùng phương tiện truyền thông xã hội mua sắm tại chỗ, người mua hàng không còn cần phải tự tìm kiếm sản phẩm họ muốn. Khi xem một video bán hàng, tất cả những gì người mua cần làm là nhấp vào sản phẩm trên video mà họ muốn mua, sau đó khách hàng sẽ được tự động chuyển hướng đến trang web bán hàng để xem món hàng đó. Trong một số trường hợp, khách hàng thậm chí có thể chỉ cần thêm vào giỏ hàng và đi thẳng vào trang web để kiểm tra lại. Thông qua dạng video này, bạn có thể rút ngắn lại thời gian mua hàng cho người sử dụng.


Live-stream

Khái niệm video live-stream giờ đây có lẽ đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Video live-stream giúp cho người xem có cảm giác gần gũi hơn và tăng mức độ tương tác bởi người xem biết rằng những câu hỏi và nhận xét của họ sẽ được phản hồi ngay trong thời gian thực. Các video live-stream thường được các thuật toán truyền thông xã hội ưu tiên đưa lên trang chủ. Bằng cách này, người dùng có thể tham gia khi sự kiện đang diễn ra. Có nghĩa là, bạn không chỉ tăng cơ hội khiến nội dung của bạn được chú ý mà còn thu hút mọi người ngay lập tức. Tuy hình thức live-stream không mới nhưng nó được dự đoán vẫn sẽ là “mảnh đất vàng” cho những công ty muốn quảng bá thương hiệu của mình trong năm 2020.


Ngày nay, các công ty có thể sử dụng video live-stream để quảng bá: - Sản phẩm mới - Thông báo - Hội thảo - Phỏng vấn - Sự kiện


Vlogging

Vlogging là một xu hướng video phổ biến chúng ta thấy ngày nay, đặc biệt là trên YouTube. Tính đến năm 2018, có 34% người tham gia mạng xã hội xem vlog trên YouTube ít nhất mỗi tháng một lần. Có thể thấy hình thức vlog thường được các cá nhân sử dụng với mục đích ghi lại những sự việc diễn ra bao quanh cuộc sống hàng ngày của họ, chia sẻ kiến thức, chuyên môn hoặc để thể hiện bản thân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã xuất hiện không ít các thương hiệu quảng bá sản phẩm của mình thông qua các vlogger và KOLs nổi tiếng. Điều này dễ dàng tạo nên sự tương tác và sự ảnh hưởng nhờ vào những người hâm mộ của họ.


Ví dụ như tại Việt Nam, cô nàng vlogger Changmakeup đã quảng bá thành công thương hiệu son Ofelia của mình thông qua các vlog đăng tải trên Youtube. Cô sử dụng kênh Youtube của mình để chia sẻ những nhận xét về các loại mỹ phẩm, cách để trang điểm hay cuộc sống hàng ngày của mình.


Việc sử dụng video với hình thức vlog để quảng bá thương hiệu sẽ giúp bạn kết nối dễ dàng với khách hàng cũng cho khách hàng cảm giác gần gũi hơn với sản phẩm. Video không có âm thanh (Mute Video)


Cách đây vài năm, Facebook đã phát hành tính năng tự động phát video cho phép người dùng phát trực tiếp mà không cần âm thanh. Điều này giúp mọi người ngăn chặn việc xem một video nào đó với âm thanh phát ra khi đang ở nơi công cộng. Verizon Media đã tiết lộ rằng có 92% người xem video tắt âm thanh khi họ sử dụng các thiết bị di động của họ. Hơn nữa, khi các trang mạng xã hội bắt đầu sử dụng tính năng này, phụ đề cho các video đã trở thành một yêu cầu cần thiết của các video đăng tải trên mạng xã hội. Điều này cho thấy rằng rất nhiều người dùng phương tiện truyền thông xã hội bây giờ thích xem các video tắt âm. Vì vậy, sẽ là một ý tưởng tốt khi thêm phụ đề vào các video hoặc sản xuất các video mà không nhất thiết phải sử dụng âm thanh.


Video định dạng dọc


Dễ dàng nhận thấy được ngày nay, con người có xu hướng dành nhiều thời gian của mình cho việc sử dụng điện thoại hơn là trên máy tính. Những người sử dụng điện thoại thường có thói quen tắt chế độ tự động xoay màn hình vì sự bất tiện của nó, bởi lẽ vậy ta có thể suy xét đến việc tạo ra những chiếc video định dạng dọc để mang lại cho người xem cảm giác tiện lợi. Xu hướng này một phần cũng nhờ vào sự phát triển của chức năng Stories, IGTV trên Instagram hay Snapchat, một công cụ cho phép bạn có thể đăng tải các video hướng dọc có độ dài từ 15 giây đến 60 phút. Các công ty có thể tận dụng các chức năng này để quảng bá thương hiệu và kết nối được với nhiều đối tượng khán giả hơn.


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Tổng hợp