Chiến dịch quảng cáo cảm xúc, dù ngày càng được ưa chuộng bởi khả năng tạo sự gắn kết với khách hàng, nhưng vẫn còn khá mới mẻ với ngành ngân hàng. Vừa qua, VPBank đã tiên phong khởi xướng xu hướng này với chiến dịch mới “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng”.


Thị trường ngành quảng cáo ngày càng đa dạng với nhiều hình thức mới lên ngôi, mang đến vô vàn luồng gió mới. Đã được yêu thích từ cách đây vài năm và vẫn luôn được ưu ái chính là các chiến dịch đánh vào cảm xúc với khả năng tạo sự liên kết với khách hàng sâu hơn ranh giới tính năng sản phẩm. Nhưng nếu emotional marketing (chiến lược marketing cảm xúc) trước đây vẫn là “lãnh địa” riêng của ngành lifestyle, FMCG hay dịch vụ thì nay đã được mở rộng với ngành ngân hàng. Nhân vật tiên phong khởi xướng xu hướng này chính là VPBank, với chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” vừa ra mắt đầu tháng 01/2022.


1. Emotional marketing - chìa khóa chinh phục khách hàng trong thời đại bùng nổ thông tin 


Với đặc thù sản phẩm phức tạp, các chiến dịch quảng cáo của ngành ngân hàng đa phần đều xoay quanh tính năng sản phẩm. Tuy nhiên, giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sự khác biệt của giữa các sản phẩm tài chính ngày một ít đi. Khối lượng thông tin nhiều và tương tự nhau giữa các đối thủ khiến việc quảng bá về tính năng và lợi ích đang dần trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, thời đại thông tin bùng nổ và sự chú ý ngày càng ít đi của khách hàng đã biến cảm xúc trở thành một trong những “điểm neo” giữ chân khách hàng lại với thương hiệu.


Bứt phá khỏi ranh giới marketing truyền thống của ngành ngân hàng vốn được xem là khô khan, chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” của VPBank đã khéo léo xây dựng cầu nối giữa tuyên ngôn thương hiệu và insight người dùng. Từ sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, chiến dịch đã khéo léo cắt nghĩa những khái niệm thịnh vượng khác nhau, gắn liền với những điều thân thuộc nhất trong cuộc sống hàng ngày của người dân Sài Gòn. 



Nhờ đó, định nghĩa thịnh vượng có vẻ xa vời đã được khoác lên tấm áo mới bình dị hơn, đó chính là những ước mơ và khát khao mà mỗi người đều có. Chính cách lý giải này đã trở thành chiếc chìa khóa để mở ra khoảng cách với khách hàng và thể hiện sự đồng hành của VPBank trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.


2. Thu hút từ những điều thân quen - cảm xúc


2.1 Hiểu người dùng

Để làm nên một chiến dịch marketing cảm xúc thành công, điều quan trọng đầu tiên chính là nắm bắt cảm xúc đối tượng mục tiêu. Trong chiến dịch lần này, VPBank tập trung vào đối tượng khách hàng tại TP.HCM với mong muốn tăng nhận biết thương hiệu, thúc đẩy quá trình Nam tiến.


 

Là điểm dừng chân được người dân từ khắp mọi miền đất nước chọn để an cư lạc nghiệp, Sài Gòn tổng hòa vô vàn cá tính và luôn phóng khoáng để mọi người tự do thể hiện nét riêng. Chất văn hóa của thành phố này được thể hiện khác biệt trong từng quận huyện, đặc trưng với từng nhóm dân cư. Và người Sài Gòn luôn tự hào vì điều đó. Đây chính là chất liệu đầu tiên cho chiến dịch marketing của VPBank. 


2.2 Kể chuyện

Với màu sắc cá tính đa dạng như thế, VPBank đã quyết định thể hiện sự thấu hiểu và đồng hành cùng Sài Gòn của mình bằng cách kể những câu chuyện riêng của từng quận huyện, tổng hòa dưới bức tranh chung Sài Gòn thịnh vượng. 


Ấn tượng với những tấm pano được cá nhân hóa: Những tấm pano được dựng lên khắp thành phố để tạo ấn tượng với người dân thành phố. Cư dân của mỗi quận huyện sẽ được nhìn thấy một câu chuyện khác nhau, đặc trưng cho chính vùng đất mình đang sinh sống và lớn lên mỗi ngày. Những điều này có thể đơn giản và quen thuộc đến mức đã trở thành một đặc tính “bất thành văn” mà bất kỳ ai cũng biết. Nay, chúng được gọi tên khiến không ít người xem thích thú và cảm thấy đồng cảm. 




