Mới đây, người dùng Facebook tại Úc đã nhận được thông báo về việc mạng xã hội này đã chặn quyền được đọc và chia sẻ các tin tức trên nền tảng nhằm đáp trả dự luật truyền thông mới của chính phủ nước này.


Từ nay, các hãng tin tức tại Úc sẽ bị hạn chế quyền đăng tải link báo trên Facebook và người dùng cũng không thể chia sẻ nội dung tin trên nền tảng này. Động thái này được xem là một cách đáp trả của Facebook khi chính phủ Úc ban hành dự luật về việc thu phí sử dụng nội dung mà báo chí nước này cung cấp. Quyết định của Facebook sẽ bao gồm:


  • Đối với các trang báo / trang tin: Tuy vẫn có thể sử dụng các tính năng và công cụ quản lý tiêu chuẩn như chia sẻ hình ảnh, trạng thái và tương tác với người dùng, nhưng các trang báo sẽ không thể chia sẻ liên kết tin tức trên Facebook.
  • Đối với các trang báo tại nước ngoài: Người dùng Úc sẽ không nhìn thấy liên kết nội dung báo mà các trang báo quốc tế như New York Times, CNN đăng tải toàn cầu.
  • Đối với người dùng tại Úc: Không thể đọc, thậm chí chia sẻ đường link báo trên Facebook.
  • Đối với người dùng nước ngoài: Không thể thấy nội dung tin tức từ các trang báo tại Úc cũng như không có khả năng tự chia sẻ liên kết báo tại Úc.





Theo Facebook, quy định này đã cho thấy chính phủ Úc có cái nhìn sai lệch về bản chất mối quan hệ giữa mạng xã hội và các hãng tin. Facebook khẳng định không ăn cắp hoặc lấy bản quyền tin tức, trái lại, các trang báo tự nguyện chia sẻ nội dung để lan toả tới khán giả thông qua nền tảng này. Tuy đây là một quyết định khó khăn, nhưng Facebook đã lựa chọn dừng quyền chia sẻ nội dung thay vì chấp thuận với dự luật mới của chính phủ với hi vọng có thể tiếp tục đưa tin tức một cách tự do đến với người dùng tại Úc một lần nữa.



Ý tưởng về việc thu phí chia sẻ tin tức đã được đề cập từ lâu bởi các nhà xuất bản tại Mỹ hay nhiều quốc gia khác cho rằng Facebook và Google đã thu nhiều lợi nhuận khi ngành truyền thông chuyển dịch sang trực tuyến, khiến nhiều nhà xuất bản và các tờ báo buộc phải đóng cửa toà soạn. Vì vậy, các cơ quan quản lý tại nhiều nước cũng đang xem xét những điều luật xung quanh mối quan hệ giữa báo chí và công nghệ. News Corp - tập đoàn tin tức hàng đầu tại Úc chỉ đứng sau Wall Street Journal (Anh) hay New York Post (Mỹ) chính là một trong những đơn vị hưởng ứng quyết định trên, và vì thế, Google vừa ký kết thoả thuận 3 năm với tập đoàn này, chi trả hàng trăm triệu USD cho quyền sử dụng nội dung do News Corp cung cấp sau thời gian có ý định rút khỏi Úc. 



Trên thực tế, tính chất mối quan hệ giữa Google và tin tức so với Facebook có sự khác biệt, bởi Google không phải là nơi các trang báo tự nguyện cung cấp thông tin. Trong khi đó, Facebook lại là nơi các hãng tin tức sẵn sàng đăng tải nội dung, thậm chí còn giúp gia tăng lượt xem, lượt tương tác và doanh thu quảng cáo. Tuy Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng Facebook đã quá ngạo mạn với quyết định này, nhưng Facebook có lí do của mình khi tin rằng lợi nhuận mà trang mạng xã hội có được từ các tin tức là không đáng kể, thậm chí còn góp phần tạo ra 5,1 tỷ lượt giới thiệu miễn phí cho các tổ chức tin tức, với ước tính là 407 triệu đô la Úc.


Trước thông tin trên, Bộ trưởng Di sản của Canada Steven Guilbeault đã cho rằng động thái này của Facebook là “vô trách nhiệm cao độ” và khẳng định, chính phủ Canada cũng sẽ sớm công bố dự luật này trong thời gian sắp tới. Trong khi đó, chính phủ Anh cho biết điều quan trọng trong thời điểm đại dịch là công chúng có thể tiếp cận tin tức và thông tin chính xác. Một tuyên bố của chính phủ nước này cho biết: “Chúng tôi khuyến khích Facebook và chính phủ Úc làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp” thay vì áp dụng sự độc quyền.


Ngọc Hân | Advertising Vietnam