⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Một số khái niệm⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Trước khi bàn về du lịch làng nghề truyền thống, các khái niệm về du lịch và các khái niệm về làng nghề truyền thống cần được trình bày tường minh và thống nhất.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

  • Du lịch: Sự di chuyển ra khỏi nơi ở thường xuyên của mình, trong thời gian không quá 01 năm liên tục (theo Luật Du lịch 2017), với mục đích không liên quan đến thu nhập.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

  • Khách du lịch: người di chuyển mục đích không phải để làm việc, đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, tìm hiểu… Khách du lịch có vai trò quan trọng, cần được tìm hiểu kĩ để khái quát được thị trường khách cho từng sản phẩm du lịch. Người làm du lịch cần biết được khách của mình là ai để cung cấp đúng giá trị mà họ mong muốn.

⠀⠀⠀⠀⠀

  • Tài nguyên du lịch: Tài nguyên có thể khai thác để phục vụ du lịch.Tài nguyên du lịch là một yếu tố quan trọng cần xem xét để đánh giá khả năng khai thác du lịch. Theo Luật Du lịch 2017, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số tài nguyên du lịch mang tính nhân tạo.

⠀⠀⠀⠀⠀

  • Sản phẩm du lịch = Tài nguyên du lịch + Cơ sở vật chất du lịch + Tập hợp các dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm du lịch được xem xét xây dựng dựa trên tính độc đáo, tính hấp dẫn và tính hiệu quả của sản phẩm.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Từ các khái niệm trên, ta có thể thấy làng nghề truyền thống là một tài nguyên du lịch văn hóa, có thể khai thác để trở thành sản phẩm du lịch. Để hiểu rõ hơn về các đặc tính của sản phẩm này, ta cần làm rõ các định nghĩa và tính chất của nó.

⠀⠀⠀⠀⠀

  • Nghề truyền thống: Các nghề làm nông cụ hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ, có truyền thống lâu đời. Người làm nghề truyền thống chủ yếu là nông dân, lúc nông nhàn thì làm các sản phẩm từ chính nguyên liệu địa phương như mây tre, gỗ, đất, đồng…

⠀⠀⠀⠀⠀

  • Làng nghề: Cộng đồng cùng làm một nghề truyền thống, có sự liên kết chặt chẽ theo lãnh thổ, huyết thống, kinh tế, văn hóa, tâm linh… Các làng nghề và nghề truyền thống trước tiên thu được lợi ích kinh tế từ chính việc buôn bán những sản phẩm do mình sản xuất ra. Sau đó, khi ngành du lịch xuất hiện, người nông dân làng nghề được hưởng thêm nguồn lợi to lớn từ dịch vụ tham quan làng nghề của khách du lịch. Cho đến nay, ở nhiều làng nghề truyền thống, lợi nhuận thu được từ du lịch còn lớn hơn lợi nhuận từ chính bản thân sản phẩm của nghề.

⠀⠀⠀⠀⠀

  • Ngoài những sản phẩm thủ công, truyền thống, làng nghề còn gắn với những lễ hội đặc trưng của nghề. Đây cũng là tài nguyên có thể phát triển thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Ảnh: Travellive

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Hiện trạng nghề truyền thống và du lịch làng nghề truyền thống