PR tạo độ phủ: Tuyến bài PR cũng được lên sóng dày đặc nhằm tạo độ phủ. Hình ảnh về các tấm pano trải khắp các quận huyện góp phần lan tỏa thông điệp lý thú này trên nền tảng online. 


Tương tác với minigame social: Sự nhận biết đã có, chiến dịch tiếp tục tương tác chặt chẽ hơn với minigame kêu gọi mọi người chia sẻ ước mơ thịnh vượng của riêng mình. Hình thức chia sẻ câu chuyện riêng này giúp thương hiệu góp nhặt được những chất liệu mới, những câu chuyện nguyên bản từ khách hàng. Thông điệp của chiến dịch là “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” cũng sẽ được lý giải sâu hơn: thịnh vượng không phải là điều gì quá xa xôi mà chính là những mục tiêu, ước mơ của mỗi chúng ta. 

 


Truyền cảm hứng với hero video: “Điểm neo” cảm xúc lớn nhất của toàn chiến dịch chính là phim ngắn được thực hiện cùng travel blogger Khoai Lang Thang. Mạch truyện được kể theo ngôi thứ nhất để tăng khả năng dẫn dắt cho người xem, cũng như mang tính khách quan từ góc nhìn một người quan sát về sự đồng hành của VPBank trong cuộc sống người dân Sài Gòn mỗi ngày. Đây có thể xem là một cách thực thi độc đáo với một chiến dịch marketing của ngành ngân hàng. 


Nội dung video dẫn dắt người xem khám phá Sài Gòn ngày cận tết, lồng ghép trong đó là các ước mơ, định nghĩa thịnh vượng của từng nhân vật. Không hề “đao to búa lớn”, khái niệm vốn chỉ gắn liền với sự giàu có về tiền bạc nay được cắt nghĩa gần gũi với từng nhóm người, mở ra những khía cạnh thịnh vượng khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. 


 

Đó có thể là niềm hạnh phúc khi gia đình có một cái Tết đủ đầy thành viên; là sự sung túc trong tâm của một người chủ doanh nghiệp khi có thể thanh toán lương thưởng cho nhân viên trước Tết; là niềm vui của một ông chủ quán cơm tấm khi các thực khách có thể ngon lành thưởng thức bữa ăn ngon lành mà không lo tăng giá. Những điều bình dị ấy, dù là về vật chất hay tinh thần, đều là thịnh vượng của riêng mỗi người.


Hành trình cảm xúc của chiến dịch lần này đã được VPBank dẫn dắt rất tài tình. Từ tạo sự chú ý ở diện rộng, đến xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội để mỗi người đều có thể lan tỏa thông điệp của riêng mình. Từ đó, gắn kết sâu hơn với video cảm xúc thể hiện góc nhìn và vai trò của thương hiệu. Hình ảnh VPBank xuyên suốt chiến dịch cũng được thể hiện vừa đủ, không hề choáng ngợp, đủ để chứng minh vị thế của một người bạn đồng hành lâu năm, cùng tiến bước với những ước mơ, cùng người Sài Gòn chinh phục những cột mốc thịnh vượng riêng.


3. Chiến dịch được hưởng ứng tích cực 


Khởi động từ tháng 1, qua gần một tháng triển khai, chiến dịch “Sống Trọn Thịnh Vượng Riêng” đã thu về những kết quả tích cực: 


  • 27 tấm pano quảng cáo LED và 1500 màn hình frame thang máy được lên sóng tại các ngã tư và trung tâm thương mại tại Sài Gòn, tiếp cận hơn 1 triệu người/ngày.


  • Minigame “Cùng chia sẻ ước mơ thịnh vượng riêng” đã tiếp cận được hơn 1,6 triệu người, có hơn 2.400 người tham gia và gần 650 lượt chia sẻ.


  • Các bài PR về chiến dịch cũng đã được lan tỏa trên 12 trang báo lớn với gần 100,000 lượt xem. 


  • Đặc biệt, phim ngắn Tết Trọn Thịnh Vượng Riêng vừa lên sóng ngày 26/01/2022 đã tiếp cận hơn 3,7 triệu người trên Fanpage, đạt 7,1 triệu lượt view trên Fanpage và Youtube, 1,5 triệu lượt chia sẻ và tương tác trên fanpage chính thức của VPBank.


Chiến dịch Sống trọn thịnh vượng riêng là một món quà tiếp nối những hoạt động hỗ trợ Sài Gòn chống dịch của VPBank, cùng đón chờ những điều đang được VPBank ấp ủ sẽ tiếp tục được kể như thế nào nhé.