Vào tháng 6/2021, thương hiệu adidas đã đệ đơn kiện Thom Browne, cáo buộc công ty thời trang này sử dụng họa tiết bốn sọc "bắt chước" họa tiết ba sọc mà thương hiệu đã đăng ký lâu nay. Được biết, Thom Browne đã luôn trung thành với các trung phục công sở nhưng sau này công ty đã sử dụng họa tiết bốn sọc tương tự họa tiết adidas đã sử dụng từ năm 1952 để mở rộng các thiết kế thể thao.


Trong đơn khiếu nại do adidas đệ trình vào tháng 6 năm ngoái, adidas đã tuyên bố rằng họ đã sử dụng và quảng bá rộng rãi họa tiết ba sọc trên hầu hết các sản phẩm quần áo và giày dép của mình. Họa tiết ba sọc được xem là biểu tượng của adidas và đã được thương hiệu đăng ký quyền sở hữu vào 08/03/2016 (theo Justia Trademarks). Theo adidas, việc Thom Browne bắt chước họa tiết ba sọc của adidas có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, làm tổn hại đến giá trị của thương hiệu. Do đó, adidas đưa ra các khiếu nại về việc Thom Browne vi phạm nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh: "Thom Browne đã cạnh tranh trực tiếp với adidas bằng cách sản xuất các sản phẩm quần áo thể thao có kiểu dáng giống adidas một cách khó hiểu."


Một số sản phẩm sử dụng họa tiết bốn sọc của Thom Browne


Ngoài ra, theo adidas, Thom Browne còn "xâm lấn" vào các thị trường cốt lõi của thương hiệu, đơn cử như bóng đá. Thom Browne đã ký hợp đồng hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Barcelona vào mùa giải 2018 - 2019 và kéo dài cho đến năm 2021. Thậm chí, họ còn sử dụng hình ảnh của các cầu thủ bóng đá được adidas tài trợ, trong đó nổi bật nhất là Lionel Messi. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Thom Browne đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu ÂuVăn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (U.S. Patent and Trademark Office). Bên cạnh đó, adidas cũng cho biết, cố vấn nội bộ của adidas đã cố gắng thương lượng giải pháp với luật sư của Thom Browne vào mùa hè và mùa thu năm 2018 nhưng không mang lại kết quả.



Thom Browne hợp tác với Barcelona


Đến tháng 12/2020, adidas đã đệ đơn phản đối lên Hội đồng Xét xử và Khiếu nại về nhãn hiệu của Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ yêu cầu họ từ chối cho Thom Browne đăng ký nhãn hiệu. Lý do adidas đưa ra là hai nhãn hiệu quá giống nhau và nhãn hiệu của adidas đã tồn tại rất lâu trước đó.


Hai bên đã đồng ý gia hạn thời gian để có thể giải quyết vấn đề một cách hòa nhã nhưng không mang lại kết quả như ý muốn. Do đó, adidas đã đâm đơn kiện ngay lập tức, đưa ra các khiếu nại về việc vi phạm nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh và tìm cách cấm Thom Browne phân phối, tiếp thị và bán các sản phẩm quần áo, giày dép có sử dụng họa tiết tương tự adidas.


Thom Browne phản bác lại rằng adidas đã biết về việc họ sẽ sử dụng họa tiết bốn sọc kể từ năm 2007. Trong suốt thời gian từ năm 2009 đến 2018, adidas không hề phàn nàn gì về việc Thom Browne sử dụng họa tiết bốn sọc vào các thiết kế. "Ngoài ra, không có trường hợp khách hàng nhầm lẫn về hai họa tiết" - công ty Thom Browne cho biết.


Các thiết kế thể thao sử dụng họa tiết bốn sọc của Thom Browne


Sau khi Tòa án Liên bang New York từ chối hủy bỏ vụ kiện do adidas khởi xướng, Thom Browne đã đệ trình câu trả lời bao gồm 18 lời bào chữa và một lá đơn yêu cầu hủy bỏ quyền sở hữu độc quyền họa tiết ba sọc của adidas. Thom Browne khẳng định rằng hai bên hoạt động tại các thị trường riêng biệt, sở hữu các sản phẩm với mức giá khác nhau và không phải đối thủ cạnh tranh ở cùng lĩnh vực. Thom Browne đã khẳng định họ không lấn sân sang thị trường của adidas. Vì thế, việc sử dụng họa tiết có phần giống nhau cũng không gây nên nhầm lẫn gì. 


Công ty cũng lập luận rằng họa tiết ba sọc của adidas chẳng phải là độc quyền. Nhiều bên thứ ba vẫn sử dụng và biến tấu họa tiết này trên các thiết kế quần áo và giày dép. "Thương hiệu adidas đã không kiểm soát được thị trường, ngầm cho phép các bên thứ ba sử dụng họa tiết ba sọc. Thực tế, do adidas quá nổi tiếng nên mới tạo được nhận thức riêng về họa tiết này" - trích quan điểm của Thom Browne. Do đó, Thom Browne cho rằng việc adidas không thể kiện họ vì sử dụng họa tiết tương tự được. Công ty đang yêu cầu adidas bác bỏ đơn kiện và bồi thường các chi phí phát sinh do vụ kiện cho họ.


Theo The Fashion Law

Kim Ngọc / Advertising Vietnam