Nghề truyền thống và dịch vụ du lịch làng nghề là các hoạt động kinh tế gắn bó hoạt động chặt chẽ với nhau, dung dưỡng lẫn nhau. Làng nghề mang lại sự độc đáo và hấp dẫn cho dịch vụ du lịch, trong khi nguồn lợi từ du lịch giúp duy trì làng nghề. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các nghề truyền thống đang dần bị mai một, suy thoái. Sự suy thoái này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Đầu tiên, sự suy thoái của các nghề truyền thống đến từ việc thế hệ trẻ không còn mặn mà với các nghề “tay chân” nữa. Làng nghề không có người trẻ tham gia dẫn đến năng suất suy giảm, sức sáng tạo suy giảm, các kĩ thuật không có người tiếp nối cũng dần mai một, trong tương lai còn có thể biến mất hoàn toàn khi không còn ai theo nghề nữa.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Thứ hai, sự suy giảm nguyên liệu tự nhiên cũng dẫn đến suy thoái trong các làng nghề. Đối với hầu hết các làng nghề truyền thống hình thành bởi những người nông dân, nguyên liệu sản xuất của nghề luôn đến từ môi trường tự nhiên tại địa phương. Các làng nghề một cách tự nhiên thường được hình thành gần các nguồn nguyên liệu. Trong giai đoạn hiện nay khi mà môi trường tự nhiên đang bị tàn phá nghiêm trọng, các vật liệu của nghề truyền thống như gỗ, đất sét, kim loại cũng dần dần cạn kiệt, hoặc chi phí sản xuất ra quá đắt đỏ, không cạnh tranh được với các nguyên liệu nhân tạo bằng hóa chất. Không còn nguồn nguyên liệu hoặc nguyên liệu trở nên quá đắt đỏ, nhiều làng nghề dần mai một cho đến lụi tàn.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Thứ ba, các sản phẩm của làng nghề không còn đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng. Khi không còn sự tham gia sản xuất sáng tạo của người trẻ, tư duy của những người thợ thủ công già không thể bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của người dùng trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, các sản phẩm công nghiệp với giá thành rẻ, độ bền cao, mẫu mã đẹp, số lượng lớn liên tục xuất hiện và thay đổi khiến những sản phẩm thủ công trở nên lỗi thời, không đủ sức cạnh tranh trong thị trường muôn màu muôn vẻ.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Tuy nhiên, khi vai trò cung ứng sản phẩm của làng nghề truyền thống dần bị thu hẹp, thì một vai trò khác xuất hiện, mang đến một ý nghĩa tồn tại mới cho các làng nghề truyền thống: Vai trò đại diện văn hóa trong ngành du lịch. Thông qua du lịch, làng nghề truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch và có tiềm năng phát triển theo hướng du lịch văn hóa. Làng nghề truyền thống là một tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch.

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Quá trình phát triển này cần được hỗ trợ định hướng và quy hoạch, bởi không phải làng nghề nào cũng có đủ các điều kiện độc đáo, hấp dẫn và hiệu quả để trở thành sản phẩm du lịch. Ngoài phương án phát triển các làng nghề truyền thống sẵn có, các nhà quản lý cũng có thể chủ động tạo ra các làng nghề để tạo thành một sản phẩm du lịch. Một ví dụ của phương án tạo ra làng nghề là mời gọi các nghệ nhân của nhiều nghề truyền thống lại về cùng một địa phương, rồi tạo điều kiện cho họ được sinh sống và thực hành nghề tại đó, đồng thời tổ chức cho du khách tham quan “bảo tàng làng nghề” này. Mô hình này đã được ứng dụng thành công ở Hàn Quốc. Với vai trò là hạt nhân của hình thức du lịch làng nghề truyền thống, các nghề truyền thống có thể nhận được sự lợi nhuận và các lợi ích khác từ ngành du lịch để tiếp tục duy trì thực hành nghề và phát triển. Việc tương tác với nhiều khách du lịch đến từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các làng nghề truyền thống.

⠀⠀⠀⠀⠀

Các mô hình kết hợp du lịch và nghề truyền thống

Một số ví dụ về các mô hình làng nghề truyền thống thực hành nghề kết hợp với dịch vụ du lịch ở Việt Nam:

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Du khách → Làng nghề (Du khách tự đến làng nghề không qua trung gian)

Ở trường hợp này, hộ kinh doanh của chú Bảy Bon ban đầu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tự phát. Sau đó, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp của chú và các hộ xung quanh nhận được sự hướng dẫn quy hoạch, tổ chức bài bản hơn, có người bán vé, có hướng dẫn viên hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, sự thay đổi này, cùng với việc du khách đến tham quan ngày một nhiều khiến trải nghiệm du lịch của du khách cũng thay đổi theo. Du khách ít có sự tương tác với người làm nghề hơn, du khách cũng ít trải nghiệm về nghề hơn mà chỉ check-in, chụp ảnh,...

