Facebook và Bain & Company vừa cho ra mắt báo cáo “Điểm khác biệt giữa người tiêu dùng số ở hiện tại và trong tương lai”, chia sẻ những phát hiện thú vị về xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng Đông Nam Á và Việt Nam cũng như ý nghĩa và lời khuyên cho doanh nghiệp có thể nắm bắt những xu hướng đó để xây dựng chiến lược tăng doanh thu và phát triển.


Advertising Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng ông Khôi Lê, Giám đốc kinh doanh Facebook tại thị trường Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về kết quả của báo cáo này.


Theo ông, đâu là những kết quả đáng chú ý về sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng số tại Việt Nam trong thời gian qua?


Ngành thương mại điện tử, vốn đã phát triển vô cùng nhanh chóng, nay được tăng tốc bởi Covid và đã trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng Việt Nam. 65% người tiêu dùng Việt Nam là người tiêu dùng trực tuyến, 46% trong số đó đã chuyển sang sử dụng kênh trực tuyến là kênh mua sắm chính.


Không chỉ số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng lên, mà tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng tăng mạnh. Năm 2020 đã đạt mức 7 tỉ đô la, gấp đôi so với năm 2018. Với tốc độ này, tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến được dự đoán sẽ tăng gấp 3,7 lần vào năm 2025. Doanh thu thuần bán lẻ trực tiếp của Việt Nam được dự đoán là đạt 25 tỉ đô la vào năm 2025. Ngành bách hóa là ngành có mức tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm kép đạt 32%.


"Ngành thương mại điện tử, vốn đã phát triển vô cùng nhanh chóng, nay được tăng tốc bởi Covid và đã trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng Việt Nam." - Ông Khôi Lê, Giám đốc kinh doanh của Facebook tai Việt Nam.


Ngoài ra, các hoạt động mua sắm trực tuyến phần lớn được truyền cảm hứng từ các hoạt động khám phá trên mạng. Hơn 70% người dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ không xác định họ muốn gì hay mua từ đâu khi mua sắm trực tuyến. Thế hệ tiêu dùng trực tuyến này được gọi là “Thế hệ Khám phá ", khi 47% đơn hàng được xuất phát từ những hoạt động khám phá tìm cảm hứng, thay vì biết mình muốn mua gì và chủ động tìm kiếm sản phẩm.


Ông có thể chia sẻ thêm về Thế hệ Khám phá (Discovery Generation) ở Việt Nam. Dịch Covid-19 và sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của họ thế nào?


Nhóm Thế hệ Khám phá này có thói quen mua sắm phần lớn dựa vào sự cởi mở và cảm hứng từ sự Khám phá và Tìm kiếm khi trực tuyến. Phần lớn thời gian trực tuyến của họ được dành cho Mạng xã hội, Nhắn tin và Xem video. Riêng xem video, trung bình người tiêu dùng trực tuyến Việt Nam xem gần 38 video/ ngày, với 56% là những video ngắn trên mạng xã hội.


Thói quen mua sắm của người dùng Việt Nam cũng thay đổi nhiều so với năm ngoái: 64% người dùng Việt Nam cho biết họ cởi mở hơn khi thử mua hàng ở trang web mới và gần 70% trả lời là đã thay đổi thương hiệu mà họ hay mua trong 3 tháng qua. Lý do cho sự cởi mở và thay đổi này là họ tìm được sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn và có giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra. Sự cởi mở của người dùng Việt Nam được minh chứng bằng việc số lượng website TMĐT trung bình mà họ mua hàng tăng từ 4 website năm ngoái lên 5.7 website trong năm 2020, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.


Những đặc điểm này của Thế hệ Khám phá hoàn toàn không phân biệt tỉnh thành. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hành vi tiêu dùng và giá trị tiêu dùng của nhóm người dùng ở khu vực thành thị (Thành phố cấp 1) không có sự khác biệt đáng kể với nhóm các tỉnh thành cấp 2. Đây cũng là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp sớm thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tiếp cận người dùng, đặc biệt là trong giai đoạn “bình thường mới” do tác động của Covid.


Ông có đánh giá gì về người tiêu dùng số tại Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á?


Năm 2020, Việt Nam đang có 49 triệu người dùng mua sắm trực tuyến trong độ tuổi từ 15 trở lên (so với 46 triệu người năm 2019), cao thứ 3 trong khu vực ĐNA chỉ sau Indonesia (137 triệu) và Philippines (57 triệu người). Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 65% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam, con số này còn khiêm tốn so với Malaysia (83%), Singapore (79%) và Philippines (74%). Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng TMĐT cả về số lượng người dùng lần giá trị mua hàng ở Việt Nam trong những năm sắp tới vẫn còn tiềm năng.


Các thương hiệu và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể rút ra bài học gì từ những phát hiện này?


Sự ra đời của Thế hệ khám phá và sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp mà đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ đứng trước 1 cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ có thể chủ động đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến với các nhóm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn mà không cần ngân sách quá lớn ngay từ đầu. Đây là sự thay đổi rất lớn so với cách làm truyền thống mà chúng ta phải bị động chờ người tiêu dùng tìm đến sản phẩm dịch vụ của mình.


Cũng chính vì sự ra đời của Thế hệ khám phá, doanh nghiệp nói chung cần phải định hướng và cân nhắc chuyển hướng qua “Thương mại khám phá" để phục vụ thế hệ này. Thương mại khám phá ở đây là tiếp cận người tiêu dùng ở nơi họ dùng để tìm cảm hứng nhiều nhất, đó là mạng xã hội, tin nhắn và xem video. Doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng, số hoá để phục vụ hoạt động kinh doanh trên những nền tảng nêu trên.


Bên cạnh đó, việc người dùng thích khám phá và cởi mở hơn với thương hiệu mới giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận và bán hàng hơn. Điều đặc biệt của việc xây dựng cho các nền tảng khám phá ở trên mạng xã hội là việc không giới hạn về địa lý. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cân nhắc tiến hành quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình trên toàn quốc, mở rộng thị trường.


Cuối cùng, doanh nghiệp cũng nên chú ý tập trung giải quyết các lý do mà người dùng sẵn sàng thay đổi sản phẩm hoặc thương hiệu của họ như: cung cấp sản phẩm chất lượng tốt hơn, đưa ra các lựa chọn về giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra hoặc cung cấp các thương hiệu cao cấp khác thay thế.


Cảm ơn ông Khôi Lê đã giành thời gian chia sẻ những thông tin bổ ích với độc giả Advertising Vietnam!