Ví dụ: Bè cá chú Bảy Bon Cần Thơ, Làng Hoa Sa Đéc.

⠀⠀⠀⠀⠀

Du khách → Các doanh nghiệp du lịch (doanh nghiệp trong địa phương hoặc ngoài địa phương) → Làng nghề

Ở mô hình này, các làng nghề được hướng dẫn tổ chức du lịch bài bản ngay từ đầu. Các mô hình này có sự tham mưu của các doanh nghiệp du lịch. Doanh nghiệp đóng vai trò là người đóng gói và quảng bá sản phẩm du lịch, tức các làng nghề và là cầu nối đưa du khách đến với làng nghề.

Ví dụ: Làng gốm Bàu Trúc_ Ninh Thuận, Làng dệt Mỹ Nghiệp_Ninh Thuận, Làng lụa Tân Châu_An Giang.

⠀⠀⠀⠀⠀

Một khó khăn hiện nay của các làng nghề này, cũng như rất nhiều làng nghề truyền thống khác là sản phẩm của họ không cạnh tranh với sản phẩm giá trẻ từ Trung Quốc. Ví dụ như sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công theo phương pháp truyền thống ít được ưa chuộng ngay cả trong chính cộng đồng làm nghề vì khó sản xuất, sản lượng thấp, hoa văn không phù hợp với thị hiếu của người dùng. Trong khi đó, các sản phẩm thổ cẩm Trung Quốc dệt bằng máy giá rất rẻ, mẫu mã đa dạng, số lượng cực kì lớn. Các sản phẩm của làng nghề khi không cạnh tranh được trên thị trường thì bản thân nghề cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư dài hạn để tiếp tục duy trì.

Ví dụ: Vương quốc đỏ Miền Tây, Vĩnh Long Nghề làm gạch.

⠀⠀⠀⠀⠀

Vấn đề của một số làng nghề khác, ví dụ như làng nghề làm gạch ở Vĩnh Long là vấn môi trường và không gian làm việc. Đây là một trong những nghề có điều kiện lao động khắc nghiệt và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động do các vấn đề khói bụi, đồng thời cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Để có thể tồn tại, các làng nghề này cần nhận được sự hướng dẫn và tái quy hoạch từ các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

⠀⠀⠀⠀⠀

Đối với trường hợp của các lò gạch tại Vĩnh Long còn có một vấn đề mang tính nhân văn đó là môi trường làm việc của người thợ thủ công. Trong khi họ đang làm việc rất nặng nhọc trong môi trường nóng nực, khói bụi thì nhiều du khách vô tư cười đùa, chụp ảnh họ mà không xin phép, hoặc vô ý làm ngã đổ, hư hỏng các sản phẩm còn đang trong quá trình hoàn thiện. Để thể hiện tính ‘’văn hóa’’ và “có trách nhiệm” trong du lịch, người tổ chức hoạt động du lịch, HDV du lịch cần khéo léo đưa các nội dung nâng cao ý thức cho du khách vào hoạt động tham quan.

⠀⠀⠀⠀⠀

Ảnh: Soha travel


Du khách → Doanh nghiệp du lịch → Làng nghề → Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀

Lấy trọng tâm là doanh nghiệp chế biến để liên kết giữa hộ cung cấp nguyên liệu (sắn) làng nghề cơ sở chế biến  gian hàng bán sản phẩm, làng nghề phở sắn ở Quế Sơn bên cạnh hoạt động du lịch, hoạt động chính của làng vẫn là thực hành nghề làm phở sắn, cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị và xuất khẩu. Việc làng nghề phát triển tự thân, thu được lợi nhuận từ chính thực hành nghề giúp doanh nghiệp, người nông dân, làng nghề tồn tại lâu dài. Trong đó, nguồn thu từ du lịch là thu nhập phụ nên làng nghề ít bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ của du lịch và đặc biệt là sự đóng băng của ngành du lịch trong mùa Covid.

Ví dụ: Làng nghề phở sắn Quế Sơn Quảng Nam và doanh nghiệp phở sắn Caromi

⠀⠀⠀⠀⠀

Có một vấn đề được đặt ra trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng nghề truyền thống, đó là việc giữ tính nguyên bản của nghề. Việc tiếp xúc với khách du lịch khiến tính chất của nhiều sản phẩm du lịch biến đổi để phù hợp với nhu cầu của khách, ví dụ các cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre đã giảm độ ngọt của kẹo để phù hợp với khẩu vị của du khách. Hay hình thức biểu diễn nghề, làm mô hình trưng bày mô tả thực hành nghề hoặc cho người khác đóng giả làm nghệ nhân để giới thiệu nghề với du khách. Trong quá trình biểu diễn này, nhiều thông tin về nghề và làng nghề bị hiểu sai lệch khiến vấn đề bảo tồn sự nguyên bản của làng nghề trở nên cấp thiết, cần có sự quan tâm điều chỉnh kịp thời và đúng mực.

⠀⠀⠀⠀⠀

Một số thách thức của mô hình du lịch làng nghề truyền thống

Từ các ví dụ được giới thiệu ở phần trước, có thể rút ra được những vấn đề trong việc kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa ở các làng nghề truyền thống như sau:

⠀⠀⠀⠀⠀

Đầu tiên là vấn đề bảo tồn nghề truyền thống và làng nghề. Để bảo vệ được sự phát triển bền vững của làng nghề thì các vấn đề môi trường, sự dễ dàng tiếp cận của nguyên vật liệu, sự tiếp nối của làng nghề cần được giải quyết. Để làng nghề phát triển với tư cách một sản phẩm du lịch, tính nguyên bản, độc đáo, hấp dẫn của làng nghề cần được bổ sung cân nhắc và đầu tư.

⠀⠀⠀⠀⠀

Vấn đề thách thức thứ 2 của các làng nghề du lịch là tác động của du lịch đến làng nghề. Du khách đến với làng nghề có thể mang theo nhiều sự thay đổi trong tập quán sản xuất, đặc tính sản phẩm. Thậm chí việc chuyển đổi từ hình thức kinh doanh sản xuất sản phẩm thuần túy sang sản xuất kết hợp với dịch vụ cũng sẽ sản sinh ra nhiều vấn đề mới ở các làng nghề như hiện tượng chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh,... cần được chú ý, dự đoán và có phương án xử lý trước khi chuyển biến xấu.

⠀⠀⠀⠀⠀

Đối với các công ty du dịch và cơ quan quản lí, cần có phương án giáo dục du khách về văn hóa, về vai trò của làng nghề. Du khách cần có tinh thần du lịch có trách nhiệm, tôn trọng làng nghề và các di sản của làng nghề khi đến tham quan, tránh việc gây ra quá nhiều tác động đến tính nguyên bản của làng nghề.

⠀⠀⠀⠀⠀

Về phía làng nghề, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, làng nghề cần giáo dục lòng yêu nghề, ý thức bảo tồn nghề truyền thống cho các thế hệ của làng nghề. Sự giáo dục đúng đắn không chỉ giúp thế hệ trẻ tham gia tiếp nối và bảo tồn giá trị của làng nghề, mà còn giúp những nghệ nhân đang thực hành nghề vững tin vào giá trị của nghề, tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để nâng cao thương hiệu của làng nghề.

⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀

⠀⠀⠀⠀⠀

Học viên Nguyễn Mai Hà - Trường học Phát triển Việt Nam